Rồi một ngày sẽ biết im lặng nhiều hơn bày tỏ.
Thương nhiều hơn là giận.
Bao dung nhiều hơn là hờn trách.
Người ta đến vì có lý do để người ta đến, vậy nên khi người đi cũng sẽ có lý do để người đi. Như lá trên cành, nếu đã sống trọn vẹn đời lá thì sẽ đến lúc là vàng sẽ thanh thản rơi.
Khi thương ai thật lòng thì sự hiện diện của mình phải làm cho họ sống động hơn, đáng yêu hơn, thoải mái hơn chứ không lo âu hay mệt mỏi được. Như câu chuyện con mèo dạy hải âu bay vậy. Nếu tình thương của mẹ mèo đủ lớn sẽ tiếp sức gió cho hải âu bay xa, còn nếu tình thương là chiếm hữu, sẽ tìm mọi cách xây lồng để giữ hải âu lại. Nhưng hải âu thật sự là của bầu trời.
Có những chuyện bản thân mình cũng không biết nên hay không nên, đáng hay không đáng, gặp hay không gặp. Vậy đó cuộc đời này luôn có hàng vạn câu hỏi, nhưng đâu phải câu hỏi nào cũng có câu trả lời.
Tự dưng lại thấy thương.
Thương mình và cũng thương người. Vì thấy mình và người tháng ngày qua đều vội, vội vã đi tìm, vội vã thương, vội vã đánh mất, chắc cũng vì vội quá nên mới làm tổn thương nhau đến vậy.
Có những mối nhân duyên, những con người, những lần gặp gỡ để lại nhiều quyến luyến. Quyến luyến vì thương. Quyến luyến vì sợ mất đi cái tình thương đó. Cái tình thương đằm thắm vậy mà lại khiến người ta phải mang ơn đến suốt cuộc đời.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng viết: Cuộc đời buồn bã thế này, sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn. Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên trong của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được.
Có lẽ phải nhìn rõ, nhìn sâu thì thương mới bền được. Thương yêu vẫn là thứ quyền lực cao nhất cho dù xã hội có trải qua bao nhiêu giai đoạn và công nghệ có phát triển như thế nào đi chăng nữa.
Carl Rogers tin chắc rằng mọi người đều được sinh ra với tiềm năng phát triển theo những cách tích cực, yêu thương.
Sư ông từng nói: “Hiểu là tên gọi khác của yêu thương”.
Trong tâm lý học nhân bản gọi đó là “sự quan tâm tích cực vô điều kiện”. Sự thương yêu đó có nghĩa rằng, đừng hoang mang, đừng để sự tính toán ảnh hưởng quá nhiều, mà thay vào đó là hãy chấp nhận người đối diện, quan tâm và yêu thương họ. Trong những năm đầu, trẻ em biết rằng chúng được yêu thương và được cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình chấp nhận. Điều này góp phần vào cảm giác tự tin và tự giá trị. Sự quan tâm tích cực vô điều kiện từ những người chăm sóc trong những năm đầu đời có thể giúp đóng góp cho cảm giác tự giá trị khi mọi người già đi. Khi mọi người già đi, sự quan tâm của người khác đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hình ảnh của một người.
Người ta sẽ thật hạnh phúc và thăng hoa khi thương ai đó và được thương đáp lại.
Liệu có thật sự tồn tại một người nào đó mà không hề cảm thấy bị tổn thương khi yêu mà không được đáp lại không?
Nhưng có lẽ mọi thứ vẫn là duyên, bởi nhân duyên vốn luôn chăng chịt trong cuộc đời này mà.
Cuộc sống này
Vốn hữu hạn
Vốn mong manh
Nhưng đẹp lắm
Như đêm đen
Đợi bình minh
Như mầm cây
Đợi tia nắng
Như chồi non
Đợi mưa về
Tôi cũng đợi
Một người thương
Để hết lòng
.
.
.
.