Chúng ta thường khổ vì điều gì? Khổ bởi mong muốn thay đổi người khác. Ở một mối quan hệ bình thường, ta khổ khi người khác trái với ý muốn của ta, thấy mình là đúng, muốn người ta thay đổi theo mình.
Đến khi học hành có kiến thức để tự mình thôi khổ, ta lại khổ vì kỳ vọng muốn người khác thôi khổ, ta lại muốn họ thay đổi. Khi tâm còn lẩn quẩn với vòng nhị nguyên, với những phân định rạch ròi, cái này đúng, cái kia sai, điều này tốt, điều kia xấu, thì thật khó để có thể bỏ qua được những sai sót của người khác.
Khi tương tác với những người xung quanh, môi trường bên ngoài, não mình có xu hướng thu nhặt những thứ mà nó thích và luôn xem chừng những thứ nó ghét. Càng trưởng thành, càng có sự hiểu biết thì việc mình thích và ghét, tôi biết đó không phải là vấn đề hay là con người của mình, cũng không đến từ môi trường xung quanh, mà đó chỉ là những con đường tắt của tâm trí mà thôi.
Tâm trí chúng ta có quá nhiều giả định, và điều nguy hiểm là ta lại tin vào điều đó, chỉ dựa trên những trải nghiệm của bản thân, rồi nhìn sự việc bên ngoài bằng sự khác biệt, nên trong ta luôn có sự phán xét. Não bộ luôn muốn đi những con đường tắt để tiết kiệm năng lượng, nên nó luôn muốn đi đến những kết luận nhanh nhất.
Hầu hết những quyết định mình đưa ra đều là để phù hợp với cảm xúc mình trước thảy, và không hề nhận ra rằng, cảm xúc chính là tập hợp của rất nhiều những niềm tin bên dưới. Khi đánh giá tư duy sẽ thấy rất nhiều thứ trong đó chứ không đơn giản là hành động. Mỗi quyết định phụ thuộc rất nhiều vào giá trị sống, nguyên nhân, quá khứ, tuổi thơ, gia đình.
Nên sẽ có những tình huống không có câu trả lời cụ thể, có những tình huống tiến thoái lưỡng nan, tôi hiểu rằng mục đích cuối cùng không phải là để tìm một câu trả lời duy nhất, mà chỉ có câu trả lời phù hợp với bản thân mình mà thôi. Câu trả lời đó dựa trên hệ thống giá trị, niềm tin, rất nhiều trải nghiệm thói quen, mà tôi có trước đây để từ đó đưa ra những quyết định. Để thấy rằng cuộc đời này sẽ không có đúng sai, trắng đen rõ ràng. Nhìn vậy tôi bắt đầu cảm thông hơn cho chính mình trong những tình huống đòi hỏi đưa ra những quyết định tối ưu. Cũng là để hiểu cho người khác, là những quyết định của họ cũng dựa trên những thông tin mà họ có, không thể cố thêm được nữa bởi hệ thống thần kinh của họ chỉ dừng ở mức đó, chỉ có thể làm được đến đó thôi.
Khi có thể thấy rõ suy nghĩ, cảm xúc, đi sâu vào tư duy, con đường tắt mà mình hay đi, để thấy rằng cuộc sống này không quá khó khăn hay phức tạp.
Hiểu về bẫy tâm trí, những lỗi tư duy, tôi dần bớt đi sự phán xét người khác và kể cả chính mình. Những người có ý kiến trái chiều với mình không có nghĩa là họ sai, mà có thể họ mở ra cho mình những góc nhìn mới, bớt tin vào những điều mình đang tin và đang làm. Nhận diện xem bản thân mình đang có những thiên kiến nào dành cho đối phương hay không.
Lạ rồi cũng thành quen, những điều mình quen thì trước đây cũng đã từng lạ. Lạ với quen là một, giống như yêu và hận. Chánh niệm giúp tôi nhìn nhận sự việc luôn là 2 mặt của đồng xu cuộc đời, không trách người khác, hiểu rằng cuộc sống luôn có những tương tác với nhau, mình chỉ có thể kiểm soát mình trước thảy.
Tính cách
“Tính cách” trong tâm lý học được định nghĩa là sự phản ứng của cá nhân trước tác nhân từ bên ngoài dựa trên cảm xúc, suy nghĩ, thói quen.
Khi bàn về một người đừng vội dán nhãn là tốt hay xấu, đâu là những điểm mình thấy họ tốt, đâu là những điểm mình thấy họ xấu, vì mình không có dữ kiện để kết luận điều gì, mình chỉ biết trong những tình huống mình tiếp xúc họ là như vậy. Bởi khi vội vàng dán nhãn ai đó là người tốt, một khi họ làm điều gì trái với kỳ vọng của mình, mình sẽ tổn thương và thất vọng vô cùng (sao họ có thể như vậy được). Vậy nên chỉ dừng lại ở hành vi mà họ tương tác với mình, chứ không vội vàng quy chụp đó là tính cách của họ.
Người khác không giống mình thì không có nghĩa là họ sai họ lạc, chậm lại, đừng vội phán xét hay chỉ trích bất kì ai. Không ủng hộ cũng chẳng vội kết luận điều gì, tình huống khác, câu chuyện khác, mình chỉ nghe thôi và không vội kết luận. Khi làm được điều đó dù đối phương có xuất hiện trong cuộc sống của tôi, tôi sẽ vẫn không thấy khó chịu. Nếu cần thiết sẽ vạch ra ranh giới với họ và bảo vệ ranh giới của chính mình.
Ngôn ngữ khả năng
Giờ đây mỗi khi tranh luận hay nói về một vấn đề nào đó, tôi sẽ dùng ngôn ngữ của khả năng “tôi nghĩ là” hay “có thể có vài lý do nào đó”, thể hiện việc mình bổ sung làm rõ thêm cho quan điểm của mình, chứ không mang tính khẳng định bất kì điều gì. Bởi thông thường khi chúng ta khẳng định điều gì đó, đó là cảm xúc mình rất mạnh, đặc biệt là khi ai đó nói ngược lại và làm cho mình không muốn nghe thêm những thứ khác nữa. Một trong những điều khó của tư duy là chúng ta ít khi muốn suy nghĩ ngược lại với những gì mình từng tin.
Ngôn ngữ của khả năng tạo ra không gian cho người nghe tiếp nhận thoải mái hơn, làm giảm đi tính quyết đoán và cũng hạn chế được những lỗi nguỵ biện, vô ý trong quá trình giao tiếp. Và cũng chừa được không gian để người khác bổ sung vào.
Khi càng thực hành về tư duy và trí tuệ, thì cách tôi nói chuyện và tương tác dần ít lại vì khi càng nói nhiều, càng thể hiện nhiều thì tôi sẽ càng khó kiểm soát được tâm trí và có thể đó là lúc những lỗi tư duy sẽ xuất hiện. Người có tư duy phản biện tốt là người khiêm tốn, họ có lý do cho niềm tin của họ, nhưng khi nói chuyện với người khác, họ vẫn sẵn sàng đón nhận thêm những quan điểm mới.
Heathy ego
Trạng thái balance self/ heathy self/ heathy ego. Đó là trạng thái vững vàng hơn về mặt nội tâm, đạt đến cái tôi khoẻ mạnh, bắt đầu từ việc nhận diện cái tôi của mình to/nhỏ thông qua cảm xúc, thói quen, suy nghĩ, niềm tin, giá trị của mình, đó là việc liên tục nhìn sâu để đạt được sự cân bằng, hạnh phúc và bình an.
Thật ra những người được cho là cố chấp thường họ rất cảm tính, giữ khư khư quan điểm không chịu thay đổi là do họ đang có quá nhiều cảm xúc sợ hãi, vì sợ rằng giá trị của họ trong mắt người khác sẽ giảm xuống không còn được tự tin như trước nữa.
Lùi lại, lấy khoảng cách, là đứng bên ngoài để dừng lại nhận diện và mở ra không gian để lắng nghe ý kiến của người khác. Là dừng lại cho một thái độ suy tư cho phép mình tỉnh táo hơn. Khoảng cách đó thật ra là giữa mình với mình, tách mình ra làm hai để thấy rõ hơn những suy nghĩ trong tâm trí của mình mà thôi.
Rồi khi nhận diện được những bẫy tư duy, bẫy tâm trí, tôi nhận ra mình cũng là một người bình thường, cũng có tốt có xấu, nghĩ thế cũng không còn kẹt lại với tư duy so sánh, không còn vội vàng lý tưởng hoá người khác, thấy ai đó kém thì cũng không vội phán xét hay quay đi. Học cách bỏ qua và tha thứ cho mình, tha thứ cho người khác vì biết rằng ai cũng sẽ có những lỗi lầm và biết rằng chính sự phán xét từ bên trong và bên ngoài cũng sẽ ảnh hưởng đến chính mình rất nhiều.
Hiểu rằng người khác vẫn đang gặp phải những vấn đề cần được giải quyết, mình biết rằng họ cũng đang rất nổ lực để tiến về phía trước, mình thấy bản thân mình ở đó, mình đã từng giống như họ sở dĩ ngày hôm nay mình ngồi ở đây là vì mình đã vượt qua được những thử thách ấy.
Kiên nhẫn
Một chút nổ lực, một chút may mắn, vậy nên tôi luôn dành sự kiên nhẫn cho những người xung quanh, cho người khác không gian để nổ lực vượt qua những khó khăn thử thách.
Mình ghi nhận nó, xem xét nó. Rồi sau đó, thay thế nó bằng một suy nghĩ yêu thương, hay gửi một câu chúc an lành cho người mà mình mới vừa có ý định phán xét.
“Chắc họ cũng không cố ý làm vậy”.
Họ không biết là họ đang sai, bởi nếu biết sai, chắc chẳng ai hành động như thế. Và những lúc khi nỗ lực thực hành điều đó, tôi thấy rõ bên trong mình dần dần có sự thay đổi. Lòng mình dần dịu lại và cảm thấy dễ chịu hơn, quay lại với sự bình an tĩnh tại bên trong mình.
Ai biết rộng lượng với chính mình thì cũng biết rộng lượng với người khác. Mình tự biết mình có lúc dở thì người khác cũng có lúc dở. Dễ sống với mình, dễ sống với người. Thái độ đó giúp thân tâm tôi phần nào được dịu đi.
Càng đọc nhiều, biết nhiều, lại càng thấy mình nhỏ bé quá, kiến thức mình còn ít quá …. lần ranh mong manh nhất có lẽ là ranh giới giữa đúng và sai, trắng đen, trái phải.
Đã nhiều lần bản thân thấy mệt mỏi và áp lực bởi kỳ vọng bắt người khác thay đổi. Nhưng cuộc đời này có quá nhiều biến số, mình không thể biết hết được, mình chỉ ghi nhận mà thôi, như triết lý vô thường của nhà Phật vậy.
Điều gì cũng có thể.
Chợt một ngày dừng lại nhận thấy mình đã quen với sự tĩnh lặng tự bao giờ.
Mình đứng ở đâu cũng thấy lòng bình yên với rất nhiều yêu thương được che chắn.
Không còn hoài nghi mỗi khi xã hội ngoài kia thờ ơ hay lạnh lẽo.
Mình sống vì mình.
Người sống vì người.
Cớ sao muốn có sự thay đổi.
…
.
.
.