Đã bao giờ bạn cảm thấy mất niềm tin vào chính bản thân mình hay chưa?
Bạn cảm thấy rằng ngay cả bạn cũng không còn tin tưởng vào chính mình được nữa. Đôi khi nó bắt đầu bằng việc bạn không thực hiện được những lời hứa nhỏ nhoi, mà bạn đã tự hứa với bản thân. Nó khiến bạn tự thất vọng. Và đến cuối cùng, bạn chọn cách ngừng tin tưởng vào chính mình.
Và tôi đã từng như thế. Đã từng mất niềm tin vào chính mình.
Ngày còn bé, tôi đã là một đứa trẻ vô vùng nhút nhát. Tôi luôn sợ hãi mỗi khi nhìn vào mắt người khác. Nên tôi luôn lựa chọn việc im lặng và hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh. Tôi sợ ai đó sẽ bắt chuyện với tôi. Sợ họ biết tôi nhút nhát. Sợ họ sẽ buông ra những lời trêu chọc. Tôi cảm thấy sợ hết tất cả mọi thứ xung quanh mình.
Càng lớn lên nỗi sợ ấy cũng không được cải thiện là mấy. 12 năm đến trường tôi luôn chọn hàng ghế cuối cùng trong lớp học là nơi tôi có thể tránh được sự tiếp xúc của mọi người. Tôi vô cùng ngưỡng mộ những bạn có thể giơ tay hăng hái phát biểu. Họ là trung tâm của lớp học. Nên họ luôn là người nhận được sự ưu ái từ thầy cô.
Và rồi để đối phó với những buổi thuyết trình. Những bài phát biểu trước lớp. Tôi bắt đầu tự tạo nên một vỏ bọc tự tin cho chính mình. Nhưng chỉ có tôi mới hiểu được rằng, sâu thẳm trong tôi vẫn là một con người nhút nhát và đầy sự tự ti mặc cảm.
Thậm chí cho đến sau này. Khi tôi nhận được phiếu báo điểm là mình đã đỗ vào đại học. Tôi vẫn cảm thấy thiếu tự tin. Tôi vẫn cho rằng chẳng qua là bản thân đã gặp chút may mắn. Vì tôi biết mình chẳng có chút thực lực nào so với người khác.
Những suy nghĩ ấy lại tiếp tục đeo bám tôi khi tôi bắt đầu nhận được công việc đầu tiên. Đó là công việc đòi hỏi một quy trình phỏng vấn và tuyển dụng vô cùng khó khăn. Mà người ngoài đã từng nhận xét khi họ nghe tôi ứng tuyển vào công ty đó.
Nhưng trải qua quá trình phỏng vấn, học việc, thử việc cho đến khi được nhận vào kí hợp đồng chính thức. Tôi vẫn cảm thấy bản thân mình chưa thực sự giỏi. Và cảm giác thiếu tự tin lại tiếp tục đeo bám tôi. Tôi lo sợ rồi sẽ có một ngày, người xung quanh họ sẽ nhận ra được những điểm yếu mà tôi luôn cảm thấy tự ti và cố tình che dấu chúng.
Tôi thường xuyên đối diện với bản thân mình bằng những suy nghĩ và lời lẽ vô cùng tiêu cực. Tôi luôn cho rằng bản thân tôi đạt được những thành công như hiện tại chỉ là do may mắn. Và người khác chẳng qua là chưa vạch trần con người tôi thôi. Mặc dù bản thân tôi là người biết rõ nhất những khó khăn, áp lực, những thứ mà tôi đã phải trải qua để đạt được những thành quả cho bản thân như hiện tại.
Tôi đã tìm và thử rất nhiều cách để cải thiện vấn để bản thân. Tôi xem những video truyền cảm hứng. Tôi tham gia vào cộng đồng tư duy tích cực. Tôi đọc sách self help,….Nhưng hầu như chúng đều không thật sự có hiệu quả đối với bản thân tôi. Tôi thấy chúng như những câu khẩu hiệu suông kiểu:
“Tự tin lên”
“Tích cực lên”
Chúng chỉ giúp tôi ít nhất là có thể tỏ ra tự tin được bên ngoài. Chứ không thật sự giúp ích được từ bên trong con người tôi. Như một liệu pháp chỉ chữa ngọn mà không chữa gốc.
Mãi cho đến năm 26 tuổi. Tôi mới thật sự tìm được chìa khoá giúp tôi tìm thấy chính mình. Khơi gợi được niềm tự tin bên trong con người tôi. Hoá ra những năm tháng sống trong tự ti và mặc cảm ấy. Chẳng qua là vì tôi đã tự lừa dối và ngộ nhận cho chính mình.
Đó là bước ngoặt giúp tôi trút đi được cái vỏ bọc mình đã mang theo ngần ấy thời gian. Đánh dấu quá trình tôi trưởng thành và trở nên mạnh mẽ hơn. Bài viết này chỉ ra 6 điều quan trọng nhất tôi đã làm để tìm thấy được sự tự tin cho chính mình.
NGƯNG TÌM KIẾM SỰ CHẤP NHẬN CỦA MỌI NGƯỜI XUNG QUANH
Tôi nhận ra rằng dù bản thân có cố gắng đến mấy tôi không thể nào có thể làm hài lòng được tất cả mọi người xung quanh. Thay vào đó tôi bắt đầu tập trung vào chính mình. Tập trung vào những mối quan hệ chất lượng mà mình thật sự có được.
LÀM CHỦ SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH MÌNH
Tôi ngừng đỗ lỗi cho những sự việc diễn ra xung quanh. Như việc giao thông tắc đường. Những người ý thức giao thông kém. Dẫn đến việc tôi bị muộn giờ làm. Thay vào đó, bản thân tôi phải có một phần trách nhiệm cho hành vi đi trễ của mình (có lẽ tôi phải thức sớm hơn để có thời gian chuẩn bị mọi thứ tốt hơn)
Tôi không bào chữa cho sự lười biếng và thiếu sót của bản thân như: “Tôi không có thời gian”, “Tôi không đủ giỏi”, “Tôi chẳng giỏi gì cả, người khác giỏi hơn tôi rất nhiều”. Mà thay vào đó. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để có thể cải thiện công việc cho đến khi thấy được kết quả tốt hơn.
TẬP LẮNG NGHE NHIỀU HƠN
Tại sao người tự tin họ thường trầm lặng và khiêm tốn. Họ lắng nghe nhiều hơn. Bởi họ hiểu được bản thân. Họ biết hết những gì họ nghĩ. Và vì vậy mà họ cũng muốn biết những gì mà người khác nghĩ.
Trong cuộc đời này. Có thể bạn biết được rất nhiều thứ. Nhưng nó không phải là tất cả. Và cách duy nhất để học thêm là lắng nghe nhiều hơn. Hãy là một người khiêm tốn và học hỏi suốt đời.
Nếu thành công khiến bạn trở nên kiêu ngạo thì bạn chưa thực sự thành công.
Nếu thất bại khiến bạn quyết tâm, bạn chưa thực sự thất bại.
NHÌN LẠI QUÁ KHỨ VỚI MỘT THÁI ĐỘ TÍCH CỰC VÀ CỞI MỞ HƠN
Quá khứ là những thứ đã xảy ra và sẽ không bao giờ có thể thay đổi được. Cái ta có thể làm được là thay đổi thái độ, tư duy của ta. Nhìn sự việc ở góc độ tích cực và cởi mở hơn.
Khi tôi nhìn nhận lại thói quen thiếu tự tin của mình bắt nguồn từ quá khứ. Từ những trải nghiệm của tôi khi còn bé. Tôi luôn mặc định bản thân là một đứa nhút nhát. Tự ti, mặc cảm là bản chất vốn có của tôi. Tôi luôn cảm thấy việc mình ít nói, trầm lặng là một điều gì đó thiệt thòi của bản thân tôi so với bạn bè cùng trang lứa. Tôi đã từng rất ghét bản thân mình trong quá khứ. Ghét cái tính cách tự cô lập mình lại với những người xung quanh.
Nhưng khi tôi bắt đầu ngồi lại. Đối diện với chính mình. Nhìn nhận lại những trải nghiệm cảm xúc của tôi trong quá khứ bằng tất cả lòng yêu thương và sự biết ơn. Tôi nhận ra rằng chính vì sự ít nói tôi tập cho mình khả năng quan sát tốt hơn. Tôi có thể nhìn nhận vấn đề một cách bao quát hơn. Có thể hiểu và đoán được những suy nghĩ qua thái độ và hành động của người khác.
Tính cách độc lập và mạnh mẽ của tôi có được ngày hôm nay, một phần cũng nhờ vào quá trình tôi tự cô lập bản thân với người khác. Nó giúp tôi đủ mạnh mẽ và đủ niềm tin để có thể tự tạo ra niềm vui và hạnh phúc.
Ngoài ra, cũng vì bản thân mình đã trải qua một khoảng thời gian dài lo âu, sợ hãi tôi đã từng nhắc đến trong bài viết hành trình của âu lo. Tôi biết cách lắng nghe và cảm thông với người khác nhiều hơn. Tôi hiểu hơn về những vấn đề. Những khó khăn mà họ phải đối mặt để tìm cách vượt qua.
Cũng vì thế mà tôi có đủ động lực để viết nên blog này. Tôi mong mình có thể tạo ra những nội dung truyền cảm hứng cho giới trẻ ngày nay. Những người cũng đã từng trải qua những khó khăn như tôi.
Khi nhìn tất cả sự việc với góc độ tích cực và lòng biết ơn. Tôi thấy rằng đôi khi việc thiếu tự tin ngày bé thế mà lại hay. Nó đã dạy cho tôi được nhiều điều.
HỌC CÁCH CHẤP NHẬN BẢN THÂN
Tôi bắt đầu đối diện với điểm yếu. Những hạn chế của bản thân mình. Tôi thẳng thắng nhìn nhận rằng. Sẽ có những thứ mà bản thân mình sẽ không làm tốt. Và nếu cứ lấy điểm yếu đó để đi so sánh với người khác. Thì tôi sẽ mãi chìm đắm trong sự mặc cảm và thua kém.
Thay vào đó tôi xem nó như một giới hạn của bản thân trước những điều mà mình không thể làm tốt. Đồng thời sẽ cố gắng cải thiện điểm yếu mỗi ngày.
Ví dụ: Từng có khoảng thời gian tôi làm việc tại một ngân hàng. Công việc sale tư vấn khách hàng sử dụng dịch vụ. Mặc dù tôi có thể hoàn thành tốt công việc mỗi ngày. Nhưng khi kết thúc công việc. Tôi cảm thấy như mình gần như cạn hết năng lượng. Bởi tôi không thể tìm được nguồn động lực cho công việc. Tôi chỉ biết hoàn thành nó như một cái máy. Cứ phát đi phát lại cho hết ngày.
Nhưng từ khi bắt đầu nhìn nhận và đối diện với điểm mạnh, yếu của bản thân. Tôi nhận ra rằng: tính cách tôi là người khá nội tâm. Tôi thích lắng nghe và chia sẻ. Và tôi sẽ thích hợp hơn với những công việc hướng đến cộng đồng. Đặc biệt là lĩnh vực con người. Đó là lý do tôi bắt đầu blog này và hành trình trở thành blogger của tôi đã bắt đầu từ đó.
Việc tập trung và phát huy điểm mạnh của bản thân. Nó làm tôi trở nên tự tin hơn rất nhiều. Tôi bắt đầu ít lo lắng hơn về những gì người khác nghĩ về mình. Sự chấp nhận bản thân giúp mang lại cho tôi cảm giác hạnh phúc. Từ đó giúp tôi xây dựng các mối quan hệ chất lượng với những người xung quanh.
Khi tôi rèn luyện được tư duy nhìn vào điểm mạnh thay vì điểm yếu của bản thân. Tôi bắt đầu ngừng so sánh với người khác. Bởi tôi hiểu rằng ai ai cũng đều tồn tại điểm mạnh và điểm yếu. Thay vì cứ nhắm vào tiêu cực để rồi so sánh và ghen tị lẫn nhau. Tại sao ta không tập trung vào phát huy điểm mạnh của bản thân để có thể hoàn thiện và tiến bộ hơn mỗi ngày.
NGỪNG SO SÁNH BẢN THÂN VỚI NGƯỜI KHÁC
Tâm lý tự ti mặc cảm cũng xuất hiện chủ yếu từ việc ta lấy điểm yếu của bản thân đi so sánh, ghen tị với điểm mạnh của người khác. Từ đó càng khiến bản thân cảm thấy yếu thế. Không đủ tốt bằng người khác. Mỗi khi ta cảm thấy tự ti mặc cảm. Từ bỏ là điều chúng ta dễ làm nhất.
Ví dụ: khi thấy một ai đó giỏi hơn, tốt hơn, tài năng hơn, thành công đạt được những mục tiêu như mình mong muốn. Chúng ta tự nhiên sẽ bắt đầu so sánh bản thân. Bắt đầu nghi ngờ chính mình và rồi kết quả ta tự mặc định là bản thân thất bại mặc dù chưa bao giờ bắt đầu.
Giờ đây tôi đã bắt đầu khôi phục niềm tin và sự tin tưởng của mình dần dần. Tôi bắt đầu từ những lời hứa nhỏ cho bản thân. Những bước nhỏ và ăn mừng cho từng chiến thắng nhỏ mà mình đạt được.
Một lần nữa, tôi muốn nói với bạn rằng. Đây là trải nghiệm của riêng cá nhân tôi và những bài học tôi tự mình rút ra được và cố gắng rèn luyện mỗi ngày. Nhưng quá trình này cần thời gian và nó sẽ mang lại những kết quả tốt nếu bạn đủ kiên trì. Và chắc chắn đó là một trong những điều quan trọng nhất để thay đổi cuộc sống mà bạn có thể làm cho chính mình.