Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
đạo và đời

Đạo và đời

Posted on 17/04/202424/04/2024 by admin

Chuyện kể rằng, một ngày nọ Thiền sư Ikkyu ghé vào một thiền viện để nghỉ qua đêm. Đó là một đêm rất lạnh nên ông ấy phải nhóm lửa. Ông tìm khắp nơi vẫn không thấy củi để đốt, bèn lấy một pho tượng Phật xuống đốt. Bị đánh thức bởi tiếng ổn và lửa, vị sư trụ trì choàng tỉnh và nhận ra Ikkyu là một thiền sư nổi tiếng.

– Vị sư trụ trì hỏi: Ngài đang làm gì thế? Ngài đã đốt một pho tượng Phật đấy!

Ikkyu không trả lời, khi bức tượng đã cháy được gần hết, ông lấy một que củi và bắt đầu tìm xá lợi trong đống tro đó, nhưng vẫn không thấy gì.

-Vị sư trụ trì hỏi: Ngài đang tìm gì vậy? Bức tượng không còn nữa.

-Ikkyu đáp: Ta đang tìm xá lợi, hẳn Phật phải có xá lợi.

-Vị sư cười lớn nói: Làm sao một bức tượng gỗ lại có xá lợi?

-Ikkyu đáp: Phật trong ta cần chút hơi ấm, bên trong ta là xá lợi thật. Những bức tượng Phật gỗ kia chẳng có ích gì, chúng không có xá lợi, vậy nên đừng lo lắng. Vị sư trụ trì đuổi ông ra khỏi thiền viện. Đêm rất lạnh nhưng có những người vẫn tôn thờ tượng Phật gỗ và đuổi Phật thật ra ngoài.

Sáng hôm sau, vị sư trụ trì nhìn ra ngoài thấy Ikkyu đang ngồi ngay gần một cột cây số và tôn thờ nó.

Vị sư trụ trì chạy đến hỏi: Ngài đang làm gì vậy? Ikkyu đáp: Đây cũng là Trời. Mỗi khoảnh khắc đều thiêng liêng và mọi thứ đều thiêng liêng, tất cả những gì hiện hữu đều thiêng liêng. Tự nhiên chính là đạo.

Nhà thần bí Ấn Độ Kabir cũng từng nói: “Thiên nhiên, cây cối, đá, sông, núi đều là Thượng đế. Ông ấy không tin vào đền chùa, nhà thờ, thánh đường, ông ấy tin vào việc sống với thực tại. Thượng đế ở đó, hít thở, nở hoa, tuôn tràn. Còn bạn đi đâu? Bạn đi đến đền chùa, nơi con người tạo ra, để tôn thờ một thần tượng, cũng do con người tạo ra, trong hình ảnh của chính Thượng đế. Kabir gọi bạn trở về. Bạn đang làm gì ở các đền chùa, nhà thờ đó? Ông ấy gọi bạn trở về để đón mừng cuộc sống.”

Kabir được sinh là người Hồi giáo, trưởng thành như là một tín đồ Hindu, không thuộc về bất cứ ai. Vào thời điểm khi Kabir sắp chết, các tín đồ Hindu đòi nhận thi thể ông, các tín đồ Hồi giáo cũng đòi nhận thi thể ông, và có một câu chuyện thú vị về điều đó.

Kabir đã để lại một di thư về cái chết của mình. Kabir biết những tín đồ đó sẽ tranh giành thi thể của ông và sẽ xảy ra xung đột, cho nên ông ấy đã để lại lời nhắn: “Nếu xảy ra tranh chấp, hãy phủ người ta một tấm vải và chờ đợi, câu trả lời sẽ đến”. Chuyện kể rằng sau khi phủ tấm vải lên thi thể Kabir, người Hindu bắt đầu cầu nguyện, người Hồi giáo bắt đầu cầu nguyện, và khi tấm vải được mở ra, Kabir đã biến mất, chỉ còn lại vài bông hoa ở đó. Những bông hoa này đã được phân chia.

Kabir không hiện diện trong cơ thể của mình. Ông ấy chỉ ở trong cơ thể đến một giai đoạn nhất định, ông ấy đang trong quá trình nở hoa từ bên trong. Một khi tâm thức đã nở hoa, cơ thể sẽ không hiện hữu. Cơ thể có hiện hữu hay không sẽ không còn quan trọng nữa. Kabir rất bình thường, và vẫn luôn là người bình thường.

Đôi khi chúng ta theo đạo, cầu nguyện vì bản thân còn quá nhiều những tham lam, ham muốn. Chúng ta không thể sống 2 lần, không thể cùng lúc ở 2 căn nhà, không thể cùng lúc nằm trên 2 chiếc giường, có phải là do xuất phất từ sự thiếu thốn, là do chúng ta quá sợ hãi nên luôn muốn tích luỹ để được yên tâm, để được đảm bảo, nên càng ngày càng muốn tích trữ nhiều thêm nữa.

Tâm trí của con người thì luôn muốn được trở nên đặc biệt thông qua việc mong muốn được sở hữu thêm nhiều bằng cấp, quyền lực, địa vị, tiền bạc, của cải, vật chất. Tâm trí luôn muốn bước vào cuộc hành trình của cái tôi, muốn trở thành một người giác ngộ, một người vĩ đại. Nhưng chừng nào chưa dứt bỏ được những tham lam. Chừng nào chưa thư giãn trong cái bình thường của mình, ta sẽ không bao giờ thư giãn. Người thật sự tâm linh là người hoàn toàn bình thường.

Đức phật cũng từng dạy, con đường tỉnh thức nên đi là con đường trung đạo, nghĩa là cứ trung dung ở giữa, đừng làm quá lên mọi vấn đề, nếu điều gì đơn giản được thì cứ nên đơn giản. Thế gian này không có đúng sai, trước sau, cao thấp. Có chăng vấn đề là con người đặt ra để rồi cũng tự trói chặt mình vào những khổ đau ấy thôi. Làm người khác đau khổ và rồi chính mình cũng không thể nào thoát ra khỏi được những đau khổ ấy.

Con đường trung đạo là con đường của sự cân bằng, vừa đủ, không quá nhiều, cũng không quá ít, ăn vừa đủ, chơi vừa đủ, làm vừa đủ, nghỉ ngơi vừa đủ, thoải mái vừa đủ, áp lực cũng vừa đủ. Có như vậy mới nhẹ nhàng, thảnh thơi được.

Chúa Giê Su từng dạy: Nếu chúng ta trói buộc mình vào hình dáng cát bụi thì chúng ta sẽ trả về cát bụi. Nếu chúng ta biết mình là sự sống thênh thang thì chúng ta được trả về với sự vĩnh hằng bất tận.

.

Như thiền sư Achaan Chah từng nói: Có 2 loại đức tin: Loại thứ nhất là lòng tin mù quáng vào Đức Phật, kinh điển hay một vị thầy, khiến chúng ta muốn tu hành hay xuất gia. Loại thứ hai là chính tin, niềm tin vững chắc không lay chuyển phát sinh từ sự hiểu biết nội tâm của mình.

Tôn giáo là tập hợp của một nhóm người hoặc là một nhóm kĩ thuật để đưa con người ta đến một mục tiêu nào đó trong cuộc sống, mà thông thường đó là sự bình an, hạnh phúc, sự viên mãn, đủ đầy. Và trong bất kì tôn giáo nào đều có sự kỉ luật, là nơi được tạo ra bởi trí tưởng tượng của con người và được duy trì bởi sự kỉ luật của con người. Ví dụ như đạo Phật sẽ không phạm ngũ giới, đạo Hồi sẽ không ăn thịt heo..v.v.

Tất cả tôn giáo đều hướng con người đến cái thiện. Tôn giáo vẫn luôn có mặt tốt và xấu. Bởi có những tôn giáo vẫn giúp cho những tín đồ có cuộc sống tốt hơn về mặt tinh thần, với một số tôn giáo khác giúp người làm việc thiện.

Tôn giáo là con đường, nhưng không phải con đường tôn giáo nào cũng dẫn đến tâm linh. Và sự giác ngộ không đến từ tôn giáo.

Còn tâm linh là sự kết nối của mình với mình, kết nối mình với những người xung quanh, kết nối mình với với vũ trụ này. Vậy với người thực hành tâm linh nhưng không có tôn giáo thì sao? Nhiệm vụ của họ là hiểu được cái tâm của họ, để họ kết nối với chính họ, tạo ra những kết nối bình đẳng hài hoà với những người xung quanh và với những loài sinh vật khác trên trái đất.

Có người tu vì đã ngộ, đã hiểu. Có người tu vì muốn trốn chạy, muốn thoát khỏi khổ đau. Có người tu vì cho rằng đó là sứ mệnh an bài. Nhưng trở về điều cốt lõi duy nhất: Tu là sửa. Người tu là người sửa mình mỗi ngày.

Bản thân tôi lựa chọn tin vào sự kết nối từ bên trong, là quay về với chính mình, là để sửa mình, là sẵn sàng mở lòng đón nhận, là không còn kẹt lại trong những quy tắc, luật lệ. Là buông bỏ những thành kiến phán xét, không còn vội vàng đánh giá hay kết luận trước một điều gì. Là không ngừng tiếp thu, không ngừng học hỏi. Là không để các quy tắc luật lệ ám ảnh, mà làm vì một lẽ tự nhiên cần phải làm, sửa mình vì thấy đến lúc cần phải sửa.

Không có ý phê phán hay bài xích tôn giáo, bởi chỉ đơn giản là đã hiểu chính mình, hiểu con đường mình đang đi, từng bước từng ngày gieo yêu thương để sửa mình. Hiểu rằng tu học không phải là cuống cuồng tìm cách để sự việc mau chóng qua đi, mà là học cách đón nhận mọi thứ như nó đang là, nó xảy ra vì nó phải xảy ra.

Tu là sửa chữa, không để bản thân bị trói buộc vào những hình tướng, hay những vật chất bên ngoài như: chùa chiềng, áo choàng, nghi thức, kinh kệ, hay phật sự, hay phải thuộc lòng bao nhiêu bài kệ, phải chép được bao nhiêu quyển kinh, phải về hành hương về nơi đất phật, mà tu chỉ là sửa chữa chính mình mỗi ngày mà thôi.

Tu là để học cách chấp nhận nhiều hơn. Tu cuối cùng là để hiểu và từ bi. Từ bi với mình và từ bi với người. Từ bi cũng có nghĩa là thương, thương người và thương lấy chính mình. Từ bi với mình là buông xuống những bi ai, đau thương của cuộc sống, chọn vui với những điều nhỏ bé xung quanh. Từ bi với người là thôi không còn những định kiến, áp đặt, quy chụp hay đóng khung người khác theo những quan điểm của bản thân. Đây là một hành trình đẹp nhưng không dễ, là hành trình liên tục đọc, suy ngẫm, tìm hiểu về thế giới bên ngoài, tìm về bên trong.

Sư ông từng nói: “Trong chúng ta luôn có rác và có hoa. Chúng ta tu học để chuyển rác thành hoa. Không có ai là không có rác. Nếu không có rác thì đâu cần đi tu. Người nào tu tức là người đó có rác. Có rác mà tu tức là có hoa”

Đức Phật không mong cầu, không hướng con người đến sự cầu xin. Cuộc sống phải là tự nhiên, không áp đặt, không điều kiện, không câu nệ hình thức thì con người mới được giải thoát, được tự do.

Bản thân vẫn giữ quan điểm rằng không phán xét, đánh giá bất kì ai hay bất cứ điều gì kể cả niềm tin hay tín ngưỡng mà mỗi người lựa chọn. Vì vẫn thấy rằng, có niềm tin vào tôn giáo, tín ngưỡng là điều tốt, bởi hầu hết mọi tôn giáo đều hướng con người ta đến cái thiện. Chỉ là ngày nay lại thấy có quá nhiều người có niềm tin mù quáng vào một cái gì đó siêu thực, là thần thánh, là nhiệm màu (kể cả có phản khoa học đi chăng nữa). Một niềm tin mù quáng đến nỗi biến chất, họ chỉ tiếp thu, vận dụng một cách máy móc rồi tự cho rằng là mình đã hiểu, đã giác ngộ.

Họ gắn chặt niềm tin tôn giáo với những hình thức, lễ nghi, quy tắc, luật lệ, những thứ mang vẻ bề ngoài. Họ quá phụ thuộc vào quy tắc để rồi dễ dàng đóng khung tâm trí, tư duy trong những giới hạn, kết luận hay thành kiến của bản thân. Và nếu còn phụ thuộc quá nhiều vào hình thức bên ngoài con người ta dễ dàng nảy sinh cái tôi chiếm hữu, ai còn mong muốn chiếm hữu càng nhiều, thì cái tôi sẽ càng lớn, để rồi cho đến cuối cùng, đôi khi họ làm vì người khác hơn vì chính bản thân họ.

Sáu năm trời Đức Phật tìm kiếm con đường giải thoát bằng hàng vạn pháp môn. Tìm đủ các bậc thầy, đủ nghi thức, đủ kinh kệ. Nhưng đến cuối cùng thì ngài vẫn phải chấp nhận cuộc đời như thế đó. Không thể nào khác hơn được. Ngày mà người thành đạo là ngày người thôi mọi tìm kiếm, ngồi xuống thật yên và chấp nhận tất cả. Chấp nhận cuộc sống là như vậy. Chấp nhận mọi thứ có sanh thì phải có diệt. Duyên khởi lên thì duyên phải tan đi. Chấp nhận này không phải là bỏ mặc, buông xuôi, chấp nhận này để sống tỉnh thức hơn.

Ngày xưa bước chân Phật cũng vậy, rất nặng vì người nghĩ rằng có một con đường giải thoát phía trước, cho tới lúc ngài rất nhẹ khi hiểu mỗi bước chân chạm đất trong tỉnh thức đều là con đường giải thoát.

Đức Phật đã giảng dạy tại vùng Đông bắc Ấn Độ vào khoảng 2.600 năm trước. Người không chỉ giảng dạy cho các tăng ni xuất gia, mà còn dạy cho hàng ngàn người bình thường khác, từ những nông phu trồng lúa cho đến người phu quét đường và thậm chí những kỹ nữ. Trí tuệ của Phật không xuất phát hay liên hệ gì đến đấng siêu nhiên, nó phát sinh từ những hiểu biết sâu sắc về bản chất cuộc sống. Những bài giảng của người xuất phát từ trái tim được khơi mở bằng sự hành thiền thâm sâu.

Phật giáo đại thừa có đoạn: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Phật pháp tức thế gian pháp. Phương pháp của Phật cũng là phương pháp của cuộc sống, không thể tách ra ngoài sự thức tỉnh của cuộc sống.

Phật cũng dạy rằng, người hành giả tu 24 tiếng đồng hồ một ngày chứ không phải chỉ tu trong giờ tụng kinh và ngồi thiền. Người phật tử không nắm hết chân lý, người phật tử có thể học được kinh nghiệm của những người không phải phật tử.

Osho cũng từng nói: “Người tu học họ sẽ có tâm niệm rằng, ta nhỏ bé ta chỉ là hạt cát. Ta chỉ khả năng nhỏ nhoi. Ta chẳng thể biến đổi hoán cải điều gì khác ngoài bản thân mình. Nếu ta hoán cải bản thân được thì đó là điều diệu kỳ.”

Nếu có thể thay đổi bản thân bằng cách tu tập thì bạn sẽ biến thành con người khác. Bạn sẽ toả nắng, tim bạn sẽ rộng mở, bạn sẽ mở lòng với mọi người và mọi người cảm nhận được năng lượng từ tâm của bạn, giúp họ được vơi đi nỗi lo. Lúc đó quả thật bạn sẽ có cái gì đó để chia sẻ với họ. Bạn sẽ là ánh sáng để người khác soi rọi. Bạn chẳng cần phải thôi thúc hay kêu gọi bất kì một ai khác phải thay đổi. Ánh sáng của bạn sẽ trở nên hấp dẫn họ đi theo, ai cần ánh sáng thì người đó tự đến.”

Osho là một tín đồ Hindu, một tín đồ Hồi giáo, một tín đồ Cơ Đốc giáo, một tín đồ Sikh và một tín đồ Parsi. Ngoài ra, ông còn là một người hữu thần và vô thần. Ông nhận lấy toàn bộ di sản của nhân loại. Ông nhận lấy tất cả, không chối bỏ điều gì, từ Charvakas đến Phật, ông đều nhận hết.

Tại sao phải đóng khung mình vào đạo nào đó, trong khi tình yêu của Thiên Chúa luôn mênh mông vô tận và con đường của Phật là con đường đưa chúng sinh đến sự giải thoát? Cho đến tận ngày nay, con người vẫn dựa vào những phép màu để chứng minh tôn giáo này vượt trội hơn các tôn giáo khác. Phật Thích Ca Mâu Ni không đi trên mặt nước, Mahavira không làm người chết sống lại, Krishna không thể chạm tay chữa lành bệnh cho người bị bệnh, Mohammed không thể biến nước thành rượu. Họ đều là những con người bình thường, họ sống cuộc đời như bao nhiêu con người bình thường khác.

Đấng tối cao, Thượng đế, những điều thiêng liêng không chỉ có ở bên trong chùa miếu, thiền viện, mà kể cả bên ngoài thiền viện, khắp nơi đều có Thượng đế. Chỉ có ta là không thể nhìn thấy nên ta luôn muốn đi thật xa để tìm kiếm, ta thay đổi địa điểm, ta rời khỏi nhà để đến đền thờ tìm kiếm Thượng đế. Cho đến cuối cùng thì kinh kệ, nghi thức, hình thức cúng lạy, cầu nguyện, mà chúng ta tin và làm hằng ngày cũng là để chúng ta thấy an lòng. Nhưng ngày nào còn kẹt vào hình tướng, vào những câu hỏi thế nào là tu không tu? Thế nào là tu đúng? Thế nào là giác ngộ? …còn kẹt lại trong những câu hỏi, khái niệm, từ ngữ, quy tắc, hình tướng, là ngày đó ta còn tự trói chính mình, còn chưa tìm được bình yên.

Người nào đang còn sống là còn đang tu hành mà.

.

-Hôm nay em có đi chùa không?

-Dạ không chị.

-Hôm nay lễ Phật Đản, chị thấy người ta đi chùa đông nghẹt, khói hương nghi ngút, chen nhau để được lên chánh điện thắp hương lạy phật.

Cũng từng biết có mấy người chưa bao giờ quan tâm hay chăm lo cho sức khoẻ cha mẹ của họ, vậy mà cứ thường xuyên thấy đăng hình mặc áo lam, đi hết chùa này đến chùa nọ. Cha mẹ ở nhà là thần tiên là phật sống mà chưa thấy họ lạy, họ biết ơn bao giờ.

Rồi cũng chợt nghĩ đã dặn lòng là sẽ không phán xét, vì không ở trong hoàn cảnh của nhau, không thể nào biết được những gì người ta đã và đang trải qua. Bởi cuộc đời này mỗi ngày vốn dĩ là một cuộc chiến mà, ai cũng phải chiến đấu để sinh tồn, còn chiến đấu là còn thấy mình sống.

Hồi trước bản thân cũng hay phê phán, đánh giá người khác đi chùa cúng bái tùm lum, tin vào bói toán, lạy lục đủ thứ… Nhưng khi trải qua nhiều chuyện, mới hiểu là đâu phải ai cũng đủ niệm định tuệ để đi qua cuộc đời nhiều giông bão này đâu. Thôi thì những lúc chơi vơi nhất, tìm được một đức tin, một nơi để vịn vào thì đã là một đặc ân vô cùng lớn. Đặng hay mất thì từ từ tính.

Hiểu rằng, đó là một kiểu tâm lý rất chung của con người, đặc biệt là khi ta bất an, hoang mang với hiện tại của chính mình, ta cần một lời khẳng định, một dự đoán chắc chắn cho tương lai. Việc mong muốn biết trước điều diễn ra tiếp theo cũng hợp lý thôi, nhưng ít nhất, hãy chọn một người mà ngoài những dự đoán đưa ra, họ có thể cho bạn một lời khuyên, lời động viên đúng. Còn không thì thôi. Chí ít cũng làm bản thân tổn thương thêm nữa.

Đừng vội phán xét những người quỳ lạy, khói hương nghi ngút đó, bởi khi chúng ta sống trong sự đủ đầy, khi cuộc đời còn ưu ái cho ta quá nhiều thứ, ta sẽ không biết được rằng ngoài kia, trong đám đông hỗn độn đang chen lấn đó, có những người đang phải trải qua những cơn đau, những tổn thương, những mất mát nào đâu? Có thể họ cũng đang lạc trong những đêm đen, và họ đang cần một chút niềm tin để bám vào để mong có thể an lòng khi trở về mà sống tiếp.

Nếu ai đó hạnh phúc bình an với những điều đã chọn. Nếu ai đó quyết định chịu trách nhiệm với việc họ làm, dẫu lựa chọn đó có như thế nào, thì hãy để họ tận hưởng điều đó. Sao phải đánh giá, sao phải phán xét. Nếu mình muốn nghe, hãy nghe, nếu mình muốn tin, hãy tin, nếu không vậy đừng nghe. Hà cớ gì phải đi phán xét người khác. Tự nhiên nghĩ được như thế lòng cũng sẽ nhẹ đi.

Khi thấy ai đó mỉm cười, thong dong đi qua tháng năm, bạn đừng vội nghĩ cuộc sống của họ dễ dàng và hoàn hảo. Nếu không sống cuộc đời của họ, chúng ta chẳng thể biết được họ đang chiến đấu như thế nào đâu. Mỗi người đều đang có những trận chiến khó khăn mà không ai biết được nếu chỉ nhìn bề ngoài, họ có vẻ là người cứng rắn, mạnh mẽ, sự vững an. Nhưng đâu ai biết rằng sâu thẳm bên trong, họ cũng đang phải vật lộn với những khó khăn vất vả, nỗi đau gần như không thở được. Cảm giác bất công, bị từ chối, bị cô đơn, bị bỏ lại..nhưng chỉ là họ không muốn dễ dàng bị xô ngã như thế đâu.

Thế nên đừng vội vàng phán xét mà hãy yêu thương nhiều hơn bạn nhé!

Cho đến cuối cùng vẫn là niềm tin và lựa chọn của mỗi người mà thôi. Chẳng ai lại đi tranh cãi về tín ngưỡng và tôn giáo cả, điều đó là hoàn toàn vô ích. Và đó cũng là cách tôn trọng sự khác biệt ở mỗi người. Có những chuyện với người này chẳng là gì, nhưng với một số người khác lại là việc vô cùng hệ trọng. Cũng như có những câu hỏi không nên hỏi cho rõ ràng, có những sự thật không nên đi đến tận cùng, bởi khi nhìn rõ rồi thì chỉ thấy sự thật trần trụi và đau thương.

Vậy nên cũng chẳng phán xét ai, có hiểu có thương rồi thì chỉ chọn nhìn vào những phần tốt đẹp trong nhau, còn những điều chưa tốt thì cứ để họ biết, trời đất của họ biết, mình lấy quyền gì để phán xét cuộc đời người khác phải đúng sai ra sao.

Còn nếu không thể chấp nhận nhau được, không thể nói với nhau những lời tốt đẹp hay sáo rỗng, thôi thì cứ chọn im lặng vậy. Cho nhau một lối thoát, nhẹ người cũng nhẹ mình.

Ngồi yên và nhìn ngắm.

Phút giây thấy chỉ thấy.

Lòng chẳng bận đúng sai.

.’.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.