Có lẽ chẳng sai khi đức Phật nói rằng: Đời là bể khổ. Giàu cũng khổ mà nghèo cũng khổ, có gia đình cũng khổ mà không có gia đình cũng khổ, nhà to cũng khổ, nhà nhỏ cũng khổ, không có nhà lại càng khổ.
Đau là thực tế, cảm nhận trên cơ thể vật lý. Khổ là tác động của đau đối với tâm trí, thế giới quan của ta.
Đối lập với khổ là gì? Có phải là vui sướng không, nhưng thông thường khi ta đang đau khổ ta không mong muốn được vui sướng mà hầu hết là ta mong mình hết khổ. Vậy nên có lẽ đối lập với khổ chính là bình yên, thanh thản, được quên và tận hưởng cuộc sống.
Thường khổ sẽ gắn liền với 2 khía cạnh: Khổ nối liền với thân phận con người như: bệnh tật, cái chết, tuổi già, mất người thân, thiên tai..Khổ gắn liền với giày vò trong tâm hồn, là những cảm xúc như tuyệt vọng, bất mãn, mất phương hướng. Xuất phát điểm của khổ có thể là một cái đau thể xác hay một trạng thái tinh thần như khốn quẫn, nỗi sợ hãi , cảm giác mà ta muốn nó biến đi. Có thể nói khổ là bao quát mọi trạng thái tinh thần được xem là không mong muốn.
Tuổi trẻ cũng khổ, 18 đôi mươi thì khổ vì không được sống với đam mê lựa chọn của mình, khổ vì không biết đâu là điểm mạnh, lý tưởng bản thân nên theo. Tuổi 30 khổ vì áp lực gia đình xã hội, công việc, sự nghiệp kết hôn, sinh con. 60 khổ vì tuổi già, bệnh tật, cái chết.
Con người làm khổ mình và làm khổ cả những người xung quanh. Những người mình càng thương yêu lại thường là những người làm mình đau nhất. Cha mẹ làm khổ con cái, con cái cũng làm khổ cha mẹ, mình hận người làm mình đau, mình khổ. Khi đối diện với khổ đau, chúng ta chưa từng được dạy để dối diện, vậy nên một là chúng ta dồn nén nó, rồi đến khi cảm xúc bùng nổ, có người chọn cắt đứt hết mọi thứ.
Ngày trước bản thân luôn muốn thay đổi người xung quanh theo ý muốn mình, và khi sự việc không như mong muốn, nên mình thấy mình khổ, và người thân mình cũng khổ. Nhưng khi bản thân có cách tiếp xúc khác với cuộc sống, mới thấy nổi khổ đã vơi đi được rất nhiều.
Nhận diện được là bản thân đang có vấn đề về mặt cảm xúc, điều chỉnh nó trước khi tấn công với người kia. Đó là một trong những bước chuyển trong hành trình thấu hiểu và làm chủ cảm xúc chính mình.
Khi nhìn lại một đoạn đường từ thuở niên thiếu tới hồi trưởng thành, tôi nhận ra bản thân đã trải qua nhiều niềm tin sống khác nhau. Có khi trước đây từng cho rằng cách sống của mình là đúng, mà chỉ bước thêm mấy bước qua đoạn đó, lại thấy mình không còn đúng nữa.
Từ ngày thực hành về trí tuệ cảm xúc, rèn luyện sự chú tâm trong từng lời nói, cử chỉ và hành động. Thú thật tôi thấy càng ngày mình càng nói sai nhiều hơn. Câu nào nói ra rồi cũng hối hận. Đôi khi vừa nói ra một điều, biết rằng đã sai, nhưng lời nói ra không rút lại được. Dần bắt đầu ít nói hơn hẳn, hoặc là sau những lời trêu đùa, chắc chắn tôi sẽ thấy hối hận.
Nhiều khi tôi chán ghét việc nói nhiều. Càng nói ra, lại càng có ít thời gian để nghe hoặc làm. Khi cứ càng cố sửa thì lại càng sai nhiều. Rốt cuộc là bản thân thực hành chưa đủ tốt hay tôi đã sai ở đâu?
Nhưng thật ra không phải vậy.
Thật ra trước giờ vẫn sai, nhưng ngày trước không biết, giờ thì biết. Bắt đầu từ bước nhận diện bản thân, dành thời gian nhìn rõ vào từng điểm nhỏ, trong một suy nghĩ, trong một lời nói ra, từng bước đi, cách hành xử, tự nhiên lại thấy những điều trước đây mình không thấy.
Ngày bé chỉ muốn lớn thật nhanh, để được làm điều mình muốn, đi những nơi mình muốn đi, nói những điều mình muốn nói. Nhưng lớn chút rồi, có khi thấy thật ra mình chẳng làm chủ được điều gì, khi làm, khi nói, khi đi, khi giao tiếp trong cuộc sống, đều phải dừng lại cẩn trọng, suy nghĩ, cân nhắc, đong đếm, nghĩ kĩ trước sau.
Ông bà ta vẫn thường nói uống lưỡi 7 lần trước khi nói. 7 lần để có sự chuẩn bị, 7 lần để có thời gian nhận diện được suy nghĩ, cảm xúc hiểu được thông điệp cảm xúc, có sự chuẩn bị kĩ càng trước khi buông ra một câu nói nào đó. Rồi nhiều khi sau 7 lần đó thì chẳng còn muốn nói nữa, vì việc chọn im lặng vẫn tốt hơn là tỏ bày, cũng tránh để tổn thương mình tổn thương người.
Emotion trong tiếng La tinh có nghĩa là to move – chuyển động. Tức là mỗi cảm xúc xuất hiện trong cuộc sống chúng ta để chúng ta làm cái gì đó.
Ví như tình yêu cũng là một dạng cảm xúc, khi gặp ai đó mình thấy hồi hộp, rung động, thấy thích, những cảm xúc đó thôi thúc mình muốn tìm hiểu đối phương, muốn được ở bên cạnh đối phương nhiều hơn, hiểu hơn về đối phương, đó đều là những cảm xúc thôi thúc mình hành động.
Cảm xúc cho ta thấy được sự thú vị của cuộc sống, cảm xúc làm cho chúng ta cảm thấy chúng ta được sống. Giúp ta hiểu được những người xung quanh, ta biết được họ trải qua điều gì và từ đó có những cách tương tác và ứng xử phù hợp hơn.
Nhưng phần lớn chúng ta đều đang bị cảm xúc chi phối, ta để cảm xúc xuất hiện và nó dẫn dắt chúng ta làm 1 điều gì đó mà mình không muốn và nguy hiểm hơn nữa là mình không nhận ra bản thân đang bị cảm xúc đó dẫn dắt. Chúng ta lớn lên và dần quen với việc đè nén cảm xúc, vì nhiều lý do khác nhau chúng ta đôi khi là chạy trốn hay làm quá cảm xúc đó lên, đó là những biểu hiện cho việc ta không hiểu được cảm xúc. Bất kì cảm xúc nào đều là thông điệp, và mỗi thông điệp đều giúp chúng ta hiểu được cần làm gì và không làm gì.
Mục đích của các nhà tâm lý học không phải là từ bỏ hoàn toàn một cảm xúc, cũng không phải là vượt lên trên nó, mà là kiểm soát được kinh nghiệm và cách thức mà nó thể hiện ra hành động.
Quan điểm đối với đạo Phật, chú trọng vào việc những suy nghĩ khởi lên tức thì, điều đó giúp ta nhận diện ngay cơn giận khi nó xuất hiện và làm nó tan biến ngay sau đó, phương pháp này chủ yếu tập trung vào hiện tại, nhận diện từng suy nghĩ một. Nếu xem xét kỹ các cảm xúc, ta sẽ nhận ra rằng chúng chỉ là một dòng chảy năng động, không thể tự tồn tại, cái mà đạo phật gọi là tính không.
“Hãy chăm sóc từng phút, các giờ tự nó sẽ chăm sóc cho nhau”
Các nghiên cứu về ứng xử đã chứng minh rằng những người có khả năng nhất trong việc làm chủ các cảm xúc bằng cách kiểm soát chứ không phải đè nén cũng là những người thường xuyên tỏ ra có cách ứng xử vị tha khi phải đối mặt với đau khổ của những người khác. Phần đông những người đa sầu đa cảm thường quan tâm nhiều tới cảm giác rối loạn của mình khi chứng kiến nỗi đau của người khác, hơn là tới cách thức phải làm để giảm bớt khổ đau. Nhưng không phải vì vậy mà đè nén các cảm xúc. Làm như thế cũng giống như không cho chúng thể hiện trong khi vẫn để chúng còn nguyên đó, điều này chỉ là một giải pháp tạm thời và có hại.
Các nhà tâm lý học khẳng định rằng một cảm xúc bị đề nén có thể gây ra những rối loạn trầm trọng về tâm thần và thể chất, ví dụ thường ta có thể chết vì nhồi máu cơ tim khi giận dữ, hoặc tự hủy hoại bản thân vì bị dục vọng ám ảnh.
Lý do chung ở hầu hết mọi người là không biết cách để dung hòa các cảm xúc của mình. Cảm xúc càng mạnh thì nhận thức sẽ càng mạnh. Những cảm xúc mạnh thường là lo âu, sợ hãi, buồn bã mà ta quen gán nó là những cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc càng mạnh thì càng có nhiều ý nghĩ tiêu cực, và ta lại càng bám vào đó. Vậy nguyên lý ở đây là nếu ta làm giảm sức mãnh liệt của cảm xúc, sự đeo bám vào những ý nghĩ sẽ không còn mạnh mẽ như vậy nữa. Đây chính là nguyên lý hoạt động của thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần, chúng không thay đổi trực tiếp bản chất ý nghĩ, mà thay đổi cường độ của hoạt động cảm xúc.
Thông qua các trị liệu áp dụng thiền chánh niệm, người ta còn nhận thấy rằng sự chú tâm là một phương tiện cực kỳ mạnh mẽ để điều chỉnh cảm xúc.
Buồn vui lẫn lộn cứ thay phiên nhau đến. Tâm trí tạo ra toàn bộ nỗi lo sợ, và điều nguy hiểm nhất là ta lại tin vào điều đó. Nhưng cần hiểu rằng, trong mỗi con người luôn tồn tại một phần vô sự, mơ hồ, không đoán trước được, thứ làm ta mệt mỏi chính là sự mơ hồ, biến đổi liên tục đó. Bước đầu tiên là chấp nhận và bình thản quan sát. Ngồi lại với cảm xúc của mình. Bỏ chạy bao giờ cũng là phương án đầu tiên và dễ nhất có thể nghĩ đến. Tôi đã từng nhiều lần như thế. Dù là chuyện tình cảm hay công việc, có thấy khó chịu thì cứ bỏ đi là xong hay chỉ ước rằng có ai đó thay mình giải quyết, nhưng đó là điều không thể.
Nhìn nhận đúng cốt lõi nguồn cơn của cảm xúc rồi, thì phải lên kế hoạch để giải quyết nó. Từng bước một. Đâu là những suy nghĩ của mình, đâu sẽ là cách để mình truyền thông cho người khác hiểu. Khi đã hiểu được thông điệp cảm xúc bản thân không còn bị cảm xúc chi phối, và đó là một hành trình dài tôi đã phải liên tục rèn luyện để hiểu biết về cảm xúc.
3 điều quan trọng cần biết trong quá trình thực hành hiểu về cảm xúc:
1.Cần có sự chấp nhận:
Cho dù là cảm xúc nào xuất hiện kể cả cảm xúc dễ chịu như vui, hứng khởi, hay những cảm xúc không thuận lợi như lo lắng, giận dữ.. thì ta cũng đều phải chấp nhận. Bất kì cảm xúc nào đến thì đều phải chấp nhận, bởi nếu không chấp nhận mình sẽ khó có thể hiểu được nó.
2.Đối diện được với những cảm xúc có hơi khó khăn:
Khi một ai đó chỉ trích mình, đương nhiên đó là một cảm xúc khó chịu, nếu không thực hành về cảm xúc mình sẽ nảy sinh sự phẫn nộ, giận dữ và muốn đáp trả. Nhưng từ khi thực hành tôi bắt đầu tập luyện cho mình khả năng hít thở và điều chỉnh, tiếp tục nghe người đối diện nói và sau đó sẽ tìm hiểu kỹ hơn những thông tin mà người khác đem đến.
3.Dễ dàng hiểu được và đối diện được với cảm xúc của người khác:
Cho đối phương không gian và thời gian để họ giải quyết cảm xúc của họ, bởi mình biết rằng ai cũng đều có những cảm xúc khó khăn và ai cũng cần phải đối diện với cảm xúc của chính mình.
Khi quyết định không bỏ chạy, mà đứng lại, thì việc đau đớn đầu tiên là phải chấp nhận rằng có những vấn đề cảm xúc do mình, người khác đôi khi chỉ là tác nhân kích thích những nguồn cảm xúc đó mà thôi. Nhận biết, đối diện, không trốn chạy, không phán xét, tháo gỡ dần dần, đó là thái độ của sự trưởng thành về cảm xúc mà tôi muốn hướng tới.
Là cái cảm giác sau khi gỡ xong một nguồn cảm xúc không dễ chịu. Tôi ngồi xuống, sau hiên nhà đầy gió. Cái gì rất nhẹ nhõm trong tôi. Cái giây phút nhẹ bẫng đó, chỉ một mình tôi cảm thấy được. Sự dễ chịu không đến từ việc bỏ đi ngay từ đầu, không đến từ việc tránh khỏi cái khó chịu. Mà nó đến từ việc tôi dừng lại, ngồi xuống, đối diện với cái cảm xúc khó chịu ấy. Và đi xuyên qua nó.
Nhận diện được những suy nghĩ đang xuất hiện trong đầu, những suy nghĩ không đúng về người khác, sau đó tôi sẽ giải quyết nó rồi mới tương tác với họ. Nhận diện là mình đang có những sự kỳ vọng dành cho đối phương, nhận diện là mình muốn người khác thay đổi vì mình hơn là vì chính bản thân họ. Dần dần những khổ đau gánh nặng được gỡ bỏ.
Bản thân là niềm tin và điểm tựa được cho những người xung quanh mình: Bạn cần mình giúp gì không? Mẹ cần con giúp gì không? Con ngồi đây để lắng nghe nè. Để chia sẻ, để người đối diện thấy được mình là một chỗ dựa vững chắc để họ có thêm niềm tin và động lực để thay đổi và đối diện với nỗi khổ mà họ đang có.
Giờ đây bản thân vẫn không ngừng thực tập và rèn luyện để quan sát cảm xúc, đối diện cảm xúc, không còn vội vàng để chạy theo thông điệp mà cảm xúc gửi tới.
Aristotle từng nói: “Ai cũng có thể tức giận, điều đó thật dễ dàng. Song tức giận đúng người, đúng mức, đúng lúc, vì một lý do hợp lý và theo một cách thức phù hợp thì không phải là dễ.”
Có những người khi có những vấn đề, khi gặp phải những tình huống, cảm xúc không dễ chịu, họ buộc phải tìm cách đào thải khối cảm xúc tiêu cực bên trong ra bên ngoài, theo những cách tiêu cực nhất có thể. Khi người ta có một vết thương trên người, người ta có xu hướng cũng muốn làm đau người khác. Nhưng đó không phải là cách duy nhất. Đó chỉ là cách dễ nhất mà thôi.
Thoạt đầu, bản thân cảm thấy vô cùng giận dữ. Sao trên đời lại có một con người vô lý đến vậy. Sau này, khi đã hiểu hơn một chút về cảm xúc, về những giới hạn của bản thân, về cách truyền thông và tương tác với người khác, tôi có thể phần nào hiểu được cho hoàn cảnh của họ, chỉ là không thể đồng tình, chấp thuận hay ủng hộ. Có những lúc vẫn phải phản kháng lại, để họ hiểu rằng giữa mỗi người đều có khoảng cách riêng cần được tôn trọng. Và cũng để nhắc chính mình rằng, nếu mỗi vết thương của bản thân không được nhìn nhận và xử lý đúng cách, thế nào rồi mình cũng sẽ làm đau người khác.
Tôi cũng gần như không tranh luận khi có quan điểm trái chiều, chỉ đơn giản là chấp nhận, vì thấy rằng khi tranh luận mà không có nguyên tắc hay hướng dẫn cụ thể thì đa phần sẽ đi đến ngõ cụt, lúc này việc không tranh luận là giới hạn tôi đặt ra cho bản thân sau nhiều cuộc trao đổi không mang lại hiệu quả. Và giới hạn này giúp tôi giữ được năng lượng, kiểm soát cảm xúc bản thân để dành sự tập trung cho những công việc quan trọng khác, không tốn thời gian và công sức cho những tranh luận không mang lại hiệu quả.
Ví như những ngày mình hoàn toàn khoẻ mạnh và bình thường sức đề kháng của mình tốt, thì dù bị một vài con virus tấn công, mình vẫn không thấy gì cả. Nhưng khi mình đang yếu, đang bất ổn, thì chỉ một con virus nhỏ bay qua đã làm mình hắt hơi sổ mũi. Và cái trạng thái tinh thần, cảm xúc của mình cũng vậy. Khi tinh thần mình ổn dù người ngoài có nói gì, mình vẫn có đủ sự sáng suốt để lọc lựa thông tin, nghe điều gì, tin điều gì, và bỏ qua điều gì. Nhưng khi tâm trạng mình trồi lên sụt xuống, thì để cân bằng các cơn cảm xúc và chắc lọc nguồn thông tin tiêu cực đó cần rất nhiều sự nổ lực và rèn luyện.
Giới hạn giống như sức đề kháng của mỗi người, sức đề kháng giúp bảo vệ cơ thể trước những vi rus gây hại, là hàng rào chắn giúp cơ thể được khoẻ mạnh. Nơi cho chúng ta những tín hiệu về cơn đau, những khó chịu khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, tác nhân gây bệnh, để có những sự điều chỉnh phù hợp bên trong. Đó là lý do ta cần thiết lập thêm giới hạn, tăng cường thêm sức đề kháng của chính mình.
Vậy nên đã đến lúc chúng ta truyền thông những giới hạn có ý thức của mình cho những người xung quanh biết. 4 khía cạnh nên có những giới hạn đó là:
Cơ thể: nơi người khác được và không được phép chạm vào, đâu là khoảng cách an toàn, những hành động thân mật mà bản thân thấy thoải mái và dễ chịu.
Cảm xúc: mình được phép cảm nhận và chia sẻ cảm xúc của mình, người khác không có quyền coi thường hoặc ép buộc mình vượt qua một vài cảm xúc nào đó. Mình có quyền buồn vì chuyện này quan trọng với mình, vì không có trách nhiệm phải nhanh chóng vui lại vì bất kì một ai khác.
Vật chất tài sản: người khác mượn và sử dụng phải có sự đồng ý của mình, mượn phải trả về nguyên vẹn, hoặc có thời hạn trả nhất định.
Thời gian: vẫn dành thời gian cho người khác nhưng sẽ ở một mức độ nào đó, còn lại vẫn ưu tiên thời gian cho những nhu cầu của bản thân.
Mỗi người chúng ta đều có những giới hạn ngầm để đối xử và tương tác với người khác. Có người chúng ta tôn trọng, có người chúng ta nể, có người chúng ta sợ. Cách chúng ta sống và tương tác mỗi ngày đều tạo ra những giới hạn vô hình nào đó. Cả ở khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực vấn đề là chúng ta ít khi ý thức được rằng mình vẫn đang âm thầm tạo ra những giới hạn đó, và mình vẫn đang hằng ngày tạo ra những giới hạn trong đầu của mình khi tương tác với người này người kia. Cách chúng ta nói lên giới hạn của bản thân, bảo vệ giới hạn của bản thân cũng là cách chúng ta đang cho họ biết họ nên hành xử như thế nào trong mối quan hệ của chúng ta.
.
.
.
.
.