Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
cô đơn

Xin chào người bạn, cô đơn

Posted on 01/05/202425/04/2024 by admin

Sự cô đơn.

Một cảm xúc quay lại rất nhiều lần và đi với mình rất lâu.

Ừ thì, chúng ta luôn là như vậy phải không? Đôi khi vui cười như khùng như điên giữa đám đông, đôi khi lại chỉ muốn đứng riêng một mình.

Phần lớn những tổn thương trong tình cảm đến từ chuyện mình yêu một ai đó, mình ở bên cạnh một ai đó không phải vì mình yêu họ mà vì chính mình không thể chịu được cảm giác cô đơn. Mình muốn có ai đó luôn bên cạnh và làm một điều gì đó để mình bận rộn, mình quên đi, mình không cần phải đối diện với chính mình. Mình muốn có ai đó chia sẻ với mình, mình cần ai đó công nhận giá trị của mình, mình cần ai đó nói cho mình biết là mình có giá trị.

Nỗi cô đơn có lẽ có từ khi mình còn là những đứa trẻ hoặc cũng bắt đầu từ lúc mình có những công việc, bắt đầu xa nhà, bắt đầu có những mối quan hệ mới ngoài những người thân mình được tiếp xúc từ bé đến lớn.

Những vất vả, những thất vọng trong công việc, có những ngày mình tức nghẹn, uất ức, muốn khóc, mình sợ hãi, muốn bỏ hết mọi thứ, không muốn cố gắng vì bất cứ điều gì nữa. Nhưng rồi phải kìm nén và ngày hôm sau lại bắt đầu lặp lại để rồi mọi người luôn nhìn nhận mình là một người vô cùng mạnh mẽ, một người độc lập, có thể vượt qua nhiều thứ. Nhưng sâu bên trong mình luôn muốn có được một sự kết nối an toàn, mình muốn có ai đó bên cạnh để mình thuộc về, mình dựa dẫm, tìm tới vào những lúc cuộc đời có nhiều bão tố và mình thì đã kiệt sức, không còn gồng nổi nữa. Tận sâu bên trong mình luôn mong muốn điều đó.

Hoặc có những lúc mình không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, khi có những quyết định trong cách ăn mặc, trong lựa chọn công việc, lựa chọn người yêu, lựa chọn cách sống, mình thấy không ai hiểu mình, và rất nhiều những tình huống để luôn cảm thấy bản thân cô đơn.

Có những lúc mình thấy bản thân không được thấu hiểu, có thể đối với những người khác nó chỉ là một chút cô đơn, có thể tìm ai đó để tâm sự. Hay nghĩ rằng, cứ lơ đi rồi mọi thứ sẽ ổn, nhưng thực ra mọi thứ chỉ được xếp gọn và đè nén bên trong mình nhiều hơn, mỗi ngày và mỗi ngày như thế. Có những lúc mình thấy sự cô đơn đó vô cùng mãnh liệt. Nhiều lúc mình từng nghĩ việc tồn tại của mình có ý nghĩa với một ai đó hay không? Những câu hỏi ấy lại càng làm mình rơi vào vòng xoáy của cảm xúc.

Càng lớn thì sự cô đơn càng thường xuyên xuất hiện, phải chăng bản thân đã quen với sự phụ thuộc vào người khác, mình luôn tìm cách để kết nối và luôn né tránh sự cô đơn.

Có những thời điểm của sự thất vọng, nhưng không có bất kì ai để tâm sự để chia sẻ. Đôi lúc mình muốn nói với ai đó, nhưng khi nhớ lại lần gần đây nhất mình tâm sự thì họ đã không lắng nghe, mình biết rằng cảm xúc của mình không được công nhận. Rồi mình chọn cách chạy trốn, mình tìm tới sách vở, phim ảnh, giải trí khác nhau.

Cũng có thời điểm mình từng nằm trong một căn phòng tối, nằm từ giờ này sang giờ khác, trăn trở nghe đủ thể loại nhạc, có khi phải nghe đi nghe lại một bài hát rất nhiều lần, nhưng cũng không thể giúp mình vơi đi sự cô đơn. Nhiều thời điểm trong ngày mình lướt facebook, xem story, cứ cuộn lên cuộn xuống như một người mất trí và không muốn trò chuyện với ai. Đôi lúc thì lại cmt để thấy mình vẫn còn giữ được tương tác với những người xung quanh hoặc sẽ đăng những hình ảnh vui vẻ.

Nhưng thay vì mình nói cho mọi người biết là mình đang cô đơn thì lại thể hiện sự mạnh mẽ, mình show những vỏ bọc mình có ở bên ngoài, rằng mình đang rất ổn, rằng mình không cô đơn, mình không yếu đuối.

Cố gắng lấp đầy bản thân bằng những sự kết nối, gặp gỡ bạn bè, nhưng không thể nào rủ bỏ được sự cô đơn. Cảm giác trống rỗng bên trong, nó vẫn ở đó, vẫn thấm đẫm từng bộ phận trên cơ thể mình, cảm giác mình đang cần một cái gì đó và cũng vừa mất đi một cái gì đó. Mình lựa chọn thà ở lại cái thế giới ảo vô cảm đó vì ít ra nó còn dễ chịu hơn cái hiện thực trống rỗng này. Những ngày tháng thân thương, vui vẻ hồn nhiên vô tư của mình đâu rồi? Chẳng lẽ để có được thế giới của người lớn thì phải đánh đổi, bán đi những khoảng thời gian ấy sao?

Mình cảm nhận sự cô đơn ở cơ thể và tâm trí. Mình đang cảm nhận cô đơn xuất hiện ở ngực, ở bụng, ở cổ, ở tim. Cái sự cô đơn này nó diễn ra và mình cảm nhận nó trên từng bộ phận trong cơ thể mình, nơi lồng ngực mình nhói lên một sự khó chịu. Tay chân mình các cơ bị gồng lên. Cơ mặt mình căng cứng. Đầu mình đau nhói vì những suy nghĩ rối rắm. Cảm giác khó thở, hơi thở nông ngắt quãng, không muốn nói chuyện, trả lời tin nhắn với bất cứ ai.

Dường như không ai hiểu mình cả.

Mình không phù hợp với mọi người.

Đôi lúc mình cảm thấy vô vọng.

Mình thấy không kết nối được với thế giới xung quanh.

Mình mệt mỏi vì cảm giác cô đơn này.

Đôi lúc là khao khát được người khác quan tâm và thấu hiểu. Đôi lúc là hoang mang, yếu đuối, muốn buông bỏ những vỏ bọc, muốn hạ áo giáp xuống, muốn được dựa vào, muốn được lắng nghe. Muốn gọi mà sợ không ai đáp lời, muốn khóc mà sợ những lời gièm pha, muốn ngã mà sợ không ai đỡ dậy. Muốn lại gần người khác, nhưng chính mình lại tự đẩy mình ra. Rồi lại sợ, lại dè chừng, cảnh giác và tìm cách thu mình để không ai có thể làm đau. Lại cố tỏ ra mạnh mẽ để không một ai có thể làm tổn thương mình. Có lẽ đó đã trở thành thói quen vô thức từ bé đến lớn, nên ngay cả chính mình cũng không ý thức được bản thân đã làm vậy.

Cuộc sống của mình không ngừng tiến tới, kết nối và kết nối, không ngừng lao ra bên ngoài mà chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dừng lại, lắng nghe bên trong mình, yêu thương bản thân mình. Sao mình không thể như đứa trẻ vô tư ngày trước, chơi đùa với bạn bè và hạnh phúc. Sao mình phải như một người đang trốn chạy? Sao mình không thể như những người xung quanh mình?

Trong đầu mình không ngừng vang lên những câu hỏi: Điều gì khiến mình cảm thấy cô đơn? Liệu mình có thể vượt qua sự cô đơn này để bước vào cuộc sống tương lai, đơn giản như lật sang 1 trang giấy mới? Liệu điều mình cần chỉ là niềm tin và ý chí?

Mặc dù mình vẫn thường xuyên chạy trốn sự cô đơn nhưng mình chấp nhận và yêu thương chính mình.

Mặc dù trong mình vẫn còn nhiều những kháng cự cảm xúc cô đơn nhưng mình chấp nhận tình trạng hiện tại và yêu thương chính mình.

Mặc dù cảm xúc cô đơn vẫn còn đang điều khiển mình nhưng hôm nay mình chọn đối diện, chấp nhận và yêu thương chính mình.

Cách mình đối diện với cô đơn là cách mình đối diện với chính mình. Cô đơn là tín hiệu như nhiều tín hiệu khác mà não bộ đã gửi đến. Khi thấy không ai hiểu được những quyết định của mình, cũng có thể là mình không có được một người bạn đồng hành trong công việc, trong tình cảm. Hoặc không ai đồng cảm với những lựa chọn của mình trong cuộc sống, mình không có người để tâm sự. Và mình thì cũng không kết nối tốt với chính mình để đối diện với cô đơn. Thật ra cô đơn nhắc nhở mình rằng hãy kết nối với chính mình trước thảy. Cô đơn nhắc mình hãy dừng lại để hiểu thông điệp mà cô đơn muốn gửi đến, đó là thông điệp của sự kết nối.

Xin chào người bạn cô đơn.

Mình sẽ chấp nhận bạn.

Mình sẽ cảm nhận bạn.

Mình sẽ thả lỏng cơ thể.

Mình sẽ thả lỏng tâm trí.

Để bạn cô đơn được xuất hiện một cách trọn vẹn.

Mình biết bạn tới rồi sẽ đi, như bao nhiêu cảm xúc vui buồn khác.

Mình trân trọng và biết ơn vì vẫn còn cảm nhận được cô đơn.

Làm sao mình có thể hiểu ý nghĩa của sự kết nối và trân trọng sự kết nối nếu không hiểu được cô đơn là gì. Mình biết rằng dù mình có ở trong mối quan hệ với bất kì ai, dù cho xung quanh mình có bao nhiêu bạn bè đi nữa, thì cảm xúc cô đơn vẫn sẽ tới, vì nó là một cảm xúc như bao nhiêu cảm xúc vui buồn khác. Mình cần kết nối với chính mình. Cô đơn nhắc nhở mình kết nối với mình và với thế giới xung quanh. Giờ đây bất kì khi nào mình cảm thấy cô đơn xuất hiện, mình sẽ dừng lại hít một hơi thật sâu, thở ra thật nhẹ và chào đón người bạn này.

Cảm ơn người bạn, cô đơn. Nhờ cô đơn mà mình biết trân trọng và yêu thương chính mình.

Đây là một đoạn miêu tả về cách nhận diện, cảm nhận những cảm xúc bên trong cơ thể, cách để ngồi lại với những cảm xúc, không trốn chạy, hoàn toàn ở lại và hiện diện, chấp nhận cảm xúc và chấp nhận chính mình. Một trong những phương pháp được sử dụng trong CBT – Liệu pháp nhận thức hành vi và trong EFT kỹ thuật giải phóng cảm xúc.

Có một câu chuyện kể về một hạt muối muốn biết độ mặn của nước biển như thế nào.

– Hạt muối nói: “Tôi là hạt muối, tôi rất mặn. Tôi tự hỏi liệu nước biển có mặn như tôi không?”

– Một vị thầy đến bên hạt muối và trả lời: “Này hạt muối, cách duy nhất mà con muốn biết nước biển thật sự mặn như thế nào là con phải nhảy xuống biển”

Hạt muối nhảy xuống, hòa vào nước biển và trở thành một với nước biển. Và nó cũng đã hiểu được nước biển mặn như thế nào. Chỉ khi nào mình là một với người đó, vật đó, mình mới hiểu được người đó, vật đó một cách trọn vẹn. Trong tiếng Pháp, từ “comprendre” nghĩa là hiểu. Nghĩa đen của nó là cầm một vật gì lên và trở thành một với nó. Nếu còn tách biệt thì chúng ta đừng mong là hiểu được nó.

Vậy nên sự cô đơn cũng vậy, chỉ khi ta cho phép sự cô đơn đến, ôm ấp nó, để hiểu được những thông điệp mà cô đơn muốn mang đến, khi đã hiểu được rồi thì cô đơn cũng sẽ rời đi mà thôi.

Victor Frankl, cũng từng nói: “Khi chúng ta không còn cách nào để thay đổi hoàn cảnh hiện tại, chúng ta sẽ học cách thay đổi chính bản thân mình”

.

Tôi may mắn được đồng hành và lắng nghe những chia sẻ của một vài bạn trẻ khác. Họ tìm đến tôi thông qua những bài viết, họ nói họ cảm nhận được sự kết nối thấu hiểu thông qua những gì mà tôi chia sẻ trên cộng đồng.

Tôi đã dành nhiều giờ đồng hồ để trao đổi có khi là qua email, messenger. Rồi họ chia sẻ về những trạng thái thường xuyên của họ, những gì họ hay viết vào nhật ký, họ thích gì, ghét gì, khao khát hy vọng gì, họ đau buồn, hoang mang ra sao, họ chán nản với những lời phán xét, những kỳ vọng áp đặt từ gia đình, họ mệt mỏi với những tiêu chuẩn đám đông xã hội, họ kiệt sức với áp lực đồng trang lứa….

Tôi có thể phần nào thấy được đằng sau vẻ ngoài của cuộc sống tĩnh lặng và có phần đơn điệu cân bằng và chắc chắn đó, là những vết nứt, những sự chịu đựng bên trong, những gánh nặng, những uẩn khúc ngày ngày dằn vặt của một người trưởng thành đang loay hoay tìm chỗ đứng. Đâu đó trong quá trình trở thành người lớn, họ bị mất phương hướng, lạc lõng, không biết mình là ai, thuộc về đâu. Nhiều người trưởng thành trong sự đủ đầy, cuộc sống có vẻ luôn gặp thuận lợi, vậy điều gì khiến họ trở thành con người u ám, cô đơn, và có phần cay đắng như vậy.

Họ là những người trẻ bơ vơ, họ thà chọn cái thế giới ảo vì thực tại họ không có nơi để thuộc về. Họ lớn lên với quá trình bị đè nén về cảm xúc, bị áp đặt lên những kỳ vọng về sự hoàn hảo, cho đến khi quá sức chịu đựng họ trở nên mỏng manh, yếu ớt như những bông tuyết, họ dễ bị tan vỡ và loay hoay tìm kiếm bản thân mình, và tự hỏi liệu còn điều gì bên trong ngoài sự trống rỗng.

Họ bắt đầu kể chuyện về bản thân họ, về ba mẹ, về gia đình, cuộc sống, quá khứ của họ, không có sự đánh giá, không có sự áp đặt, không có sự phán xét, không có những lời khuyên. Sự lắng nghe đó cho họ có được cảm nhận được rằng, cảm xúc cả họ, lịch sử quá khứ của họ, con người họ được hiểu, được chấp nhận và tôn trọng. Họ cần những người thật sự nghiêm túc và ngồi xuống lắng nghe không phán xét. Họ khát khao có được những không gian đó, không gian của sự yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm và an toàn, để họ sẵn lòng chia sẻ.

Họ cho tôi bước vào thế giới của họ, thế giới không còn những thành tích, học vấn, trình độ, xuất thân gia cảnh, không còn những vỏ bọc, mà thay vào đó là thế giới của những rung cảm nhỏ nhất, những chuyển động li ti nhất của một tâm hồn, những trăn trở, những câu hỏi về bản thân, về cuộc sống, về ý nghĩa tồn tại của chính mình.

Tôi là ai? Tôi muốn gì? Điều gì làm tôi hạnh phúc?

Mở lòng với một người xa lạ là một điều vô cùng khó khăn (đặc biệt là đối với những bạn đang gặp quá nhiều tổn thương từ những người không thấu hiểu), nhưng với tôi họ đã dần xoá bỏ đi những bức tường phòng thủ ấy. Tôi biết để được như thế họ đã phải nổ lực rất nhiều, họ cần nhiều thời gian và sự tin tưởng, đôi khi cũng là thêm một chút kiên nhẫn từ phía tôi.

Tận sâu bên trong họ vẫn khát khao được yêu thương, nhưng vì sao họ không thể hiện được tình cảm của mình và kết nối cảm xúc với người khác. Họ là những người những người mà nhà tâm lý học gọi là “độc lập phòng thủ – defensive independence”, những người này họ thường có xu hướng chối bỏ nhu cầu tình cảm của mình để khỏi tiếp tục rơi vào thất vọng, để tránh bị tổn thương.

Như nhà trị liệu tâm lý Rogers ông đã xuất sắc trong việc công nhận cảm xúc của người bệnh, giúp họ xây dựng lại niềm tin vào bản thân mà không phủ nhận con người họ. Ông mang lại một cảm giác tích cực vô điều kiện, và trong sự an toàn được chấp nhận tuyệt đối đó, bệnh nhân của ông có thể trút bỏ lớp mặt nạ và sống một cuộc đời chân thật hơn.

Tôi đang nghe bạn nói.

Hãy kể thêm cho tôi nghe.

Những cuộc nói chuyện của chúng tôi đa phần không có những lời khuyên hay bất cứ một định hướng cụ thể nào cả. Tôi hầu hết chỉ thực hành lắng nghe không phán xét, bởi tôi biết mỗi lần được nói ra, kể ra là 1 lần họ lại có thêm nhiều suy ngẫm và hiểu sâu hơn về chính họ. Chỉ cần ngồi xuống bên cạnh một người bạn với tâm rộng mở chỉ để lắng nghe. Đôi khi sự giúp đỡ lớn nhất đối với người khác chỉ là sự lắng nghe.

Carl Rogers từng nói: “We think we listen, but very rarely do we listen with real understanding, true empathy. Yet listening, of this very special kind, is one of the most potent forces for change that I know – Chúng ta nghĩ mình lắng nghe, nhưng rất hiếm khi chúng ta lắng nghe với sự hiểu biết và sự đồng cảm thực sự. Tuy nhiên, sự lắng nghe, thuộc loại rất đặc biệt này, là một trong những động lực thay đổi mạnh mẽ nhất mà tôi biết.”

Chúng ta lắng nghe, nhưng rất ít khi chúng ta lắng nghe với sự thấu hiểu và đồng cảm trọn vẹn, nhưng người ta lại không biết rằng đó là một lực mạnh mẽ nhất để chuyển hoá cho một con người.

Tôi cũng học cách giao tiếp ngôn ngữ của chấp nhận và yêu thương vô điều kiện. Tôi muốn dang rộng vòng tay và trái tim mình. Tôi nhìn vào mắt họ, tôi cho họ cảm nhận được sự kết nối an toàn, để họ biết tôi đang có mặt với họ một trăm phần trăm.

Những ký ức, những sự kiện, những nỗi đau từng giai đoạn một trong cuộc đời, những tổn thương đã từng bị chôn vùi, lần lượt được kích hoạt trong trí nhớ, các kỷ niệm dần nổi lên bề mặt. Thông thường những bất mãn nhỏ nhặt trong cuộc sống của chúng ta là biểu hiện của những mất mát to lớn hơn, những nỗi đau sâu kín.

Chúng tôi giống như những người canh giữ thời gian, nhặt từng cột mốc sự kiện và chỉ việc ghi chú lại. Nơi họ từng sống, trường họ từng học, mối tình họ đã trải qua, tổn thương đã từng đối diện, suy tư, hồi tưởng, triết lý về cuộc đời, có lúc họ phủ nhận chính mình, họ mâu thuẫn, họ bất lực, không tìm được ngôn từ để diễn tả những gì họ đã hay đang trải qua. Bởi để chữa lành, chúng ta cần ôm lấy những phần tối tăm, từng bước qua bóng đêm để đi về phía ánh sáng. Từng bước quay về quá khứ, tiếp cận, nhặt chúng đem về thực tại để soi rọi, để quan sát, để nhìn sâu và nếu được là cũng để chữa lành để lau đi những vết thương đó. Mỗi lần như vậy, có thể hàng tiếng đồng hồ trôi qua với những chuyện nhỏ nhặt của cuộc sống hằng ngày.

Trong quyển “Sự lựa chọn” Edith Eger từng viết: “Khi chúng ta giấu nhẹm những sự thật và những câu chuyện của quá khứ, bí mật đó sẽ hoá thành những tổn thương và tù ngục. Thay vì xoa dịu nổi đau, bất cứ điều gì ta từ chối chấp nhận đều hoá thành lồng giam kiên cố. Khi chúng ta không cho phép bản thân buồn đau trước những mất mát, tổn thương và thất vọng, chính là ta đang cho chúng quyền năng sống dậy hết lần này đến lần khác. Tự do nằm trong việc học cách đón nhận những gì đã xảy ra. Tự do có nghĩa là gom đủ dũng khí để phá bỏ nhà tù, dù chỉ là từng viên gạch một. Ngay cả khi một người lựa chọn được chữa lành, thì thời gian để gỡ bỏ lớp vỏ bọc băng giá đó vẫn có thể mất đến hằng năm trời.”

“Trong sự đày ải về mặt tinh thần này, tôi đã đi đến một số kết luận quan trọng cho bản thân mình: chúng ta tiếp nhận chân lý này hay khác chỉ sau khi đã chối bỏ nó bằng toàn bộ tâm hồn; không cần thiết phải trốn chạy vận mệnh của mình – vì sẽ chẳng thể nào thoát được; Thượng Đế nghiêm khắc công minh, nhưng khoan dung vô hạn.” – Nhà giả kim

Học thuyết về sự trưởng thành hậu sang chấn được xây dựng và phát triển vào giữa những năm 1990 bởi hai nhà tâm lý học Richard Tedeschi và Lawerence Calhoun từng đưa ra kết luận: Khi vượt qua được những tổn thương, thì sứ mệnh của bạn là có thể cứu vớt những người khác cùng hoàn cảnh, cùng phải chịu nổi đau như mình. Bởi bản thân là người đã trải qua, nên đã hiểu. Ai không đi qua nỗi đau dễ gì hiểu được nỗi đau để giúp đỡ người khác.

Friedrich Nietzsche: “Điều gì không làm bạn khuất phục sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn”. Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể đi trên con đường của sự trưởng thành hậu sang chấn?

Chúng ta sẽ phải bắt đầu bằng cách khám phá nhận thức của chính mình, rồi từ từ chạm vào nó, để nhìn lại những tổn thương với một góc nhìn tích cực hơn. Giống như hình tượng Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát trong Phật giáo: một bên ngài cầm quả châu, một bên cây gậy. Quả châu tượng trưng cho trí tuệ, cây gậy tượng trưng cho phương tiện. Và ngài phải đi vào rất nhiều những ngõ ngách trong địa ngục để biết và để hiểu, chỉ khi có thể đi vào tận cùng của những nỗi đau và thoát ra được thì mới có thể phổ độ chúng sinh, cứu vớt những sinh linh nhỏ bé khác được. Nếu chỉ đứng ở bên ngoài và nhìn vào những khổ đau của chúng sinh thì chắc ngài sẽ không thể giúp được.

Dưới đây là một vài cách bạn có thể tham khảo và có thể thử.

Nói chuyện với bản thân

Nói chuyện với bản thân là một trong những cách để cảm nhận được tự do từ bên trong.

Carl Jung từng nói: “Nói có với bản thân, xem việc trò chuyện với chính mình là nhiệm vụ trọng đại nhất.”

Bước đầu tiên là chịu trách nhiệm cho những cảm xúc của bản thân, dừng việc đè nén và trốn tránh chúng, dừng việc đổ lỗi cho người khác, mà chấp nhận rằng những cảm xúc này là một phần trong ta, rằng ta không thể trốn tránh nỗi đau bằng cách trốn chạy khỏi cảm xúc của mình.

Những khi ở một mình, đừng cố gắng xua đuổi cảm xúc của bản thân bất kể đau đớn đến nhường nào. Nhận thức rằng mình phải đối mặt với cảm xúc của chính mình, nếu muốn thoát khỏi cảm xúc này thì không một ai khác có thể làm được ngoại trừ chính mình. Ở lại với cảm xúc cho đến khi chúng trôi qua hoặc thay đổi. Mình không cần phải ẩn nấp hay trốn chạy khỏi cảm xúc của mình. Mình có thể đón nhận chúng, ở lại với chúng, bởi vì chúng chỉ là nhất thời mà thôi.

Hiểu rằng nổi trống trải mà bản thân cảm nhận trong cuộc sống này không phải là dấu hiệu cho sự yếu kém của bản thân hay là lỗi của bất kì một ai khác, mà là sự trống rỗng mình luôn mang theo từ bấy lâu nay mà thôi. Hành động của người khác có thể là nguồn cơn cho sự khó chịu và bất an của mình. Nhưng mình sẽ mãi đóng vai nạn nhân nếu còn bắt người khác chịu trách nhiệm về hạnh phúc của mình.

Lòng trắc ẩn với chính mình

Yêu thương, trắc ẩn là điều mà những người có một tuổi thơ tổn thương thiếu thốn. Bởi những cá nhân bị tổn thương họ thiếu lòng trắc ẩn với chính mình (self-compassion). Trong khi đó, tâm hồn ta cần lòng trắc ẩn với chính mình như cơ thể cần vitamin. Đây là một sự thương cảm hướng vào bên trong.

Vậy đâu là những yếu tố cấu thành nên lòng trắc ẩn với chính mình.

  1. Theo nhà tâm lý học Kristin Neff, một nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này là chánh niệm. Chánh niệm giúp chúng ta lùi lại một bước, nhận diện được những gì đang xảy ra bên trong mình mà không phán xét. Khi nhận diện được những cảm xúc này bằng chánh niệm, ta “ôm ấp chúng,” theo lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh, ta không nhốt chúng xuống dưới hầm. Cảm xúc tiêu cực có đó, nhưng đang được chăm sóc. “Tình thế không còn hỗn loạn, em bé không còn bị để cho khóc là một mình“. Được gọi tên, được chú ý tới, được gặp sự dịu dàng, cơn giận hay sự đau khổ sẽ từ từ dịu xuống.
  2. Ý thức rằng câu chuyện của mình không độc nhất, rằng đau khổ là một phần của cuộc sống, rằng ai cũng có những tổn thương như thế. Ý thức này khiến ta bớt thấy lẻ loi, đơn độc, vốn là cảm giác thường trực của người không được yêu thương. Khi hướng cái nhìn ra bên ngoài và thấy những số phận khác, những nỗi đau khác, nỗi đau của ta cũng trở nên nhỏ hơn. Ta cảm thấy dễ thở hơn, bình tĩnh hơn. Tự nhắc nhở rằng mình hãy dịu dàng với chính mình, hãy chấp nhận bản thân với tất cả những khiếm khuyết, những vụng về và tổn thương.
  3. Nhẹ nhàng với bản thân (self-kindness): Tự an ủi, động viên nhắc nhở bản thân về quyền được mưu cầu hạnh phúc của mình, thay vì chạy theo hay phụ thuộc vào nhu cầu của người khác.

Trắc ẩn với chính mình không có nghĩa là tự thương hại. Người tự thương hại coi mình là một một kẻ thất bại, không đáng được tôn trọng.

Trắc ẩn với chính mình cũng không có nghĩa là tự nuông chiều. Ngược lại, khi được khích lệ, ta sẽ có động lực hơn để đi qua khó khăn, hướng tới một tương lai khỏe mạnh và an lạc chứ không chạy trốn vào những điều dễ dãi trước mắt. Ta có thể bình tĩnh nhìn ra những thiếu sót của mình mà không liên tục so sánh mình với người khác. Người trắc ẩn với chính mình ít sợ hãi thất bại hơn và không bị phá hủy bởi sự xấu hổ, nhục nhã, nếu họ không đạt được đích của mình.

Cuối cùng, trắc ẩn với bản thân không phải là chạy trốn các cảm giác tiêu cực. Nó làm giảm nhẹ sự căng thẳng, khổ đau hay giận dữ, nhưng không phải bằng cách chối bỏ sự hiện diện của chúng hay đè nén chúng.

Viết

Viết là một phương pháp giúp chúng ta tạo ra ý nghĩa khác từ những sự việc trong quá khứ, chạm vào cảm xúc từ những câu chuyện đó và từ từ xoa diệu nó.

Những nhà khoa học gọi quá trình viết về những cảm xúc và trải nghiệm về nỗi đau là “một sự ngẫm nghĩ và suy tưởng có chủ đích”. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những nạn nhân của sang chấn sau khi dành thời gian khoảng 15 phút mỗi ngày để viết ra những cảm xúc của mình và khái quát chúng thành những câu chuyện có ý nghĩa cụ thể sẽ phục hồi nhanh hơn những người không viết gì hay chỉ viết ra những câu chuyện có chủ đề chung chung hơn.

Xem thêm bài viết tại đây: Viết- Cách để những trái tim vụn vỡ được lên tiếng

.

Tôi thấy biết ơn khi mình được đồng hành cùng họ trong một chặng hành trình vẫn không ngừng biến động. Tôi chỉ ngồi và quan sát, khi thì vui với niềm vui của họ, cười với nụ cười của họ, khi thấy ấm áp, khi lại thương xót. Trong nhiều khoảnh khắc, tôi thấy được sự đồng cảm, tôi phần nào hiểu được những gánh nặng mà họ đang mang, gánh nặng của việc làm con, làm người, gánh nặng của những tiêu chuẩn, bằng cấp, đạo đức, gánh nặng của một người cô đơn đang bước vào đường đời, gánh nặng của việc phải sống nữa.

Tất cả chúng ta đều luôn khao khát một thứ gì đó, khát khao được chấp nhận, quan tâm và yêu thương, chúng ta khát khao sự tự do để sống cuộc đời mình muốn, hiểu được bản thân và để được là chính mình.

Trong cuộc đời ai cũng vậy bạn he, chúng ta cứ nghĩ rằng rằng chừng nào mình trốn tránh được đau khổ chừng ấy mình sẽ hạnh phúc, nhưng nếu không từng đi qua đêm tối làm sao chúng ta thấy bình minh rực rỡ, và nếu chưa từng cô đơn, chưa từng bị bỏ rơi, chưa từng bị phản bội liệu chúng ta có biết trân trọng và tự dưng khóc oà khi có nhau hay không? Chưa trải qua sóng gió làm sao có đủ sự vững chãi.

Tôi cũng ý thức được rằng mình sẽ không thể hiểu được trọn vẹn một con người. Và tôi không thể chữa lành cho bạn hoặc bất kì ai – nhưng tôi có thể ở cạnh bạn, dù chỉ là sự thầm lặng thông qua những bài viết này.

Nếu một ngày bạn muốn khóc hãy cứ khóc, muốn xúc động thể hiện cảm xúc của mình thì hãy cứ xúc động. Nếu sự xúc động đó làm cho bạn thấy cuộc đời này có thêm nhiều ý nghĩa, hạnh phúc hơn.

Bạn ơi! xin đừng vội vã để giã từ cuộc sống, bởi đôi khi chúng ta có những lầm tưởng rằng cần có được sự thấu hiểu từ những người thân có mối quan hệ sinh học như cha mẹ, anh chị em… Điều đó không hoàn toàn đâu. Cả thế giới này vẫn có thể là nơi nương tựa cho bạn mà, ngoài kia rồi sẽ có một người bước đến và hiểu bạn, ở lại và lắng nghe bạn. Ví như có những ngày đi trên con đường quen thuộc, chợt một hôm dừng lại mỉm cười với chú bảo vệ, vài câu chào nhau, hỏi thăm….đó cũng là mối tương giao giữa người và người bất chấp mối quan hệ huyết thống nhưng cũng mang lại sự ấm áp lạ thường.

Những khổ đau hiện tại chỉ là nhất thời, như những vị khách đến rồi đi. Hãy mở rộng lòng để thấy mình không thật sự cô đơn. Một ánh nắng giữa mùa đông. Một tán cây giữa mùa hè. Một hơi thở. Một nhịp đập của trái tim sáng nay. Tất cả đều là ơn phước mà thiên nhiên đất trời ban tặng, tất cả đều sẽ che chở và là chỗ dựa cho mỗi người chúng ta.

Vậy nên mỗi chúng ta nếu ngay giây phút này đây đang phải đối diện và tìm cách đi qua khổ đau. Tôi muốn dành lời động viên này cho bạn, hãy mạnh mẽ và vượt qua, bởi tôi tin rằng rồi một ngày nào đó, khi nhìn lại những nỗi đau mà bạn đang phải chịu đựng ngày hôm nay, chúng đều sẽ trở thành những tài sản vô cùng quý báo của riêng bạn.

“Món quà của những sang chấn để lại là cơ hội để chúng ta tạo ra những ý nghĩa mới cho cuộc sống, thay đổi góc nhìn về cuộc sống.”

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Bài Viết Mới Nhất

  • Một đêm đen
  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (325)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (40)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.