Tôi đã nói quá nhiều lợi ích về việc lòng biết ơn mang lại cho đời sống con người.
Vậy làm sao để có thể nuôi dưỡng được lòng biết ơn? Làm sao để có thể phát triển được thứ cảm xúc ấy?
Có rất nhiều những nghiên cứu, những ứng dụng, phương pháp nói về lòng biết ơn. Nhưng làm sao để có thể ứng dụng những kiến thức ấy vào thực tế. Dưới đây là một số phương pháp mà bản thân tôi đã trải nghiệm, thực hành và chúng thực sự hiệu quả đối với tôi.
Mỗi người sẽ có những trải nghiệm, đời sống và góc nhìn khác nhau. Vậy nên việc của bạn là có thể tìm hiểu, xem xét và trải nghiệm để tìm ra cho mình một phương pháp phù hợp nhất.
Dành ra chút thời gian mỗi buổi tối, để viết xuống ba điều tốt lành đã diễn ra trong ngày.
Có thể là những điều đơn giản như hôm nay tôi có thể đi làm đúng giờ. Hôm nay tôi đã nói được một lời yêu thương với người thân hay những người xung quanh mình. Cảm ơn vì tôi được ăn một bữa ăn ngon, đọc được một trang sách hay, được trò chuyện và nhận lời khuyên hữu ích từ một người bạn.
Đôi khi không nhất thiết phải viết. Chỉ cần dành một ít thời gian để suy ngẫm và thể hiện sự trân quý về những điều bạn đang có ở hiện tại thôi cũng được.
Giây phút này, chúng ta có đầy đủ sức khoẻ, một trí tuệ minh mẫn và có mặt tại đây để đọc những dòng viết này đã là một sự may mắn và biết ơn quá lớn rồi.
Thực chất, lòng biết ơn không cần đến một điều gì quá to lớn hay vĩ đại. Chỉ cần để ý, bạn sẽ thấy cuộc sống xung quanh mình đều đang ẩn chứa rất nhiều điều giá trị và ý nghĩa. Đôi khi những điều ấy rất bé nhỏ và gần gũi mà ta thường cho là nghiễm nhiên. Nhưng đến khi mất đi rồi, ta mới thấy nó quý giá đến nhường nào.
Ví như sức khoẻ cũng vậy. Ta hít thở hằng ngày như một lẽ hiển nhiên, nên đôi khi ta quên mất việc mình đang hít thở. Để đến khi có một cơn cảm cúm xuất hiện, mũi ta bắt đầu nghẹt đi lúc dó mới thấy việc được hít thở mỗi ngày là quý giá như thế nào. Để minh hoạ cho mọi người dễ hình dung, tôi sẽ lấy ví dụ với chính câu chuyện mà tôi đã trải qua.
. . .
1 giờ sáng tôi bật dậy sau một cơn nhức đầu khủng khiếp. Tay chân tôi lạnh toát, một luồng không khí lạnh chạy dọc theo sóng lưng tôi, mặc dù người tôi mồ hôi ướt đẫm. Tôi đang ở một mình trong căn phòng trọ. Bầu không khí bên ngoài lặng ngắt vì đã là 1h sáng. Còn tôi đầu óc đang chao đảo, nằm tủi thân cho hoàn cảnh thảm hại của mình lúc này.
Một ngày trước tôi không may dính mưa và bị cảm, và giờ đây tôi đã hoàn toàn trở nên vô tích sự. Tôi phải xin nghỉ làm, bỏ lỡ dự án còn đang thực hiện dỡ dang, bỏ cả những cái hẹn cafe với bè bạn. Nằm ở nhà mà chẳng thể làm được việc gì, trong khi còn cả đống công việc đang chất chồng. Lúc ấy tôi mới thấm thía về tầm quan trọng của sức khoẻ bản thân.
Những người trẻ như chúng ta ít khi nào quan tâm nhiều đến sức khoẻ. Chúng ta có nguồn sức khoẻ dồi dào. Chúng ta có thể nhậu nhẹt xả giao với khách hàng từ ngày này sang ngày nọ, có thể thức đến tận 1-2h sáng, nhưng hôm sau vẫn có đủ tỉnh táo, vẫn có mặt tại cơ quan, lớp học đúng giờ.
Chúng ta đánh đổi sức khoẻ cho công việc, đánh đổi sức khoẻ cho cho những cuộc vui thâu đêm. Để đến khi cơ thể báo động, chạm đến ngưỡng giới hạn khi đó ta mới bắt đầu dừng lại và quý trọng sức khoẻ của bản thân mình. Lúc ấy mới thấy rằng sức khoẻ chính là nền tảng cho mọi thứ.
Vậy nên một trong những tài sản mà ta cần phải biết ơn và gìn giữ ngay từ bây giờ đó chính là sức khoẻ.
Có sức khoẻ mới có thể sáng tạo, có sức khoẻ mới có thể làm việc, có sức khoẻ mới có thể kiếm ra tiền. Không có sức khoẻ, tất cả đều sụp đổ. Vậy nên hãy trân trọng giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ mỗi ngày. Chẳng hạn như ăn uống đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc. Thiết lập lại đồng hồ sinh học bằng việc ngủ đủ giấc và thức dậy cùng một giờ cố định mỗi ngày.
Hay việc đầu tư cho đời sống tinh thần cũng vậy. Đầu tư vào đời sống tinh thần, cho bản thân một nền tảng tâm lý vững vàng, một nội tâm mạnh mẽ, quản lý được cảm xúc nguồn nội lực bên trong, thì dù cho cuộc sống có muôn vàn khó khăn thử thách thế nào thì cũng không làm cho mình gục ngã được.
Khi có bên trong một nền tảng tinh thần làm gốc rễ vững vàng, thì đứng trước thử thách, những sự việc dù cho có nằm ngoài tầm kiểm soát đi chăng nữa ta cũng có thể đối diện, vấn đề nào cũng có thể giải quyết.
Vậy nên là, dù cuộc sống có bận rộn thế nào, có khó khăn ra sao, cũng đừng quên dành ra thời gian cho chính mình, để trở về chăm sóc và nuôi dưỡng cho đời sống sức khoẻ tinh thần thêm khoẻ mạnh.
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thiết lập cho bản thân chế độ tập luyện thể thao đều đặn. Nói với bản thân những điều tích cực. Viết nhật kí biết ơn, những điều mang đến cảm giác hạnh phúc từ sâu bên trong. Tất cả những điều mang đến cho ta một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.
Đầu tư cho đời sống tinh thần sẽ không bao giờ là thừa cả. Như người đời vẫn nói, bạn ít khi nhận ra những điều ấy quý giá đến thế nào cho đến khi bạn không còn chúng nữa.
. . .
.
..