Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
timing

Timing

Posted on 16/05/202410/05/2024 by admin

4 năm trở lại đây tôi đọc rất nhiều sách, tham gia nhiều khoá học về chủ dề thấu hiểu và phát triển bản thân, tôi thực hành thiền, rèn luyện bằng nhiều cách khác nhau. Để rồi cũng từng đặt ra cho chính mình những câu hỏi, đâu là điểm dừng trên con đường thấu hiểu và phát triển bản thân của mình đây?

Đó là khi tôi nhận ra trước đến nay mình sống vội quá, vội trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Và nếu muốn hiểu mình nhiều hơn thì mình cần phải chậm lại, chậm không có nghĩa chỉ nói về tốc độ, mà là nói về cách sống và tương tác hằng ngày.

Ngày trước khi bản thân muốn có nhiều thông tin, nhiều kiến thức, muốn kết nối nhiều bạn bè, muốn có thêm nhiều mối quan hệ, mà chẳng hề nhận ra đó là lúc mình liên tục củng cố cái tôi bản thân bằng nhiều lớp vỏ bọc, nhiều mặt nạ liên tục chồng chéo nhau. Giai đoạn đó tôi dành rất nhiều thời gian để hướng ra bên ngoài, để không ngừng kết nối và duy trì mối quan hệ mà không có thời gian cho chính mình, cho môi trường bên trong, không có thời gian để dừng lại và ý thức được những điều mình đang làm.

Tôi biết là bản thân đang muốn làm mọi thứ tốt hơn, nhưng lại không biết tốt hơn về điều gì, tôi lại không trả lời được. Đến khi dừng lại thì cũng không còn nhận ra chính mình nữa, bởi vì tất cả những gì tôi có, tôi nhận thức và gán lên chính tôi đều là có từ những người xung quanh, từ môi trường bên ngoài.

Mình có đang nhanh quá không?

Mình có đang vội vàng quá không?

Mình đang làm những điều này để làm gì?

Những điều này có giúp mình kết nối với mình nhiều hơn không, giúp mình sống sâu và bình an hơn không?

Điều mà tôi thấy ở những bạn trẻ ngày nay họ dành thời gian để sống trên điện thoại hơn là sống trong thế giới thực này. Nhưng làm sao trách được, thời đại công nghệ phát triển mà, đưa con người kết nối với nhau dễ dàng hơn, người ta có thể cô đơn trong thế giới thực, nhưng thế giới online thì không, facebook họ vẫn có thể có hàng ngàn bạn bè, khắp nơi trên thế giới là đằng khác. Thế giới giờ đây, mọi chuyện diễn ra và thay đổi nhanh chóng, bao nhiêu sự việc diễn biến liên tục trên không gian mạng, mà chỉ cần mình lơ là vài phút thôi là đã đánh mất hàng ngàn điều thú vị.

Nên ngày trước cứ muốn kết nối thật nhiều, trào lưu nào, tin tức nào mới nhất cũng phải biết, để ai nói đến tin tức nào thì mình cũng biết mà chém gió theo, sợ nếu không biết thì bị nói là quê mùa, là không theo kịp thời đại.

Bây giờ lại thấy hoá ra không cần cái gì cũng phải biết. Thậm chí, biết càng ít chuyện càng hay hơn. Những thời điểm tôi không online facebook, không xem tivi, không đọc báo, thậm chí không dùng điện thoại…lại là những lúc tôi thấy dễ chịu và thoải mái nhất. Như đợt có lần facebook sập nguồn tận 15 phút đồng hồ, thế giới chao đảo, người người dậy sóng, còn tôi thì chẳng bị ảnh hưởng gì nhiều.

Chỉ khi dừng lại tôi mới có thể nhìn sâu và kĩ hơn điều gì đang thật sự diễn ra trong mọi khía cạnh cuộc sống: cảm xúc, suy nghĩ dẫn đến những quyết định và hành động. Khi bắt đầu nhận ra được những điều đó và bắt đầu hỏi những câu hỏi thường xuyên, đó là lúc tôi bắt đầu chậm lại, chậm lại trong cách sống, ăn uống, sinh hoạt, giao tiếp, kết nối, lắng nghe, trò chuyện và cũng bắt đầu thấy mình nhiều hơn.

Thực hành ăn chay. Buông bỏ nhiều hơn, buông bỏ một vài mối quan hệ. Buông bỏ kỳ vọng hình ảnh bản thân mình muốn xây dựng bấy lâu nay tôi cũng dần buông bỏ, càng buông bỏ tôi nhận ra mình có nhiều không gian cho sự tự do hơn và dần thấy mình chậm lại trong nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, cảm xúc, hành vi, thói quen, chất lượng cuộc sống.

Hiểu hơn khái niệm về thời gian.

There is no time. Không có yếu tố về thời gian, một trong những điều làm con người đau khổ là luôn tin rằng có thời gian. Thời gian là một khái niệm về mặt tâm lý, chứ không phải khái niệm về sự thật, không cầm nắm được, không phải là chân lý, chỉ là sản phẩm được tạo ra bởi tâm trí con người.

Ví như thời nguyên thuỷ không tồn tại khái niệm về thời gian, nhưng qua sự tiến hoá của con người, chúng ta dần gán khái niệm ngày có 24 giờ. Thời gian được tạo ra là để nhìn mùa màng, gieo hạt. Nhưng khi con người có khái niệm về thời gian, chúng ta bắt đầu sống vội, luôn căng thẳng không thoải mái vì nghĩ rằng mình không còn thời gian nhiều.

Quá khứ và tương lai không có thật, chỉ có hiện tại. Ví như khi nghe ai đó hứa hẹn vào tương lai, tạo cho mình cảm hứng, sự háo hức khi nghĩ về tương lai đó, để rồi bản thân quên sống trong hiện tại. Thật ra mình phải làm tốt nhất ở hiện tại thì tương lai mới đến được. Hiểu được thế bản thân không còn vội vàng trong tất cả mọi thứ.

Các nhà khoa học đều cho rằng thời gian là tuyến tính, nó di chuyển theo đường thẳng. Trong khi Heraclitus từng khẳng định rằng thời gian luôn dịch chuyển theo đường tròn, giống như vòng quay của bánh xe vậy. Hẳn phải có nguyên do nào đó thì Heraclitus mới nhận định điều đó. Chỉ những người có cái nhìn tổng thể, hiểu được bản chất nội tâm mới cho rằng thời gian là bánh xe, nó không theo đường thẳng mà theo đường tròn.

Tâm trí khoa học là tâm trí mang tính cụ thể, chuyên biệt. Vậy nên các nhà khoa học sẽ chỉ nhìn thấy từng phần, chia tách thành từng phần nhỏ, họ nhìn rõ ràng vào từng chi tiết từng nguyên tử, mà không nhìn thấy cái tổng thể. Nhưng một khi tầm nhìn trở nên rõ ràng và tập trung thì đồng nghĩa với việc đối tượng đó sẽ càng ngày càng nhỏ đi. Khi nhìn thấy một phần nhỏ của một đường tròn, thì chúng cũng sẽ trông giống như một đường thẳng. Nhưng nếu tiếp tục kéo dài đường thẳng đó, thì cuối cùng chúng sẽ trở thành một đường tròn, bởi vì chúng ta đang ở trên một trái đất hình cầu, làm sao có thể vẽ một đường thẳng trên một hình cầu. Do đó, tất cả các đường thẳng đều chỉ là những phần nhỏ, phần nhỏ của một đường tròn lớn. Khoa học không nhìn thấy cái tổng thể, nên cho rằng thời gian di chuyển theo tuyến tính. Khoa học chỉ nhìn thấy từng cây, mà không nhìn cả khu rừng.

Tôn giáo nhìn thấy cái tổng thể, tôn giáo nhìn thấy cả khu rừng. Tất cả các chuyển động đều theo hình tròn. Mọi thứ chỉ di chuyển theo hình tròn, chúng chỉ di chuyển chứ không đi đâu cả. Khi có thể hiểu được như thế thì việc đạt đến nơi nào đó trong tương lai sẽ trở nên vô ích, bởi vì tương lai rồi cũng sẽ trở về và nối tiếp với hiện tại. Vì vậy thay vì chờ đợi vào một khoảnh khắc ở tương lai, sao không trân trọng hiện tại trước mắt này đây.

Osho từng nói: Người có tín ngưỡng phải là người bình thường một cách phi thường trong cuộc sống, không chống lại cái tổng thể mà phải tuôn chảy cùng với cái tổng thể. Có tín ngưỡng có nghĩa là không tách rời khỏi dòng chảy. Nếu có một mục tiêu, bạn không phải là người có tín ngưỡng. Nếu nghĩ về ngày mai, bạn đã bỏ lỡ tôn giáo. Tôn giáo không có ngày mai.

Cách chiến thắng thời gian của Đức Phật, của Chúa chính là sống trong giây phút hiện tại. Đó là lý do vì sao Jesus bảo đừng nghĩ về ngày mai, hãy nhìn vào những bông hoa huệ trên cánh đồng, chúng đang bung nở ngay lúc này. Bất cứ thứ gì hiện hữu, hiện hữu ngay lúc này. Bất cứ thứ gì còn sống, còn sống ngay lúc này. Hiện tại là thời điểm duy nhất, sự vĩnh cửu duy nhất.

Hành thiền hay tu tập không thể giúp con người ta thoát khỏi những khổ đau, và càng không giúp con người ta hạnh phúc giác ngộ, kết nối với đấng siêu nhiên nào đó hay có thể sống trường sinh. Mà thực ra cốt lõi của việc hành thiền và tu tập là đưa con người ta trở về có mặt trong hiện tại, trở về đối diện và có mặt với khổ đau. Bởi khi chúng ta có mặt và nhận diện khổ đau, khi đó ta đóng vai trò là người quan sát, là có mặt với khổ đau chứ không sống và kẹt lại với khổ đau.

Và khổ đau trở thành chất liệu cho sự tỉnh thức, như bùn là chất liệu để nuôi dưỡng sen. Như cây cần có nắng, cần vượt qua nhiều bão giông để rễ cắm càng sâu mới cứng cáp được. Như người càng đi càng hiểu thì mới càng vững chãi và trưởng thành được. Như sông kia luôn biết uốn mình khi đến những khúc quanh ngã rẽ, như những tán lá cây luôn biết vươn mình hướng theo ánh sáng để quang hợp để tạo sự sống. Đời người cũng vậy, khi gặp những nỗi đau hay thử thách, những ai biết lùi lại, hạ mình xuống, lắng nghe và nhận những bài học để thay đổi rồi sống khác đi, sẽ ít chịu tổn thương hơn đó mới là người vững chãi sâu sắc bình tâm.

Còn những ai gồng mình chống lại, không chấp nhận sự việc, không ngừng đổ lỗi cho người cho đời, thì người đó sẽ càng đau gấp bội, để rồi những tháng ngày tiếp theo lại sống với những sai lầm cũ, bi luỵ buồn thương cho những gì đã lỡ vuột mất. Mỗi người cũng sẽ có cách tự thích nghi để đi qua cuộc đời này. Tất cả đều cần có thời gian không gấp được, như vết thương chẳng hạn chúng ta cần chấp nhận và chờ đợi để cơ thể tự chữa lành, đôi khi càng nóng vội lại càng làm vết thương đau hơn.

Bản thân vẫn cho rằng, khi so sánh một sự việc nào đó, thứ nhất là phải cùng thời điểm, thứ 2 là cùng tính chất, thì mới đặt lên bàn cân và so sánh được. Vậy mà chúng ta lại thường có thói quen so sánh sự việc ở trong quá khứ và hiện tại. Thứ nhất cả hai sự việc đã không cùng thời điểm, quá khứ là những gì đã diễn ra rồi. Điều thứ hai cả hai sự việc cũng không cùng tính chất, bởi theo dòng thời gian, mỗi giây mỗi phút, sự việc sẽ không ngừng thay đổi, không một điều gì bất biến theo thời gian. Vậy mà có nhiều người lấy sự việc hiện tại mà so sánh với những gì trong quá khứ, để rồi tiếc nuối, khổ đau cho những gì đã qua. Khi còn tiếc nuối quá khứ, là ta cũng đã bỏ lỡ hiện tại và không trân trọng tương lai.

Đức Phật đã từng nói: Mọi chuyện rồi sẽ qua. Bình minh đến rồi đêm tối đến. Mặt trời mọc, mặt trời lặn, những vì sao xuất hiện, bóng tối bao trùm, rồi mặt trời lại ló dạng. Còn ta chỉ là người canh gác trên đồi, ta chứng kiến tất cả nhưng không làm gì, ta chỉ đơn giản là nhìn thấy, chứng kiến sự việc. Bình minh đến ta ghi nhận, và ta biết rằng rồi đêm tối sẽ đến, bởi vì sau bình minh là đêm tối. Và khi đêm tối xuất hiện, ta ghi nhận điều đó, và ta biết rằng bình minh sẽ lại đến bởi vì sau đêm tối là bình minh.

Tương tự với những nỗi đau tổn thương cũng vậy, khi cơn đau tới ta chỉ là người quan sát, ta biết cơn đau đến và sớm muộn gì thì nó cũng sẽ đi. Và khi hạnh phúc đến ta biết nó cũng không tồn tại mãi mãi, khổ đau chỉ là ẩn nấp đâu đó và sớm muộn gì nó cũng xuất hiện, ta vẫn là người quan sát.

Khi cơn đau xuất hiện, hãy chấp nhận nó. Đó là sự thật, hãy chấp nhận, đừng tìm cách thoát khỏi nó. Khi hạnh phúc đến cũng hãy chấp nhận sự thật đó, nhưng đừng neo bám vào nó, cũng đừng tìm cách trở nên bất hạnh, đừng cố làm gì cả. Nếu bất hạnh đến, hãy để nó đến. Nếu hạnh phúc đến, hãy cho phép nó đến. Đừng gắn bó cũng đừng bị đẩy lùi.

Như osho từng nói rằng: Sự vật không tồn tại trên thế giới này, mọi thứ đều là một quá trình. Bạn nói: “Đây là cái cây”. Vào thời điểm bạn nói ra điều đó, cái cây đã lớn. Cái cây không bao giờ ở trạng thái tĩnh. Nó luôn đang trở thành, trở thành một thứ khác. Mọi thứ đều phát triển, chuyển động, theo một quy trình. Cuộc sống là sự chuyển động. Nó giống như dòng sông không ngừng chảy.

Heraclitus nói: Cuộc sống luôn thay đổi. Chỉ có sự thay đổi là mãi mãi. Chỉ có sự thay đổi mới không thay đổi. Mọi thứ khác đều thay đổi. Ông ấy tin vào một vòng quay vĩnh cửu. Mọi thứ đều xoay vòng, không thể đứng yên, không có gì là bất động. Bạn không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông, là bởi vì vào thời điểm bước xuống dòng sông lần thứ hai, nó đã thay đổi, bởi vì dòng sông là một dòng chảy không ngừng. Ta cũng không thể gặp cùng một người tới hai lần, bởi bản thân ta cũng không còn là ta của ngày hôm qua nữa.

Đây chính là cách thức tồn tại của mọi thứ. Những bức tường mà ta nhìn thấy xung quanh, mỗi phân tử trong đó đều chuyển động. Chỉ vì mọi thứ chuyển động rất nhanh nên bằng mắt thường chúng ta sẽ không nhìn thấy được.

Thời đại của những nền tảng thông tin ngắn, người ta thích những gì nhanh, tiện, đến việc tưới tẩm cho tâm hồn mà vẫn ưu tiên lựa chọn những gì nhanh nhất, ngắn nhắt, dễ hiểu nhất, cô đọng nhất có thể. Cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền đã cuốn chúng ta đi thật xa, những mong cầu thành tựu, những chức vụ đã phủ lên người ta những lớp hào quang bóng bẩy. Nên chúng ta quên có mặt cho mình, có mặt cho người thương của mình.

Chúng ta muốn thật nhanh để đạt được điều gì đây? Bình an hơn, hạnh phúc hơn? Nhưng làm sao bình an nếu ta cứ mãi lao về phía trước.

Những bài nhạc vui mang lại năng lượng sôi nổi làm cho người nghe phấn khích, dễ bị cuốn theo những nhịp điệu. Còn những bài nhạc nhẹ nhàng, mang đến một không gian tĩnh lặng sâu lắng và chỉ những khi tĩnh lại ta mới có thể chiêm nghiệm được từng câu từng lời. Bất kể điều gì nếu muốn nhìn thật rõ, thì ta cần phải ngồi thật yên. Chỉ khi ngồi yên mới lắng lòng được. Và khi lắng lòng được mọi thứ sẽ hiển hiện.

Tâm an trời đất cũng an. Tâm an rồi thì nhìn đâu cũng thấy đẹp. Tâm rộng như trời thì mới chứa hết được mây mà.

Đại dịch qua đi, con người ta mới chợt nhận ra rằng người tồn tại được không phải là người mạnh, mà là người biết thay đổi, biết thích ứng với điều kiện hoàn cảnh. Đại dịch chứng kiến hàng ngàn người xa quê đều khát khao mong muốn được trở về nhà. Có lẽ cái giây phút bất an nhất, chơi vơi nhất, hoảng loạn nhất, sợ hãi nhất thì nơi an toàn nhất mỗi người muốn trở về vẫn là nhà. Có những người phải rời xa mình rồi, mình mới nhận ra được họ quý giá đến mức nào. Nhiều lúc ở bên nhau, chúng ta cứ ngỡ đó là điều hiển nhiên nên không biết hay quên trân trọng.

Chúng ta như những con chim di trú đang đi tìm nơi trú ẩn an toàn, nơi mà mình cảm thấy an toàn nhất. Và có lẽ đó là nhà, nơi có những người thương đang chờ đợi. Chiếc tổ ấm cho mình tìm về mỗi khi cuộc đời nổi lên sóng gió.

Mỗi chúng ta cũng hãy trở thành chỗ trú ẩn cho chính mình, chỗ trú ẩn là trái tim, chỗ trú ẩn là đôi cánh. Dẫu cuộc đời có đắng cay, có dối lừa, có thay đổi đấy nhưng cũng có những ngọt ngào, chân thành và thương yêu. Cứ gieo đi bởi không có yêu thương nào là vô nghĩa cả.

Liệu chúng ta có đủ chậm rãi và kiên nhẫn với chính mình không? Và trong thời đại số, chúng ta dễ dàng kết nối với nhau chỉ bởi một cú nhấp chuột, nhưng sự kết nối ấy có sâu sắc không, có mang lại cho nhau những an bình khi chạm vào nhau không?

Và đây không phải là một giấc mơ trong đêm. Đây là hiện thực cuộc sống. Có những thứ bình dị, giản đơn nhưng lại vô cùng quý giá. Chỉ cần có mặt ngay tại đây, giây phút hiện tại đầy sự nhiệm màu này, để được là chính mình, được an trú, được nghỉ ngơi để chữa lành, hồi phục. Sớm hay muộn không quan trọng bằng đúng thời điểm. Có thể đây là thời điểm bản thân cần phải đừng lại để suy ngẫm, cũng có thể vài ba năm nữa, mình sẽ quay lại với trạng thái này. Hay đôi khi cũng sẽ quên luôn nếu có điều gì đó cuốn mình đi tiếp.

Sự chậm lại không phải là trào lưu hay trend theo thời đại, với tôi chậm lại nên là lối sống, cách sống hằng ngày. Bởi nếu chỉ sống chậm theo trào lưu đám đông thì bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng và bị tác động bởi yếu tố bên ngoài, vì cuộc sống bên ngoài đang quá nhanh, ai cũng nhanh, ai cũng vội vậy nên việc bị ảnh hưởng là lẽ thường tình.

Con đường người khác đi vì họ phải đi. Con đường mình đang đi vì mình phải đi. Mình chưa đủ năng lực để can thiệp vào con đường của người khác, chưa đủ năng lực để có thể nhận xét đó là con đường tốt hay không tốt.

Nhưng không sao cả. Mỗi người sẽ có mỗi thời điểm khác nhau để mình chợt tỉnh giấc.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.