Unlearn – Relearn, đôi khi cũng cần quên đi những gì đã học.
Văn hào Alvin Toffler đã từng nói: “The illiterate of the 21st century will not be those who cannot read and write, but those who cannot learn, unlearn, and relearn.” – Tạm dịch: “Người mù chữ của thế kỷ 21 sẽ không phải là những người không biết đọc và viết, mà là những người không thể học, quên đi và học lại”.
Tất cả chúng ta luôn học điều mới mỗi ngày và học là một quá trình không ngừng nghỉ. Nhưng unlearn lại là một câu chuyện khác. Unlearn giống như mảnh vườn cần dọn sạch cỏ dại trước khi trồng lứa cây mới, một ngôi nhà cần dọn dẹp bỏ bớt đi những đồ dùng cũ để có không gian cho những nội thất mới, một bức tường cần được cạo sạch lớp sơn cũ trước khi sơn mới.
Đó là sự loại bỏ hoàn toàn những ý nghĩ, niềm tin, giả định trước đó, để tạo nên một không gian rộng lớn cho những điều mới mẻ được len vào. Đó chính là khởi đầu cho sự học.
Tái tư duy trong nghề nghiệp
Quyết định rời bỏ lộ trình nghề nghiệp hiện tại là điều không dễ dàng. Vậy nên ta cần có một lối tư duy thực sự hữu ích cho việc cân nhắc các lựa chọn hay chuyển đổi trong nghề nghiệp, đó là lối tư duy của nhà khoa học.
Bước đầu tiên cần làm là khám phá những phiên bản khả thi khác của chính mình. Bắt đầu từ việc tìm hiểu về những người mình ngưỡng mộ, hoặc những lĩnh vực mà ta thấy hứng thú và mong muốn được trải nghiệm thử.
Bước thứ hai là xác định lại những hệ giá trị và kỹ năng, sở thích của chính mình, xem có phù hợp với phương hướng đó hay không.
Bước thứ ba là phương pháp tái định hướng nghề nghiệp thông qua việc bắt tay vào kiểm chứng từ thực tế.
Ví dụ như trải nghiệm, học việc, va chạm thực tế để cảm nhận rõ hơn về lựa chọn mà mình muốn theo đuổi. Mục tiêu ở đây là không cần quá cứng nhắc trong việc phải chọn ra một kế hoạch hoàn hảo, mà chỉ là ta đang mở rộng thêm những giới hạn, lựa chọn của bản thân mà thôi.
Tái tư duy trong tình yêu
Và trong chuyện tình yêu cũng vậy. Ta cũng cần dành thời gian để tái tư duy chính mình trong tình yêu.
Phải chăng có đôi lúc mặc dù ta đang cảm thấy hạnh phúc trong một mối quan hệ, nhưng ta vẫn luôn không ngừng tự hỏi: Liệu đây có phải là một nửa của mình không? Mình có muốn cùng họ đi xa hơn nữa hay không? Vậy đâu là nguyên nhân?
Có phải chỉ vì ta đang bị kẹt lại trong tư duy năm 18 tuổi về hình mẫu bạn đời mà mình sẽ kết hôn. Một người bạn đời hoàn hảo, điềm tĩnh, chín chắn, trưởng thành. Trong khi đối tượng mà ta đang yêu là người có tính cách vui vẻ, phóng khoáng, yêu tự do và sự phóng khoáng. Khác xa với khuôn mẫu ta đặt ra. Vậy nên dù vẫn yêu, nhưng sâu bên trong ta luôn có 1 phần nào đó không thể chấp nhận được.
Và đây chính là thời điểm tốt nhất và lý tưởng nhất mà ta cần tái tư duy.
Cả một quá trình trưởng thành ta sống với hình dung về người bạn đời tương lai năm 18 tuổi, mà không hề quan tâm đến việc hiện tại bản thân ta cũng đã thay đổi nhiều như thế nào sau ngần ấy năm trôi qua. Ta suy nghĩ về người bạn đời lý tưởng từ thời niên thiếu và cho đến tận ngày hôm nay ta cũng chưa bao giờ lắng lại để dành thời gian suy nghĩ lại về nó.
Hạnh phúc là ở hiện tại, ngay tại đây và ngay lúc này.
Khát khao về một hình mẫu lý tưởng có thể là do bản ngã của ta đang phóng chiếu lên mà thôi. Có thể đó cũng là khát khao về mẫu người mà ta mong muốn trở thành và rồi bản ngã vô tình phóng chiếu lên nửa kia.
Trân trọng đối phương, trân trọng người trước mặt. Đó là khoảnh khắc ta nhận ra tham vọng và lý tưởng về người bạn đời hoàn hảo sẽ không còn quan trọng với ta như trước đây nữa.
Thẳng thắng và thoải mái chia sẻ với nhau về mẫu bạn đời mà chúng ta từng tưởng tượng. Và sau tất cả nếu có thể chấp nhận con người của nhau, thì cả 2 sẽ cùng nhau đi tiếp chặng hành trình. Rồi ta sẽ tìm thấy niềm vui khi đã có thể từ bỏ đi hình mẫu quá khứ và dành trọn không gian hiện tại cho con người trọn vẹn của nhau. Thoải mái và đón nhận mọi trải nghiệm mà mối quan hệ sẽ đem lại.
Một mối quan hệ thành công đòi hỏi việc cả 2 phải tái tư duy đều đặn.
Đôi khi là bắt đầu từ những thứ đơn giản và nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hằng ngày như việc dành thời gian để tìm hiểu sở thích của đối phương. Dành thời gian để lắng nghe những chia sẻ, tâm tư, những góc nhìn của đối phương trong cuộc sống.
Thử một lần bước chân vào thế giới của đối phương, một lần đặt mình vào vị trí của họ, bỏ qua những định kiến, phán xét, dành trọn vẹn sự hiện diện để có thể lắng nghe và thấu hiểu họ.
Hay đôi khi là sẵn sàng làm những công việc để có thể hỗ trợ và nâng đỡ cho một nửa của mình.
Khi chúng ta sẵn lòng cập nhật suy nghĩ của bản thân về mẫu người bạn đời mình mong muốn, là ta đang trao cho người ấy sự tự do phát triển. Cũng đồng nghĩa với việc ta sẵn sàng cởi mở, chấp nhận và cho phép con người mà họ có thể trở thành trong tương lai.
Đó chính là những yếu tố góp phần làm cho mối quan hệ đơm hoa kết trái.
Tái tư duy trong tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời
Các nhà tâm lý học nhận thấy rằng khi càng coi trọng hạnh phúc, người ta càng trở nên ít bằng lòng với cuộc sống của mình.
Và nếu ta không cẩn thận, thì việc theo đuổi hạnh phúc có thể trở thành một con đường toàn những khổ đau. Chúng ta luôn mong mỏi một điều gì đó trong tương lai mà quên mất việc ta cần làm là trải nghiệm nó ngay ở hiện tại này đây.
Thay vì tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ ở hiện tại, ta lại luôn không ngừng đặt câu hỏi về việc làm sao để mình có thể hạnh phúc hơn nữa. Cuộc sống là thứ lành mạnh hơn hạnh phúc. Khi theo đuổi hạnh phúc, chúng ta thường bắt đầu bằng việc thay đổi môi trường xung quanh. Chúng ta trông đợi sẽ tìm thấy bình yên ở một nơi nào đó trong tương lai chứ không phải là ở hiện tại.
Nếu như ta không vui, không hạnh phúc thì dù ta có sống ở bất cứ quốc gia nào đi chăng nữa, ta vẫn sẽ không hạnh phúc. Ta chỉ đang mang nỗi buồn từ nơi này sang nơi khác mà thôi.
Bởi hạnh phúc hay không là do chính bản thân mình, chứ không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài hay môi trường xung quanh. Môi trường không biến ta thành một người hạnh phúc, ta vẫn là chính ta trong môi trường đó.
Như Ernest Hemingway đã viết: “Bạn không thể nào chạy trốn khỏi bản thân bằng cách di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác”.
Trong khi đó, chi cần thay đổi hành vi, thái độ, tư duy, góc nhìn, thói quen mới mang lại những trải nghiệm lâu dài.
Hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc nhiều vào những việc chúng ta làm hơn là nơi chúng ta sống.
Chính hành động của chúng ta chứ không phải mỗi trường xung quanh – mang lại cho chúng ta ý nghĩa và cảm giác thuộc về một nơi nào đó. Hành động quyết định hạnh phúc. Và hạnh phúc sẽ được tìm thấy trên con đường đi.
Thay vì tìm kiếm một công việc khiến mình hạnh phúc, tốt hơn chúng ta nên theo đuổi một công việc giúp bản thân học hỏi và cống hiến được nhiều nhất. Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng đam mê thường là thứ được phát triển mà có, không phải thứ có sẵn để khám phá. Niềm yêu thích công việc đôi khi là kết quả của những nổ lực và kỹ năng.
Bằng việc đầu tư vào sự học hỏi và giải quyết vấn đề, chúng ta có thể vun đắp đam mê của mình, và từ đó xây dựng những kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng công việc và hướng đến một cuộc đời mà ta cho là đáng giá.
Càng va chạm, càng trưởng thành, nhìn rõ hơn về mọi thứ, hiểu rõ hơn về quy luật của cuộc đời. Đến một lúc nào đó, ta nhận ra mình có nhiều thứ để cho đi (và ít thứ để mất) hơn, và ta đặc biệt hứng thú với việc chia sẻ kiến thức và kỹ năng cho những người xung quanh.
Sự nghiệp, mối quan hệ và cộng đồng là những ví dụ của khái niệm mà các nhà khoa học gọi là hệ thống mở. Chúng luôn vận động, tiến hóa không ngừng trước môi trường biến động xung quanh.
Hệ thống mở sẽ bị chi phối bởi 2 nguyên tắc:
- Luôn luôn có nhiều con đường để đi đến cùng một đích.
- Cùng một xuất phát điểm có thể dẫn đến nhiều kết cuộc khác nhau.
Chúng ta nên cẩn thận tránh việc bản thân quá bám chấp vào một hướng đi hay đích đến cụ thể. Hãy luôn nhớ rằng không có một định nghĩa duy nhất về sự thành công hay một con đường duy nhất dẫn tới hạnh phúc.
.
Tái tư duy, quá trình unlearn, quên đi, học lại, đòi hỏi ta sẽ cần nhiều sự nổ lực, bởi khi ấy những quan điểm, hệ thống niềm tin cũ, những điều ta từng biết, từng tin, từng hiểu sẽ đồng loạt bị thách thức hơn bao giờ hết.
Nhưng đừng bao giờ dừng lại hay vì thế mà thu mình lại trước thế giới đầy biến động và không ngừng thay đổi này. Hãy luôn giữ cho bản thân sự tò mò và cởi mở, không ngừng đặt câu hỏi trước những điều mới mẻ và kể cả những điều vốn đã quen thuộc cũng vậy.
Đừng để bản thân kẹt lại trong những định kiến, những giới hạn, và những thói quen cũ, bởi sự lặp đi lặp lại của những thói quen và suy nghĩ và hành vi cũ chính là lối mòn trong việc tiếp thu cái mới và định hướng phát triển bản thân.
.
.
.