Osho từng nói: “Thượng đế không sinh ra những con người của sự thiếu sót”.
Mỗi người chúng ta khi đến với cuộc đời này đều là trọn vẹn rồi, cho dù ai đó khiếm khuyết tay chân thì đó cũng đã là trọn vẹn, nhiệm vụ của họ là trân trọng những gì tạo hoá đã ban cho, cần tập trung vào những nhiệm vụ khác và hoàn thành sứ mệnh của mình.
Nhưng thực tế lại không như vậy, có lẽ thật sáo rỗng khi nói với một người đang có một cơ thể khiếm khuyết những lời như thế. Nhất là với những ai chưa chấp nhận cơ thể, chưa chấp nhận sự sống này như một món quà thiêng liêng. Bởi xã hội này đều xem họ là những người không hoàn hảo, họ phải chịu đựng sự phân biệt đối xử, điều này khiến gánh nặng của họ lại trở nên nặng nề hơn.
Nhưng một khi họ có thể vượt qua được những trở ngại đó, họ sẽ có được nguồn nội lực mạnh mẽ để đối mặt với những khó khăn và thách thức trong cuộc đời này. Và nguồn nội lực này phải là do chính họ khám phá mà có được, bởi có được sự sống đã là sự trọn vẹn.
Khi linh hồn trú ngụ trong một thân xác bị huỷ hoại, lựa chọn này có liên quan đến một bài học có chủ đích. Linh hồn luôn có lý do cho một cơ thể nào đó. Bằng cách vượt qua những thử thách khác nhau, là linh hồn chúng ta đang tích luỹ những sức mạnh. Chúng ta cũng là những người đang được nhiều lợi ích nhất, khởi đầu bằng việc chấp nhận, chấp nhận thử thách, chấp nhận việc làm người, ngay cả khi là nạn nhân, đó là bước đánh dấu cho sự tiến bộ của mình. Nhận ra những sai lầm trong quá khứ không phải là thất bại mà là cách để những bài học được tích luỹ mà thôi.
Nhận biết và sống được với cái toàn thiện của mình, nghĩa là từ khi sinh ra mỗi người chúng ta đã có đầy đủ những phẩm chất để phát triển rồi, điều mình cần làm là hiểu mình, hiểu những giá trị, những phẩm chất quan trọng của mình, hiểu con đường mà mình cần phải đi, chứ không cần phải chạy theo bảng tiêu chuẩn do những người xung quanh đặt ra, có thể những tiêu chuẩn đó có phần là đúng nhưng nó không phải là điều bắt buộc.
Khi bản thân biết trân trọng con đường của riêng mình, trân trọng niềm hạnh phúc trên con đường mình đang đi, từ đó cũng biết trân trọng con đường hạnh phúc của những người xung quanh. Đi trên con đường của mình mà không sợ người khác nhanh hơn, không chê bai khi thấy ai đó chậm hơn mình, bởi đã hiểu được mỗi người đều có một con đường riêng.
Sống vì mình, ở được với mình, đi con đường của riêng mình, cũng là lúc mình bỏ qua được tư duy so sánh ganh đua với người khác.
Đây là một chuyện vốn chẳng dễ dàng gì với tôi, một người trẻ của 5 năm về trước. Bởi ngay cả chính tôi, khi đã ở đến cái tuổi này, dùng từ tuổi này nghe có vẻ lớn lao, nhưng nếu theo như câu em ơi 60 năm cuộc đời, thì tuổi băm xem như đã đi được 1/2 chặng hành trình kiếp sống này rồi.
Thì phải thú thật là vẫn có đôi lúc bản thân thấy rằng cái việc sống trong cuộc đời này sao mà mệt mỏi quá, có quá nhiều quy tắc, quá nhiều chuẩn mực phải theo, quá nhiều điều được và không được phép làm, quá nhiều mối quan hệ phải kết nối, phải xây dựng, phải duy trì, dù đôi lúc bản thân không thật sự thích. Sống và bị ràng buộc bởi quá nhiều trách nhiệm, để rồi có lúc sống vì người khác và quên mất chính mình.
Tại sao mình lại phải mệt mỏi như thế này? Tại sao mình kẹt lại trong mớ lộn xộn này? Tại sao cứ bị kéo vào guồng quay tất bật? Tại sao phải mệt mỏi để đuổi kịp đám đông? Tại sao lại bị kéo vào những thứ chộn rộn của cuộc sống này, những điều tiêu cực, những con người tiêu cực, những kết nối không mang lại năng lượng dễ chịu, những hành xử gây khó chịu từ những người xung quanh. Tại sao mình phải chịu đựng những thứ này? Tại sao mình kém may mắn đến như vậy? Tại sao mình lại không thấy được hạnh phúc như mình mong muốn?
Có lẽ trước đây đã quen với việc sống và chạy theo những tiêu chuẩn bên ngoài, sống theo cách sống của người khác, theo quy chuẩn của đám đông, của xã hội, sống để thoả mãn những giác quan, chiều chuộng những cảm xúc nhất thời, với những niềm vui ngắn hạn, sống mà không biết về khái niệm bên trong bởi chưa từng được học và chưa từng được dạy.
Chúng ta đều lớn lên với sự ganh đua và so sánh, chúng ta sống với nó trong một thời gian quá dài rồi, để rồi cũng dần đánh mất đi sự tự tin vốn có của bản thân. Ngày nào còn chạy theo sự so sánh, ganh đua là ngày đó còn để cho bản thân tham gia vào cuộc chơi của người khác.
Chăm sóc cho cả tâm và trí
Giờ đây mỗi ngày học cách quay về bên trong, chăm sóc cho cả tâm và trí.
Tâm là bao gồm cả cảm xúc, nếu cuộc sống chỉ chú trọng vào cảm xúc, chỉ chạy theo để thoả mãn những cảm xúc nhất thời, những mục tiêu ngắn hạn, thì cuộc sống sẽ dễ trở nên bi luỵ.
Còn nếu cuộc sống chỉ dựa vào lý trí thì lại là cuộc sống cứng nhắc, dễ dẫn đến những hành xử làm tổn thương những người xung quanh, bỏ qua những thông điệp mà cảm xúc mang đến.
Thực hành sống chánh niệm có mặt ở hiện tại để hiểu được những hành vi, cảm xúc, suy nghĩ, chứ không sống thờ ơ vô cảm như ngày trước nữa.
Buông
Học cách buông bỏ những bám chấp, chiếm hữu, vượt qua sự phụ thuộc. Nhắc nhở mình đừng để vật chất, tiền bạc, địa vị chi phối mình quá nhiều. Thật ra bản chất của vật chất không hề xấu, nhưng bởi vì nó có năng lực hấp dẫn nên dễ đánh thức lòng tham sẵn có của con người. Hiểu rằng tiền là phương tiện để mình sống nhưng sẽ không để tiền kiểm soát và chi phối cuộc sống của mình.
Biết đâu là điều mình cần, đâu mới điều thất sự quan trọng trong cuộc sống của mình. Có những thứ thêm cũng được mà nếu bỏ bớt đi thì vẫn không sao, vẫn ổn. Sẽ không vì những thêm bớt vô thưởng vô phạt đó (danh tiếng, địa vị, quyền lực..) mà làm ảnh hưởng đến giá trị sống, làm ảnh hưởng đến con đường của mình.
Bởi nếu phụ thuộc quá nhiều vào những thứ bên ngoài là mình đang tự giam cầm chính mình, nuôi dưỡng thêm cho cái tôi chiếm hữu, vì muốn giữ, vì sợ mất, mà không còn dám bước tiếp, không còn dám thử, không dám trải nghiệm thêm nhiều điều mới mẻ nữa. Tưởng rằng bản thân đang sỡ hữu vật chất, nhưng đến một ngày vật chất đang sở hữu lại mình mà không hề hay biết.
Nếu bạn hỏi tôi: Vậy đến thời điểm này tôi đã sống đúng hay chưa?
Thì tôi sẽ trả lời rằng: chưa
Phải thú thật rằng cái việc sống đúng, cái việc để có thể kiên trì và vững vàng đi trên con đường của riêng mình là một điều rất khó, khó vô cùng.
Nhưng có một điều tôi nhận ra được là từ khi thực hành lối sống chánh niệm nhận thấy bản thân cũng bắt đầu có nhiều sự chuyển đổi, có những bước nhận diện và hiểu hơn về cảm xúc, hiểu hơn về tâm trí, nhìn cuộc đời với góc nhìn rộng mở hơn, bớt đi những than trách phán xét hay đổ lỗi cho người khác như cách mà trước đây bản thân đã từng làm.
Thấy được những điều mà trước đây mình không thấy, hiểu được những điều mà trước đây vốn tưởng rằng bản thân đã hiểu nhưng thật ra là không.
Một vài thói quen, niềm tin cũ đã vượt qua được, số khác lại không nhưng ít ra bản thân đã nhận diện được những mô thức suy nghĩ cũ mỗi khi chúng xuất hiện.
Mặc dù hiện tại chính tôi cũng không dám nói rằng mình đã sống tốt ra sao, nhưng ít nhất ở thời điểm này bản thân cũng đã nhìn thấy được con đường đó và việc của mình là mỗi ngày từng bước, từng bước một, đi tiếp mà thôi.
Dù biết đó là cả một quá trình phải liên tục học hỏi và rèn luyện, nhưng chỉ cần biết mỗi ngày mình vẫn còn đang đi về hướng đó là được.
Dù biết rằng đường hãy còn xa, hãy còn xa.
.
.
.
.