Chúng ta đang sống trong thời đại phát triển công nghệ và sự bùng nổ thông tin, những kết nối nhanh và tiện lợi khiến cho cơ thể mình liên tục bị kích thích, liên tục bị chi phối bởi những khao khát, mong muốn được thoả mãn, muốn nhìn nhiều hơn, muốn nghe nhiều hơn, muốn biết nhiều hơn, muốn giải trí nhiều hơn, muốn kết nối nhiều hơn với thế giới xung quanh.
Luôn bắt những giác quan phải hoạt động liên tục, như phần lớn thời gian mắt luôn nhìn vào màn hình máy tính, điên thoại, ipad, rồi tivi. Ví như những đêm thấy khó ngủ, bạn sẽ làm gì khi đó? Chắc hẳn là lướt điện thoại hoặc lại lục tìm và xem một bộ phim nào đó trên netflix, với mục đích để mắt mỏi đi, sẽ dễ ngủ hơn. Nhưng thật ra, điều này lại làm giảm chất lượng giấc ngủ nhiều hơn nữa.
Tại sao trong một thời đại khoa học công nghệ phát triển, xã hội hiện đại, con người đạt được tự do và tiến bộ vượt bậc như thế mà chúng ta lại có vẻ bất hạnh hơn bao giờ hết, chúng ta có quá nhiều nỗi đau, những tổn thương trong tinh thần.
Tại sao mình lại dễ chán nản đến vậy? Tại sao mình liên tục tìm đến phim ảnh, mạng xã hội, tin tức để giải trí? Phải chăng câu trả lời đến từ việc chúng ta đang làm việc quá sức chỉ để có thể trốn tránh sự cô đơn và buồn chán hay kể cả những nỗi đau tổn thương.
Tất cả chúng ta đều đang chạy trốn nỗi buồn, một số sử dụng thuốc chống trầm cảm, một số dành hàng giờ để lướt mạng xã hội, một số xem phim, số khác đọc tin tức giải trí. Chúng ta làm mọi cách để đánh lạc hướng để bản thân luôn bận rộn. Thế nhưng dường như mọi nỗ lực đó chỉ khiến cho nỗi buồn của chúng ta càng trở nên tồi tệ hơn.
Nếu xét về góc độ não bộ, bộ máy thần kinh xử lý lạc thú và nỗi đau cực kỳ cổ xưa vẫn được giữ gần như nguyên vẹn trong suốt quá trình tiến hóa ở khắp các loài. Nó thích nghi hoàn hảo với một thế giới khan hiếm. Không có lạc thú, chúng ta sẽ không ăn uống hay sinh sản. Không có nỗi đau, chúng ta sẽ không tự bảo vệ bản thân trước những tổn thương và cái chết. Nên nỗi đau và lạc thú là 2 trạng thái không thể thiếu trong việc sinh tồn của loài người.
Vào năm 1957, Dopamine lần đầu được xác nhận là chất dẫn truyền thần kinh trong não người bởi hai nhà khoa học Arvid Carlsson và Kathleen Montagu.
Dopamine được sử dụng để đo lường khả năng gây nghiện của mọi hành vi, có vai trò thúc đẩy quá trình đạt được phần thưởng hơn là tận hưởng niềm vui từ chính phần thưởng đó. Muốn nhiều hơn là thích. Bên cạnh việc phát hiện ra dopamine, các nhà khoa học thần kinh cũng xác định rằng lạc thú và nỗi đau được xử lý trong các vùng não chồng chéo nhau và hoạt động thông qua một cơ chế xử lý đối nghịch.
Nói cách khác, lạc thú và nỗi đau hoạt động giống như một cán cân.
Bên trong chúng ta có một cơ chế gọi là cán cân lạc thú-nỗi đau, cán cân này luôn muốn ở trạng thái cân bằng, khi chúng ta quá đắm chìm vào những trải nghiệm mang tính kích thích cao như thức ăn nhanh, xem phim, giải trí mạng xã hội thì đến khi tiếp xúc với những điều bình dị như đi bộ, đọc sách, sẽ không còn mang lại niềm vui nữa.
Khi chúng ta trải nghiệm niềm vui, dopamine được giải phóng trong đường dẫn truyền tưởng thưởng và cán cần nghiêng về phía lạc thú. Nhưng điều quan trọng về cán cân này là: Nó muốn duy trì ở trạng thái cân bằng. Nó không muốn bị nghiêng quá lâu về bất kỳ phía nào. Do đó, mỗi khi cán cân nghiêng về phía lạc thú, các cơ chế tự điều chỉnh mạnh mẽ sẽ được kích hoạt để đưa nó về lại trạng thái cân bằng.
Tất cả chúng ta đều trải nghiệm cảm giác thèm muốn sau khi đã trải nghiệm được lạc thú. Như việc muốn ăn thêm một ly kem, xem thêm một video clip, chơi thêm một ván game, chúng ta muốn tạo ra cảm giác thoải mái càng lâu càng tốt. Nhưng việc đó ẩn chứa một vấn đề. Khi tiếp xúc lặp đi lặp lại với các tác nhân kích thích lạc thú tương tự hoặc giống hệt nhau, đó là lúc cán cân nghiêng về phía nỗi đau. Và dần dần chúng ta sẽ cần nhiều thêm loại chất kích thích mới để đạt được cảm giác thoả mãn tương tự. Chúng ta trở thành những người không ngừng tìm kiếm và không bao giờ thỏa mãn với những thứ mình có, luôn muốn có nhiều hơn nữa.
Khoa học cho thấy rằng mọi lạc thú đều phải trả giá, bởi nỗi đau diễn ra sau đó sẽ kéo dài và đau đớn hơn so với chính lạc thú ấy. Khi tiếp xúc lâu và thường xuyên với các tác nhân kích thích lạc thú, khả năng chịu đau của chúng ta sẽ giảm và ngưỡng trải nghiệm lạc thú sẽ tăng lên.
Như Tiến sĩ Tom Finucane, người nghiên cứu bệnh tiểu đường trong bối cảnh của lối sống thiếu vận động đã nói: Chúng ta là những cây xương rồng trong rừng mưa, chúng ta đang chết chìm trong dopamine. Kết quả là giờ đây, chúng ta cần nhiều sự giải trí, nhiều phần thưởng hơn để cảm thấy vui, và để ít tổn thương hơn.
Một tin vui từ các nhà khoa học, nếu chúng ta đợi đủ lâu, bộ não sẽ có cách tái thích ứng với trạng thái không có chất gây nghiện và cơ thể chúng ta sẽ thiết lập lại sự cân bằng nội môi cơ bản. Một khi có được sự cân bằng trong cuộc sống, chúng ta có thể lại được tận hưởng niềm vui giản đơn mỗi ngày, những phần thưởng đơn giản như đi bộ, ngắm mặt trời mọc, thưởng thức một bữa ăn cùng bạn bè.
Không ngẫu nhiên mà giờ đây chúng ta dễ cảm thấy buồn chán và phải liên tục tìm tới những kích thích mạnh để giải trí để rồi khó có thể thoả mãn với những cách giải trí thông thường.
Đức Phật vẫn không sai khi nói rằng, đời là bể khổ, trong khổ có sướng và trong sướng cũng có khổ, khổ trước sướng sau, khổ rồi sẽ sướng, nhưng sướng rồi cũng sẽ tạo ra khổ.
Cán cân lạc thú-nỗi đau là cách giải thích cho việc sướng khổ dưới góc độ thần kinh giúp chúng ta có cái nhìn khách quan, tạo một điểm tựa vững vàng để từng bước chấp nhận thực tại cuộc sống và dần tận hưởng những điều giản đơn bình dị hằng ngày. Từng bước chậm lại và không còn chạy theo vòng xoáy kích thích bởi nguồn dopamin cao.
Vậy nên việc lựa chọn phương tiện, cách thức giải trí là vô cùng quan trọng nếu chúng ta không muốn bị thao túng và rơi vào ma trận của thế giới giải trí hiện nay. Giải trí chỉ nên là một phần nhỏ của cuộc sống để giúp cho cuộc sống cân bằng hơn, để thả lỏng sau những căng thẳng từ công việc cuộc sống hơn là ưu tiên hằng đầu, để rồi chúng ta dần khó có được sự tập trung vào những điều quan trọng hơn trong cuộc sống.
Hơn 40% hành vi hằng ngày của mình đến từ thói quen, và bản thân chúng ta có thể chủ động tạo ra những thói quen lành mạnh như ăn uống, tập thể dục, chú trọng đến giấc ngủ, để rồi có được cuộc sống mà chúng ta được hỗ trợ bởi những thói quen tốt thay vì sự chi phối bởi những thói quen xấu.
Vận động
Yoga là một trong những liệu pháp giúp tôi kết nối với cơ thể mình. Chậm lại, cảm nhận, nhận diện những cảm xúc đến từ những cơ quan trên cơ thể, vai mình hơi căng, cổ mình hơi mỏi…Yoga không chỉ là việc sử dụng sức mạnh của các bộ phận trên cơ thể, mà đó là việc học cả cái cách kiểm soát và làm chủ cái đầu, làm chủ tâm trí mình, làm chủ tâm, làm chủ cả con người mình nữa. Cái đích đến cuối cùng trong yoga không phải chỉ duy nhất là chinh phục những tư thế đẹp mắt mà cái đích đến là chính mình.
Học yoga là học cách để điều hòa giữa thân và tâm, giữa những bộ phận trên cơ thể và cái đầu, giữa soát và thả lỏng, giữa chú tâm và buông xả, chú tâm vào cơ thể và buông xả những ý nghĩ lan man. Khi ấy thì mình làm chủ kỹ thuật, mình làm chủ kiến thức, mình làm chủ mình, làm chủ cơ thể, làm chủ tâm trí mình. Cái học ấy không còn đơn giản chỉ là để rèn luyện sức khoẻ, để học một cái nghề, để kiếm thêm thu nhập mà cái học đó là để hoàn thiện một con người.
Kiến thức ấy, thầy cô có thể truyền đạt, nhưng chính mình mới là người nhớ, hiểu và thực hành. Tự mình học qua những lần ngã, những lần đau, rồi tự rúc ra những kinh nghiệm, những cảm nhận của riêng mình.
Mình tự tạo cho mình nhân cách riêng.
Khi hiểu hơn về cơ thể mình, tôi mới thấy được giá trị mà sức khoẻ mang lại, thấy được sự tác động và ảnh hưởng từ những thói quen ăn uống, nghỉ ngơi, giấc ngủ hằng ngày lên cơ thể mình. Những hiểu biết đó giúp tôi biết cách để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, và để duy trì sự khỏe mạnh về lâu dài. Hiểu được rằng sức khoẻ là một trong những tài nguyên hữu hạn và càng phải biết trân trọng và giữ gìn, mới thấy quý trọng hơn sức khoẻ.
Giấc ngủ
Như những năm đầu tuổi 20 từng nhiều lần thức đến tận 2-3h sáng, khi thì cà phê, khi thì đang cày 1 bộ phim nào đó, và sáng hôm sau thức dậy không thấy ăn nhằm gì. Cho tới gần 30, chỉ cần một đêm ngủ muộn hơn bình thường hoặc ngủ không được sâu, thức giấc nhiều lần là ngày hôm sau dẫu có được ngủ bù thêm vài tiếng nhưng người cứ thơ thẩn, mệt mỏi, không thể tập trung làm được việc gì. Mới thấm thía câu có sức khoẻ là có tất cả.
Kinh nghiệm của bản thân, hôm nào mệt hay cơ thể bắt đầu thấy khó chịu, lập tức gác hết công việc, mọi ồn ào, mọi suy nghĩ nhiều sang một bên, và đi ngủ sớm. Sau một đêm ngủ ngon, luôn thấy như mình được hồi sinh. Đón nhận ngày mới thật đẹp.
Liệu ngày hôm nay có giống ngày hôm qua không, mình của ngày hôm nay có phải mình của ngày hôm qua không. Chắc chắn không. Giấc ngủ giúp mình hồi phục lại sức khoẻ, giấc ngủ giúp mình reset lại con người mình, giấc ngủ cho mình được sinh ra lần nữa. Khi có được một giấc ngủ sâu, thì cơ thể sẽ vận hành tự chữa lành cho chính nó.
Bằng chứng là sáng nay thức dậy, thấy tràn đầy năng lượng và tươi mới. Nhờ đó mà mới làm được nhiều việc, vận hành cuộc sống hiệu quả hơn, tâm trí bớt đi những nỗi lo âu để tập trung vào những điều quan trọng khác.
Thực hành biết ơn thông qua giấc ngủ
Bây giờ mỗi đêm trước khi đi vào giấc ngủ, thay vì chọn những cách giải trí bằng cách xem điện thoại như trước đây, thì tôi thay vào đó bằng những điều mình cảm thấy biết ơn.
Hít vào, mình thấy rằng mình còn hơi thở. Thử tưởng tượng nếu không còn hơi thở này, thử tưởng tượng ngày mai mình không còn thức dậy nữa, chắc người thân của mình sẽ đau buồn lắm.
Biết ơn vì vẫn còn hơi thở này. Biết ơn vì giọng nói vẫn còn đây. Biết ơn vì vẫn còn đôi mắt sáng. Biết ơn vì mình còn đôi tay lành lặn. Biết ơn vì đôi chân. Biết ơn vì bản thân có thể chạy xe được bình thường. Cảm giác biết ơn cho tôi những năng lượng của sự giải phóng, có được sự nhẹ nhàng và hài lòng hơn với những gì mình đang có.
Phút này đây, tôi còn sống, còn thở, còn viết, còn có bạn ở đây để đọc những dòng viết này, còn có ngày mai rồi sẽ lại được đón ngày mới với bầu trời thật đẹp, còn gió đang thổi, còn hạnh phúc vì được sống ngay trong khoảnh khắc này, còn được làm những điều mình muốn, còn yêu và được yêu nữa.
Rồi cũng dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
Và bây giờ thì đi ngủ thôi, vì chẳng còn gì tiếc nuối, hay mong cầu.
Trân trọng những gì mình có dù là trong bất kì hoàn cảnh nào.
Hạnh phúc không phải chỉ là những xúc cảm vui sướng nhất thời, mà còn là những chiêm nghiệm sâu sắc và ý nghĩa về hành trình mình đã trải qua.
Có lẽ sự đủ đầy đầu tiên mà ai cũng mong muốn có được đó là sỡ hữu được tiền bạc và vật chất, bởi những thứ hữu hình đó không chỉ đem lại sự an toàn, chắc chắn, đảm bảo cho cuộc sống hôm nay, mà còn để cho lỡ như một ngày nào đó biến cố xảy đến. Vậy nên đó là một nhu cầu hết sức bình thường.
Chỉ là, cần nhận biết rằng nỗ lực lao động là điều tốt nhưng đồng thời cũng cần biết khi nào là đủ, để không bị cuốn vào cuộc chạy đua vật chất đó mãi.
Seneca từng nói: “Mọi ham muốn vượt quá giới hạn của tự nhiên đều tiến đến vô hạn và không có điểm dừng. Tự nhiên có giới hạn, nhưng những ham muốn rỗng tuếch và suy đồi thì không. Thật bất hạnh cho chúng ta, khi những thứ xa xỉ ngày trước giờ đây lại trở thành thiết yếu. Thay vì tận hưởng tiện nghi, con người lại trở thành nô lệ của tiện nghi, thậm chí còn sùng bái những điều tồi tệ nhất của bản thân. Không chỉ tỏ ra vui thích trước những hành động đáng xấu hổ của mình mà còn cổ vũ và cố lan rộng chúng”
.
.
.