Thế giới càng bất định, tương lai càng mờ mịt khó đoán thì con người ngày càng đâm ra nghĩ ngợi và lo lắng quá nhiều.
Suy nghĩ về những điều không rõ ràng và cụ thể. Sự mơ hồ, chung chung, từ cái này kéo thêm nhiều cái khác làm cho mọi thứ càng trở nên phức tạp hơn, rối bời hơn. Để rồi bản thân cảm thấy mệt mỏi vì nó quá sức, vượt quá giới hạn có thể giải quyết của bản thân.
Ta nghĩ về quá khứ, nghĩ về tương lai, lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai, cuộc đời mình sẽ như thế nào, tình yêu và sự nghiệp rồi sẽ ra sao. Càng nghĩ ta lại càng đâm đầu vào bế tắc, ta thấy cuộc sống quá phức tạp và mệt mỏi, đâu đâu cũng đều là bế tắc. Càng nghĩ thì lại càng sợ, bản thân tự thêu dệt thêm những tình huống xấu, làm cho mọi thứ dần trở nên tiêu cực.
Ta không thể giải quyết vấn đề bằng việc suy nghĩ nhiều hơn.
Đức Phật từng dạy rằng:
“Hãy đứng bên ngoài những suy nghĩ, hãy thả nó đi, chỉ quan sát khoảng lặng bao trùm ấy mà không cố tìm cách để nắm bắt chúng, khi ấy ta nắm giữ quyền kiểm soát.”
Chuyện kể rằng khi Đức Phật đi từ làng này đến làng khác, trên đường đi, vào một ngày hè nóng bức, ngài thấy khát nên bảo người đệ tử: “Chúng ta đã đi qua một con suối và giờ ta thấy khát, con hãy quay lại đó mang nước về nhé.”
Khi họ đi qua, con suối vẫn trong xanh với dòng nước mát lành. Nhưng khi người đệ tử trở lại để lấy nước, hai chiếc xe bò đã đi qua và cả dòng suối bị vẩn đục, toàn bộ lớp bùn bên dưới nổi lên mặt nước. Những chiếc lá héo úa cũng nổi lên trên. Cho rằng mình không thể lấy nước này cho Đức Phật uống nên người đệ tử bèn quay trở về.
Sau khi nghe người đệ tử trình bày rõ ràng về nguyên nhân và lý do tại sao không thể lấy được nước, Đức Phật bèn đáp: “Không, ta vẫn muốn uống nước từ con suối kia.”
“Nhưng nước ở đó bẩn và vẩn đục, lá thối nổi lềnh bềnh. Làm sao con có thể mạng nước đó về cho thầy được.” vị đệ tử đáp.
Đức Phật đáp: “Con hãy đi và mang về đây cho ta.” Người đệ tử bèn vâng lời, liền quay trở lại nhưng thật bất ngờ, vào lúc này, những chiếc lá đã trôi xa, bùn đã lắng xuống, nước đã trong vắt trở lại.
Đó chính là điều Đức Phật muốn nói – “Hãy quay lại”, và nhìn thấy mọi thứ đã thay đổi… Nếu người đệ tử chỉ cần chờ đợi, mặt nước sẽ sớm trong vắt trở lại.
Người đệ tử bèn bật khóc và nói rằng: Vâng, con đã hiểu. Thật ra con chưa kể với thầy chuyện này. Ngay khi vừa quay trở lại con suối, khi nhìn thấy toàn bộ dòng suối bị vẩn đục, con đã cố nhảy xuống suối với hy vọng có thể giữ lại được chút ít nước sạch nào đó, nhưng con càng cố thì nước càng đục.
Đức Phật đáp rằng: “Đó không phải là cách giúp dòng nước trở lại trạng thái vốn có của nó. Đúng ra con chỉ cần ngồi đợi, chỉ đơn giản ngồi đợi thôi. Rồi mọi thứ sẽ trở lại ban đầu.”
. . .
Dòng suối này chính là dòng suối tâm trí – với tất cả những suy nghĩ, rối rắm, lo sợ, tiêu cực, đó chính là bùn. Việc ta liên tục tìm cách để dừng những suy nghĩ bên trong lại cũng giống như việc ta đang liên tục nhảy xuống con suối vẩn đục để mong tìm lại được chút bình an. Và rồi mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ và tiêu cực hơn.
Điều ta cần làm là chỉ cần ngồi xuống cạnh con suối tâm trí của mình. Đừng làm gì cả. Bạn chỉ cần ngồi yên, tĩnh lặng. Đừng tìm cách kiểm soát, cũng đừng mong có thể đẩy lùi. Khi cơn đau xuất hiện, hãy mạnh mẽ và điềm nhiên đón nhận nó, chấp nhận nó. Tôi biết tôi đang đau và đừng tìm cách thoát khỏi cơn đau đó.
Mọi điều đến sẽ chấp nhận trong thinh lặng, rồi tất cả sẽ qua. Không giận dữ, giữ thăng bằng thân-tâm để thấu hiểu được rằng mọi điều đến với mình đều là do mình. Mình nhận lại những điều mình đã cho đi.
Cuộc đời này là rất dài, vì ta phải sống từng ngày một. Sẽ không có lối tắt nào để những mất mát có thể vụt qua một cách nhanh chóng và cũng không có phép màu nào có thể bảo vệ ta tránh xa những đau khổ. Nên cứ an nhiên, cái gì đến thì biết nó đến, lòng nhẹ nhàng thì thấy mây bay. Nếu bất hạnh đến, hãy để nó đến. Nếu hạnh phúc đến, hãy cho phép nó đến.
. . .
Khi tôi đón ánh bình minh ngày hôm nay, thì tôi biết rằng rồi bóng tối sẽ đến. Khi tôi chìm sâu trong bóng tối thì tôi biết rằng, chỉ cần mạnh mẽ đi qua hết đêm đen này, tôi sẽ lại thấy được ánh sáng của bình minh.
Mặt trời mọc, bình minh đến, mặt trời lặn, đêm tối đến. Một vòng quay chu kì hiển nhiên, tôi không thể kiểm soát được, việc của tôi là chỉ đứng bên ngoài quan sát và ghi nhận. Vậy nên những nỗi đau cũng vậy, tôi chỉ ở đó quan sát và ghi nhận chúng.
Ngay lúc này, nỗi đau đã đến, tôi đang đau, nhưng sớm muộn gì nó cũng sẽ đi. Tôi không được để mình bị đẩy lùi. Ngay lúc này, hạnh phúc đến, tôi đang hạnh phúc, nhưng sớm muộn gì hạnh phúc cũng sẽ nhanh chóng qua, rồi sẽ lại có một nỗi đau nào khác sắp xuất hiện. Tôi sẽ không bị gắn bó và đẩy lùi.
Không còn tìm cách để né tránh khổ đau, cũng không còn liên tục chạy theo những hạnh phúc ngắn hạn. Lần đầu tiên, tôi có thể bình an thật sự.
Này bạn, tâm hồn chật kín lo nghĩ, một khoảnh khắc nào đó, hãy cho phép mình dừng lại, lắng nghe thật sâu nhịp thở của mình, và bạn sẽ thấy cuộc sống êm nhẹ hơn ngay thôi.
Viết ra những điều đang làm ta lo lắng. Mỗi khi bản thân tôi bắt đầu có những suy nghĩ lung tung nảy ra trong đầu. Tôi sẽ ngồi lại, tìm một tờ giấy và cây bút, ghi xuống từng vấn đề một đang diễn ra trong đầu tôi.
Bước 1: Ghi ra những điều gì đang làm tôi lo lắng
Tôi đang lo lắng điều gì? Tại sao tôi lại lo lắng về nó? Điều tôi đang mong mong muốn là gì? Tôi thể xử lý được vấn đề đó hay không? Tôi cần phải làm những gì để vượt qua nó? Ai sẽ có thể giúp đỡ và hỗ trợ tôi trong vấn đề này.
Cứ ghi rõ ra cụ thể vấn đề khiến ta lo lắng, có bao nhiêu vấn đề cứ ghi hết vào giấy, càng cụ thể thì ta sẽ càng dễ nhìn nhận rõ ràng vấn đề và tìm ra giải pháp phù hợp.
Bước 2:
Sau khi đã ghi ra được hết những vấn đề. Có người sẽ có 1-2 vấn đề, có người đến tận 9-10 vấn đề, không sao cả, việc ta cần làm là cứ ghi ra hết.
Sau khi đã ghi xong, giờ thì sẽ dành thời gian để đọc và sắp xếp lại. Xem đâu là vấn đề lớn nhất, làm mình lo lắng nhất, thì xếp thứ 1. Tiếp theo đó là những vấn đề ít nghiêm trọng hơn, lần lượt theo thứ tự 2,3.
Đừng bận tâm đến việc phải xếp đúng sai thế nào, ở đây không có đúng sai, chỉ có tuỳ thuộc vào cảm nhận của mỗi người, ta chỉ đang làm rõ những điều đang khiến mình lo lắng mà thôi. Sau khi đã sắp xếp xong, giờ thì cứ việc xử lý những lo lắng ấy theo thứ tự từ trên xuống.
Khi vấn đề đã cụ thể rồi thì ta mới có thể dễ dàng suy nghĩ và tìm ra giải pháp để xử lý vấn đề đó. Không việc gì là không thể giải quyết được, chẳng qua là ta chưa ngồi lại, nhìn nhận, dành thời gian để tìm hiểu nó mà thôi.
Một cách cũng khá hữu ích nữa, đó là hãy dành thời gian để học thêm một kỹ năng hay môn thể thao nào đó để rèn luyện sự tập trung.
Một trong những cách tôi hay làm để rèn luyện sự tập trung đó là tôi tham gia bộ môn yoga. Tôi thường dành 4 giờ/tuần để tập yoga, đó là khoảng thời gian để tôi có thể dừng lại những suy nghĩ lung tung, gác lại những công việc hằng ngày, và tập trung hoàn toàn vào việc cảm nhận cơ thể mình.
Dù sở thích của bạn là gì, thiền, yoga, chơi nhạc, hội hoạ, đọc sách, chơi thể thao. Hãy cứ chọn 1 môn và dành chút thời gian thực hiện hoạt động đó mỗi tuần. Bởi khi dành thời gian để tập trung vào một điều gì đó, dần dần việc tập trung sẽ trở thành một thói quen, mà đã là thói quen thì ta sẽ dễ dàng và duy trì trong bất cứ hoạt động nào của đời sống. Chính việc đó sẽ tạo cảm giác rằng bản thân đang có thể kiểm soát được một điều gì đó.
Mỗi người sẽ có những cách khác nhau để có thể điều chỉnh và kiểm soát dòng suy nghĩ của mình. Cho nên không có một công thức chung nào cho tất cả (đây chỉ những gợi ý mà tôi đã áp dụng hiệu quả và chỉ muốn giới thiệu đến bạn đọc).
Việc tiếp theo bạn cần làm là thử nghiệm, điều chỉnh và tìm ra đâu sẽ là phương pháp phù hợp nhất cho bản thân. Đó mới là hướng đi bền bỉ và lâu dài được. Hãy thử đi và chúc bạn tìm ra phương pháp hiệu quả cho chính mình bạn nhé.