Nhắc đến khái niệm yêu bản thân nhiều người thường hiểu sai rằng là ích kỷ.
Đặc biệt đối với phụ nữ – Khi mà nền văn hoá truyền thống, nơi những người phụ nữ thường được xã hội gắn cho “thiên chức” hy sinh vì người đàn ông trong gia đình. Họ được giáo dục rằng, phải sống một cuộc sống không được vượt quá bổn phận nuôi dạy con cái, hy sinh chăm sóc cho gia đình, cho chồng con, chăm sóc nhà cửa đến mức quên mình, rằng thậm chí họ còn không được mơ tưởng tới tình yêu, hay sự tôn trọng chứ đừng nói đến việc bình đẳng hay chăm sóc cho nhu cầu của bản thân.
Chính những cuộc hôn nhân đó tạo cho người phụ nữ có được cảm giác thuộc về đám đông nhưng cũng đã vô tình trói buộc họ vào một cuộc sống nô lệ. Để rồi khi người khác không trân trọng sự hy sinh của họ, họ cảm thấy hụt hẫng, oán trách, vì đã dành cả cuộc đời để sống vì người khác.
Không có gì tồi tệ đối với một con người hơn là hy sinh cả cuộc đời mình cho người khác nhưng cảm thấy không được đền đáp xứng đáng.
Như nhà thơ, tác giả viết hồi ký, diễn viên người Mỹ Maya Angelou từng nói: “Ta dạy mọi người cách đối xử với ta.” Ta thường yêu thương người khác theo cách bản thân đã được yêu thương. Khi được trao yêu thương, người chưa từng được yêu thương vẫn có thể yêu thương người khác. Nếu ta được yêu thương, ta sẽ học được cách yêu thương.
Bởi ta phải biết cách yêu thương chính mình trước thì mới có thể trao yêu thương cho người khác được.
. .
Yêu thương bản thân là khi chúng ta tập trung vào những nhu cầu mà cơ thể cần. Ngược lại với yêu thương bản thân là chiều chuộng bản thân, là khi chúng ta không còn làm vì thấy bản thân cần, mà là vì muốn chứng minh cho những người xung quanh có thể thấy được.
Ví như vấn đề trang phục, quần áo, những yếu tố vật chất sở hữu bên ngoài, như nhà cửa, xe cộ, điện thoại…v.v. Đó là những thứ có thể show cho người khác thấy được.
Chúng ta ngày càng có nhiều quần áo hơn nhu cầu cần thiết thực sự. Ta không còn mặc để ấm, để thoải mái, tiện ích nữa. Mà giờ đây là mặc để đẹp, để hợp thời trang, bắt kịp xu hướng, để có sự so sánh với người khác, tạo khác biệt, tạo sự đẳng cấp, mong muốn nhận được sự ngưỡng mộ và trầm trồ từ những người xung quanh.
Lựa chọn của chúng ta ngày nay bị ảnh hưởng nhiều từ bên ngoài, xu hướng từ đám đông. Mua sắm vì thấy đang có chương trình giảm giá, mua vì thấy các idol tóp tóp rì viu nhiều, mua vì lướt facebook thấy cái đứa mình cạnh tranh vừa mới đăng hình khoe mẽ, chứ không phải mua vì bản thân thật sự cần.
Dần dần chúng ta trở nên nuông chiều bản thân nhiều hơn mà không hề hay biết.
Bởi nếu yêu thương bản thân, ta sẽ rõ hơn đâu mới là điều thật sự cần. Ta có thể mặc những trang phục đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được chỉnh chu, vừa thoải mái, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với công việc. Chứ không cố nhét mình vào những bộ cánh sang trọng, thời trang, theo mod cứng nhắt, chỉ vì mong muốn tạo ra vẻ bề ngoài sang trọng để thấy bản thân giá trị đẳng cấp hơn người.
Yêu thương bản thân đúng cách còn được thể hiện qua nhiều khía cạnh về chăm sóc và xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh.
Như việc thấu hiểu bản thân từ những khía cạnh cảm xúc, tư duy, thói quen, đối diện và chấp nhận những tổn thương trong quá khứ, xem nó đang ảnh hưởng đến mình như thế nào để từ đó học cách có thể chữa lành.
Yêu thương bản thân là việc rất quan trọng. Nhưng không may là nhiều người cảm thấy tội lỗi khi chăm sóc và yêu thương bản thân, họ xem đó là hành động ích kỷ. Nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại, yêu thương bản thân không phải là ích kỷ – mà là việc cốt yếu phải làm.
Để yêu thương bản thân, chúng ta đôi khi phải biết đặt ra ranh giới và tự bảo vệ lấy mình, biết dành sự ưu tiên cho bản thân giữa cuộc sống xô bồ và bận rộn như hiện nay.
Chẳng hạn như nói với người khác rằng ta không thể giúp đỡ họ, bởi vì ta sợ làm người khác nổi giận và cũng không biết lựa lời phù hợp. Ta sợ nếu sống vì mình thì sẽ làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ. Trong khi đó, nếu ta cứ luôn sống vì người khác thì bản thân bạn lại chịu tổn hại lớn hơn rất nhiều. Vậy nên sẵn sàng nói không với những yêu cầu không phù hợp, hoặc gây ra sự không thoải mái cho bản thân.
Bởi nếu là những người thật sự hiểu và yêu thương ta chắc chắn cũng sẽ vui và tự hào khi thấy ta hạnh phúc.
Chỉ khi ta có thể tự chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ được mình, thì ta mới có thể chăm sóc nuôi dưỡng và bảo vệ được cho người khác. Khi ta đã có đủ, ta mới có để cho đi. Và chỉ có tình yêu thương từ bên sâu bên trong, tình yêu do tự bản thân mình thắp lên mới có đủ sức mạnh chiếu sáng đến cả những người gần bên ta. Tình yêu ấy sẽ lan tỏa, sẽ cộng hưởng, sẽ tạo ra những tầm ảnh hưởng tích cực, và thậm chí có thể sẽ thay đổi cuộc đời của một ai đó.
Như triết gia Aristotle từng nói: “Tình yêu thương chân thật nhất, thuần khiết nhất mà bạn có thể dành cho bất kì ai, đều cần bắt nguồn từ tình yêu thương mà bạn dành cho chính mình”.
Hay Thiền sư Gunaratana cũng từng viết: “Khi bạn đã học được cách để tự cảm thông với mình, cảm thông với người khác trở thành lẽ tự nhiên.”
Và với bản thân chúng ta cũng vậy.
Tôi cảm thấy mình đã dần thành thạo hơn trong việc cho phép bản thân được là chính mình. Tôi không còn cố chạy trốn khỏi bóng tối nơi tâm hồn mình. Tôi biết chấp nhận và yêu thương những điểm yếu của chính mình, kể cả những thiếu sót, những tổn thương, ngay cả những thứ mà trước đây tôi từng muốn chối bỏ và chôn vùi chúng đi. Tôi học cách chấp nhận rằng bản thân mình vẫn còn nhiều điều chưa hoàn hảo. Bởi vì ta xứng đáng được yêu thương, và chúng cũng là một phần con người ta.
Học cách làm bạn với chính mình, cảm thông với những sai lầm, những thiếu sót, những tổn thương vốn chẳng hề đáng trách. Một tình yêu thương thật sự, sẽ không vì những sự kém hoàn hảo mà phán xét, chỉ trích.… và chính sự cảm thông ấy, đã thay đổi tôi từ tận sâu bên trong.
Chân thật với chính mình. Tôi không cần thay đổi bất kì ai trên thế gian này. Tôi chỉ cần phát triển bản thân mình trước thảy, bấy nhiêu đó là đã đủ. Ngừng tìm cách thay đổi người khác, thông điệp ở đây là chỉ cần tôi thay đổi là được.
Sẵn sàng đối diện với chính mình với một tâm thế cởi mở hơn, sẵn sàng tìm hiểu và học hỏi những khám phá mới, lắng nghe những suy tư, chấp nhận những cảm xúc, soi xét lại những niềm tin của chính mình, và kể cả việc nhìn nhận sâu hơn về những về những ý nghĩa ẩn sau nó.
Khi tôi có thể hiểu hơn về bản thân mình, ta càng có nhiều dữ kiện để làm cơ sở cho những quyết định và lựa chọn của bản thân sau này. Vì tôi cũng hiểu được rất rõ điều gì là hợp và không phù hợp với mình.
. . .
Bên trong mỗi chúng ta vẫn luôn sẽ còn những phẩm chất chưa được mài giũa. Những tiềm năng riêng biệt, sâu sắc và phức tạp còn chưa được phát triển. Và nhiệm vụ của ta là nhận ra và tận hưởng những tiềm năng đó để bản thân ngày một trở nên hoàn thiện hơn.
Quan điểm của mỗi người sẽ khác nhau. Có thể với người này đó là sự chiều chuộng bản thân, nhưng với người khác đó là sự chăm sóc bản thân mình.
Đừng chạy theo những xu hướng, trào lưu của xã hội, bởi bản thân ra mới biết ta cần gì.
Bản thân ta mới có thể đánh giá và thành thật được với chính mình.
Khi ấy, hãy lắng nghe chính mình, quan sát để biết nhu cầu thực sự mình là gì, lý do vì sao bản thân có những lựa chọn này, để có những đối xử hài hòa với chính mình.
Chấp nhận bản thân một cách lành mạnh, để có được một tình thương đúng đắn dành cho bản thân mà không sa vào chiều chuộng hay đôi khi quá hà khắc với mình.
Mình cần yêu thương bản thân.
Mình cần cảm thấy hạnh phúc.
Mình hạnh phúc thì người xung quanh mình mới hạnh phúc, an lành được.
Thương yêu bản thân không phải là ích kỷ đó là điều kiện cần để có thể yêu thương người khác.