Lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn đối với một đứa con gái có phần nhút nhát như tôi, thì một trung tâm thương mại xa hoa và rộng lớn như thế chúng thật sự làm tôi choáng ngộp.
Nhìn thấy người người mặc quần áo nào là hàng hiệu, túi xách đắt tiền, xe hơi sang trọng. Còn nhìn lại thấy mình thật nhỏ bé, chẳng bằng ai. Bên trong tôi chẳng còn bất cứ sự tự tin nào nữa.
Thời điểm đó tôi cho rằng, một trong những cách để người khác thấy được sự tự tin của tôi là dựa vào những thứ bên ngoài. Và tôi gọi đó là vỏ bọc.
Trong xã hội hiện tại, người ta thường lấy vẻ bề ngoài, ngoại hình, địa vị, bằng cấp, của cải vật chất làm thước đo để phán xét nhau. Chính vì bị quan niệm này chi phối, nên có rất nhiều người, khi không đạt được vẻ ngoài như cái chuẩn chung mà xã hội đặt ra, không có xuất thân từ một gia đình có điều kiện, thì cảm thấy tự ti, thậm chí là ghen tị với người khác.
Sự tự tin đến từ vẻ bên ngoài, biểu hiện rõ nhất là sự so sánh, đố kỵ. Ta so sánh từ trang phục, đồ dùng hằng ngày. Ta thấy ngưỡng mộ và chút xíu ghen tị khi thấy người khác sử dụng điện thoại đời mới nhất, trong khi nhìn lại mình vẫn còn sử dụng điện thoại với một góc màn hình bị nứt.
Lúc đó ta dễ rơi vào trạng thái của sự so sánh. Người ta thì ở đỉnh cao còn mình thì đang rơi đâu đó xuống vực mà chưa thấy đáy.
Xây dựng sự tự tin cho bản thân bằng những thứ bên ngoài là cách phổ biến mà nhiều người hay sử dụng. Tôi không khuyên bạn dùng cách này để thể hiện sự tự tin của mình, vì nó là đường tắt. Là loại nguyên liệu chỉ có thể giúp bạn đi được một đoạn đường ngắn mà thôi.
Quần áo đắt tiền, điện thoại sang, máy tính xịn, thiết bị công nghệ hiện đại để người ta khoác lên mình những lớp vỏ bọc, những nét đẹp sang trọng vừa thể hiện đẳng cấp vừa thể hiện rằng họ có tiền. Họ có đầy đủ sự tự tin và luôn biết cách tận hưởng cuộc sống. Dùng ngoại hình, vật chất, địa vị, các mối quan hệ là những cách mà tôi hay thấy người ta ưa thích để thể hiện sự tự tin của mình.
Và sự tự tin ấy nó mong manh như một ngọn nến, bởi chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua là nó sẽ vụt tắt. Một ngọn nến mà nếu muốn toả sáng thì phải cần đến sự tác động bên ngoài, một mồi lửa.
Và tự tin cũng vậy, nếu ta phụ thuộc quá nhiều vào những thứ bên ngoài, thì ta sẽ phải liên tục chạy theo những xu hướng mới, những món đồ mới. Để xây dựng sự tự tin. Sự tự tin đó có lúc ổn, cũng có lúc không. Tôi không khuyến khích bạn làm điều ở trên. Bởi lựa chọn là ở bạn.
—
Gửi đến những người từng tự ti về ngoại hình bản thân.
Chúng ta sống với những chuẩn mực của xã hội, những chuẩn mực mà truyền thông báo chí đặt ra.
Nhẹ thì không cảm thấy vui hay thoải mái khi nhắc về chủ đề này. Nặng thì thấy xấu hổ, dần cô lập chính mình, không giao tiếp với người xung quanh nữa. Thậm chí là ghét luôn chính bản thân mình.
Chúng ta không lựa chọn được nơi mình sinh ra, và còn vài thứ rất khó để thay đổi được như: gia đình, ba mẹ hay màu da…đó là những điều ta khó thay đổi được. Thay vì cứ mãi chìm trong sự mặc cảm và tự ti, điều ta cần làm là hãy chấp nhận cơ thể mình.
Chuẩn mực của xã hội rồi sẽ thay đổi theo thời gian, là những điều chỉ mang tính tương đối, chúng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, chỉ là đại diện cho quan điểm chung của một đám đông nào đó. Đó không phải là chân lý và ta không cần phải quá bận tâm về nó.
Tôi nhận ra rằng, khi người ta không còn ám ảnh ngoại hình quá nhiều nữa, họ sẽ bắt đầu dành thời gian để khám phá nội tâm, tìm hiểu thế giới bên trong chính mình. Dành thời gian làm những điều họ thích và tận hưởng những khoảng thời gian quý giá mà họ có trong cuộc đời này.
Xinh đẹp và và quyến rũ theo chuẩn mực để làm gì? Tại sao ta phải chạy theo tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài để được gì?
Nhiều bạn đến phòng gym và tập luyện thể thao, cốt không phải để trở nên khoẻ mạnh, mà cái họ theo đuổi là những số đo theo chuẩn mực của xã hội quy định về cái đẹp. Họ tập luyện ngày đêm, chụp được những tấm hình đẹp nhất, rồi đăng lên MXH, cốt để nhận được nhiều sự trầm trồ từ những người bạn mà đôi khi họ chưa bao giờ gặp mặt và cũng chẳng biết họ là ai.
Vậy nên chấp nhận ngoại hình là việc đầu tiên ta bắt đầu học cách để yêu thương chính mình.
Bởi khi không ưu tiên việc yêu thương bản thân. Chúng ta sẽ chỉ mải miết cố gắng sao cho mình đủ giỏi, đủ tốt, bằng cách đo lường giá trị bản thân theo chuẩn mực của xã hội hay số lượng bạn bè mà chúng ta có. Những thước đo ấy chắc chắn không đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc thực sự từ bên trong.
Khi ta có thể yêu thương chính mình, ta sẽ làm những điều gì mà thật sự tốt cho bản thân chứ không phải làm chỉ vì để phục vụ cho đám đông hay bất kì một ai khác.
Cuộc đời này không phải là một cuộc đua.
Khi biết yêu thương chính mình, ta sẽ không còn mệt mỏi vì những định kiến, những chuẩn mực, sự công nhận từ đám đông, không còn bị kéo vào những cuộc đua so sánh, phán xét. Mà đơn giản là chấp nhận chính mình. Đó là cách để ta có thể chạm vào nguồn năng lượng bên trong.
Chúng ta lớn lên với một quan niệm sai lệch, ta luôn nhìn mọi sự việc trong cuộc sống này với một lối tư duy khan hiếm, rằng cuộc sống này là một cuộc đua, ai nhanh hơn thì người đó thắng, rằng người ta sẽ chỉ nhớ những người về nhất, chứ chẳng ai quan tâm đến người về nhì.
Rằng hoàng tử sẽ chỉ chọn một cô công chúa xinh đẹp và hoàn hảo nhất để làm vợ, vậy nên mọi người phải trở nên xinh đẹp và tranh giành cho bằng được vị trí đó. Với tâm lí đó, chúng ta luôn được thúc giục để cạnh tranh và rồi khi trưởng thành, niềm tin đó đã ăn sâu vào mỗi con người chúng ta.
Đi học thì muốn học giỏi hơn người khác, quần áo mình mặc thì luôn muốn đẹp hơn người khác, đến khi đi làm thì muốn có tiền nhiều hơn người khác, được làm chức cao hơn người khác, lấy chồng thì cũng muốn chồng phải giàu hơn người khác, có con rồi thì cũng muốn con mình phải thông minh hơn người khác.
Ta không nhận ra những gì bên dưới sự thất vọng và tức giận. Ta thất vọng với chiếc máy tính hay với sự thật là ta đang cần một chiếc máy tính kiểu dáng mới nhất vừa được ra mắt. Ta thất vọng với bọn trẻ nhà hàng xóm đang chơi trong sân, bởi vì ta mong muốn thế giới cho ta sự yên lặng tuyệt đối. Ta bực bội với người ngồi kế bên ở cơ quan do cứ đi qua đi lại ngoài cửa, hay bởi vì họ đang ngồi ở vị trí mà ta mong muốn nhưng không có được.
Vòng xoáy của sự cạnh tranh và so sánh ấy cứ tiếp diễn mãi mãi. Bởi chúng ta luôn tin rằng người chiến thắng sẽ có được sự chú ý, sẽ được tôn trọng. Còn người bình thường thì không có gì cả, nên chẳng đáng được quan tâm.
Nhưng điều ta cần chiến thắng, cần vượt qua không phải là cuộc đua hay một chuẩn mực nào cả, mà nó là chiến thắng chính con người bên trong của ta.
Sự tự tin bên trong đến từ việc ta chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất, đó là biết yêu thương chính mình. Chấp nhận chính mình, mà không chạy theo tiêu chuẩn do bất kì ai khác đặt ra.
Chiến thắng sự lười biếng, thiếu động lực, trì hoãn, không đủ động lực, thiếu quyết tâm. Chiến thắng nỗi sợ, những tiếng nói bên trong hòng dập tắt sự tự tin của bạn.
. . .
.
.
.