Chúng ta hay nghe về linh hồn, về tâm trí, thân và tâm. Vậy nếu như không có cơ thể này thì tâm trí và linh hồn sẽ ở đâu, mình sẽ sống như thế nào khi mất đi tâm trí và linh hồn ?
Theo quan niệm của Phương Tây cơ thể con người được tạo nên từ 4 nguyên tố: đất, nước, lửa, khí. Nó được tạo thành rồi sau đó cũng sẽ tan rã. Đó là lúc nó đã làm xong sứ mệnh cuộc đời rồi. Tuy vậy có lúc nào ta cũng đặt câu hỏi trong phần lớn cuộc đời của mình liệu cơ thể này có làm đúng sứ mệnh nó chưa, nó có được sống đúng với chức năng của nó hay không ?
Đây là vấn đề liên quan rất lớn đến việc yêu thương bản thân, bởi nếu hiểu được những giác quan, hiểu được cơ thể, sẽ biết cách chăm sóc và yêu thương cơ thể này, ngược lại khi không hiểu mình dễ có xu hướng chiều chuộng hay có khi lại quá hà khắc.
Trong Phật giáo tiểu thừa, thân xác được xem là một đối tượng chấp thủ. Có nghĩa là ta thường bám vào các cảm giác dễ chịu thông qua các giác quan trên cơ thể từ đó hình thành nên sự bám chấp và phụ thuộc vào cơ thể. Để không bị bám chấp vào cơ thể, tiểu thừa dạy các phép thiền khác nhau. Như hình dung rằng ta mở thân xác ra để nhìn xem cái gì bên dưới cơ thể này, các bộ phận, mạch máu, xương, thịt, mục đích cuối cùng là để thấy rằng không có gì là tồn tại mãi mãi, nhan sắc, vẻ đẹp, cuối cùng cũng chỉ là những tế bào.
Trong Đại thừa thì xem thân xác là điều cực kỳ quý giá, vì nó cho phép đạt đến giác ngộ. Nó được ví như con tàu để băng qua bể khổ của cuộc đời, vì vậy mà ta cần phải trân trọng và bảo trì con tàu này.
Trong kim cương thừa, ta đồng nhất cơ thể này với một đấng siêu hình tượng trưng cho các phẩm chất giác ngộ như: trí huệ, từ bi, vị tha. Giảm bớt sự bám chấp vào thực thể vật lý, từ đó cho phép phật tính bên trong được biểu lộ.
Trong Phaedo, Platon ví xác thịt với một nhà tù, một nấm mộ. Không sùng bái nó nhưng xem nó như một cỗ xe dùng để đi trọn hành trình đến niềm vui, tình yêu giác ngộ và hợp nhất với chúa trời.
Hay như Christophe từng nói: ”Tôn trọng thân ta như ta tôn trọng thiên nhiên. Nó không thuộc về ta, không chỉ một mình ta, cũng như thiên nhiên. Ta là người ở trọ trần gian cũng rất giống như ta là người ở trọ trong thân. Thân ta sẽ bị lấy lại vì thiên nhiên vẫn còn khi ta không còn đó nữa. Hãy chấp nhận và yêu thương chuyện già đi, xem nó như một sự trợ giúp để ta không quyến luyến với thân xác. Không hối tiếc, hết sức dịu dàng, như cái gì đó cho ta mượn tạm thời, và nó lại được tái chế cho các thế hệ tương lai.”
Trong một nghiên cứu của chuyên gia về cảm xúc Paul Ekman, cho thấy rằng mối quan hệ thân – tâm hoạt động theo 2 chiều. Một bộ não hạnh phúc sẽ gợi lên một gương mặt vui tươi, và một gương mặt vui tươi cũng sẽ tạo điều kiện cho các cảm xúc tích cực. Ông phát hiện ra rằng có khoảng 50 cơ mặt liên quan đến những cảm xúc như niềm vui, ngạc nhiên, sợ hãi. Nói chung khi ta có một cảm xúc nào đó một tập hợp cơ sẽ hoạt động. Paul đã yêu cầu một nhóm người thí nghiệm kích hoạt một số cơ mặt nhướng mày, bĩu môi, mà không cho họ biết tương ứng với cảm xúc nào. Và họ luôn cảm nhận được cảm giác mà bình thường có liên hệ với các cơ được kích hoạt. Do vậy chỉ một vẻ mặt là cũng để nhen nhóm một trạng thái tinh thần cụ thể.
Cảm xúc là gạch nối giữa thể xác và tinh thần, là cánh cửa mở ra tâm trí và ta cần phải chăm sóc nó bằng các phương pháp khác nhau như thiền, dinh dưỡng, rèn luyện thân thể.
Tâm trí mới là cái làm chủ thân và lời nói. Tâm trí luôn đi trước những ham muốn, vì thường đối tượng ham muốn là phản chiếu từ những ý nghĩ bên trong. Tu tập là rèn luyện thân thể, mục đích cuối cùng là để chuyển hoá tâm.
Thông thường ta không phản ứng với các sự kiện của thế giới bên ngoài, ta luôn phản ứng với các cảm giác tức thời trong chính cơ thể mình. Nguồn cơn sâu xa nhất của đau khổ nằm ở mô hình tâm trí mình, khi mình muốn cái gì đó và nó không xảy ra, tâm trí mình phản ứng bằng cách tạo ra đau khổ. Đau khổ không phải là một điều kiện khách quan của thế giới bên ngoài, nó là phản ứng tâm lý do tâm trí sinh ra.
Thiền vipasana dựa trên sự thấu hiểu rằng dòng chảy tâm trí có gắn bó mật thiết với các cảm giác cơ thể. Thiền là thực hành nối liền “thân” với “lời nói” để giải phóng tâm khỏi những cảm xúc đau khổ.
– Lời nói: trong tiếng phạn có từ “mantra” có nghĩa là cái hộ tâm, bảo vệ tâm trí khỏi những suy nghĩ lan man hay trạng thái tinh thần chìm đắm trong đau khổ.
– Thân thể: nếu thiền trong tư thế quá thoải mái, ta dễ bùn ngủ, ngược lại nếu ép cơ thể trong tư thế khó chịu, dễ khiến cho tinh thần căng thẳng. Tránh để cơ thể ngả sang trái hay sang phải, ra trước hay ra sau. Cần tìm một điểm trung dung. Khi cơ thể thẳng, các kênh năng lượng cũng sẽ thẳng, điều này giúp cho tâm sáng tỉnh.
Như với tôi, thời điểm bắt đầu thực hành thói quen thiền, tôi không chắc nó sẽ mang lại kết quả gì hay không. Và thật sự những ngày đầu tôi chẳng thấy gì cả. Nhưng vì đã tìm hiểu nhiều tài liệu khoa học nói về lợi ích của thiền, nên đã thử kiên trì với nó xem sao. Và cuối cùng, sau khoảng 3 tháng, tôi mới dần cảm nhận được sự thay đổi. Tâm trí bắt đầu thông suốt hơn, làm gì cũng tập trung hơn, một ngày trôi qua nhẹ nhàng mà không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi stress và áp lực công việc.
Có lẽ bản chất đầu tiên của cơ thể này là nơi chứa đựng linh hồn và tâm trí. Cơ thể cho tôi những cảm nhận khác nhau, nghe, thấy, nếm, ngửi, chạm, bằng những giác quan và mỗi giác quan đều cho tôi những trải nghiệm thú vị. Cơ thể này về mặt bản chất giúp tôi có thể trải nghiệm được cuộc sống, tương tác và hiểu được những cảm giác khác nhau, những thông tin từ 5 giác quan mà tôi có, được tổng hợp xử lý và đưa đến não bộ.
Đôi tai giúp tôi nghe được những âm thanh, giai điệu bài hát, giọng nói của người xung quanh và của chính mình. Nghe tiếng chim hót, nghe tiếng mưa, nghe những chuyển động từ cuộc sống bên ngoài. Dù phần lớn thời gian tôi chưa đối xử tốt với đôi tai của mình: nghe những bài nhạc rất lớn hay có khi là những bản nhạc buồn, nghe những lời chê bai chỉ trích từ người khác, nghe những chuyện thị phi, và hôm nay tôi đã biết dành sự biết ơn vì đôi tai mình vẫn ở đây.
Đôi mắt giúp tôi nhận diện được màu sắc, giúp tôi thấy được những người tôi thương yêu đang hiện diện, tôi thấy những điều đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống, thấy được chính mình trong gương nữa. Mỗi ngày thức dậy mở mắt và vẫn còn nhìn được mọi thứ xung quanh đó đã là món quà lớn lao rồi. Dù rằng tôi cũng đã từng đối xử không tốt với đôi mắt của mình: rằng phần lớn thời gian đôi mắt này đã chạy theo những tiêu chuẩn của cái đẹp từ bên ngoài, từ đám đông. Dù rằng đôi lần đã có những ánh nhìn phán xét dành cho những người khác, chỉ nhìn vào khuyết điểm thay vì là sự tôn trọng, những cái nhìn vội vàng kì thị, chỉ nhìn thấy bằng những lăng kính đầy rẫy những định kiến, niềm tin sai lệch của sự so sánh, phân biệt, kỳ vọng. Rồi cũng đôi lần chứng kiến những cảnh bạo lực, những điều không hay.
Đã nhiều lần biết là không nên thức khuya vì như vậy sẽ không tốt cho sức khoẻ, nhưng rồi tự nói với mình, vì mình đang buồn, mình đang có tâm trạng, chỉ giải trí chút nữa thôi, chỉ xem thêm 1 video clip nữa thôi, mình muốn chiều bản thân mình, mình không muốn dừng lại và rồi kết quả là đi vào giấc ngủ khi trời đã gần sáng với đôi mắt đã mỏi nhừ.
Miệng là nơi để tiếp nhận thức ăn nuôi sống tôi mỗi ngày, dù rằng phần lớn thời gian tôi chưa có sự quan tâm dành cho miệng. Vì đã từng ăn rất nhiều thức ăn không tốt cho sức khoẻ, ăn vì buồn, ăn vì thoả mãn cơn thèm ăn (những lúc bị sâu răng chỉ mong muốn cái miệng mình được trở lại bình thường, nhưng khi ở lại trạng thái bình thường thì mình lại không trân trọng). Tôi biết mình nên ăn vừa phải, ăn những thức ăn tốt cho cơ thể nhưng lại ăn thức ăn nhanh rất nhiều bởi vì nó tiện và kích thích vị giác, để rồi đã ăn rất nhiều thứ khác nhau mà cơ thể không cần. Ngày xưa tổ tiên loài người chúng ta có thể chết vì đói nhưng bây giờ chúng ta có thể chết vì ăn quá nhiều. Miệng là nơi nói ra những lời yêu thương vậy mà cũng đôi lần tôi đã nói ra những lời chỉ trích, phán xét làm tổn thương những người xung quanh.
Đôi tay giúp cho tôi làm việc, giúp tôi cầm nắm được thức ăn, đôi tay này có thể mang lại sự ấm áp cho người thân thông qua những cái ôm, vỗ vay, xoa đầu. Nhưng đôi tay cũng tạo ra những mâu thuẩn, khi có thể có những bình luận phán xét trên mạng xã hội.
Chân tôi đủ khoẻ để làm những điều tôi muốn, nhờ chân khoẻ mà tôi mới đứng vững được. Gần đây cảm thấy có chút mỏi vì đôi chân phải đi quá nhiều, đó là lúc mới thấy biết ơn những tháng ngày khoẻ mạnh.
Nhưng một sự thật mà tôi cũng phải chấp nhận rằng đến một thời điểm nào đó tôi cũng sẽ chết, và cái cơ thể này rồi sẽ mất đi, cũng sẽ trở về với cát bụi. Vậy nên tôi càng phải trân trọng hơn nữa khoảng thời gian mình còn được hiện diện trong kiếp sống này.
Khi hiểu cơ thể này là một phương tiện để mình có thể trải nghiệm cuộc sống chỉ khi đó ta mới biết cách để trân trọng và đối xử với những giác quan khác đi.
.
.
.
.