Làm sao để có thể vượt qua được định kiến và giao tiếp với những người mà chúng ta đã có ấn tượng xấu trước đó?
Thông thường chúng ta sẽ làm gì để giao tiếp với những người chúng ta có ấn tượng xấu?
Chúng ta có thể sẽ lờ đi và hợp lý hoá rằng họ không hợp với mình đâu, để rồi chúng ta không cố gắng cho mối quan hệ đó nữa. Dù rằng những khó khăn đó nó chỉ đến từ một vài trải nghiệm đầu tiên mà thôi. Một thái độ bảo thủ, không khiêm nhường sẽ ngăn cản ta trên con đường tiếp cận tri thức mới của nhân loại. Tái tư duy chắc chắn sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới đầy biến động như hiện nay.
Tái tư duy, think again, dám nghĩ lại, unlearn, quên đi…v.v. Là việc suy nghĩ lại, cân nhắc lại những định kiến, quan điểm cũng như kiến thức của bản thân để thoát ra khỏi lối mòn tư duy định đã được định sẵn. Thậm chí nếu cần thiết ta cũng nên quên đi hết những gì đã học.
Bên cạnh khái niệm học (learn), có 2 khái niệm vẫn thường được nhắc đến, đó là:
• Unlearn: Loại bỏ (một cách có nhận thức), đập đi và tái tạo những tư duy, hành vi từng hiệu quả trong quá khứ nhưng không còn phù hợp nữa, để tiếp nhận các thông tin mới, hướng tới những hành vi và quyết định hiệu quả.
• Relearn: Học lại, tiếp tục thẩm thấu những kiến thức mới.
Trong nghiên cứu giáo dục, khái niệm Unlearn được đề cập từ rất sớm, trong khoảng đầu thế kỷ XXI, nhà tương lai học người Mỹ Alvin Toffler đã góp phần phổ cập các khái niệm này qua câu nói nổi tiếng:
“Người mù chữ của thế kỷ XXI không phải là người không biết đọc và không biết viết, mà là người không có khả năng học tập, không có khả năng quên đi những gì mình đã học và không có khả năng học lại”
Khi được hỏi: “Học là gì?”
Osho đã từng trả lời rằng: Học không phải chỉ là kiến thức. Học đã trở nên bị đồng nhất quá mức với kiến thức – nó trái ngược hoàn toàn với kiến thức.
Một người càng có nhiều kiến thức thì khả năng học càng giảm đi. Như vậy, trẻ em có khả năng học hỏi cao hơn người trưởng thành. Và nếu những người trưởng thành cũng muốn là những người học hỏi mãi mãi thì họ phải liên tục quên đi những gì mình từng học được. Nếu ta thu thập kiến thức, không gian bên trong ta sẽ trở nên quá nặng nề với quá khứ. Ta gom góp quá nhiều vào cái nhà kho của chính mình.
Học chỉ xảy ra khi có không gian rộng rãi. Vẻ đẹp của trẻ em chính là chúng hoạt động ở trạng thái không biết gì cả. Đó là bí mật nền tảng của việc học: hoạt động ở trạng thái không biết gì cả. Xem, nhìn, quan sát, nhưng không bao giờ hình thành một kết luận nào cả.
Osho kết luận. Nếu bạn đã đạt tới một kết luận, việc học dừng lại. Nếu bạn đã biết, còn gì để học nữa đây?
Học là sẵn sàng lĩnh hội, học là sẵn sàng chịu tổn thương. Học là cởi mở.
Tái tư duy là cách ta nhìn lại những sai lầm của mình trong quá khứ và chỉ ra những vấn đề còn chưa chắc chắn ở hiện tại. Sẽ có đôi lúc cần thừa nhận rằng bản thân ta không biết mọi thứ.
1. Tái tư duy là buông bỏ định kiến
Định kiến: Đó là cách mà chúng ta hiểu sai những sự thật trong cuộc sống. Cách ta đưa ra giả thiết mà không qua kiểm chứng. Ta vẽ nên một câu chuyện để thuyết phục bản thân, nhằm củng cố cho một niềm tin cũ đã được hình thành từ rất lâu trong tâm trí.
Đôi khi niềm tin của con người giống như những lăng kính thực tại. Chúng ta sử dụng chúng để nhận thức và định hướng về thế giới xung quanh mình.
Điều này dẫn ta rơi vào cái bẫy của thiên kiến xác nhận (chỉ nhìn thấy những gì mình tin) hoặc thiên kiến mong chờ (chỉ nhìn thấy những gì mình muốn thấy), và thường tự tin quá mức về hiểu biết của mình.
Và nếu quá phụ thuộc vào những lăng kính đó, rồi đến một ngày khi cặp kính ấy vỡ đi, phơi bày ra một thực tế trần trụi đôi khi là phủ phàng. Lúc ấy mọi thứ trước mắt ta nhoè đi và phản ứng đầu tiên của ta là phòng vệ, kháng cự, từ chối chấp nhận thực tại.
Thay vì học cách đối diện và thử nhìn qua một lăng kính khác. Chúng ta lại cố tìm thêm nhiều cách khác nhau chỉ để củng cố thêm cho niềm tin cũ kĩ của chính mình. Ta làm mọi cách nhằm có thể đánh lừa tâm trí, sao cho có thể tìm ra được góc nhìn mà ở đó chúng ta có thể vẫn giữ nguyên được những niềm cũ.
Nếu xét về mặt xã hội, một lý do khác nữa khiến các định kiến bám chặt đến vậy đó là con người có xu hướng thích tương tác với những người có cùng những định kiến với mình, chính điều đó lại càng khiến chúng ta ngày càng cực đoan hơn.
Cơ hội cho chúng ta chậm lại và quan sát những điều bất như ý trong cuộc sống với thiên kiến xác nhận, cái bẫy tâm trí mà chúng ta dễ mắc phải, chúng ta dễ nhìn cuộc sống bằng lăng kính nó phiến diện. Khi đã không thích điều gì đó rồi thì sẽ tìm mọi cách để chứng minh việc mà ta không thích là đúng và ta bỏ qua những lý do khác.
Tâm trí của chúng ta rất là nhanh và với sự nhanh đó nó có thể làm cho chúng ta mệt mỏi, nó có thể cho chúng ta ngắt kết nối với những người xung quanh, nó có thể làm cho chúng ta mất đi cơ hội để bước vào thế giới của người khác.
Tái tư duy cho ta động lực để nhìn lại những sự yêu ghét mà bản thân ta đã có trước đến nay.
2. Tái tư duy là quên đi
Tái tư duy (unlearn) là chủ động quên đi những điều chúng ta đã được học, những giả định của chúng ta về những thứ xung quanh, nhưng ở thời điểm hiện tại này chúng không còn thật sự hữu ích và mang lại nhiều giá trị nữa.
Unlearn cũng có nghĩa là những niềm tin cũ giờ đây không còn phù hợp cho chúng ta nữa.
Có thể ngày xưa tôi tin rằng một người tài giỏi là do họ năng khiếu tài năng bẩm sinh, và cho dù tôi có cố mấy cũng sẽ chẳng thể bì được. Nhưng khi tìm hiểu nhiều hơn, nghiên cứu nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn thì tôi nhận ra rằng những người tài năng và có được thành công thì họ đều phải nổ lực rất nhiều, kiên trì trong một khoảng thời gian rất dài, kèm theo đó là hàng ngàn giờ tập luyện có chủ đích và kế hoạch cụ thể. Đó là sự tổ hợp của rất nhiều những yếu tố khác nhau để tạo nên một thiên tài.
Trong đời sống hằng ngày, ta rất dễ để bỏ đi những vật dụng mà bản thân không còn nhu cầu sử dụng như: quần áo cũ, đồ dùng, vật dụng cũ… Hay việc cập nhật hệ điều hành mới cho máy tính, thậm chí kể cả việc liên tục đổi điện thoại mỗi năm dù rằng chiếc điện thoại cũ vẫn chưa hư hỏng gì.
Nhắc đến sự thay đổi có lẽ sẽ dễ dàng hơn khi bắt đầu từ những đồ vật, những thứ hữu hình, những thứ bên ngoài. Nhưng khi nói đến những thứ vô hình như tư duy, suy nghĩ của chúng ta thì lại là điều khó thay đổi hơn rất nhiều.
Vì khi chúng ta đã chấp nhận 1 điều gì rồi thì sẽ rất khó có thể thay đổi, bởi nó đã ăn sâu vào bên trong tiềm thức của chúng ta rồi.
Rào cản lớn ảnh hưởng đến việc tái tư duy đó chính là nỗi sợ.
Sợ mất hình ảnh của bản thân đã xây dựng trong một khoảng thời gian dài. Sợ mất niềm tin từ những người xung quanh. Sợ người khác không chấp nhận, vì họ đã quá quen với hình ảnh của ta từ trước đến giờ. Bởi sự thay đổi, những điều mới mẻ, sẽ gây nên cảm giác bất an và mệt mỏi.
Một phần việc giữ lại niềm tin cũ, giống như việc ta đang cố giữ hình ảnh chính mình. Thay đổi gây nên sự xáo trộn. Ta sợ thay đổi vì sợ đánh mất đi bản dạng của chính mình.
Thông thường ta có xu hướng kháng cự, không tiếp nhận những điều gì đó quá mới mẻ, quá khác với quan điểm của ta trước giờ. Giống như việc chúng ta dễ dàng chỉ ra lỗi sai trong lập luận của người khác, nhưng lại rất khó để nhìn thấy và chấp nhận những lỗi sai trong lập luận của chính mình.
Bởi xét về mặt sinh học, mỗi khi một niềm tin cũ của ta bị chất vấn, thì phần hạch hạnh nhân trong não sẽ rung lắc, báo động, và kích hoạt những cảm xúc vô cùng khó chịu như giận dữ, xấu hổ, và gây cản trở đến việc thay đổi suy nghĩ của chúng ta.
Để có thể thay đổi suy nghĩ và niềm tin cũ, sẽ cần rất nhiều sự nỗ lực. Và quá trình này thật sự không dễ dàng cho lắm.
Đó là lý do rất nhiều người trong chúng ta khó có thể chấp nhận, khó để thay đổi thậm chí kể cả những lúc ta biết rằng những niềm tin cũ đã không còn thực sự phù hợp nữa. Nhưng vẫn quyết giữ khư khư những niềm tin đó.
Ta thường dễ dàng tin vào một điều gì đó trong cuộc sống, nhưng đến khi có ai đó bất chợt hỏi rằng tại sao ta lại tin điều đó thì ta lại không có câu trả lời.
3. Tái tư duy là ngừng theo đuổi giấc mơ
Nhu cầu an toàn quá lớn, để rồi đôi lúc ta đánh mất đi ước mơ của chính mình. Tìm thấy ước mơ đã khó, trả giá để sống với ước mơ không hề dễ , nhưng bây giờ lại phải từ bỏ ước mơ. Vậy thì làm sao để có thể tìm lại được ước mơ đó đây?
Ước mơ năm 18 tuổi của ta có thể đã không còn phù hợp năm ta 28 tuổi. Vì lúc đó ta chưa hiểu lắm về bản thân mình, chưa có đủ những điều kiện hay nguồn hỗ trợ cần thiết, chưa có đủ những trải nghiệm hay những va vấp trong cuộc sống, để có thể biết được thực sự bản thân muốn gì.
Sẽ là may mắn nếu giấc mơ năm 18 tuổi vẫn còn phù hợp ở hiện tại. Nhưng nếu nó không còn phù hợp nữa thì sao? Bởi biết đâu có quá nhiều những trải nghiệm trong cuộc sống giúp ta học hỏi và có thêm được nhiều bằng chứng hợp lý, thuyết phục và đi ngược lại với niềm tin trước đây và chính những nguồn thông tin khác nhau buộc ta đứng trước sự lựa chọn thay đổi quyết định của mình.
Đôi khi tái tư duy là việc ngừng theo đuổi giấc mơ, vì có thể giấc mơ đó không còn phù hợp nữa rồi.
Dừng lại. Để đưa ra một lựa chọn hợp lý cho thời điểm hiện tại, một lựa chọn phù hợp hơn với cuộc sống, phù hợp hơn với ưu tiên của ta ngay giờ phút này.
Tái tư duy cũng cần nhiều nhóm kỹ năng, nhiều phẩm chất khác nhau. Đó có thể là sự khiêm tốn và can đảm để đối diện với những cảm xúc khó khăn khi bỏ đi những niềm tin cũ. Thừa nhận rằng mình cũng có những khiếm khuyết, vượt qua được sự xấu hổ, và đôi khi cũng cần kỹ năng biết đặt câu hỏi cho chính mình.
Thứ làm ta say mê tìm hiểu vào nhiều năm trước, giờ đây có thể đã nhàm chán. Và một lĩnh vực vô cùng khó hiểu với ta ngày hôm qua thì ngày mai biết đâu lại trở nên hấp dẫn.
Đam mê là thứ được phát triển mà có, không phải thứ có sẵn để khám phá.
Ta ở hiện tại nếu vẫn giống như ta của 1 năm về trước có lẽ điều này không sao, không quá nghiêm trọng. Nhưng liệu rằng 5 năm hay thậm chí 10 năm nữa mà ta vẫn không hề có sự thay đổi (tư duy, suy nghĩ, quan điểm, lối sống, nhân sinh quan thì đây là một điều vô cùng nguy hiểm.
Nó đồng nghĩa với việc ta vẫn không có sự thay đổi tiến bộ nào xuất hiện trong cuộc đời sau ngần ấy thời gian, ngần ấy va vấp, ngần ấy những bài học. Không có lấy bất cứ một niềm tin mới nào lọt vào, ngoại trừ sự củng cố của niềm tin cũ ngày một nhiều hơn.
4. Tái tư duy là khi phải thừa nhận rằng cái tôi của ta phải có sự đổi mới
Dành thời gian để nhìn lại quá khứ, xem xét những nhận định và thừa nhận những lỗi sai của chính mình.
Sự đổi mới này có thể đến từ những niềm tin mới, trải nghiệm mới, bằng chứng mới xác thực, thuyết phục, và hữu ích hơn. Đồng thời hãy thường xuyên trao đổi và chia sẻ những góc nhìn mới về cuộc sống với những người xung quanh.
Con người quá khứ của tôi, quá bám chấp vào điều mình biết. Giờ đây đã có thể hứng thú với việc khám phá những điều mình chưa biết.
Bằng cách tách biệt bản thân của hiện tại với bản thân của quá khứ, tách biệt quan điểm của bản thân với căn tính của mình.
“Thấy mình sai là cách duy nhất để tôi chắc chắn rằng mình đã thật sự học hỏi”.
– Danny
.
Sau khi cố gắng cân bằng giữa công việc văn phòng và công việc kinh doanh. Tôi nhận ra công việc 9-5 hiện tại đã đạt tới độ bão hoà về cơ hội học hỏi và cả về lối sống. Nên tôi quyết định dừng lại và kết thúc công việc đó trong sự ngỡ ngàng và tiếc nuối của những người xung quanh.
Tôi đã chấp nhận căn tính quy ước quá sớm và mất nhiều thời gian leo thang cam kết với công việc trước đây của mình.
Khoảng thời gian sau đó tôi dành để nghỉ ngơi, cũng như cho phép bản thân được đừng lại để chiêm nghiệm về hành trình mình đã đi qua.
Tôi cũng đã mạnh dạn tái tư duy và rõ ràng hơn về con đường sự nghiệp mà mình muốn đi, về việc muốn trở thành ai, trở thành như thế nào.
Sau 4 năm kể từ khi công việc kinh doanh đầu tiên của tôi kết thúc. Tôi đã quyết định khơi lại máu kinh doanh vốn có. Tôi góp vốn đầu tư với một người bạn. Bên cạnh đó tôi cũng tìm được cho mình một công việc vừa mang lại thu nhập nhưng cũng vừa mang lại niềm say mê vì được cống hiến cho cộng đồng mỗi ngày.
E. L. Doctorowl từng nói: “Viết ra kế hoạch cuộc đời mình giống như lái xe trong đêm mù sương. Đèn pha chiếu đến đâu bạn nhìn thấy được đến đó, nhưng bằng cách đó bạn có thể đi hết cuộc hành trình”.
Việc tái tư duy không có nghĩa là ta phải dừng lại và bắt buộc thay đổi toàn bộ kế hoạch cuộc đời mình.
Nhưng tái tư duy không đồng nghĩa với việc ta buộc phải bỏ hết toàn bộ công việc hay kế hoạch hiện tại. Đôi khi có những người vẫn yêu thích công việc mình đang làm, chỉ là có một số điểm nhỏ trong đó mà họ chưa thật sự hài lòng. Hay thậm chí có những người vì gánh nặng kinh tế gia đình, vì những lý do nào đó họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài công việc hiện tại….v.v.
Và rất nhiều những lý do khác nữa. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Nhưng dẫu có thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn luôn nắm trong tay quyền quyết định, quyết định cuộc đời mình, quyết định hạnh phúc của chính mình. Bằng cách có thể tạo ra những điều chỉnh nho nhỏ thông qua việc điều chỉnh hoạt động công việc hằng ngày để thích ứng tốt hơn với các giá trị, sở thích và kỹ năng của riêng mình.
Tái tư duy về việc ta thật sự là ai chính là một tiến trình lành mạnh cho tâm trí, miễn là ta có thể kể câu chuyện mạch lạc về bản thân, từ con người quá khứ tới con người hiện tại.
Khi ta có cảm giác cuộc sống của mình đang chuyển hướng là ta đang trong quá trình thay đổi bản thân, và ta sẽ dễ dàng từ bỏ những niềm tin ngờ nghệch mà mình từng giữ khư khư trước đó.
Đó là cách làm mới cuộc sống hằng ngày, một cuộc sống bắt đầu có nhiều màu sắc và thú vị hơn.
Nhà sáng lập Bridgewater Ray Dalio, từng nói: “Nếu bạn không nhìn lại mình và thốt lên, ôi một năm trước mình mới ngô nghê làm sao. Thì có vẻ như bạn chẳng học hỏi thêm được là bao trong một năm qua”.
.
.
.
.
.
.