Có những sớm mai vui vì thức dậy với một ngày nắng rực. Lại có hôm vui vì mở mắt ra là đã thấy một làn mưa.
Có những sớm mai thức dậy thấy người mệt nhoài vì một đêm với nhiều trăn trở, ngủ không được sâu. Lại có khi tỉnh giấc mỉm cười, mở mắt ra rồi chỉ muốn nhắm lại, không muốn trời mau sáng vì đêm qua đã có những giấc mộng đẹp.
Đâu ai biết rằng liệu trong đời người, bao nhiêu lần sớm mai còn được thức dậy? Liệu còn được bao nhiêu khoảnh khắc được mở mắt? Đâu ai biết được rằng ngày mai đây, khi mặt trời mọc, khi ngày mới lại bắt đầu, liệu rằng hơi thở này có còn được tiếp nối?
Liệu rằng một ngày nào đó khi mình không còn hiện diện trong cuộc đời này, mình muốn được nghe ai đó chia sẻ cảm nhận của họ về mình, người đó có thể là cha mình, mẹ mình, người thân của mình, bạn bè của mình. Người đó sẽ nói gì về cuộc đời mình.
Họ thấy mình có sống một cuộc đời với đầy sự yêu thương chưa: nó đã chia sẻ và giúp đỡ được rất nhiều người, nó rất giỏi và có trách nhiệm với những người xung quanh, nó đã sống thật trọn vẹn đủ đầy trong những năm tháng mà nó còn hiện diện trong cuộc đời này. Họ sẽ nói gì về mình, cảm xúc của họ ra sao, họ nói với niềm tự hào, sự xúc động, sự tiếc thương, nói với nụ cười hay những giọt nước mắt.
Rồi sau khi nghe được những chia sẻ ấy thì chính mình có thấy hối tiếc cho cuộc đời mình không, mình đã sống trọn vẹn chưa, còn điều gì làm mình tiếc nuối hay chưa làm được hay không, tôi không ngừng tự hỏi.
Và giờ đây chỉ biết là mỗi ngày sẽ hành động, sẽ sống với giá trị của mình. Khi đã có thể làm được hết những mình muốn, thì một mai lỡ như ngày đó tới, mình có ra đi cũng không còn điều gì tiếc nuối vì bản thân đã sống thật trọn vẹn và đủ đầy rồi.
Thế mới thấy được thức dậy, đón một ngày mới với cơ thể khoẻ mạnh là điều đáng để trân quý nhất trong cuộc đời này rồi.
Một trong những giá trị mà triết học mang đến là cho phép một người cảm thấy vui vẻ ngay cả khi cận kề cái chết, dũng cảm và lạc quan với bất kì tình trạng nào của cơ thể. Nếu có bất cứ thứ gì đáng sợ trong chuyện này, đó cũng chỉ là sai lầm trong nhận thức của người đang chết chứ không phải bản thân cái chết.
Aufidius Bassus từng nói: “Ai không sẵn sàng đối mặt với cái chết cũng không thật sự muốn sống, bởi cuộc sống được trao cho ta với với điều kiện ta phải chết một ngày nào đó. Cái chết là điểm kết thúc của chúng ta, dù muốn hay không, vậy nên thật điên rồ nếu sợ hãi điều đó.”
Thật ra chúng ta không đối mặt với cái chết ngay lập tức, mà từ từ tiến đến nó. Chúng ta chết đi mỗi ngày một chút, vì mỗi ngày một phần của sự sống đang bị ta lấy mất. Ta mất đi thời còn thơ ấu, ta mất đi thời thanh xuân tuổi trẻ, mỗi khoảnh khắc trôi qua đều không trở lại, ta vẫn đang tiến về cửa tử mỗi ngày.
Thật ra thứ ta sợ hãi thường là những thứ không chắc chắn, khi mọi thứ đã rõ ràng thì thì ta chỉ đơn giản là chờ đợi.
Nếu có thể phân biệt những nguyên nhân của nỗi sợ, sẽ thấy trong số đó chúng có những thứ là thật và một vài thứ chỉ là ảo tưởng. Ta sợ không phải tự thân cái chết mà là suy nghĩ về cái chết, vì cái chết luôn ở cạnh ta. Tự nhiên đâu muốn ta đặt ra quy luật nào ngoài chính nó, ta phải tham gia cuộc chơi và tuân theo quy luật của tự nhiên. Thứ gì tự nhiên hàn gắn cũng sẽ có cách phá vỡ, thứ gì tự nhiên phá vỡ cũng sẽ có cách hàn gắn.
Những lúc chông chênh mệt mỏi, tôi thường tự hỏi, điều gì là quan trọng nhất còn ở lại với mình. Để rồi chợt nhận ra, khi đặt tay lên ngực trái, cảm nhận trái tim vẫn còn vang nhịp đập.
Không một ai có thể biết được, liệu giây phút tiếp theo đây sẽ như thế nào? Quá nhiều điều nằm ngoài sự kiểm soát khiến ta hoang mang sợ hãi, nhưng khi quá yên ả, lại không còn cảm nhận được niềm vui sống mỗi ngày.
Vẫn là rèn cho mình một tâm thế vững vàng trước mọi biến động của cuộc đời, trân trọng và biết ơn từng khoảnh khắc hiện tại.
Một ngày nào đó
Nếu chỉ còn lại vài phút giây sau cuối
Khoảnh khắc mình đột nhiên tan theo một làn khói
Chắc mình sẽ vui ?
Vì tháng ngày qua đã trọn vẹn đủ đầy
Trong lần tỉnh thức ngắn ngủi
Để rồi nhiều năm về sau vẫn luôn là một thước phim sống động mỗi khi mình rơi vào những khoảnh khắc hoài niệm này.
.
.
.
.