Hồi bé thích nhất là mấy lúc nhà cúp điện vào buổi tối, cả nhà sẽ đốt đèn cầy, và cùng nhau ra ngồi trước sân. Thích được đùa giỡn với cái bóng của đèn cầy, thích tạo hình con này con kia trước cây đèn rồi in bóng xuống nền sân thành đủ hình dạng con vật khác nhau. Nhớ cái quạt mo mẹ hay quạt đuổi muỗi. Nhớ những câu chuyện người lớn nói với nhau.
Những kí ức đã rất lâu rồi, nhưng giờ mỗi khi có dịp nhớ lại, sao thấy sống động như vừa mới hôm qua.
Rồi bản thân cũng có nhiều suy ngẫm, chẳng lẽ những buổi trò chuyện với gia đình thật sự không còn hấp dẫn bằng những video clip trên mạng xã hội hay những chiếc ipad, smartphone nữa hay sao? Hay vì cuộc sống con người ngày càng bận rộn và hối hả. Những gì chúng ta quan tâm giờ đây chỉ còn là những màn hình vi tính, màn hình điện thoại, ánh đèn xanh xanh vô hồn trên những ipad, smartphone.
Bao lâu rồi chúng ta không còn dành thời gian cho gia đình, bao lâu rồi chưa ngồi lặng yên bên nhau và lắng nghe những câu chuyện.
Và chắc cũng đã lâu lắm rồi chẳng còn những buổi tối ngồi yên, ngửa mặt lên trời, yên bình mà ngắm trăng, ngắm sao. Thay vào đó là những cái cuối đầu, mắt dán chặt vào những màn hình xanh xanh không ngừng nhấp nháy.
Những thứ lấp lánh trong tuổi thơ của chúng ta dần trở nên cũ kỹ và mất đi, chỉ còn lại trong ký ức mà thôi.
Có những mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ đã đứt gãy và nghĩ là chẳng thể nào có thể hàn gắn lại được. Nhưng sợi dây liên kết giữa cha mẹ và con cái, tưởng như vô hình nhưng sẽ chẳng thể mất đi. Chỉ là, năm tháng chúng ta trưởng thành rồi xa dần cha mẹ. Chúng ta đi nhiều hơn, đi xa hơn, học được nhiều thứ hơn, đó cũng là lúc hình thành nên cái gọi là khoảng cách thế hệ.
Nhưng chỉ mong bất chợt 1 khoảnh khắc nào đó, ta có thể dừng lại. Dừng lại để nhắc nhở chính mình rằng chúng ta những con người đang được gắn với nhau bởi một sợi dây liên kết vô hình là tình thân, và chúng ta cần xích lại gần với nhau hơn và cũng là để trao cho nhau yêu thương nhiều hơn.
Có lẽ đây cũng là lời nhắn gửi mong ngóng từ cha mẹ muốn được gần gũi và kết nối nhiều hơn với con cái của mình.
Nhiều lần nghe những bạn tâm sự về mối quan hệ với cha mẹ, người thân trong gia đình, vì không tìm được tiếng nói chung, vì chưa có được sự thấu hiểu, dẫn đến những bất đồng, rồi cả 2 chẳng còn chia sẻ với nhau về bất kì điều gì nữa.
Mối quan hệ chệch khỏi quỹ đạo và có lẽ cảm thấy kiệt quệ vì cuộc sống. Quay trở lại quỹ đạo ban đầu là việc rất khó.
Với một số người cuộc đời họ luôn là những con đường một chiều. Bao quanh họ luôn có rất nhiều người sẵn sàng lắng nghe họ nói, để rồi họ cho rằng cảm xúc của bản thân mới là thứ luôn được ưu tiên hàng đầu mặc cho người khác có chấp nhận việc đó hay không thì họ cũng chẳng cần bận tâm.
Để rồi khi thời gian trôi qua, khi đã đánh mất nhiều thứ, thì ta mới dừng lại, mở mắt ra và nhìn nhận lại cuộc đời. Hơn ai hết tôi hiểu rằng thế giới này không đơn giản như vậy, có lẽ khi bản thân ta đã chệch hướng ra khỏi quỹ đạo thì mới phần nào có thể hiểu tại sao người ta lại hay nói như vậy. Nên bản thân cũng không dám đưa ra lời khuyên gì, chỉ yên lặng và lắng nghe.
Nếu muốn nhìn nhận sự việc một cách đúng đắn, trước hết phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Thử một lần đứng trên lập trường của cha mẹ để suy nghĩ, để hiểu được cảm nhận của họ. Lúc đó ta mới biết cách suy nghĩ cho mọi người để có cái nhìn cảm thông hơn và bắt đầu nhận ra cách để kết nối và chạm đến trái tim những người thương của mình.
Và vẫn luôn tự nhắc nhở chính mình rằng, tôi sẽ làm bất kì điều gì để giúp đỡ người khác, bởi vì đã chìm đắm trong nỗi đau nên tôi hiểu rõ nó khủng khiếp đến thế nào.
“Suy cho cùng gia đình cũng là những vị khách mỗi chúng ta sẽ gặp trên hành trình mang tên cuộc đời. Bất kể là khách quý hay khách không mời mà đến, nếu chúng ta đối xử với nhau như những vị khách thì sẽ không có chuyện làm tổn thương nhau” – Trích Cửa hàng tiện lợi bất tiện.
Vậy còn chúng ta, liệu vấn đề của chúng ta có được giải quyết theo cách đó không? Và chúng ta liệu có còn cơ hội và tư cách để trở thành khách của bất kì ai khác nữa không?
…
Cũng tự nhắc nhở bản thân, rồi sẽ về nhà và dành thời gian cho những người thương của mình nhiều hơn.
Rồi sẽ bỏ chiếc điện thoại xuống, không chụp ảnh check in gia đình, không khoe khoang lên mạng xã hội để cho người khác thấy gia đình mình quây quần hạnh phúc ra sao. Tôi không cần những cái like đó, không cần những lượt bình luận ngưỡng mộ đó, tôi đâu cần nhiều thứ như thế để được hạnh phúc đâu.
Học cách quay vào bên trong, quay trở về với gia đình mình.
Rồi sẽ lại được nghe cha mẹ kể về những ngày lấp lánh của tuổi thơ. Ngày chưa có đèn điện, chưa có ánh sáng của màn hình smartphone xanh xanh vô hồn, những ngày chỉ có chỉ có ánh đèn dầu, còn bên ngoài là ánh trăng.
Có lẽ đó là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi để có được sự kết nối tuổi thơ của cha mẹ và con cái. Đấy là thứ ánh sáng có thể khiến ta người ta ngắm mãi ngắm mãi mà không biết chán.
Có những lúc cũng tranh cãi kịch liệt, vẫn có những bất đồng, những mâu thuẩn chỉ vì cả 2 chưa hiểu nhau, nhưng cũng sẽ có những giây phút cả gia đình cùng nhau ngồi trước sân trong ánh trăng sáng vằn vặt.
Muốn giữ mãi sự hồn nhiên trong trẻo này.
Muốn được chìm đắm mãi trong ánh trăng.
Bên gia đình.
Rất bình yên.
Bức tranh hạnh phúc của gia đình.
.
.
.
.