Cuộc sống hiện đại xoay quanh sự tiện lợi, con người càng sống nhanh sống vội, ngày càng hưởng thụ và phụ thuộc nhiều hơn vào sự tiện nghi. Chỉ cần ngồi yên trong nhà, là ta đã có thể mua bất cứ thứ gì mình muốn, từ đồ ăn, thời trang, đồ dùng hằng ngày,…thậm chí là giải trí hay hưởng thụ giáo dục online qua màn hình máy tính. Có thể nói chỉ cần ngồi ở nhà, nhưng hầu hết mọi nhu cầu thiết yếu của con người đều được đáp ứng đầy đủ.
Sản phẩm càng nhanh càng tiện lợi, vậy nên cái con người thiếu chính là cảm xúc cá nhân đối với sản phầm đó.
Điển hình như việc chúng ta tiêu thụ nước uống hằng ngày. Bởi vì giá thành quá rẻ, chi phí để làm ra một chai nước cũng không quá đắt, đặc biệt là quá tiện lợi. Ta có thể mua nó ở mọi nơi, mọi lúc, nên có thể dùng nó bất cứ khi nào ta muốn, uống cạn một hơi, rồi vứt đi, cứ thế hết chai này đến chai khác. Uống nó xong, quẳng chai vào thùng rác. Thế là xong. Không cảm xúc.
Bạn có thấy điều gì đó sai sai không?
Tương tự với những món đồ vật dụng, hay những món quà lưu niệm cũng vậy.
Đối với tôi niềm vui không phải đến từ những món quà đắt tiền, xa xỉ, mà đôi khi chỉ là cái nơ cột tóc hay một cái móc khoá nhỏ, nhưng tôi biết được người tặng đã bỏ nhiều thời gian và công sức vào đó, hay đôi khi là phải mất nhiều thời gian để chọn lựa.
Vậy nên tôi đều trân trọng và nâng niu tất cả. Với tôi việc kết nối cảm xúc là điều rất quan trọng. Khi sử dụng những món quà đó tôi như cảm nhận được cảm xúc của họ, tình yêu của họ, tâm trạng của họ khi đặt vào. Những điều đó có ý nghĩa với tôi.
Tôi luôn thấy gắn bó và kết nối được với người tặng, thấy trân trọng thứ mình đang sử dụng hằng ngày, để thấy được rằng, những vật dụng tưởng chừng như nhỏ bé và hiển nhiên đó không đơn thuần chỉ là một vật dụng vô hồn, mà nó chứa đựng cả một tình yêu to lớn đặt vào đó. Chúng làm tôi cảm nhận được sự quan tâm. Tôi thấy mình trở thành một phần trong chuỗi vòng tròn tiếp nối đó.
Người ta có thể mua những món quà đắt tiền nhất trên thế giới để tặng nhau vì mặt mũi, nhưng tình yêu thương ấm áp nhất có khi chỉ gói gọn trong cái quạt mo nhỏ xíu, ấy vậy mà lại cảm nhận được sự ấm áp đến lạ kỳ.
Với tôi, đó chính là những món quà quý giá nhất, vì chúng được chính tay người người bà đã bỏ công, bỏ hết tâm sức và tình yêu thương của một người mẹ, một người bà vào làm cho con cháu. Một cái quạt mo mà người mẹ, người bà này ngồi tỉ mỉ cắt tỉa, gói gém dưới hàng cao trước sân nhà.
Thời gian đâu mà bà làm đủ thứ như vậy?
Bà chỉ cười, phải vậy cho tụi nhỏ nó gần gũi và vẫn giữ được sự kết nối với thiên nhiên, với những gì gần gũi và bình dị đôi khi là những điều nhỏ bé những lại chứa đựng cả một tình yêu to lớn.
Không biết rồi nhiều năm nữa, chúng ta có còn bắt gặp những hình ảnh đong đầy yêu thương như thế, hay con người ta khi sống trong một xã hội hiện đại, cái gì cũng mới, trào lưu, trending, những xu hướng được cập nhật liên tục, cái gì cũng nhanh cũng vội.
Rồi chúng ta sẽ bỏ qua hết tất cả những gì được cho là cũ kỹ, để tiến vào kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo, của những con số trên màn hình xanh xanh vô hồn.
Cuộc sống công nghệ hiện đại đang dần phát triển và ngày càng trở nên kỳ diệu. Bao nhiêu thứ vốn chỉ từng tồn tại trong trí tưởng tượng của con người nay đã, đang và dần được công nghệ hiện thực hoá.
Công nghệ hiện đại là một giấc mơ đẹp, nhưng cũng dễ dàng trở thành một cơn ác mộng của xã hội loài người, nếu con người vô ý để công nghệ kiểm soát, nhào nặn cuộc đời mình. Công nghệ không chỉ có khả năng cho ta thấy mình là ai, mình đang làm gì mà còn có sức mạnh thay đổi, làm biến dạng một con người.
Đôi khi trong đời, chúng ta có thể lướt qua, hoặc trôi đi quá nhanh mà quên mất mình cũng cần chậm lại, cần giữ thời gian, cần giữ lại những điều quý giá nhất của phong tục tập quán, của văn hoá, của gắn kết gia đình và nhân loại.
Học cách biết ơn vì sự đủ đầy mà bản thân đang có được ở hiện tại, học cách tiết kiệm, không phung phí, và chia sẻ khi có thể.
Đừng so sánh, khi nhìn thấy thành công của những người xung quanh mình, để rồi tự nghi ngờ bản thân, lo lắng khi nhìn lại mình vẫn chưa bằng ai, chưa được gì.
Trong đời, không phải lúc nào nhanh cũng tốt. Chậm cũng được. Dành nhiều thời gian cho bản thân để tìm hiểu, biết rõ con đường và hành trình mình mong muốn càng tốt.
Sau nhiều năm theo lối sống hiện đại hóa, tôi chứng kiến nhiều người trẻ quanh mình bắt đầu trở về với lối sống tối giản, nhịp sống chậm giống như của cha ông ngày xưa, kết nối với những cách sống xưa cũ.
Có lẽ họ cũng phần nào cảm thấy như tôi, thấy vòng xoáy công nghiệp đôi khi biến con người ta thành cỗ máy, khiến ta ngày trở nên xơ cứng chai lì đi, trở nên thờ ơ với mọi thứ xung quanh, thậm chí là thờ ơ với chính mình.
Nhiều người bạn trẻ khác tự về quê làm vườn trồng trọt. Những người khác làm bánh, làm dầu, tự làm ra sản phẩm để chu cấp cho cuộc sống của mình.
Họ bắt đầu quan tâm hơn đến việc tìm về những giá trị truyền thống, bảo tồn và phát triển và mong muốn giữ lại được những giá trị truyền thống quý báu ấy.
Họ bỏ phố về quê, phụ giúp gia đình hay những làng nghề thủ công ở quê, họ thổi hồn vào những sản phẩm thủ công truyền thống, tích hợp vào những công nghệ hiện đại, họ cùng nhau tạo ra giá trị sử dụng mới để thu hút khách hàng và làm hồi sinh những ngành nghề thủ công đang dần mai một dưới sức ép của vòng xoáy xã hội công nghiệp tiện nghi hiện đại.
Còn rất nhiều những người trẻ khác cũng mang trong mình một ước mơ, đam mê, khát khao cháy bỏng, mong có thể được cống hiến sự sáng tạo của mình, góp một phần cho sự phát triển của quê hương. Họ không chỉ mang trong mình ước mơ giữ lửa nghề truyền thống, mà còn mang khát vọng đưa những sản phẩm làng nghề vươn cao, vươn xa ra khu vực và thế giới.
Câu chuyện đó cứ đọng lại trong tôi, để rồi phải dừng lại, chiêm nghiệm và suy nghĩ, hết lần này đến lần khác.
Đó là khi tôi nhìn thấy những người hàng xóm xung quanh họ sử dụng giấy, túi ni lông, nước và những tài nguyên một cách vô tội vạ, chỉ vì chữ tiện nghi.
Đó là khi tôi thấy 1 số người bạn kể cả người thân của mình có thói quen vung tiền, chi tiêu mua sắm những món đồ mà thật sự chưa có nhu cầu dùng đến, họ mua chỉ vì sở thích hay vì muốn theo trào lưu nhất thời. Giờ đây họ mua vì thích, chứ không phải mua vì cần.
Một người bạn của tôi bình thường tính toán chi tiêu rất cẩn thận, nhưng cứ ra siêu thị là vội vàng nhặt đồ chất đầy vào xe, bởi vì mua vượt quá một số tiền nào đó sẽ được hưởng ưu đãi, cho nên sẽ cố gắng mua những món đồ chưa dùng, để cho đủ số tiền.
Những nhà bán hàng luôn đưa ra những chương trình khuyến mãi, chủ yếu để kích cầu, nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua nhiều nhất có thể, mặc dù đó là những món họ chưa thật sự cần. Đó đều là chiến lược kinh doanh của họ.
Từ khi bắt đầu rèn luyện lối sống tối giản, tôi thường ít mua sắm quần áo hơn trước, cơ bản là do một phần cũng lười. Có những chiếc quần, áo thun tôi mặc cũng gần 4 năm rồi, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cũ rách hay lỗi thời gì cả, vẫn chưa hư, vẫn còn mặc được.
Một phần cũng thích cảm giác thoải mái khi mặc những món quần áo quen thuộc, vừa vặn với mình. Rằng khi ta có kết nối với những đồ vật ta dùng hằng ngày, ta sẽ cảm thấy yêu mến và có trách nhiệm với chúng hơn.
Nhờ ít chi tiêu, nên khi chuyển sang công việc viết, mà tôi có thể không cần làm việc toàn thời gian vẫn có thể thoải mái tự do với chi tiêu và quỹ thời gian của mình. Bởi đã tiết giảm đi các khoản chi tiêu không cần thiết. Mỗi tháng nếu chi tiêu thì hầu hết đa số đều là học phí cho những khoá học.
Ngược lại với ngày trước hay cái cách người khác hay nhìn về phụ nữ, tôi không còn có thói quen mua sắm mất kiểm soát nữa, mà cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ khi chi tiêu vừa vặn, và hợp với nhu cầu bản thân.
Và cũng từ những điều bé nhỏ giản dị ấy, tôi rèn luyện cho mình thói quen sống chú tâm và tỉnh thức.
Trân trọng hiện tại.
Biết ơn từng khoảnh khắc.
.
.
.