Làm thế nào có thể có niềm vui trong khó khăn hoặc đau đớn?
Trước đây tôi thật sự không thể hiểu được, khó khăn, đau đớn chất chồng thì làm sao có thể vui được. Nhưng từ khi tôi bắt đầu tập yoga, hành trình theo đuổi bộ môn 5 năm đã làm tôi hiểu ra điều này.
Một cơ thể mệt mỏi, những thớ cơ đau nhức, nhưng tôi lại cảm nhận được niềm vui và sự hạnh phúc. Hạnh phúc khi nhìn lại quá trình bản thân đã cố gắng và thay đổi ra sao. Hạnh phúc từ việc vượt qua được giới hạn của bản thân và bắt đầu chinh phục những giới hạn mới.
Áp dụng lối tư duy đó vào quá trình viết lách, tôi bắt đầu tìm thấy được những niềm vui khi thực hiện công việc viết hằng ngày. Kể cả đôi khi quá trình ấy chẳng dễ dàng gì.
. . .
Tôi đã từng trải qua giai đoạn khó khăn, mất động lực và đỉnh điểm là đã ngừng viết trong thời gian hơn 3 tháng.
Thời điểm đó tôi bị chán nản bởi những điều tôi đang làm chưa mang lại được kết quả rõ ràng. Tôi hoang mang, vô định không biết liệu con đường mình đang đi có thực sự đúng hay không. Nhìn những người xung quanh chia sẻ thành công tôi lại càng thêm chán nản. Tôi mất niềm tin vào chính mình.
Tôi đang sai ở đâu?
Do bản thân tôi không có đủ năng lực, không có năng khiếu viết bẩm sinh?
Do tôi chưa chưa tìm được người hướng dẫn phù hợp?
Hay do tôi đang quá cầu toàn, luôn mong muốn mọi thứ phải hoàn hảo?
Đó là những câu hỏi không ngừng vang lên trong đầu tôi mỗi ngày.
Tôi chỉ cảm thấy hạnh phúc trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, sau đó đặt ra mục tiêu lớn hơn và theo đuổi nó. Trong quá trình tập yoga tôi có tìm hiểu thêm về một số phương pháp thiền. Tôi bắt đầu làm quen với chánh niệm.
Chánh niệm là một hình thức thiền bao gồm việc tập trung vào khoảnh khắc hiện tại và buông bỏ những suy nghĩ và lo lắng về quá khứ hoặc tương lai.
Đó là cách để tôi ngừng chạy trốn và sống trong từng khoảnh khắc. Chánh niệm dạy cho tôi ngừng việc đuổi theo và thay vào đó luôn đối diện và có mặt với cảm xúc của chính mình.
Nhưng chấp nhận mọi thứ như hiện tại không có nghĩa là buộc ta phải ngừng cố gắng, mà nó chỉ có nghĩa là ta vẫn phải đặt ra mục tiêu. Từ đó ta thiết lập quy trình từng bước cụ thể để đạt được mục tiêu. Và trong suốt quá trình đó, ta vẫn sẽ tìm thấy được niềm vui khi thực hiện từng công việc, từng bước tiến nhỏ.
Chúng ta không chỉ hài lòng khi có thể đạt được mục tiêu đề ra. Mà ngay cả khi những mục tiêu ấy có thể sẽ chệch hướng hoặc không thể đạt được, thì ta vẫn tìm được niềm vui và hạnh phúc trên suốt chặng hành trình. Niềm vui của việc “ở đây và bây giờ”.
Đây là phương pháp đã giúp tôi tìm lại được động lực và niềm hạnh phúc khi viết. Chỉ dành vài phút mỗi ngày là một cách tuyệt vời để biến kỹ thuật thân tâm này trở thành một thói quen thường xuyên.
Nhưng còn nhiều điều hơn nữa để tôi tìm thấy được niềm vui và động lực cho hành trình viết mỗi ngày.
- Thiết lập lại tư duy
Xác định mục tiêu rõ ràng, đâu là lý do để ta viết. Bởi việc này sẽ hỗ trợ ta trong quá trình duy trì thói quen. Đừng coi việc viết là một việc vặt, hay chỉ viết khi có thời gian rãnh, khi có hứng thú. Mà hãy xem việc viết như một đầu việc chính trong to do list mỗi ngày.
Từ đó ta có thể sắp xếp được thời gian hoặc dành ưu tiên cho việc viết. Khi có thể thiết lập lại hệ tư duy giá trị và niềm tin của chính mình. Thì ta sẽ cảm nhận được sự bình yên và niềm vui trong suốt quá trình.
2. Tạo thói quen viết đều đặn
Hãy nuôi dưỡng một thói quen viết lách thường xuyên và đều đặn. Thói quen đóng một phần quan trọng đối với sức khỏe và tinh thần. Tạo thói quen mới có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe và đạt được mục tiêu của mình.
Thói quen về cơ bản là những hành vi được lặp đi lặp lại thường xuyên diễn ra gần như tự động, ít hoặc không cần suy nghĩ. Giống như hầu hết các hoạt động hàng ngày của chúng ta đều được tạo thành từ thói quen, từ đánh răng đến lái xe đi làm. Mặc dù những thói quen mới ban đầu đều tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng kết quả mang lại sẽ là vô cùng lớn.
Khi mới bắt đầu một mục tiêu kế hoạch mới nào đó, đó là giai đoạn ta có nhiều động lực và hứng thú nhất. Nhưng rồi chẳng được bao lâu, niềm hứng khởi dần mất đi. Đó chẳng qua là ta chưa có đủ sự kiên định, tập trung và cam kết với nó mà thôi. Hay nói cách khác là ta chưa xây dựng được thói quen gắn liền với mục tiêu đó.
Nhưng chỉ cần ta chịu bắt đầu xây dựng được 1 thói quen tốt gắn với mục tiêu cụ thể đề ra, thì những thói quen đó sẽ vẫn tồn tại kể cả khi những động lực ban đầu có giảm hay mất đi chăng nữa. Cho dù có mất bao lâu để xây dựng một thói quen mới, thì việc kiên định, tập trung và cam kết vẫn là điều quan trọng nhất.
3. Có niềm tin vào quá trình
Tin tưởng vào quá trình mà bản thân đã đặt ra, có niềm tin vào bản thân sẽ tìm ra cách để vượt qua những khó khăn.
Hãy nhớ rằng quá trình khai thông trí óc và tìm thấy chính mình là một quá trình thay đổi liên tục. Mỗi một bước tiến nhỏ mà ta đạt được đều là nền tảng tạo nên những thành tựu lớn lao sau này.
. . .
Cũng như việc viết vậy, chỉ cần có thể vượt qua được nỗi sợ, dám bắt đầu, là ta thành công một nửa chặng đường rồi. Dám bắt đầu là điều nhỏ nhất trong cuộc sống nhưng lại tạo nên sự khác biệt lớn nhất.
Không nản lòng, không nhụt chí, không đổ lỗi cho hoàn cảnh xung quanh, không bị kẹt lại trong lối tư duy cố định. Đó là những tố chất vô cùng cần thiết cho tiến trình phát triển bản thân mỗi ngày.
Chỉ khi chúng ta hiểu được sức mạnh và dòng chảy của việc viết lách, chúng ta mới có thể khám phá và cảm nhận được niềm vui thực sự của việc viết.
Không tức giận chê trách bản thân, luôn động viên và trân trọng những cố gắng nhỏ nhất, bởi viết lách chẳng dễ dàng gì.