Thời điểm này 3 năm về trước, đó là lúc tình hình dịch Covid-19 ngày càng căng thẳng, hạn chế đi lại và tập trung nơi đông người, thế là tôi đành gác lại mọi dự định và kế hoạch.
Cảm giác ở yên trong nhà có chút chưa quen và cực kì không thoải mái chút nào.
Tôi thèm cái cảm giác được gặp gỡ, được trò chuyện, được kết nối với ai đó, thèm những cái nắm tay, những cái ôm thật chặt.
Nhưng trong mùa dịch, khi mọi người động viên nhau ở yên trong nhà, tôi cũng đã tranh thủ thời gian này để sắp xếp lại cuộc sống, tập trung vào phát triển bên trong của mình.
Tự nói với bản thân, đây là lúc để tinh giản cuộc sống.
.
Mỗi ngày, cố gắng thức dậy vào cùng 1 giờ cố định. Tắm rửa, vệ sinh cá nhân, pha 1 tách cafe nóng để đầu óc được tỉnh táo và tập trung hơn.
8 giờ, ngồi vào bàn viết, viết tiếp những ý tưởng, bài viết dang dở mà trước đây mải bận bịu nhiều việc vẫn chưa xong.
Khi viết bài xong là đến giờ tập luyện yoga cùng cô giáo online.
Sau gần 1 tháng, nhờ ở nhà thường xuyên luyện tập, tự nấu ăn với thực phẩm nhiều rau và dinh dưỡng, tôi đã có được cơ bụng số 11 cho mình.
Sau bữa sáng là khoảng thời gian toàn tâm toàn ý cho việc đọc sách.
Lục lại thùng sách cũ từ lâu đã bị bỏ xó, vì bận công việc mà có nhiều quyển mua về đến giờ vẫn chưa đọc, và một số khác thì lâu rồi vẫn chưa có dịp xem lại. Giờ lại có dịp tập trung thời gian để tích lũy thêm tri thức cho mình.
Buổi chiều, sẽ luân phiên giữa chuyện giải trí như xem một bộ phim và việc học một khoá học online.
Thật tình cờ là dịp này lại đang học về “Resilience – sức bật tinh thần” hay còn gọi là khả năng vượt qua nghịch cảnh, sự linh hoạt khi phải đối diện với những tình huống khó khăn.
Đây là kỹ năng vô cùng quan trọng, vì đã là con người thì chúng ta phải đối diện với mất mát, với nghịch cảnh là điều khó tránh khỏi. Kỹ năng này đang được nhấn mạnh ở nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau, và tôi thấy cũng khá phù hợp trong giai đoạn hiện tại.
Với một thế giới có tính chất bất ổn, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ như hiện nay, thì khả năng mà chúng ta có thể đối diện với áp lực, sự linh hoạt để vượt qua nghịch cảnh và sức bật về tinh thần là một trong những kỹ năng mà con người nên cần có. Nó bao gồm rất nhiều thứ mà tôi đang quan tâm, như self-awareness, self-regulation, optimism, self-efficacy, và connection, kết nối với những người xung quanh, với thiên nhiên, và với cái gì đó lớn hơn chính mình.
Rèn luyện sức bật tinh thần giúp ta có thể đối diện với những khó khăn, vấn đề trong cuộc sống với một góc nhìn khác, một góc nhìn tích cực hơn, ta xem đó là thử thách chứ không phải là mối đe doạ, việc của ta là học cách chấp nhận, thích nghi và có niềm tin cùng sự lạc quan để lớn lên từ nghịch cảnh đó.
Chấp nhận thường bị xem là thụ động. Đó là cách hiểu hoàn toàn sai lầm.
Chấp nhận không chỉ đơn thuần chỉ là một quyết định của lý trí mà phải có sự tham gia của cả con tim và tâm hồn. Vậy nên chấp nhận là một thái độ tích cực, quyết liệt và sống động.
Hầu hết mỗi chúng ta khi đối diện với những vấn đề xảy ra không theo ý muốn, thường sẽ tìm cách tránh né và tìm mọi cách để phủ nhận chối bỏ hiện thực. Nhưng chúng ta không hề nhận ra rằng, rào cản lớn nhất mà ta phải vượt qua thường không phải là thay đổi thực tại khách quan mà lại là điều chỉnh kỳ vọng của chính mình trước thảy.
Buổi tối, tôi thường dành thời gian để gọi điện trò chuyện cùng mẹ.
Rồi xem lại lịch trình sinh hoạt cả ngày, đánh dấu những việc đã làm được trong ngày, và lên kế hoạch làm việc cho hôm sau.
Những ngày này ở nhà, lại có thêm thời gian để chăm sóc chính mình. Có thêm thời gian học thêm nhiều thứ mới mẻ như tham gia lớp học xà phòng, làm nến thơm. Và dành thêm một giờ đồng hồ ngồi tĩnh tâm trong yên lặng trước khi chìm vào giấc ngủ.
Giây phút ấy, chợt cảm thấy trong lòng một cảm giác lạ kỳ, thấy cuộc sống mà mình đang sống thật là kỳ lạ.
Tôi đang ở trong 1 căn phòng, tách rời khỏi những người mà tôi muốn gặp. Nhưng bằng một cách diệu kỳ nào đó, tôi vẫn có được cảm giác gắn kết, sự thuộc về, và vẫn cảm nhận được những tình cảm dịu dàng của sự kết nối và yêu thương.
Tôi nhận ra rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, có lẽ điều ta cần làm là ngừng than vãn và đổ lỗi mà thay vào đó là hãy học được cách để thích nghi tốt với những thay đổi mới đó, bằng sự sáng tạo và năng lực vượt lên nghịch cảnh của mỗi con người.
.
.
.