Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
chậm lại

Chậm lại

Posted on 29/01/202429/01/2024 by admin

Một xã hội đánh giá cao về số lượng, nên chúng ta cũng vô thức bị cuốn vào guồng sống vội vã ấy, chúng ta bận rộn, kiểm soát, vội vàng.

Vì muốn theo kịp trào lưu, ta nhồi nhét vô số những hàng hoá tiêu dùng, những sản phẩm tiện lợi. Vì muốn thăng tiến, đường công danh rực rỡ, ta ra sức tham gia thật nhiều những khoá học kỹ năng, kiến thức. Rồi ngay cả đến việc giải trí ta cũng muốn giải trí thật nhiều, thật nhanh và thật vội, đọc báo chí và mọi cuốn sách trong danh mục sách ăn khách nhất, đi ăn hàng với bạn bè, tới câu lạc bộ, chơi thể thao, xem tivi hàng giờ, xem ca nhạc, mua sắm đồ dùng và thời trang hợp mốt nhất, đi du lịch nghỉ dưỡng ở những miền xa xôi rộng lớn.

Kết quả là ta luôn sống trong cảm giác rằng bản thân chẳng bao giờ có đủ thời gian. Chúng ta muốn có tất cả, ta cố gắng nhồi nhét thật nhiều việc vào lịch trình của một ngày. Cố gắng làm mọi thứ thật nhanh cho kịp thời gian biểu.

Trong một xã hội đang quá tải về thông tin, dồi dào về dữ liệu, để rồi con người chúng ta vô tình đánh mất đi nghệ thuật tiêu khiển để chậm lại và để ngồi một mình với những suy nghĩ của bản thân.

Vì sao trí thông minh tăng lên khi ta bớt suy nghĩ, tác giả Guy Claxton, nhà tâm lý học người Anh, gọi chúng là Tư duy Nhanh và Tư duy Chậm.

Tư duy Nhanh liên quan đến bản năng, tự động và cảm tính, là phần bộ não hoạt động theo trực giác và đột ngột, thường không có sự kiểm soát có ý thức. Đây là cách mà ta đang sống trong thời đại hiện nay.

Tư duy Chậm thì thiên về trực giác, tính toán và chậm rãi chịu trách nhiệm cho quá trình ra quyết định, lập luận và niềm tin của mỗi cá nhân. Nó điều khiển các hoạt động có ý thức của tâm trí như tự kiểm soát, khả năng lựa chọn và chủ ý tập trung. Chính là điều ta làm khi không có sự hối thúc cấp bách, ta có thời gian mặc cho các ý tưởng tự nung nấu theo nhịp độ riêng của chúng.

Hình ảnh chụp cắt lớp từ một thí nghiệm về não bộ cho thấy 2 cách thức tư duy tạo nên những bước sóng khác nhau.

Khi tư duy chậm, có sự xuất hiện của sóng anpha và thê ta. Sóng Alpha được cho là có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu. Sóng alpha có tần số dao động khoảng 8 – 12 Hz. Sóng Alpha giúp cho tinh thần ở trạng thái đang thư giãn như khi chúng ta ngồi thiền, bình tĩnh, đưa cơ thể về trạng thái nghỉ ngơi. Ngoài ra, nó còn giúp giảm stress, lo lắng.

Còn khi tư duy nhanh, có sự xuất hiện của sóng Bê ta. Beta là một dạng sóng não phổ biến nhất, sóng não Beta được tạo ra khi con người đang nhận thức mạnh mẽ, tỉnh táo và hoạt bát, bận rộn làm việc, thường liên quan đến bán cầu não trái điều khiển lý trí. Gây cảm xúc lo lắng, căng thẳng và suy nghĩ không tập trung.

Thư giãn thường là tiền đề dẫn tới Tư duy Chậm. Nhiều nghiên cứu cho thấy con người suy nghĩ sáng tạo hơn khi họ bình tĩnh, không vội vã, không bị stress. Ngày nay có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả của việc thiền có tác dụng làm giảm căng thẳng và lo âu. Bởi Thiền là cách mà ta rèn luyện và giữ cho tinh thần thư thái, khi đó huyết áp được ổn định, trong não sẽ xuất hiện nhiều sóng anpha và thêta tần số thấp, từ đó làm giảm cảm giác sợ hãi và lo âu.

Như vậy, làm thế nào những người bình thường như chúng ta tiếp cận được Tư duy chậm, nhất là trong thế giới coi trọng tốc độ và hành động như hiện nay?

Bước đầu tiên là thư giãn – rèn luyện cho mình sự kiên nhẫn, hãy để cho tinh thần được bình yên và tĩnh lặng.

.

Mấy ngày liên tục lên ý tưởng mới, ngồi máy tính hằng giờ liền, viết liên tục, lại nhiều vấn đề trong công việc, nên cái đầu cũng có nhiều suy nghĩ hơn.

Đêm bật tỉnh dậy lúc hơn 4 giờ sáng, có cảm giác như không thở được, rất nhanh, nhận ra bản thân đang bị stress và quá tải đây mà. Còn nhiều dự định, nhiều điều muốn làm, nhiều cuộc hẹn cần gặp. Dù lòng cứ đấu tranh hay là mệt quá, hẹn bạn lại một hôm khác vậy. Nhưng rồi thức dậy sau 20 phút như 1 người mới. Cứ đi làm rồi tính tiếp vậy.

Điều bản thân tôi học được là: Luôn tự set cho cái đầu mình, luôn nhắc nhở mình: Nếu khi nào thấy mệt quá thì phải ngồi xuống thở. Nếu chạy quá nhanh thì phải biết đi chậm lại. Rèn luyện khả năng quan sát, nhận diện và lắng nghe cơ thể mình, để nhận ra lúc nào là quá tải thì phải dừng lại. Chậm một tí cũng không sao. Tự nói với chính mình, con đường trước mặt không còn xa. Chỉ là nhịp sống vội vã, ồn ào này đang đánh lừa mình, mấy cái thông báo liên tục réo trên mạng xã hội đang làm mình phân tâm và áp lực mà thôi. Mình vững vàng lắm. Những gì mình góp nhặt, tích luỹ đã rất chắc chắn rồi, mình chỉ cần đi thêm tí nữa, gắng thêm chút nữa, tìm thêm tí nữa mà thôi.

Đời người như một chuyến tàu, sẽ lao đi vì những mục tiêu, những điểm đến. Nhưng vẫn có những lúc nó cần dừng lại ở những chạm dừng chân. Dừng lại để nghỉ, để tiếp thêm nhiên liệu, để bảo trì động cơ. Để vài vị khách bước xuống khi họ đã đến điểm dừng. Và cũng để một vài vị khách kế tiếp bước lên và đồng hành cùng. Và rồi đoàn tàu ấy lại tiếp tục lên đường. Bản chất là chuyến tàu này đi mất sẽ luôn có một chuyến khác tới.

Cuộc sống này sẽ luôn có nhiều lựa chọn. Và chỉ duy nhất bản thân mình mới hiểu rõ mình đang ở đâu trong dòng chảy của cuộc đời này.

Và duy nhất chính mình mới mới biết thời điểm nào mình nên bơi, nên thả trôi, hay… lên một chuyến tàu khác. Có thể sẽ có những con tàu rất đẹp, nó chở người ta đến những nơi thật đẹp, nhưng có thể đó không phải là nơi mà mình muốn đến. Tất cả những lựa chọn có vẻ là cực kỳ thú vị của người khác, khi áp vào bản thân mình thì lại không còn phù hợp. Ngược lại, một khi đã sẵn sàng rồi thì mình sẽ chẳng còn bận tâm vẻ bề ngoài của con tàu ấy nữa, bởi chỉ biết duy nhất 1 điều là con tàu này sẽ đưa mình đến nơi mình cần.

Suy nghĩ chậm

Hoang mang lạc bước, hay khi chẳng muốn làm gì chỉ muốn làm thinh.

Những lúc thấy lòng hoang mang bối rối, hãy cho phép mình dừng lại một tí. Không ai có thể bước đi mãi được. Dừng lại một chút cũng không sao, để tâm trí được nghỉ ngơi và bình tĩnh lại.

Bởi mọi thứ trên đời xảy ra đều là nhân duyên hội tụ, duyên hợp thì thành, hết duyên thì rã. Mọi thứ diễn ra đều có nguyên nhân, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của mình được, khi còn mong muốn sự việc diễn ra theo ý mình đó là lúc mình còn nhìn đời với một cái tâm chia rẽ. Đời này không làm ta khổ, người khác cũng đâu làm ta khổ, chính ta mới là người làm cho bản thân phải đau khổ.

Hít thở chậm

Khi hoạt động chậm rãi, tôi nhận ra rằng bình thường cơ thể và tâm trí hoạt động theo phản xạ và thói quen, ý thức hầu như không thể theo kịp. Khi mọi thứ chậm lại, tôi ý thức được mỗi hành động đang làm là gì, ý thức được từng cử động. Thấy cơ thể mình mới kỳ diệu và thông minh làm sao. Thấy có bao nhiêu điều bên trong mình mà mình chưa hiểu được.

Giống như việc hít thở hằng ngày, như một điều hiển nhiên đến nỗi không ý thức rằng mình đang thở. Nhưng khi chậm lại, nhận diện và quan sát mới thấy rằng khi thở cảm nhận rõ ràng được các bộ phận trong cơ thể mình hoạt động. Mũi hít vào, đưa khí xuống phổi cảm nhận được sự căng tràn nơi lồng ngực, rồi từ từ đưa khí xuống bụng, cảm nhận bụng phình lên, khi thở ra, hóp sát bụng để đẩy hết không khí ra bên ngoài. Mới thấy trong mỗi hơi thở có biết bao nhiêu cơ quan phối hợp và bao nhiêu quá trình và động tác nảy sinh. Biết bao điều tinh tế chỉ trong một hơi thở nhỏ. Thấy sự kỳ diệu chỉ trong việc được hít thở mỗi ngày. Thấy mỗi việc mình còn đang được hít thở, đang sống đã là một may mắn lớn rồi. Trong lòng trở nên tràn ngập sự hân hoan, và cảm giác biết ơn mỗi khi hít thở.

Những điều tương tự như vậy không phải là phép màu hay điều gì huyền bí khó hiểu, nó chỉ là kết quả của một sự quan sát kỹ lưỡng, từ trải nghiệm, cảm nhận rõ ràng.

Khi tâm trí tĩnh lặng ta sẽ thấy được những điều mà bình thường không để ý, từ đó hiểu biết tăng lên.

Ăn chậm

Dừng trước mỗi miếng ăn, truy ngược lại nguồn gốc thức ăn.

Hạt cơm trong chén, vốn được gieo trồng từ hạt lúa trên đồng ruộng, người nông dân phải chăm sóc nhiều tháng trời mới thu hoạch được, rồi có người vận chuyển đến nhà máy xay xát thành hạt gạo, rồi có người đưa hạt gạo đi bán, rồi mẹ mua về, nấu lên, bới ra từng chén, đưa nó lên bàn cho mình ăn. Thế mới thấy để có được một bữa ăn là bao nhiêu công sức của bao nhiêu con người tạo ra, nên phải học cách trân trọng với những gì mình đang có, vì bản thân đang có quá nhiều sự đủ đầy mà không cần bỏ công lao động. Nên mỗi miếng nhai tôi đều nhai một cách kỹ lưỡng và ngon lành.

Dành thời gian bên gia đình và những người mình yêu quý

Nhiều suy nghĩ, nhiều điều muốn làm, nhiều việc phải lo lắng, băn khoăn trước những dự định, ngã rẽ cuộc đời, mơ hồ về tương lai, lạc lỏng trong thế giới ồn ào, khi nhìn xung quanh mọi người đang làm những thứ mà bản thân thì lại chẳng muốn làm giống họ…

Chính những lúc bối rối khó khăn là những lúc tôi thường dành thời gian để ở bên gia đình. Không phải để họ cho mình một lời khuyên nào đó, mà chỉ là tôi muốn bồi đắp tình cảm cho gia đình và những người thương của mình mà thôi.

Những lúc chở mẹ đi chợ, lặt rau, nấu ăn cùng mẹ trong căn bếp nhỏ, những câu chuyện trên mâm cơm gia đình, hay hẹn hò cafe với con bạn thân lâu năm. Dành thời gian, quan tâm, chăm sóc, ở bên, trò chuyện, tận hưởng hạnh phúc giản dị trong thời gian này.

Chỉ là những câu chuyện nhỏ, những phút giây đơn giản vậy mà lại thấy nhẹ lòng hơn, thấy đời đẹp thêm lên, thấy mình vững tin vì bản thân đang còn quá nhiều thứ, tự nhiên lòng thấy bình an hơn, dần tĩnh lại, bớt đi những hoang mang, rồi như một phép màu, hay có thể gọi là bản năng trực giác, tự con đường hiện ra trước mắt, mọi thứ dường như sáng tỏ rõ ràng hơn. Hoá ra mọi thứ trước giờ đều đang ở đó, chỉ là do bản thân mình không nhận ra mà thôi.

Học thêm 1 kiến thức mới

Vừa đăng kí thành viên lớp học về phát triển bản thân, chữa lành, thấu hiểu cảm xúc. Trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng mới luôn không bao giờ là thừa. Nhất là lúc đang xuống tinh thần, học thêm điều gì thú vị thì trong lòng sẽ thấy cực kỳ phấn chấn. Dù bây giờ thấy bản thân đã có nhiều sự thay đổi trong cách tư duy, đặt vấn đề, sắp xếp suy nghĩ, câu chữ, trình bày vấn đề mạch lạc hơn. Nhưng vẫn phải thừa nhận rằng, sự phát triển của tôi chỉ thật sự diễn ra trong vài năm trở lại đây.

Giống như câu chuyện về cây tre vậy, cây tre mất 4 năm đầu đời chỉ tăng được 3 cm. Nhưng từ năm thứ 5 trở đi, nó sẽ phát triển mạnh mẽ với tốc độ 30 cm mỗi ngày, và chỉ mất sáu tuần để phát triển lên 15 mét. Thực tế trong 4 năm đầu cây tre đâm rễ vào lòng đất, dài đến hàng trăm mét.

Và mỗi người chúng ta có một cách học và tích luỹ kiến thức khác nhau. Có người sẽ học rất nhanh, hiểu nhanh, và phát triển nhanh. Nhưng cũng có rất nhiều người giống như tôi vậy, phải mất rất nhiều thời gian cho việc “cắm rễ”.

Vậy nên đi nhanh hay đi chậm là tuỳ thuộc vào mỗi người, việc của mình là cứ kiên định và vững vàng bước tiếp trên con đường của mình mà thôi.

Bất kì điều gì đều phải cần có thời gian để vun đắp. Có rất nhiều thứ, khi bắt đầu, điều ta cần là sự kiên định và “cho mình một dấu mốc”. Hãy nhớ rằng mỗi người, mỗi việc luôn là những bức tranh đang được tô vẽ mỗi ngày, vậy nên hãy can đảm để bắt đầu nét vẽ đầu tiên và rồi hãy kiên nhẫn tô màu cho đến lúc bức tranh ấy được hoàn thiện.

Đó là lúc có thể ngắm nhìn thành quả của một bức tranh toàn cảnh tuyệt đẹp.

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.