Con người chúng ta từ khi sinh ra lớn lên và trên hành trình trưởng thành đó, ta đã gặp không biết bao nhiêu là sự việc xấu có, tốt có. Va chạm với rất nhiều người đủ kiểu, đủ loại tính cách.
Liên tục đối diện với sự phức tạp và biến đổi không ngừng của cuộc đời, khiến ta nhiều lần rơi vào bế tắc, hoang mang, lạc lõng. Ta mất đi phương hướng, bước đi trong vô định, bên trong có rất nhiều điều thắc mắc và cần được lý giải.
Ta có rất nhiều những câu hỏi chẳng biết hỏi ai?
Có những câu hỏi mãi vẫn chưa có câu trả lời. Có những câu hỏi vẫn còn đang lơ lửng, vì mãi chẳng biết mình muốn hỏi điều gì. Và sẽ chẳng ai trên đời này tìm ra hết câu trả lời cho tất cả mọi câu hỏi.
Cũng có khi, có nhiều câu hỏi không cần đáp án, chỉ cần sự im lặng hay thoáng mỉm cười khi ta chợt nhận ra. Hay những câu hỏi kiểu như: Tôi là ai, tôi đến cuộc đời này để làm gì, tôi sẽ mang lại giá trị gì cho cuộc đời này. Đó là những câu hỏi khó, cần cả một quá trình để tìm ra câu trả lời.
Khi không biết phải hỏi gì.
Có những người bản thân họ chưa bao giờ nghĩ đến việc mình cần hỏi gì, chưa bao giờ nghĩ về một mục đích sống nào khác.
Họ sinh ra, lớn lên, trưởng thành. Việc của họ là mỗi sáng thức dậy rồi hoà nhập vào dòng đời, mặc cho dòng đời xô đẩy đến hết ngày thì trở về. Cứ như thế, cuộc sống là sự lặp lại của những hoạt động do thế giới bên ngoài quy định.
Bản thân họ cũng không biết tại sao mình lại sinh ra, tại sao phải đi làm những chuyện như này. Họ cứ thế sống từ ngày này sang ngày khác, cho tới khi nhắm mắt. Họ chấp nhận đó là số phận của họ. Cứ vậy mà sống nên chẳng cần hỏi làm gì.
Khi không biết phải hỏi gì, người ta sẽ dễ dàng bằng lòng và chấp nhận những gì đã có sẵn.
Dù lý do là gì, không hỏi nghĩa là chưa đủ quan tâm đến bản thân, chưa đủ quan tâm đến mục đích vì sao ta sinh ra và tồn tại trong cuộc đời này, chưa có ý định đi tìm sứ mệnh cuộc đời, chỉ dạo chơi một quãng trần gian rồi ra sao cũng được.
Ngày trước, khi thắc mắc và đặt câu hỏi về việc bản thân mình là ai mình, mình có thể từ từ mà đi tìm, từ từ mà chiêm nghiệm. Nhưng giờ đây trong cái thế giới ồn ào, bị nhiễu loạn bởi quá nhiều thông tin và ý kiến, khiến ta sợ hãi không hiểu gì về chính mình đã đành, giờ lại càng hoang mang hơn nữa.
Mình cần phải làm gì, mình cần phải sống ra sao, so với những tiêu chuẩn chung của xã hội nhìn lại bản thân sao chẳng có giá trị gì, mình là như thế thiệt sao, mình thất bại thật sao?
Để rồi nhiều người chọn cách sợ hãi và trốn tránh, họ rút vào cái vỏ ốc của đời mình rồi dán cho mình là không có giá trị, không biết làm sao để đối diện với đời, với người, với cái thế giới ồn ào và đầy rẫy sự phán xét ngoài kia.
Thời đại mà con người được gắn liền với điện thoại, mạng internet, bấm nút theo sự tiện lợi của các loại app, nền tảng, website có sẵn quen rồi, thắc mắc gì thì hỏi ChatGPT, Google, nên không có nhu cầu phải tương tác, hay để hỏi gì, với ai nữa.
Tất nhiên ở đây mình không đánh giá tiêu cực hay phủ nhận những lợi ích mà công nghệ mang lại, bởi mxh ngày nay đã là một phần của cuộc sống. Nhưng chuyện gì ra chuyện đó. Đời nó vẫn rất thật ở ngoài kia, con người là thật, rắc rối khó khăn là thật, nỗi đau tổn thương là thật, sinh lão bệnh tử cũng là thật, chứ con người đâu thể sống mãi trong thế giới ảo hay máy tính được.
Vậy nên hãy tỉnh dậy và sống thật đi đừng mơ ảo nữa, hãy kết nối 2 cuộc đời ảo thật đang đứt gãy ngoài kia, nếu muốn sống vui vẻ và hạnh phúc.
Hỏi chuyện được mất của cuộc đời.
Có quá nhiều điều để hỏi. Hỏi để than trách, để đổ lỗi rằng tại sao cuộc đời tôi lại khổ.
Có người hỏi chuyện thành bại, được mất, hơn thua. Con người, từ khi sinh ra đã bị kéo vào những cuộc chiến sân si, ganh đua, ghen tị, để rồi đằng sau đó là cả một tâm hồn thiếu thốn và cô đơn, dành cả đời để sống trong sự dằn vặt bởi những thiếu thốn và mất mát của bản thân.
Tại sao số phận lại nhắm vào mình, tại sao số mình lại khổ, tại sao lại là tôi, tại sao không là họ. Tại sao tôi không được ưu ái hơn? Tại sao tôi phải cố gắng hơn? Tại sao tôi phải cực khổ, gian nan hơn? Tại sao tôi không được ban cho một vì sao may mắn? tại sao tôi không được sinh ra ở vạch đích như họ.
Nhiều khi hỏi không phải là để hỏi, mà là để than thân trách phận, để đổ lỗi cho cuộc đời.
Hỏi để đi tìm.
Có người thì biết mình muốn hỏi gì, và cũng rất muốn hỏi chỉ để củng cố thêm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để có đủ sự tự tin bước tiếp trên hành trình. Rất rõ thứ mình cần tìm, và cũng biết hỏi vậy thôi chớ câu trả lời là do chính bản thân tìm ra, ngộ thấy.
Cho nên, hỏi là vì có cơ hội hỏi, vì có cơ hội được lắng nghe, vì mỗi lần đặt lại câu hỏi là một lần tiến gần hơn đến nơi tìm thấy. Nếu có câu trả lời nào đi chăng nữa thì đó cũng là một góc nhìn. Còn bản thân mình thì vẫn phải thu thập thêm dữ liệu, thông tin, tự phân tích, tự đưa ra quyết định, lựa chọn, và chịu hoàn toàn trách nhiệm về điều đó. Bởi ai đưa ra lời khuyên chả thế, ai chẳng đứng trên quan điểm cá nhân, góc độ chủ quan của họ.
Đời này, có đặt câu hỏi thì sẽ có cách tìm thấy câu trả lời, có gõ thì cửa mới mở, có hành động ắt sẽ có kết quả, còn chậm nhanh thì tuỳ thuộc vào niềm tin và sự chân thành của chính mình, không dựa vào ai khác được.
. . .
Nếu được hỏi một điều gì đó, tôi sẽ hỏi gì?
Tôi sẽ chẳng hỏi gì cả, bởi tôi biết rằng mọi câu trả lời đều đã có sẵn bên trong tôi từ rất lâu rồi, chỉ là tôi đang trên hành trình để làm rõ nó thôi. Cứ vui vẻ, hạnh phúc tự thân không chờ đến ngày được hỏi. Hỏi người khác chi bằng tự hỏi chính mình.
Từ khi học cách quay về bên trong, quay về đối diện để hiểu hơn về chính mình, học cách để sống an yên trong hiện tại để biết mình là ai, mục đích giá trị mình là gì, thì tự nhiên mọi điều hoang mang của trước đây đều biến mất.
Thời đại này, khi thế giới và loài người đang rối lên với sự hỗn độn. Người khác sống nhanh sống vội, mình cứ bình tĩnh và sâu sắc mà sống. Người khác hờ hững, vô tình lướt qua nhau, mình trân trọng và kết nối sâu tạo nên những mối quan hệ chất lượng. Quan sát cuộc sống và bình tĩnh nhìn đời đã giúp tôi có được ngày hôm nay.
Tôi vẫn luôn rèn luyện khả năng tư duy và suy nghĩ.
Suy nghĩ sâu, suy ngẫm về sự tồn tại và không ngừng đặt ra những câu hỏi cho cuộc đời. Vì suy nghĩ nên tôi tồn tại. Vì suy nghĩ nên tôi có được sự bình tâm trong quan sát và góc nhìn đa diện hơn về bản chất và nguồn cơn của vấn đề.
Tôi không muốn thành nô lệ của trí tuệ nhân tạo, không muốn mình trở thành nô lệ của cảm xúc. Tôi muốn phát triển bản thân và sống một cuộc đời thật rực rỡ.
Có nhiều câu hỏi, không phải hỏi xong là có câu trả lời. Câu hỏi chỉ là điểm khởi đầu, kích hoạt một hành trình đi tìm kiếm câu trả lời cho bản thân.
Mà nếu được xin một điều gì đó, tôi chỉ xin rằng:
Mong cho tôi có đủ sự nhạy bén đề nhìn nhận được sự việc.
Mong cho tôi có đủ sự tỉnh táo và sáng suốt để đối diện.
Mong cho tôi có đủ sự bình an để vượt qua.
. . .
.
.
.
3 thoughts on “Khi không biết hỏi gì, người ta dễ dàng chấp nhận những gì có sẵn”