Đứng trước nhiều lựa chọn, nhiều vấn đề mới chúng ta thường dễ chọn cách trì hoãn hay né tránh.
Chọn chơi game thay vì làm bài tập. Chọn lướt mạng xã hội thay vì tập một bài tập yoga. Chọn xem phim thay vì một video dạy kỹ năng mới.
Trì hoãn hiểu đơn giản là ta không làm cái việc mà đáng lẽ ra phải làm. Và dù biết rằng, cái việc mà ta không làm ngày hôm nay và làm bù vào ngày mai, ngày mốt có thể nó sẽ tạo ra hậu quả lớn hơn, nhưng ta vẫn không làm.
Ta biết là cần phải tập thể dục, cần phải vận động để có được sức khoẻ tốt hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Rất nhiều người khuyên ta nên tập thể dục mỗi ngày, có rất nhiều lợi ích từ việc tập thể dục, và bản thân ta cũng biết là tập thể dục có rất nhiều lợi ích, không tập thể dục thì có những tác hại nguy hiểm như là thừa cân, nhưng ta vẫn lựa chọn trì hoãn.
Nhưng trì hoãn không có nghĩa là những vấn đề đó sẽ biến mất, mà chúng sẽ vẫn ở đó và rồi sẽ quay trở lại cuộc đời ta với một hình thức còn đáng sợ hơn nữa.
Ví dụ: Công việc ta cần làm, nếu cứ tiếp tục trì hoãn thì chúng sẽ nhân đôi lên về khối lượng về sau. Trì hoãn tập thể thao chỉ khiến cho sức khoẻ càng ngày càng đi xuống. Trì hoãn việc không đầu tư nâng cấp bản thân, cập nhật thêm những kiến thức mới, khiến ta tụt lại phía sau cả những đồng nghiệp trẻ hơn mình.
Suy cho cùng, chúng chỉ đang nhường lại những khó khăn đó cho tương lai. Rồi độ khó của những sự việc đó sẽ tăng lên dần, và bản thân ta cũng sẽ là người nhận lấy mọi hậu quả.
Chỉ vì chưa có được khả năng tự chủ, dễ bị cám dỗ bởi những tư duy ngắn hạn, chỉ vì cái lợi ở trước mắt là những giây phút giải trí, nuông chiều bản thân, mà nhiều người đã chọn trì hoãn cho những công việc mang lại giá trị về lâu dài.
Và ngay cả chính bản thân tôi cũng đã từng nhiều lần trì hoãn. Tôi đã tự hỏi bản thân mình rất rất nhiều lần rằng: “Tại sao tôi không đạt được mục tiêu của chính mình?” Điều gì đã khiến tôi gặp phải thất bại đối với những mục tiêu đặt ra.
3 năm trước đây, tôi đọc được một lời khuyên dành cho những ai muốn bắt đầu tạo một thói quen mới.
“Start small- bắt đầu từ những bước nhỏ.”
Tôi không tin nhiều vào điều đó, chỉ những hành động nhỏ thì làm sao có thể tạo nên một thói quen được. Bởi đối với những thói quen trước đây, tôi đã cố gắng rất nhiều và mệt mỏi ra sao mà vẫn bỏ cuộc, vẫn không theo được đến cùng, thì huống hồ gì là những hành động nhỏ thì làm sao có hiệu quả được chứ.
Ví dụ trong trường hợp của tôi là: Đi tập yoga. Chỉ có đi hoặc không đi.
Việc tập yoga thật sự có quá nhiều rào cản trước khi bản thân có thể thật sự đặt chân được tới phòng tập. Bởi vấn đề của việc tập yoga không nằm ở hành động tập, mà nằm ở việc chúng ta phải vượt qua được tất cả những rào cản để tới được phòng tập trước đã. Vậy “rào cản” ở đây là gì?
Phải dành thời gian để tập ít nhất cũng phải 1 tiếng mỗi ngày.
Phải có đồ tập: quần áo, thảm tập,,,
Phải đi từ nhà ra phòng tập, gần thì vài phút, xa thì cũng mất nửa giờ đồng hồ.
Phải show cơ thể trước nhiều người, không thoải mái trước ánh nhìn của những người xung quanh.
Và chưa hết.
Tập xong thì lại phải tắm rửa thay đồ.
Tập xong thì tinh thần thoải mái, dễ buồn ngủ, mà làm sao ngủ được, khi còn cả đống việc phải làm.
Tôi nghĩ, bất cứ một ai cũng sẽ có thể hiểu được tầm quan trọng của việc tập thể dục thể thao. Và nếu ai đã từng rèn luyện thể thao trong một thời gian dài, đều sẽ cảm nhận được sự sung sướng và sảng khoái từ việc luyện tập.
Và tôi cũng biết chứ. Nhưng suốt khoảng thời gian đó, tôi vẫn không thể bắt đầu việc đi tập được, bởi bất kì điều gì cũng có thể trở thành lý do để tôi trì hoãn.
Tối qua ngủ muộn quá, hôm nay đi làm mệt quá, nên không đủ sức khoẻ để đi tập. Hôm nay trời mưa rồi, thôi để mai hẵng tập. Thôi mai là cuối tuần rồi, để tuần sau luôn hãy bắt đầu. Những suy nghĩ này cứ thế làm cho tôi càng cảm thấy nhụt chí, và dần dần cất cái ý tưởng đó chỉ tồn tại trong đầu tôi mà thôi.
Trong cuốn “Atomic Habits” của tác giả James Clear có nhắc đến phương thức nếu muốn thay đổi một thói quen hay tạo thói quen mới, sẽ đều phải bắt đầu từ sự thay đổi hành vi. Tác giả đã đưa ra mô hình của 3 cấp độ thay đổi hành vi: căn tính, hành động và kết quả.
Bước đầu tiên là thay đổi căn tính
Căn tính là cách mà ta tự nhận định và định nghĩa về bản thân. Cách định hình bên trong tâm trí và tư duy của cá nhân mỗi người.
Muốn thành công hãy tư duy như một người thành công, muốn hạnh phúc hãy tư duy như một người hạnh phúc, hay còn gọi là phương thức tư duy ngược.
Việc quyết định con người mình muốn trở thành (be), là điều kiện đầu tiên và cần thiết nhất để có được trong tay những gì mà chúng ta mong muốn (have).
Bước thứ hai đó là hành động
Bởi nếu chỉ dừng lại ở những suy nghĩ và niềm tin thôi thì chưa đủ, để hiện thực hoá được tư duy đó, chúng ta bắt buộc phải hành động.
Khi ta muốn giảm cân. Ta luôn muốn tìm cách giảm cân nhanh nhất. Lịch trình tập luyện hiệu quả nhất. Ta luôn mong muốn tìm kiếm những điều hoàn hảo nhất cho cuộc sống của mình. Đôi khi vì ta quá mãi mê tìm kiếm những thứ tốt nhất. Mà ta lại quên mất việc phải bắt tay vào hành động. Điều đó dẫn đến những thất bại.
Vì thế đừng bắt buộc bản thân phải tìm kiếm những điều hoàn hảo nhất. Mà thay vào đó là hãy bắt tay vào thực hiện từng bước nhỏ. Tạo thói quen lặp lại mỗi ngày.
Hành động chính là con đường duy nhất để những định nghĩa về căn tính của bản thân ta có thể hiện thực hoá được.
Nếu như không dám vất vả, không dám nỗ lực và đổ mồ hôi vì những gì mình thật sự khao khát, thì những gì mà căn tính khẳng định sau cùng sẽ chỉ là một sự trống rỗng mà thôi.
Những hành động tích cực được lặp lại đều đặn mỗi ngày (hay còn gọi là thói quen), dần dần sẽ tạo nên được sự kết nối giữa hiện thực và ước mơ, đưa ta chạm gần hơn với một bản dạng con người mới, lành mạnh hơn và trọn vẹn hơn.
Cũng như Aristotle nhà khoa học và triết gia người Hy Lạp, là một trong hai người trí thức vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại, đã từng viết: “Chúng ta chính là những gì được mình lặp đi lặp lại nhiều lần”.
Hãy sẵn sàng xắn tay vào làm việc gì đó, nỗ lực để duy trì việc này trong một khoảng thời gian. Những việc khó ấy sẽ dần trở thành dễ, trở thành những thói quen hàng ngày, và trở thành một phần con người bạn.
Hãy sẵn sàng trì hoãn những ham muốn nhất thời, lựa chọn cách nói “không” mỗi khi tâm trí muốn “trì hoãn” và viện ra những lý do cho những thỏa mãn nhất thời đó.
Hãy bắt đầu bằng cách tập nhìn xa hơn. Đừng để những vui sướng hay khó khăn trước mắt đưa ra lựa chọn thay cho ta, mà hãy học cách nhận biết tầm ảnh hưởng lâu dài của những hành động, và ý nghĩa của chúng với cuộc sống của ta sau này.
Khi nhìn nhận lại những thói quen ta đang có ở hiện tại. Dù tốt hay xấu, thì những thói quen đó không phải chỉ xuất hiện một ngày hay một bữa, mà chúng đã được hình thành bởi những hành động nhỏ và lặp lại thường xuyên.
Vậy thì việc ta mong muốn có thể tạo được thói quen mới chỉ trong vài ngày là điều không thể nào có thể xảy ra được. Thói quen thì không thể tạo ra được chỉ trong 1-2 ngày. Nó đòi hỏi cả một quá trình.
Vì thế để có thể bắt đầu xây dựng một thói quen mới. Ta hãy chia nhỏ hành động đó ra để có thể dễ dàng thực hiện.
Ví dụ tôi muốn đặt mục tiêu tập yoga 1 tiếng mỗi ngày, thì tôi sẽ bắt đầu với những cái dễ dàng trước. Đó là đi tới phòng tập và tập 30 phút thôi, chủ yếu là tôi muốn tạo thói quen đi đến phòng tập trước đã. Khi đã tạo được thói quen đến phòng tập rồi, thì dần dần tiến tới mục tiêu 1 tiếng mỗi ngày. Và tôi của hiện tại đã duy trì được thói quen tập yoga 4 giờ/tuần đều đặn trong 3 năm nay.
Tự kiểm soát bản thân là hoàn toàn có thể được nuôi dưỡng và phát triển trong tương lai. Nó cũng giống như một bó cơ, có thể được trở nên khỏe mạnh và linh hoạt hơn, nếu như bạn chủ động rèn luyện nó mỗi ngày.
Có thể nói, đó là sức mạnh thật sự của những hành động.
Hãy lập kế hoạch từng bước cụ thể (khi nào, ở đâu, như thế nào) để có thể rèn luyện được thói quen đó. Việc lập kế hoạch cụ thể từng thời điểm cho thói quen có một thời gian và không gian. Chỉ cần đến thời điểm ta sẽ tự khắc thực hiện theo kế hoạch đó. Việc ta cần làm là đi theo đúng kế hoạch đã lập ra.
Thay vì phải suy nghĩ xem hôm nay ta sẽ làm công việc gì? Hay hôm nay ta sẽ tập thể dục vào sáng hay tối? Điều này có thể giúp ta tránh được tình huống bản thân dễ rơi vào trạng thái lười biếng và trì hoãn.
. . .
.
.
.
.