Tôi từng có trải nghiệm không tốt trong việc đến nha sĩ. Phòng khám này tôi khá tin tưởng vì được bạn giới thiệu và nó cũng khám ở đây nhiều lần. Nhưng tiếc là tôi có trải nghiệm không được tốt lắm.
Trong quá trình chữa răng thì tôi vừa được nghe nhạc và còn nghe thêm cuộc trò chuyện từ những phụ tá và nha sĩ ở đó, họ nói chuyện về cuộc sống hằng ngày, hôm nay ăn gì và đời tư với nhau và tất nhiên là tôi cũng nghe nữa. Liên tục là những câu hỏi, và câu trả lời được tương tác với nhau.
Trong lúc răng của tôi đang bị xoáy và khoan liên tục thì tôi nghe được câu hỏi của bạn phụ tá: Hôm qua anh đi đám cưới có vui không ?
Thú thật với bạn, lúc đó tôi chỉ cầu trời là nha sĩ trả lời là vui, bởi nếu không vui thì tôi sợ một cơn cảm xúc mạnh lại đến, và nếu anh nha sĩ đó không kiểm soát tốt được cảm xúc thì chắc bạn cũng phần nào đoán được những suy nghĩ của tôi thời điểm đó rồi.
Thực ra kết quả lần đó không đến nỗi tệ, răng tôi được chữa khá là ổn, không đau lắm, ê vài tiếng đồng sau đó và mọi chuyện trở lại như cũ. Và đó cũng là một trong những lần tôi không có trải nghiệm tốt với những người làm việc đa nhiệm. Tôi không bàn về vấn đề chuyên môn, vì nghĩ rằng những kĩ thuật đó đa phần đơn giản với họ vì họ được thao tác nhiều lần, tôi chỉ muốn nói về vấn đề làm việc đa nhiệm và không đặt sự chú tâm vào hiện tại.
Thật ra trong cuộc sống hiện nay thật khó để có thể tìm được những người mà làm công việc của họ với sự đơn nhiệm và chú tâm lắm.
Chúng ta sinh ra trên cuộc đời này và được sống. Vậy sống đến khi nào, sống trong bao lâu, sống như thế nào, liệu có bao giờ chúng ta dừng lại thắc mắc và hỏi. Nhưng rồi sau đó chắc cũng biết rằng, đó không phải là câu hỏi để suy đoán kết quả, để cân nhắc, để lựa chọn và để có thể đưa ra một đáp án cụ thể.
Hay như bài hát em ơi 60 năm cuộc đời, người nào thọ hơn thì có thể là 80- 90 tuổi. Vậy nếu lấy mức tuổi thọ trung bình ở người là 60 tuổi thì trong 60 năm đó, 1/3 khoảng thời gian là chúng ta dành cho việc ngủ, nên thực tế chúng ta sống chỉ khoảng 30-40 năm thôi.
Vậy chẳng lẽ trong 30-40 năm đó mình cứ mãi loay hoay trong những guồng quay cuộc sống, công việc hằng ngày, học cách kiếm tiền, rồi tìm cách tiêu tiền. Chúng ta đã luôn luôn bận rộn, luôn luôn muốn làm gì đó thật nhanh trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta luôn bị ám ảnh bởi yếu tố thời gian, thời gian không chờ đợi một ai, cuộc đời này có hạn vậy nên ta phải tranh thủ để tiết kiệm thời gian, để học, để tiếp thu, để sở hữu càng nhiều thứ càng tốt.
Khi chúng ta làm việc, khi chúng ta giải trí, vẫn muốn tranh thủ làm thêm một thứ gì đó, hay nói rõ hơn là chúng ta luôn làm việc đa nhiệm. Với sự bủa vây của công nghệ và giải trí, chúng ta luôn bị choáng ngợp trước những thông tin mới liên tục, chúng ta luôn sợ bị bỏ lỡ, không đủ thời gian, sợ tụt hậu, sợ bị bỏ lại, sợ mất đi thời gian để giải trí, nên chúng ta luôn muốn tranh thủ, muốn làm thật nhiều thứ, muốn thật nhanh chóng.
Từng có dịp xem mấy clip quay cảnh 1 tài xế xe khách vừa lái xe vừa cuốn bánh tráng, kéo xuống thì thấy nhiều bình luận: tài quá, lái xe đỉnh quá, tay lái lụa quá….còn tôi thì chỉ biết cảm tạ vì mình không đi trên chuyến xe đó, vì nếu tôi ở đó thì không biết sẽ lo lắng và hoảng sợ thế nào khi biết tính mạng của chính mình và hàng chục người khác đang đặt lên một tình huống nguy hiểm vì thiếu sự chú tâm và an toàn như thế, không biết một chút sự cố nào đó, tài xế lách tay lái thì chuyện gì sẽ xảy ra.
Rồi cũng nhiều lần ra đường, ở mấy quán ăn, mấy quán cà phê, thấy mấy cặp tình nhân đèo nhau bước vào quán, order gọi món xong rồi thì mỗi người một cái điện thoại cắm mặt trong thế giới của riêng mỗi người, đến khi thức ăn được mang ra thì lại tiếp tục vừa xem vừa ăn, việc nhai của họ hoàn toàn là sự hoạt động cơ học, chứ không cảm nhận được hương vị của món ăn. Suốt cả buổi họ chẳng liếc mắt nhìn tới nhau nói chi đến việc trò chuyện và tương tác.
Là một người cũng tìm hiểu và viết nhiều bài viết về thấu hiểu và phát triển bản thân, đã từng muốn đi nhanh, muốn phấn đấu, muốn làm thật nhiều thứ để đạt được cuộc sống như bản thân mong muốn, một cuộc sống bình an hạnh phúc.
Nhưng rồi một câu hỏi khác lại xuất hiện: Khi mình bình an rồi, hạnh phúc rồi, thì sao nữa ?
Và nhận ra chính mình cũng ít khi dành sự chú tâm trọn vẹn để tận hưởng giây phút hiện tại của cuộc sống cho lắm. Ví như những lúc tôi cũng vừa uống cafe vừa đọc sách, mấy lúc vừa ăn vừa trả lời tin nhắn vì thường có thói quen khi làm việc sẽ đặt điện thoại sang bên và tranh thủ những khi nghỉ sẽ trả lời. Lúc đó tôi thấy mình cũng không khác gì mọi người hay có thói quen check mail hay thông tin liên tục trên social.
Chúng ta thường muốn làm nhiều việc cùng một lúc, vừa ăn vừa xem điện thoại, vừa nghe nhạc vừa làm việc, vừa nói chuyện với người khác vừa kiểm tra tin nhắn, ít khi nào chúng ta có thể làm một việc duy nhất cả. Chúng ta muốn làm nhiều thứ, sau đó sở hữu nhiều thứ, để có được sự đảm bảo, cảm giác an toàn bình an.
Ví như những lúc mình cảm thấy vô cùng hào hứng thích thú khi mua một hàng và đang đợi để nhận được nó, cái cảm giác chờ đợi đó làm chúng ta phấn khích. Nhưng khi nhận được món hàng, vài tiếng sau, vài ngày sao, hay sau vài lần sử dụng, ta dần mất đi cảm giác thích thú như ban đầu, đó là vì tâm trí mình đã ổn định rồi, cảm thấy thoải mái với món hàng đó rồi, và tâm trí mình lại tiếp tục đi tìm thêm những cái mới khác. Và món hàng kia, thứ mà đã làm mình phấn khích chờ đợi, và nghĩ rằng nếu có được thì cuộc sống chắc sẽ hạnh phúc lắm, giờ thì sao, nó cũng chỉ là một trong những thứ mình từng muốn sỡ hữu và giờ thì thấy không còn quan trọng nữa. Nhưng lại quên mất thật ra cái cảm giác ổn định bình an đó mình hoàn toàn có thể tận hưởng ngay lúc này.
Có lúc nào bạn dừng lại để hỏi những câu hỏi vừa rồi hay không?
Để nhận ra hình như cuộc sống của mình có cái gì đó rất vội thì phải?
Thật dễ dàng để nhận ra rằng ngoài thị trường điện thoại đang được phát triển trong những năm gần đây, thì có một sản phẩm đi kèm cũng phát triển không kém đó là sạc dự phòng, giờ đây mỗi khi ra ngoài đường ngoài việc mỗi người ít nhất là đem theo 1 cái điện thoại thì còn kèm theo 1 cục sạc dự phòng nữa.
Không khó bắt để bắt gặp hình ảnh một người vừa cầm điện thoai, một đầu cắm vào sạc dự phòng, một tay cầm lên để nghe. Trong khi đã có rất nhiều bài báo đăng tin về những tai nạn, những vụ nổ xảy ra khi vừa nghe điện thoại vừa sạc, để rồi gây ra những tai nạn thương tâm thậm chí là chết người. Nhiều lúc tôi cũng thắc mắc, công việc họ nhiều như vậy sao? việc của họ khẩn cấp đến vậy sao? họ có ít thời gian đến vậy sao để phải vừa sạc pin, vừa tranh thủ làm việc. Và rồi họ có vui và hạnh phúc với điều đó hay không? Cái sự liên tục và bận rộn ấy?
Trong những năm gần đây những từ khoá như là sống chậm, tối giản, chú tâm, chánh niệm, tỉnh thức, chưa bao giờ được nhắc đến và tìm kiếm nhiều đến như thế.
Vậy chẳng phải điều mạnh nhất trong xã hội hiện nay đó chính là sự chú tâm và chậm lại hay sao. Chậm lại để nhìn sâu vào chính mình, bởi nếu nhanh quá thì đâu còn thời gian để hiểu được chính mình đang cần gì và muốn gì bạn nhỉ.
.
Chánh niệm là sự chú tâm vào hiện tại, hiểu được điều gì diễn ra bên trong như cảm xúc, suy nghĩ, hành vi, không dán nhãn, không phán xét, đồng thời cũng hiểu được những gì diễn ra bên ngoài như những biểu cảm, hành động của người khác. Sau khi quan sát bên trong, bên ngoài, không có sự phán xét, từ đó đưa ra phản hồi bình an cho mình và cho những người xung quanh.
Chánh niệm trong hành vi là ý thức được hành động, nhận diện được đâu là nguyên nhân hậu quả của hành động đó.
Chánh niệm trong suy nghĩ là quan sát suy nghĩ, nhận diện và chấp nhận bất cứ suy nghĩ nào đến và đi. Thực tập chánh niệm nghĩ về những suy nghĩ. Trước khi đưa ra quyết định, dừng lại để hỏi mình là yếu tố nào khiến mình đưa ra quyết định này, nếu không sẽ đi vào những lối mòn của lỗi nhận thức.
Chánh niệm trong cảm xúc là nhìn rõ thấu hiểu, làm bạn với cảm xúc. Thực tập lắng nghe sâu giúp mình có thể nghe nhưng không để cảm xúc quá mạnh. Thường khi nghe 1 điều gì đó không hợp ý, cảm xúc mình khi đó rất mạnh, và nếu không có sự nhận diện, cảm xúc sẽ leo thang nhanh chóng và đó là lúc mình dễ bị cuốn vào những cuộc tranh cãi.
Giờ đây mỗi khi có một sự thất vọng, một điều bất như ý, tôi sẽ ngồi lại, hít thở, nhận diện rằng cái sự khó chịu này nó tới rồi đi, nó không ảnh hưởng đến cảm xúc của tôi, không ảnh hưởng đến tâm trạng của tôi, không ảnh hưởng đến hành động của tôi, nó chỉ là một trong rất nhiều những suy nghĩ tôi đang có mà thôi.
Nhận diện một cảm xúc đúng lúc nó khởi lên, hiểu rằng nó chỉ là một suy nghĩ không thực và để nó tự tan biến một cách tự nhiên. Bởi cuộc chiến lớn nhất không phải là chiến đấu với người khác mà là chiến đấu với những cảm nhận trên cơ thể mình, những cảm xúc của bản thân.
Cảm xúc không có lỗi, nếu bản thân có đủ sự kiên nhẫn thì tình huống đó thật ra không đến nỗi tệ, không khó, không phức tạp. Nhưng vì mình không sẵn sàng, không có sự tập luyện, nên không chịu được với tình huống đó.
Emotion giống như nhưng cơn mưa, có những ngày mưa to là khi có nhiều cảm xúc mạnh mẽ, cơn mưa tới rồi cũng đi, nhưng nếu sống cả đời mà không dám tận hưởng cơn mưa đó sẽ rất khổ.
Trong thực hành EQ có một khái niệm time out, cảm xúc tới rồi sẽ đi, thông thường cảm xúc tới mình không có chánh niệm và rồi mình để cảm xúc chi phối.
Ví dụ như khi giận ai đó mình rất dễ đưa ra những quyết định hay có những lời nói làm tổn thương đối phương, mà thường khi mình bình tĩnh lại đa phần sẽ hối hận. Chánh niệm giúp mình dịu lại, không còn muốn tấn công người khác, không còn muốn làm cho ra lẽ hay bắt người khác phải cho mình câu trả lời, chờ thời gian để mình ổn định hơn về cảm xúc và rồi nhìn nhận mọi thứ rõ ràng hơn.
Trong đạo Phật hay gọi là tính thấy biết, đó là giây phút mình có thể tách mọi thứ ra và nhìn nó thật sâu.
Có những người gặp khó khăn để diễn tả nội tâm của mình, họ không nhận biết được những lo lắng, căng thẳng hay những tổn thương bên trong. Vậy nên việc trưởng thành về cảm xúc là khả năng nhận biết, đối diện, hiểu và diễn giải được thông điệp mà những cảm xúc mang đến và tìm cách vượt qua. Đặc điểm quan trọng thứ hai của trưởng thành cảm xúc là khả năng nhận diện được cảm xúc từ người đối diện. Hiểu được sự vận hành cảm xúc của người khác cũng giúp người ta ý thức được về tác động của mình tới người kia, và qua đó điều chỉnh các biểu đạt của mình cho phù hợp.
Rèn luyện khả năng ứng phó với những cảm xúc tiêu cực. Khả năng ghi nhận cảm giác khó chịu đang trỗi dậy bên trong mình, những xung đột nội tâm, không chối bỏ nó, nhưng vẫn giữ được bình tĩnh để đối thoại, suy nghĩ hay tự khích lệ, và qua đó phục hồi và thích ứng trước những áp lực. Thay vì bị nhấn chìm trong những cơ cảm xúc tiêu cực.
Gọi tên cảm xúc: bắt đầu từ việc xây dựng từ vựng cảm xúc, hiểu được ý nghĩa đằng sau mỗi cảm xúc, biết rằng mỗi cảm xúc đều có ý nghĩa riêng và không phải lúc nào mình cũng chạy theo cảm xúc mà cần có sự điều chỉnh phù hợp.
Học nhiều, biết nhiều không phải là để tấn công người khác, mà là nhận diện cảm xúc mình trước thảy. Cảm xúc trong mình đang xuất hiện như thế nào, nếu cảm xúc càng mạnh chứng tỏ mình chưa vượt qua được bẫy tâm trí, bởi vì lúc này mình đang có sự khác biệt, họ nói những điều trước giờ mình chưa từng được nghe, dễ tạo nên mâu thuẩn, mình rất dễ phản kháng lại. Nhận diện được như vậy, mình học cách dừng lại, cảm nhận cảm xúc, cảm nhận cơ thể, mình cần lắng nghe.
Thông thường 2-3 suy nghĩ đầu tiên thường sẽ sai, đó là con đường tắt mà não bộ được lập trình để ưu tiên, tiết kiệm năng lượng. Việc dừng lại, suy nghĩ chậm lại là lúc mình sẽ thấy được những bẫy tư duy.
Hay cũng có một công thức tôi hay áp dụng trong việc rèn luyện chánh niệm cho cảm xúc, đó là công thức RAIN.
R-recognize–nhận diện: thay vì chìm đắm trong cảm xúc, mình nhận diện điều gì đang diễn ra bên trong. Mình đang cảm thấy thế nào? Mình đang có suy nghĩ gì? Mình đang muốn làm gì? Cơ thể mình đang trải nghiệm điều gì?
A-allow-cho phép: cho phép điều đang diễn ra được diễn ra. Mình cho phép mình có suy nghĩ này, cảm xúc này.
I-investigate-tìm hiểu: dành sự tò mò để tìm hiểu điều thật sự đang diễn ra thông điệp của cảm xúc này là gì? Cơ thể mình đang cảm thấy thế nào? Mình có đang phán xét? Mình đang giận, có phải người kia làm mình giận không hay cơn giận này đã đến trước đó.
N-nurture-nuôi dưỡng với tình thương: cử chỉ yêu thương, tự nói với mình rằng những trải nghiệm này ai rồi cũng sẽ có, mọi chuyện rồi sẽ qua. Nói được như thế là mình đang liên kết mình với thế giới xung quanh, khi biết nhiều người cũng đang có vấn đề như thế, thì mình sẽ đỡ đau hơn, phản hồi này sẽ giúp nuôi dưỡng cảm xúc cho mình.
Hầu hết thời gian mình học cái gì đó từ bên ngoài, nhưng đối với chánh niệm, mình học từ mình, từ những hành động của chính mình. Học từ người khác là kiến thức, nhưng kiến thức sẽ mang tính cảm xúc bởi kiến thức đôi khi với người này là quan trọng nhưng với người khác thì lại không. Mình cần biến trải nghiệm của bản thân thành kiến thức.
Trí tuệ hay tuệ giác (theo đạo Phật) là góc nhìn riêng của mình về cuộc sống này, là kết quả của việc vận dụng trí thông minh để có những góc nhìn khác với mọi người. Đạo Phật có từ “chánh định tuệ”.
Chánh: chánh niệm-mindfullness, là luôn có được sự vững vàng, nhận thức được mọi thứ xung quanh.
Định: attention, sự chú tâm vào mọi thứ mình làm.
Tuệ: wisdom, hiểu biết của riêng mình. Thông qua việc tự trải nghiệm, tích hợp từ nhiều quan sát, tự mình rút ra kết luận đó là wisdom. Trí tuệ không phải là điều gì quá cao siêu mà thực chất nó đã nằm ở bên trong mỗi chúng ta rồi. Tức là bên trong mỗi chúng ta đã luôn có những dữ liệu rồi, thông qua 5 giác quan ta thu nhận thông tin mỗi ngày, chúng chuyển thành những cảm xúc, cảm xúc biến thành suy nghĩ, suy nghĩ biến thành hành động. Và nếu có thể quan sát được cảm xúc, hành vi, suy nghĩ, để dễ dàng xâu chuỗi lại và biến thành wisdom.
Hãy làm việc đơn nhiệm.
Hãy ăn chỉ để ăn, làm việc nhà chỉ để làm việc nhà, nấu ăn chỉ để nấu ăn, tập thể dục chỉ để tập thể dục, chạy xe chỉ để chạy xe, nghe nhạc chỉ để nghe nhạc.
Khi làm được những việc này là bạn đang thực hành lối sống chánh niệm, sống với hiện tại, tập trung vào một việc duy nhất, chú tâm nhiều hơn vào những việc mình làm, nghe có vẻ đơn giản nhưng thông qua chúng sẽ giúp bạn nâng cao được chất lượng cuộc sống.
Hãy làm với tâm trạng thoải mái, đừng làm để giống người khác, đừng làm cho xong, đừng làm vì người khác làm. Hãy nhẹ nhàng như khi nghe một bài hát và cảm thấy bình yên, như khi nhìn một cơn mưa và thấy mình thoải mái.
Hãy tiếp tục nuôi dưỡng nguồn năng lượng tích cực và vui vẻ bên trong chính mình. Dành ra 5-10 phút mỗi tối trước khi đi ngủ để nhìn lại một ngày trôi qua của mình như thế nào, tự đặt cho mình những câu hỏi: Ngày hôm nay mình đã trải qua những gì ? Mình gặp được những ai ? Mình cảm thấy như thế nào ? Mình có bị căng thẳng không ? Mình có tranh cãi điều gì với ai không ? Mình có kiểm soát cảm xúc bản thân tốt không ? Có điều gì làm mình khó chịu hay cảm thấy không được thoải mái hay không ?
À ngày hôm nay mình đã mệt rồi, một ngày dài vội vã. Mình nhận diện những bài học, những lỗi sai, rồi mình sẽ để xuống tất cả, mình dành thời gian cho chính mình, mình chăm sóc chính mình, lắng nghe chính mình, dùng năng lượng nhẹ nhàng này để ôm ấp chính mình.
Thật sự xã hội bây giờ khó có thể tìm thấy những người có khả năng làm một việc duy nhất và tập trung vào việc đó mà không làm thêm bất kì một việc nào khác.
Hiếm lắm bạn ạ.
Nên nếu bạn thật sự gặp được những người như thế, thì hãy trân trọng họ, vì họ sẽ mang lại cho bạn sự tin cậy và cảm xúc chất lượng.
Vậy nên sau này nếu làm công việc gì, bất kì ngành nghề lĩnh vực nào, với bất kì ai hay mối quan hệ nào thì hãy thật sự chú tâm và dành thời gian cho khoảnh khắc đó, cho đối tượng mà mình đang tiếp xúc, bởi sự hiện diện của nhau mới là điều quý giá nhất.
Và khi bạn chú tâm tối đa vào một điều gì đó bạn sẽ bắt đầu thấy được những vẻ đẹp của nó.
.
.
.