Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
8 bài học về chữa lành

8 những bài học về chữa lành

Posted on 24/10/202324/10/2023 by admin
  1. Quá trình chữa lành, một phương pháp là không đủ

Tâm bệnh là những gì xảy ra ở bên trong cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố và nếu chỉ nhìn bề ngoài chúng ta sẽ khó mà thấy được.

Nó không giống với những cơn cảm cúm, hay những vết thương bên ngoài ta có thể nhìn thấy được cùng phương pháp điều trị đơn giản là dùng thuốc, và thường thì nó sẽ ổn khi chúng ta điều trị.

Còn tâm bệnh cần sự kết hợp nhiều hơn những yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài. Để quá trình chữa lành nó diễn ra trọn vẹn thì bản thân của người bệnh cũng cần phải thay đổi rất nhiều, thay đổi này có thể đến từ chế độ ăn uống, chất lượng giấc ngủ và chế độ vận động hằng ngày, điều này giúp cho thân của ta khoẻ mạnh, và khi thân khoẻ mạnh thì tâm ta cũng ổn định hơn.

Kèm theo đó là những kỹ năng mà ta phải không ngừng học hỏi và rèn luyện mỗi ngày như: kỹ năng để đối diện với những cảm xúc, suy nghĩ khó khăn trong quá trình hồi phục và chữa lành.

Vậy nên quá trình chữa lành tổn thương nó cần rất nhiều yếu tố kết hợp với nhau, chứ một phương pháp là không đủ.

Trị liệu sẽ có nhiều phương pháp khác nhau, có thể với người này là phù hợp, còn với người khác lại không. Vậy nên đừng vội từ bỏ, nếu như đã thử qua nhiều phương pháp mà vẫn không hiệu quả, chúng ta hoàn toàn có thể thử các phương pháp khác, điều quan trọng chúng ta phải có niềm tin là chúng ta sẽ lành và chúng ta sẽ ổn.

Sự phát triển lành mạnh đòi hỏi ta phải vượt qua một lượt thử thách và tiếp cận những điêu mới mẻ. Thất bại cũng là một phần quan trọng của quá trình chữa lành.

Và hãy luôn tin rằng ở ngoài kia có rất nhiều người mong muốn hỗ trợ chúng ta. Xung quanh ta vẫn còn những người khác họ đang chờ đợi, hỗ trợ và sẵn sàng đồng hành cùng ta trên hành trình chữa lành này.

2. Thời gian không chữa lành vết thương

Thời gian không chữa lành vết thương, mà chỉ khiến chúng ta cảm thấy an toàn với vết thương đó.

Thời gian có thể khiến chúng ta quên vết thương, quên rằng mình bị tổn thương, nhưng vết thương vẫn còn đó, nó cứ bấp bênh, làm cho chúng ta vô cùng mệt mỏi. Vào một thời điểm nào đó khi ta tiếp xúc lại những nguồn gây tổn thương, thì tổn thương ngày cũ sẽ lại bị kích hoạt và bị gọi lên lần nữa.

Thời gian không chữa lành vết thương, chúng ta mới là người chủ động chữa lành vết thương đó và thời gian sẽ là người bạn đồng hành.

Khi ta lắng nghe ai đó kể câu chuyện truyền cảm hứng, về hành trình chữa lành của họ, chỉ với 30 phút trôi qua ta thấy rằng câu chuyện đó thật li kì giống như một phép màu, đến nỗi ta khó mà tin nó là có thật, làm sao họ có thể vượt qua được chứ ?

Trên chặng hành trình đau thương đó được tóm tắt chỉ với 30 phút ngắn ngủi chưa nói lên được điều gì cả. Chẳng có một phép màu nào giúp cho hành trình chữa lành có thể rút ngắn lại và diễn ra nhanh hơn. Mà nó đòi hỏi sự một quá trình tiến lên không ngừng, từng bước, từng bước một. Đôi lúc chậm chạp đến nỗi làm cho người ta phải thất vọng vì tổn thương vẫn còn quá nhiều.

Ngay cả khi một người lựa chọn được chữa lành, thì thời gian để gỡ bỏ lớp vỏ bọc băng giá đó vẫn có thể mất đến hằng năm trời.

3. “Cảm giác được thuộc về” là một trong những yếu tố hỗ trợ cho quá trình chữa lành tốt hơn

Một người mẹ bỏ rơi đứa con bé bỏng của mình, một con người bị xã hội lên án và xa lánh vì hành động bạo hành xúc phạm đến người khác..v.v….đang tìm kiếm sự tha thứ từ người thân gia đình nạn nhân hay một tội phạm với mức án chung thân để cả đời kiểm điểm và suy ngẫm về hành động của bản thân, thì ở cuối mọi cuộc phỏng vấn, tất cả họ đều hỏi: “Tôi đã làm tốt chứ?”, “Tôi được chứ?”. Họ luôn hỏi thế.

Điều họ thật sự tìm kiếm là việc có ai đó ủng hộ cho ý nghĩ của mình. Đúng vậy, tôi không bị điên, tôi không muốn làm như thế, tôi suy nghĩ hay cảm nhận như thế này vì câu chuyện đã xảy ra với tôi và cách phản ứng của tôi ở thời điểm đó là hoàn toàn hợp lý.

Mong muốn được chấp nhận và cảm giác bản thân được thuộc về, là nhu cầu hết sức căn bản mà đã là con người thì ai ai cũng sẽ có.

Khi bắt đầu sự sống, chúng ta được bảo bọc trong tử cung của mẹ. Rồi khi sinh ra, ta bước vào đời bằng một cái ôm. Bản sắc của chúng ta không thể phát triển trong sự cô lập, bởi vì bản chất của con người là giao tiếp.

Sự kết nối của người khác là yếu tố đệm đỡ quan trọng cho bất kỳ tác nhân gây căng thẳng nào cũng như để chữa lành vết thương lòng trong quá khứ. Chỉ khi ở bên những người thật sự hiện diện, những người giúp đỡ và vỗ về ta mới có được cảm giác thuộc về.

Được thuộc về và được yêu thương là cốt lõi của “trải nghiệm con người”. Chúng ta là giống loài xã hội, là những sinh vật sống nhờ mối quan hệ. Chúng ta được sinh ra để thuộc về một cộng đồng nào đó, để gắn kết với nhau về mặt tình cảm, để gắn kết với xã hội.

Sống trong mọi xã hội loài người, con người luôn có thôi thúc tìm kiếm cảm giác thuộc về và thân phận. đồng nhất hoá bản thân với một cộng đồng hay một đám đông nào đó.

Tình yêu và sự chăm sóc đầy yêu thương mà những đứa trẻ nhận được trong những năm đầu đời chính là nền tảng cho sự phát triển của mỗi người. Những điều đã xảy ra với ta khi ta còn bé có ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng yêu thương và được yêu thương này.

Ta thường yêu thương người khác theo cách bản thân đã được yêu thương. Ta không thể cho đi thứ ta không có. Nếu ta được yêu thương, ta mới biết cách cho đi yêu thương. Nếu không ai nói chuyện với ta, ta không thể nói. Nếu chưa bao giờ được yêu, ta sẽ không thể yêu.

Nhưng cũng cần sáng suốt và nhận diện cảm xúc trong những mối quan hệ, đừng để bản thân quá phụ thuộc vào những mối quan hệ an toàn đó.

4. Ngày nào còn phụ thuộc vào mối quan hệ, ngày đó vết thương vẫn sẽ chưa lành

Mối quan hệ lành mạnh ấm ấp khiến chúng ta cảm thấy được yêu thương. Những mối quan hệ ấy giúp ta sống trong một môi trường an toàn và lành mạnh, và môi trường sống đó nó không kích hoạt vết thương chứ vết thương thì nằm ở đó.

Vậy nên những mối quan hệ sẽ không chữa lành vết thương mà chúng cũng chỉ là người đồng hành trên hành trình chữa lành mà thôi.

Để chữa lành vết thương thì cần kết hợp giữa không gian an toàn và những mối quan hệ xung quanh, cộng với những lộ trình chữa lành cảm xúc, chữa lành tâm trí thì những vết thương đó nó mới có thể lành được.

5. Ai rồi cũng tổn thương, và cũng cần được chữa lành

Những khó khăn, tổn thương, vấn đề trong cuộc sống đều xuất phát từ những mối quan hệ giữa người với người, tức là có con người thì sẽ có vấn đề, sẽ có tổn thương.

Đức Phật cũng có câu nói đời là bể khổ, đời ở đây tức là mối quan hệ giữa những con người với nhau. Vậy nên đã làm người rồi thì tổn thương là điều khó tránh khỏi, chỉ là có người có nhiều tổn thương hơn, có người có ích tổn thương hơn mà thôi, nhưng chắc chắn ai rồi cũng sẽ có tổn thương.

Và chữa lành là điều bắt buộc mà ai cũng sẽ trải qua.

Ai rồi cũng tổn thương, ai rồi cũng cần được chữa lành. Nhưng không có nghĩa là ai cũng chủ động chữa lành, sẽ có những người cứ để vết thương như vậy thôi, để nó chi phối cuộc đời của họ nó làm cho nhiều khía cạnh khác của đời sống cũng trở nên tồi tệ hơn.

Không chủ động chữa lành, không đủ năng lực đối diện với những khó khăn trong cuộc sống thì trong tương lai khi đối diện với tổn thương lớn hơn, ta sẽ càng trở nên yếu đuối và dễ dàng gục ngã hơn nữa.

Khi nỗi đau cũ chồng thêm với những nỗi đau mới, sẽ tạo nên những nỗi đau có thể quá lớn hay quá sức chịu đựng của chúng ta.

6. Xây dựng lại thế giới mới từ những tổn thương cũ

Tổn thương khiến ta tan nát. Sau những tổn thương, điều khó khăn nhất cần hiểu là không điều gì và không một ai có thể lấy đi nỗi đau từ những người mang tổn thương. Tổn thương sẽ không tự nhiên mà mất đi.

Điều ta cần làm là học cách xây dựng một thế giới quan mới. Việc này cần thời gian, cũng như cần nhiều chuyến thăm lại quá khứ, thăm lại đống đổ nát, nơi đầy những mảnh vụn của nỗi đau. Và quá trình này còn bao gồm những hành vi “diễn đi diễn lại”. Hết lần này đến lần khác, ta thăm lại nơi xảy ra những nỗi đau, lục tìm trong đống đổ nát, tìm kiếm một thứ gì đó và đưa nó đến nơi an toàn.

Ta không thể trở thành một con người khoẻ mạnh nếu không trải qua tổn thương, thử thách. Đó là thứ giúp ta xây dựng khả năng phục hồi và thấu cảm.

Ta thử- ta ngã- ta đứng dậy- ta lại thử- rồi lại thử lần nữa. Thành công nào cũng đến sau thất bại, và thường thì ta sẽ vấp phải nhiều thất bại trước khi đạt được thành công.

Đó là một phần của quá trình chữa lành.

7. Ta không thể rũ bỏ quá khứ

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng trị liệu là một việc gì đó chỉ liên quan đến hiện tại mà không nhắc lại những gì đã xảy ra trong qua khứ.

Rất thường xuyên, những điều đã xảy ra trong quá khứ phải mất rất nhiều năm trời mới bộc lộ. Vậy nên nhiều người vẫn rất khó để họ nhận ra bản thân mình cũng từng có những tổn thương trong quá khứ. Bởi những trải nghiệm trước đây đã tạo ra trong não bộ, vẫn luôn còn ở đó và ta không chỉ đơn giản là xoá bỏ chúng đi.

Ta không thể trốn tránh và rủ bỏ quá khứ. Bởi một khi chúng ta giấu nhẹm những sự thật và những câu chuyện của quá khứ, thì chính những bí mật đó sẽ hoá thành những tổn thương. Chính ta là người đang cho chúng quyền năng sống dậy hết lần này đến lần khác.

Khi không dám đối mặt với quá khứ và bản thân, ta nghĩ rằng đó là cách để bảo vệ chính mình khỏi những tổn thương. Nhưng chạy trốn không phải là cách để chữa lành tổn thương, thay vào đó nó càng làm cho tổn thương thêm trầm trọng. Ngày nào ta còn cấm đoán và trốn chạy những kí ức từ quá khứ, ngày đó ta sẽ vẫn chưa thể giải thoát được chính mình, chưa giải thoát được khỏi nỗi sợ và chưa tìm thấy tự do.

Ta không kiểm soát được những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng ta có quyền để quyết định cách mà ta trải nghiệm cuộc sống sau tổn thương.

Trị liệu thiên về những kết nối mới, tạo ra những lối đi lành mạnh mới, trong khi con đường cũ vẫn còn nhưng ta sẽ không đi lại con đường đó nữa. Trị liệu là xây dựng một lựa chọn tốt hơn, một chế độ mặc định mới. Việc đó cần sự lặp lại và nhiều thời gian.

Chúng ta luôn thay đổi. Ta thay đổi sau tất cả những trải nghiệm của mình, cả tốt lẫn xấu. Đó là vì não bộ luôn có thể thay đổi nó dễ uốn nắn.

Quá trình rời khỏi vùng an toàn, khám phá cái mới, trở về vùng an toàn, sẽ còn tiếp diễn hàng nghìn lần nữa. Và thông qua những thách thức nho nhỏ đó, chúng sẽ xây dựng năng lực thể hiện khả năng phục hồi khi đối mặt với những tổn thương lớn hơn trong tương lai. Càng đối mặt với nhiều thách thức vừa phải, ta càng có khả năng đối phó với nhiều thách thức lớn hơn.

Điều ta cần phải làm là có dũng khí để đối mặt với hành động của mình, bóc dần từng lớp tổn thương của đời mình và phơi bày sự thật về những tổn thương trong quá khứ. Đó là nơi hành trình chữa lành bắt đầu.

Chừng nào còn chưa chữa lành được vết thương trong quá khứ thì chúng vẫn sẽ còn tiếp tục chảy máu.

Quá khứ không biến mất. Nó không thể bị cắt bỏ. Nó vẫn sống trong ta. Nhưng cùng lúc đó, ta vẫn có quyền lựa chọn và cho phép bản thân sống khác đi. Một cuộc đời tự do với trái tim đã học được cách tha thứ, tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, cũng là tha thứ cho chính mình, cho phép mình được sống một cuộc đời trọn vẹn hơn.

8. Quá trình chữa lành tổn thương là không hồi kết, vậy nên ta cần có sự chuẩn bị cho những tổn thương

Có thể lúc này đây có lẽ ta đã vượt qua được hành trình chữa lành. Những vết sẹo trong ta đã lành nhưng không có nghĩ là trong tương lai ta sẽ không gặp tổn thương nữa. Bởi ngày nào ta còn kết nối va chạm với xã hội, với những mối quan hệ con người, thì ngày đó ta vẫn sẽ còn tổn thương.

Vậy nên ta cần biết cách để tự chăm sóc bản thân. Chính ta mới là người xây dựng nên đời sống lành mạnh bên trong mình. Tất cả niềm hạnh phúc trong cuộc sống đều đến từ bên trong.

Tự chăm sóc bản thân là việc rất quan trọng. Nhưng không may là nhiều người cảm thấy tội lỗi khi chăm sóc bản thân, họ xem đó là hành động ích kỷ. Nhưng chăm sóc bản thân không phải là ích kỷ, đấy là việc cốt yếu phải làm.

Chúng ta phải chăm sóc bản thân để có thể tự bảo vệ và vực dậy chính mình khi có những tổn thương xảy đến. Điều này đặc biệt quan trọng khi nhiều người trong chúng ta đang phải mang theo những tổn thương hoặc nghịch cảnh từ quá khứ.

Xây dựng những thói quen lành mạnh cho bản thân: tập thể dục, thể thao, thường xuyên vận động, đạp xe, yoga, đi bộ. Việc tập thể dục đều đặn mỗi ngày giúp cải thiện tâm trạng, nâng cao sức khỏe tinh thần và tạo giấc ngủ ngon. Để sau này khi tổn thương xuất hiện chúng ta vẫn có những trụ cột để có thể bám vào.

Có thói quen ăn uống khoẻ mạnh, hãy dành thời gian ăn uống với gia đình, gặp gỡ bạn bè, giữ sự kết nối với những người quen lâu ngày gặp mặt. Để sau này khi có vấn đề gì đó xảy ra thì chúng ta vẫn còn những người để chia sẻ, để tâm sự.

Chú trọng hơn về giấc ngủ. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên quan giữa giấc ngủ và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Những người bị rối loạn giấc ngủ, thiếu ngủ… có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn so với những người khác. Rối loạn giấc ngủ nếu kéo dài sẽ khiến người bệnh có các suy nghĩ tiêu cực và dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc.

Khi đã có tổn thương rồi thì giấc ngủ của chúng ta có thể bị xáo trộn. Vậy nên cần có những phương pháp cụ thể để có được một giấc ngủ chất lượng như: việc tập thói quen đi ngủ và thức dậy theo một giờ cụ thế, bất kể là ngày cuối tuần, lễ tết hay kì nghỉ. Điều này giúp cơ thể tự động điều chỉnh theo thói quen đã thiết lập, từ đó làm ổn định nhịp sinh học của ta. Hạn chế giấc ngủ ngắn vào ban ngày sẽ khiến ta khó ngủ hơn vào ban đêm. Tạo không gian phòng ngủ gọn gàng, ấm cúng và thoải mái để dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ trước khi ngủ. Ánh sáng xanh từ smartphone, máy tính bảng, laptop có thể làm ta khó đi vào giấc ngủ sâu. Thư giãn bằng việc nghe nhạc không lời êm dịu, sử dụng liệu pháp mùi hương như đốt nến, xông tinh dầu, hoặc hít thở sâu tại chỗ có thể giúp ta thư giãn và dễ ngủ hơn.

Chuẩn bị những kiến thức hữu ích, đọc thêm những đầu sách về sức khoẻ tinh thần, để ta tự đối diện với những khó khăn trong cuộc sống.

Rèn luyện khả năng, kỹ năng nhận diện những tổn thương về mặt cảm xúc và mặt tâm trí, nhận diện được sớm thì quá trình chữa lành sẽ được diễn ra sớm hơn.

Từ bi với chính mình. Không để sự thất vọng chi phối, không để sự nghi ngờ và chỉ trích xuất hiện quá nhiều khi mà chúng ta đang trong hành trình chữa lành. Đây là một kỹ năng rất rất quan trọng, ai cũng nên có để trước là cho bản thân sau là cho những người xung quanh, những người mà chúng ta yêu quý.

. . .

Trước khi vỡ nát, mỗi chúng ta đều là một bản thể hoàn thiện.

Chữa lành không chỉ là việc xoá đi vết sẹo, mà chữa lành là ôm lấy cả những vết thương.

Chữa lành không phải là con đường thẳng tắp không gập ghềnh, khúc khuỷu.

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Bài Viết Mới Nhất

  • Một đêm đen
  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (325)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (40)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.