Có những cái Tết mà nghĩ tựa như là quãng thời gian đẹp nhất của gia đình, như năm nay.
Tết năm nay vẫn là niềm may mắn và hạnh phúc nhất là được đón Tết cùng đày đủ các thành viên trong gia đình. May mắn nữa là nhìn thấy cha mẹ vẫn còn khoẻ mạnh, mặc dù lâu lâu mẹ vẫn hay nhức mỏi đâu đó, cha thì hay ho viêm họng. Nhưng ơn trời mọi thứ vẫn còn rất ổn.
Đến một thời điểm của cuộc đời, sẽ thấy không còn gì quan trọng bằng sức khỏe của cha mẹ. Bởi cuộc sống vốn dĩ vô thường, lâu lâu lại hay nghe xung quanh có người quen vừa phát hiện bệnh, hay ngủ sau một đêm rồi chẳng còn thức dậy nữa. Ơn trời cha mẹ vẫn khoẻ mạnh để vui Tết sum vầy cùng chúng con. Bởi hiểu rằng, thời gian sẽ không thể nào quay trở lại, tôi cũng sẽ không có cách nào để thay đổi thực tại này. Sức khoẻ cha mẹ sẽ không bao giờ được trở lại như xưa.
Nên chỉ muốn mọi thứ chậm lại, tự nói với chính mình, càng phải trân trọng trong từng phút, từng giây, những tháng ngày bình yên này.
Có gia đình là có Tết.
…
Hồi nhỏ thì thích Tết lắm, vì Tết sẽ được ngủ nướng, không phải dậy sớm để đi học. Tết lúc nào cũng được mặc đồ đẹp, được nhận lì xì, được ăn nhiều loại bánh mứt mà chỉ mỗi dịp Tết mới có.
Mà con nít thì đâu có biết lo lắng gì nên ngày Tết mới vui. Lớn lên một chút, bớt vô tư một chút, bắt đầu biết suy nghĩ và có trách nhiệm với bản thân mình một chút, dành sự quan tâm đến những người xung quanh nhiều hơn một chút, vì tâm trí bận chia sẻ để lo lắng cho những chuyện được cho là của người lớn, thì lại thấy cuộc sống này đôi lúc mệt quá, rồi cũng thấy Tết nhạt đi. Nhưng cứ lo hoài, làm hoài mà hết năm Tết tới cũng có hết nghĩ suy đâu.
Mấy năm còn đi làm, làm đến tận này 29 tết, về nhà thì mẹ cũng đã cúng rước ông bà xong hết cả rồi.
Tâm trạng của mấy ngày đó lại trở nên lơ ngơ kỳ cục. Tôi đi từ nơi này qua nơi khác, tối nào trên đường đi làm về cũng chạy quanh bờ hồ, mấy con đường bán bông, cây kiểng trưng Tết, cả con đường nào là hoa, mai, dưa hấu, trái cây đủ loại, người xe tấp nập, tự nhủ ủa tại sao không thấy gì nhiều, không cảm thấy gì nhiều, mà lại thấy lòng thiếu vắng. Cứ nghĩ trong đầu hôm nay là mùng mấy âm rồi cà. Bữa nay cả nhà đang làm gì.
Rồi mới nhận ra, là mình nhớ Tết.
Mấy ngày giáp Tết, nhất là sau 23 đưa ông táo về trời, nhà tôi lúc nào cũng um xùm tất bật. Những ngày cuối năm là bận rộn đủ điều, nhiều khi tự hỏi, đâu ra mà lắm công việc thế.
Oải nhất vẫn là việc dọn dẹp nhà cửa: quét mạng nhện, lau cửa sổ, cửa lớn, sa lông, sàn nhà, lau chùi tường nhà bếp, quét bụi nhan bàn thờ ông bà. Rồi giặt giũ các loại khăn và thảm, rửa các loại tách và ly, và giặt rửa tất cả những thứ khác, tất cả đều cần được tổng vệ sinh.
Vậy mà cũng đâu hết việc.
Những ngày sắp Tết, mẹ sẽ đi chợ và đem về nào là củ kiệu, củ gừng, đường cát, đường phèn, rồi hai mẹ con sẽ ngồi hì hụi cạo gừng, lặt kiệu. Năm nào cũng vừa lặt, vừa kêu ca, sao mẹ làm chi nhiều vậy, nhà mình ít người, ăn có hết đâu hoặc giờ người ta bán đầy ngoài chợ, ăn bao nhiêu thì cứ ra ngoài mua về là được, cần chi làm cho cực.
Mẹ chỉ cười, nhà làm ăn mới ngon, mà nhà ít người có bao giờ ăn hết đâu, hơn một nửa là mẹ toàn đem đi biếu. Có mấy năm không biết đâu ra lắm công việc 2 mẹ con cứ làm từ sáng tới chiều, làm quài làm quỷ có năm đến giao thừa vẫn chưa xong việc. Nói hoài mẹ không chịu giảm bớt, nên năm nào tôi cũng ca đi ca lại điệp khúc ấy.
Lúc còn đi làm thì chỉ chăm chăm biết mỗi ngày dương lịch chả quan tâm gì đến lịch âm đâu, vậy mà mấy ngày Tết thì chỉ biết mỗi hôm nay là mùng mấy. Đêm 30 cả nhà quây quần bên nhau làm mâm cúng giao thừa, cúng giao thừa xong thì cả nhà cùng nhau đi chùa hái lộc đầu năm mới. Mùng một về nội, mùng hai về ngoại.
Bỗng dưng, giữa vô vàng những ánh sáng lung linh, những thứ tấp nập trên đường, lại cảm thấy nhớ những cái Tết bên gia đình dễ sợ.
Nhớ mẹ hay kêu đi ra đi vào nhớ trông chừng chảo mứt dừa đang sên trên bếp, còn tôi thì cứ lâu lâu lại bốc lủm một miếng xem mứt đã tới chưa.
Nhớ dáng mẹ ngồi lặt từng cọng kiệu, năm nào mẹ cũng bảo là năm nay mẹ làm ít hơn năm trước, mà lúc nào cũng thấy mẹ toàn khệ nệ bưng hết keo này đến keo khác, cũng chẳng ít hơn là bao.
Còn cha thì sẽ là người phơi lạp xưởng cho mẹ, cha cột xào tre, để ban ngày cứ canh có nắng là mang ra phơi, chiều chiều thì lại kéo xào đem vào nhà.
Nhớ cái tết chị đi làm xa không về, 2 mẹ con đi chợ Tết mua khệ nệ nào là trái cây nào là hoa về trưng trong nhà.
Và ngỡ ngàng nhận ra, Tết trong lòng tôi chính là mùi mứt dừa cháy xém trên bếp, mùi lạp xưởng chiên thơm lừng, mùi khô cá lóc nướng thơm nức mũi trên bếp than, mùi dưa gừng dưa kiệu, là dáng mẹ lăng xăng tất bật từ nhà trong ra nhà ngoài lo việc này việc nọ, là cả những lúc hai mẹ con cùng ngồi bàn tính năm nay ăn Tết thế nào, hỏi xem năm nay sẽ lại nấu món gì để cúng ngày rước ông bà, là hình ảnh mấy chậu bông vạn thọ được cha chăm chút dán từng tấm giấy đỏ. Và cả không khí của gia đình, không khí ngày Tết.
Biết ơn vì gia đình vẫn còn giữ được không khí tết cả nhà quây quần bên nhau đêm giao thừa. Chợt thấy mình may mắn quá, vì còn thấy Tết vui.
Cũng không biết cứ hễ bỏ lại mọi thứ phía sau lưng thì Tết tự nhiên đến hà.
Buông được những suy nghĩ thì tự nhiên mắt lại thất được mai nở, mũi ngửi được mùi lạp xưởng dưa gừng, lòng cũng rạo rực hơn vì cảm nhận được không khí Tết, tai cũng thính hơn vì nghe được đâu đó vang lên: em ơi xuân đến bên thềm rồi, nhấp rượu hồng vơi đi… Miền Tây quê tôi đẹp lắm.
Mới đó mà lại 1 năm mới nữa sắp đến. Luôn tự hứa với lòng, dù có ở đâu hay làm gì thì nhất định vẫn sẽ dành thời gian để về ăn Tết cùng gia đình.
Bởi tôi yêu biết bao nhiêu cái cảm giác chuẩn bị cho những ngày Tết, cái bận rộn lu bu của những ngày cuối năm, và cả không khí vui vầy bên gia đình, là những điều mà cha mẹ vẫn luôn giữ gìn cho đến tận bây giờ.
Chỉ muốn dành thật nhiêu thời gian cho gia đình.
Khác với những ngày tuổi trẻ cứ muốn bứt ra bên ngoài, giờ đây, tôi cảm nhận rằng tình cảm gia đình chính là một trong những điều quan trọng nhất, và có tính chất quyết định đối với hạnh phúc đời người.
.
.
.
.