Đã là con người thì tổn thương là điều khó tránh khỏi, chỉ khác nhau ở người có ít tổn thương hay nhiều hơn mà thôi.
Dù chúng ta tổn thương ít hay tổn thương nhiều, thì những câu chuyện về tổn thương đó vẫn đang diễn ra hằng ngày trong tâm trí ta. Những câu chuyện được dựng nên bởi cảm xúc, khuôn mẫu, quá khứ. Nó vẫn điều khiển chúng ta mà có thể chúng ta không hề hay biết.
Thường thì chúng ta vô thức và có một niềm tin tuyệt đối vào những câu chuyện mà tâm trí kể, để rồi những câu chuyện đó kiểm soát cuộc sống và định hình nên con người của chúng ta.
Câu chuyện có rất nhiều sức mạnh nhưng nó cũng rất đáng sợ.
Liệu pháp kể chuyện, là phương pháp trị liệu tập trung vào những câu chuyện mà mỗi cá nhân sẽ xây dựng thông qua nhưng trải nghiệm trong cuộc sống, khi những câu chuyện này được viết ra rồi thì quá trình tiếp theo là hỗ trợ những cá nhân này viết lại câu chuyện của họ để câu chuyện này đóng góp vào cuộc sống, để họ cảm thấy ý nghĩa cuộc sống được rõ ràng hơn. Liệu pháp còn hỗ trợ những người có tâm bệnh như trầm cảm, lo âu, sang chấn tâm lý hoặc là trải qua những cú sốc lớn trong cuộc sống.
Đây là một liệu pháp hay nhưng chúng ta ít khi dành thời gian để ý và quan tâm đến.
Khó có người nào mà không kể chuyện cả, xuyên suốt cuộc đời chúng ta là rất nhiều những câu chuyện khác nhau, có người là câu chuyện họ đã thay đổi cuộc đời ra sao, vượt qua khó khăn như thế nào, cũng có những người bám vào những câu chuyện rằng cuộc đời họ đã khổ sở ra sao, đã vất vả và thất bại như thế nào.
Và tâm trí con người rất thích những câu chuyện, vì nó giúp chúng ta có thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta và khi nhắc đến những sự việc trong quá khứ nếu chúng ta biết cách kể, biết cách xâu chuỗi thì chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc ứng phó với những khó khăn nghịch cảnh trong tương lai. Vì chúng ta có thể đã có những bài học tương tự ở trong quá khứ rồi.
Bên cạnh đó là khuôn mẫu của những câu chuyện cũng sẽ giúp chúng ta có cảm giác chúng ta có thể đương đầu, đối diện và vượt qua những điều bất định trong cuộc sống.
Tuy vậy thực tế thì chúng ta lại không giỏi lắm trong việc kể câu chuyện cuộc đời mình, phần lớn những câu chuyện nằm trong tâm trí của chúng ta, mà tâm trí của chúng ta là nơi có rất nhiều những thiên kiến, rất nhiều yếu tố mang tính chất cảm tính, câu chuyện có thể vẫn nằm đó và chúng ta tin vào những suy nghĩ đầu tiên của chúng ta, và nếu chúng ta không nhìn rõ được câu chuyện đó thì có thể nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta theo những cách tiêu cực.
Chưa kể chúng ta là những social animal, mỗi ngày chúng ta tương tác với người khác rất nhiều, và nếu chúng ta không nắm quyền chủ động xây dựng và kể câu chuyện của cuộc đời mình, thì vô thức chúng ta gán ghép vay mượn những tình tiết trong câu chuyện của người khác, làm nên câu chuyện của chính mình.
Một điều rất thú vị, là mỗi chúng ta ai cũng đều là nhân vật chính cho câu chuyện cuộc đời mình, và sẽ là nhận vật phụ trong câu chuyện của rất nhiều người khác. Những câu chuyện này sẽ luôn đan xen lẫn nhau và nếu ta không chủ động làm rõ thì có thể ta sẽ sử dụng dữ kiện từ cuộc đời người khác mà không nhận ra được.
Khi một sự kiện diễn ra, sẽ có nhiều cách khác nhau để kể, có người lựa chọn cách kể này, có người sẽ chọn cách khác, dù rằng phần lớn cách kể của chúng ta sẽ diễn ra trong vô thức. Vậy nên mỗi chúng ta hãy nên chủ động lựa chọn cách để kể câu chuyện của cuộc đời mình.
Thông thường sẽ có 2 kiểu kể chuyện phổ biến nhất:
- Contamination story:
Câu chuyện phổ biến đầu tiên mà chúng ta hay kể là câu chuyện mang tính chất tiêu cực, là những câu chuyện kể về những bất hạnh, những trở ngại, thất bại xảy đến trong cuộc sống. Thông thường sẽ là mọi chuyện bắt đầu tệ đi từ a, b, c, hoặc là mọi chuyện đang tốt sau đó bắt đầu tệ hơn. Những câu chuyện hầu hết đều tập trung vào khía cạnh tiêu cực, thất bại, sự nghi ngờ, chỉ trích bản thân, hay là sự chỉ trích và đổ lỗi cho người khác. Và với cách kể chuyện này thì cảm xúc của chúng ta thường là những cảm xúc tiêu cực, sự bất lực, sự căng thẳng.
Giả sự khi kết thúc một mối quan hệ tình cảm, nếu một người lựa chọn theo cách kể chuyện này, họ sẽ luôn cho rằng bản thân là người bị bỏ rơi, cảm thấy bản thân chưa đủ tốt, không có giá trị.
Hay như khi buộc phải thay đổi công việc hay thuyên chuyển sang một vị trí mới nào đó, họ sẽ có cam giác bị xem thường, bị cho ra rìa. Nhưng nếu thay đổi một chút góc nhìn, biết đâu bộ phận hiện tại đang thiếu nhân lực, nền kinh tế đang khó khăn, cá nhân họ là người linh hoạt, có thể thay đổi và thích nghi tốt, biết đâu đấy lại là cơ hội mở ra tiềm năng thay đổi và phát triển xa hơn nữa.
Và với câu chuyện mà bản thân luôn là nạn nhân thì khó mà để vực dậy được.
- Redemtion story:
Thay vào đó câu chuyện thứ hai mà chúng ta nên kể là câu chuyện của quá trình phục hồi và vượt qua, những câu chuyện sau khi trải qua giai đoạn đó, câu chuyện của sự chữa lành, để từ đó chúng ta có thêm niềm tin và sự trưởng thành sau những vấp ngã ở cuộc sống. Sau đó là sự hy vọng và niềm tin về một tương lai tươi sáng, rồi cuộc sống của chúng ta sẽ ổn thôi.
Đây là câu chuyện của sự phục hồi, những câu chuyện về quá trình vượt qua khó khăn, vượt qua thử thách. Hay nói cách khác đây là câu chuyện của hành trình anh hùng, dù có khó khăn, dù có thử thách thì ta vẫn vượt qua được.
Với câu chuyện về hành trình anh hùng thì ta sẽ khám phá ra rằng bản thân ta có được sức bật về tinh thần, có được sự tự tin và sự trưởng thành sau khi vượt qua sự kiện đó và kể lại câu chuyện với nhiều bài học giá trị và hữu ích. Với hình thức kể chuyện này chúng ta vẫn trải nghiệm sự căng thẳng nhưng đi kèm với nó là sự hy vọng hoặc cũng có thể là sự tò mò về “happy ending”, về việc ta có thể vượt qua được những khó khăn, những nghịch cảnh trước mắt.
…
2 kiểu câu chuyện này luôn đang xen trong cuộc sống hằng ngày, nếu như chọn cách kể câu chuyện của sự phục hồi, câu chuyện của sự vượt qua thì ta sẽ dễ dàng hơn trong cách mà chúng ta chữa lành và vượt qua sau những tổn thương.
Não bộ chúng ta tiêu cực hơn là chúng ta vẫn nghĩ.
Não bộ con người thường nhạy cảm với những cảm xúc khó khăn như cô đơn, giận dữ, sợ hãi, khi mà những cảm xúc này xuất hiện thì não bộ chúng ta lập tức ghi nhận tín hiệu và nếu chúng ta không biết cách kiểm soát thì chúng ta sẽ bắt đầu dựng nên những câu chuyện xoay quanh cảm xúc tiêu cực đó.
Khi ta chưa hiểu về não bộ, chưa hiểu về tâm trí, ta rất dễ tin vào bất kì suy nghĩ nào nó xuất hiện trong tâm trí của chúng ta. Khi não bộ liên tục lặp đi lặp lại câu chuyện chính ta là nạn nhân của số phận, thì cuối cùng ta cũng sẽ tin rằng mình thật sự yếu đuối. Hiểu được cách bộ não phản ứng trước căng thẳng hay sang chấn đầu đời, giúp ta hiểu rõ cách mà những điều đã qua có thể định hình con người ta, và đó cũng là cách để ta định hình lại cuộc đời mình.
Việc xem mình như kẻ mềm yếu sang khẳng định mình là người cứng cỏi. Đó là cách để ta có thể sắp xếp lại não bộ của mình bằng một câu chuyện mới, khi ta chính là nhận vật anh hùng, sớm khai mở và tin vào sức mạnh của bản thân.
.
Đổ lỗi cho ai đó, bắt ai đó nhận lấy trách nhiệm thay mình, chọn lấy vai trò là nạn nhân, là người bị hại sẽ dễ chịu hơn nhiều so với việc tự bản thân phải nhận lấy trách nhiệm.
Tôi từng than oán và đổ lỗi cho mọi thứ kể cả những người xung quanh tôi, rằng tại vì họ mà đời tôi mới khổ, tại vì họ đã cướp hết mọi thứ của tôi, nên tôi mới thất vọng và buồn chán thế này. Rằng dường như mọi thứ trên cuộc đời này đều đang chống lại tôi, nên tôi chẳng thể tìm được niềm vui nào từ đó.
Tôi chỉ than thở, uất ức và đổ lỗi cho số phận, số mệnh, vì mỗi khi đổ lỗi và buộc tôi ai đó vì sự bất hạnh của mình rằng, Họ đã ép tôi làm thế. Đó không phải lỗi của tôi. Tôi thấy dễ dàng hơn là tự mình gánh lấy trách nhiệm.
Luôn chỉ tập trung ra bên ngoài, tìm kiếm ai đó để đổ lỗi cho tình huống hiện tại, là tôi đang cho người khác quyền để quyết định lẽ sống, số phận, giá trị của bản thân mình. Mà không thấy rằng thái độ và nhận thức của mình cũng đóng vai trò rất quan trọng, không thấy được những hạt giống, những nguyên do tâm lý đã đóng góp đưa mình vào hoàn cảnh này.
Hành động của người khác có thể tạo nên sự khó chịu và bất hạnh trong tôi, nhưng nếu ngày nào tôi còn bắt người khác chịu trách nhiệm cho cuộc đời tôi, thì ngày đó tôi vẫn còn là nạn nhân, tôi vẫn đang tự giam cầm chính mình.
Một trong những bước đầu tiên để tôi giành lại quyền kiểm soát cho cuộc đời mình là chịu trách nhiệm cho những cảm xúc của bản thân, ngưng việc đè nén và trốn tránh chúng, ngưng đổ lỗi cho người khác, mà chấp nhận rằng những tổn thương đó, vấn đề đó là một phần trong tôi, rằng tôi không thể trốn tránh nỗi đau bằng cách trốn chạy khỏi cảm xúc của mình.
Giống như bản thân tôi, giai đoạn gần đây bản thân cũng có nhiều vấn đề trong công việc, cuộc sống, một vài mối quan hệ khác. Nhiều sự thay đổi, nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ, nhiều kế hoạch, dự định buộc phải dừng lại. Nhưng bản thân vẫn sẽ lựa chọn cách kể câu chuyện redemtion story. Tôi xem đây là cơ hội, là lúc bản thân cần dừng lại, xem xét những bài học, kinh nghiệm có được, có lẽ đây là lúc cần từ bỏ con đường cũ, con đường có lẽ đã không còn phù hợp nữa, và đến lúc cần can đảm để thử sức ở những lựa chọn mới, những con đường mới. Và bây giờ cũng đã cảm thấy được bản thân bắt đầu có được một vài sự tiến bộ chầm chậm thôi. Nhưng câu chuyện này làm tôi có được sự tự tin, có thêm động lực, sự vững vàng để có thể đối diện với bất kì sự thay nào tới trong hành trình phát triển bản thân.
Điều gì đó chưa tốt tôi học cách thay đổi và điều chỉnh. Điều gì không thay đổi được, tôi học cách đối diện và chấp nhận. Tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình, kể cả những hạnh phúc và khổ đau của chính mình, không đổ lỗi cho bất kì ai, đó chính là một trong những điều kiện mang lại cho tôi niềm hạnh phúc thật sự.
Cuộc sống này đầy rẫy những khổ đau, những điều bất như ý, mỗi người tự làm khổ chính mình, rồi chúng ta cũng tạo thành một cộng đồng đau khổ. Thời gian không chữa lành vết thương, mà là những gì ta sẽ làm với nó. Thời gian chỉ làm chúng ta làm quen và thích nghi với những tổn thương đã có, nó khiến ta cảm thấy an toàn khi không thấy tiếp xúc với nguồn gây tổn thương nữa. Nhưng sự thật là tổn thương vẫn còn đó, chứ không hề mất đi.
Ngày qua ngày chúng ta bị cuốn vào nhịp sống mà quên rằng mình bị tổn thương, nhưng tổn thương thì vẫn còn đó, không mất đi. Rồi bất chợt một khoảnh khắc nào đó khi gặp những sự kiện tương tự, những tổn thương đó sẽ bị kích hoạt một lần nữa. Và lần này nỗi đau mà ta gánh chịu có khi sẽ lớn gấp nhiều lần. Nó cứ bấp bênh, làm cho ta vô cùng mệt mỏi, nghĩa là vết thương vẫn còn đó.
Vậy nên thời gian không chữa lành vết thương, chúng ta mới là người chủ động chữa lành vết thương đó. Nếu không chủ động chữa lành, rèn luyện năng lực đối diện với những khó khăn trong cuộc sống thì trong tương lai ta dễ dàng gục ngã hơn khi đối diện với những tổn thương có thể là quá lớn hay quá sức chịu đựng của chúng ta.
Chúng ta luôn thay đổi. Ta thay đổi sau tất cả những trải nghiệm của mình, cả tốt lẫn xấu. Đó là vì não bộ luôn có thể thay đổi, nó dễ uốn nắn, nó luôn thay đổi.
Khi trải qua nghịch cảnh, đó là lúc ta có thể tiến đến một cột mốc mới trong đời, nơi có thể nhìn lại, suy ngẫm, học hỏi và phát triển từ trải nghiệm cũ. Nghịch cảnh, thử thách, thất vọng, mất mát, chấn thương, tất cả đều có thể góp phần vào khả năng thấu cảm và sự thông thái, thấu suốt của ta.
Theo một cách nào đó khó khăn, nỗi đau, nghịch cảnh là một món quà. Và mỗi người chúng ta lại có một cách sử dụng món quà khác nhau. Đối với nhiều người, nỗi đau là thứ sẽ không bao giờ nguôi ngoai. Nhưng người khôn ngoan sẽ học được cách mang gánh nặng mà vẫn uyển chuyển.
Đức Phật cũng có câu: “Đời là bể khổ”, đời ở đây tức là sự tương tác giữa những người với người.
Vậy nên đã làm người rồi thì tổn thương là điều khó tránh khỏi, chỉ là có người có nhiều tổn thương, có người có ích tổn thương hơn mà thôi, nhưng chắc chắn ai cũng sẽ có tổn thương.
Và chữa lành là điều bắt buộc mà ai cũng sẽ trải qua.
Vậy còn bạn thì sao, bạn đã lựa chọn cách kể nào cho câu chuyện của cuộc đời mình?
. . .
.
.
.