Nhiều lần tôi muốn kể cho người khác nghe về câu chuyện của cuộc đời mình. Tôi muốn được chia sẻ, muốn nhận được sự đồng cảm, quan tâm từ ai đó.
Câu chuyện mà tôi chưa từng kể với bất kì ai khác, không phải vì nó thú vị mà với tôi nó là câu chuyện nhạt nhẽo chẳng có gì hấp dẫn là đằng khác, tôi luôn nghĩ vậy. Chỉ là tôi luôn muốn được kể, được nói ra, được lắng nghe, dù chỉ một lần thôi để ai đó có thể hiểu được mình. Tôi khát khao muốn có một thính giả chăm chú và lắng nghe câu chuyện hoàn chỉnh về cuộc đời mình.
Một trong những kí ức hiện rõ trong đầu tôi đến tận bây giờ đó là lúc tôi nhớ mình đang ngồi trong phòng khách, mặc dù không gian xung quanh rất tối, vừa có chút sợ hãi nhưng vẫn có chút quen thuộc, vẫn cảm nhận được chút mùi vị của tuổi thơ.
Tôi nhận ra hình như đây là mình, mình của lúc đứa trẻ 7 tuổi.
Cả 2 đều cảm thấy được sự quen thuộc ngay lập tức. Tôi bắt đầu nói chuyện với em bé. Tôi thấy được vẻ buồn bã hiện lên trên khuôn mặt của em bé ấy, nó cứ ngồi một mình, xung quanh nó không có ai khác.
“Hình như cha mẹ không thương em”. Cha mẹ hay cãi nhau, và mỗi lần như thế em thấy rất sợ, tim em đập nhanh, em cảm thấy hồi hộp, em thấy hình như họ đang cãi nhau về một chuyện gì đó, nhưng em nghe mà vẫn không hiểu được, còn em cứ ngồi ngay chỗ đó, em thấy xung quanh tối lắm, em không nhìn rõ được, em không làm gì để can họ được, rồi em thấy mẹ khóc.
Hình như là do em thì phải, có phải vì em mà cha mẹ cãi nhau không, có phải vì em mà cha mẹ không hạnh phúc, hình như em không đáng được yêu thương phải không chị, em thấy sợ, em thấy mình cô đơn lắm.
Lúc còn ở trong bụng mẹ, em thấy ấm áp và an toàn lắm. Em không cần phải làm gì hết mỗi khi em đói em chỉ cần cọ nhẹ vào bụng là mẹ sẽ cho em ăn. Có lúc em sẽ cảm nhận được bàn tay mẹ xoa đầu em. Có lúc em lại nghe giọng nói của mẹ, có khi là tiếng của cha em nữa. Có đôi lúc em cảm thấy mẹ cũng mệt lắm, nhưng em biết được là cha mẹ rất mong chờ em chào đời. Ngày sinh em ra, em biết mẹ đau lắm, mẹ cũng mệt lắm, mẹ phải chịu đựng cơn đau đó rất lâu để đợi em ra đời.
Rồi khi em ra đời em thấy có nhiều người quan tâm em lắm, họ bu xung quanh em, ngắm nhìn em, bế em nữa, lúc nào cũng có người lớn bên cạnh em, chỉ cần em đói mẹ sẽ cho em ti sữa, em khóc mẹ sẽ bồng em trên tay, có những đêm em thấy khó chịu ở người, mẹ và cha sẽ thức cùng em.
Chị ơi hình như làm người lớn khó lắm đúng không chị ? Vì em thấy người lớn thường phải bận rộn, người lớn rồi thì không còn nhiều thời gian, người lớn thường to tiếng với nhau, làm tổn thương nhau.
Làm người lớn có vất vả lắm không chị ? Em thấy cha mẹ phải làm nhiều thứ vất vả lắm để lo cho em, cho em ăn cơm, cho em uống sữa, cho em đi học cùng các bạn nữa, và hình như cha mẹ muốn em phải giỏi, phải ngoan, phải biết nghe lời thì người lớn mới thương được.
Tôi muốn ôm đứa bé ấy bởi biết rồi hành trình sau này lớn lên em sẽ phải đối diện với nhiều tổn thương khác nữa. Đối diện với những lời phán xét, chỉ trích, so sánh, tiêu chuẩn từ xã hội, áp lực từ cha mẹ.
Nhưng mà em cũng đừng giận cha mẹ nhé, họ rất thương em, đó là điều chị có thể chắc chắn và khẳng định với em, họ không cố tình làm em tổn thương đâu. Hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn làm hết sức những gì có thể cũng chỉ mong mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Nhưng cha mẹ cũng chỉ là một con người bình thường thôi, họ cũng không thể tránh khỏi việc hành xử như trước giờ họ được dạy.
Có thể họ cũng lớn lên như thế, cũng không có ai nói cho họ biết về những tổn thương. Họ cũng từng là 1 em bé, em bé ấy cũng đã phải chịu những tổn thương từ ông bà. Em bé đó cũng từng sống trong gia đình còn quá nhiều thiếu thốn, chỉ lo đủ cái ăn cái mặc. Vì gia đình có quá nhiều anh chị, em bé đó cũng không được học đến hết cấp 3, chỉ mới học để có thể đọc và viết được những chữ cơ bản. Em bé cũng phải chịu những sự so sánh, đánh giá, sức ép, tổn thương mà cuộc sống mang lại và em cũng không biết chia sẻ với ai hết.
Em bé đó cũng lớn lên mà không nhận ra bên trong mình đang có những tổn thương và cần được chữa lành. Rồi khi ở đội tuổi đôi mươi em bé đó bước vào mối quan hệ hôn nhân và cũng sắp được làm cha và mẹ. Họ chỉ việc sinh ra đứa trẻ và nuôi nấng nó giống như cách trước giờ cha mẹ họ vẫn làm. Điều gì họ không muốn thì sẽ cấm cản không cho đứa trẻ làm, còn điều gì được xã hội tung hô, được đám đông đề cao thì họ sẽ hướng đứa trẻ đến giá trị đó. Họ tin rằng chỉ cần xuất phát từ tình yêu thôi, rồi mọi thứ sẽ ổn. Mà không biết rằng những hành động xuất phát từ tình yêu thương đó lại vô tình làm cho người khác tổn thương.
Vậy nên mong em hãy hiểu cho họ.
Và giờ chị đã lớn rồi, chị sẽ bảo vệ em, sẽ không để em tổn thương nữa, sẽ không để những nhận xét đánh giá bên ngoài làm em buồn thêm nữa.
Chị luôn ở đây. Chị sẽ không còn yếu đuối nữa. Chị sẽ bảo vệ em.
Hãy tin tưởng chị.
.
Khi kể lại câu chuyện tôi cho mình cơ hội để nhìn nhận lại quá khứ với góc nhìn khác. Tôi nhận ra rằng những sự kiện trong quá khứ lại có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hiện tại như vậy. Trải nghiệm này dẫn đến trải nghiệm khác, hiểu rằng một sự kiện xảy ra và nhận thấy những tác động mà nó đem lại.
Nếu muốn hiểu hiện tại ta phải nhìn vào quá khứ, nhìn vào quãng thời gian đầu đời của một đứa trẻ, từ lúc chúng mới lọt lòng đến khi lên 5-6 tuổi, khi những nhận thức được rõ hơn. Những sự kiện xảy ra với con đều sẽ để lại những ấn tượng sâu sắc cho sự phát triển sau này, ảnh hưởng đến cách đứa trẻ nhìn nhận bản thân và cả những người xung quanh. Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu hình thành niềm tin cá nhân, quan điểm riêng của mình về thế giới xung quanh.
Mỗi chúng ta đều sẽ có quan điểm, góc nhìn khác nhau về thế giới này, tất cả đều phụ thuộc vào những trải nghiệm đầu đời của từng người. Tuổi thơ giải thích rất nhiều cho những khó khăn, cách hành xử, những xu hướng trong hành vi, đời sống tinh thần mà chúng ta đang đối diện, bất cứ điều gì xảy ra đều sẽ để lại dấu vết và nó sẽ được biểu hiện thông qua hình hài của một người trưởng thành.
Trước kia khi hồi tưởng lại những sự việc trong quá khứ tôi thấy nó là những sự kiện rời rạc, dường như không có sự liên hệ, nhưng rồi tôi luôn cố tìm cách để xua đuổi những kí ức đó đi, luôn tìm cách để trốn chạy bởi với tôi kí ức đó chẳng vui vẻ gì.
Đổ lỗi cho người khác vì như thế thì mỗi lần tôi thấy khó chịu là có thể dễ dàng trút giận lên họ, không muốn chịu trách nhiệm cho cảm xúc của chính mình.
Nhưng giờ đây khi có khả năng nhìn lại cuộc đời mình, nhìn lại những sự kiện trong quá khứ với một thái độ từ bi hơn, từ bi với chính mình, không còn tự vô địch mình nữa, nhìn nhận một cách khách quan chứ không còn để cảm xúc chi phối nữa. Đó là lúc tôi đã có thể lấy được chính mình, đã bước vào quá trình tự chữa lành.
Tâm trí chúng ta mỗi ngày đều có rất nhiều những câu chuyện, tâm trí sẽ không phân biệt được đâu là câu chuyện vui, đâu là câu chuyện buồn. Và mỗi một câu chuyện đều sẽ liên tục truyền đến mình những nguồn năng lượng. Nếu để ý sẽ thấy rằng thông thường những câu chuyện về hành trình vượt qua khó khăn mang đến cho mình nguồn năng lượng tích cực, thấy bản thân được truyền cảm hứng, thấy được hy vọng. Còn những câu chuyện về sự tổn thương, mất mát luôn mang đến nguồn năng lượng trầm buồn, sự tiếc nuối hay giá như.
Vậy nên giờ đây mỗi khi gặp phải một vấn đề nào đó trong cuộc sống, tôi luôn tự hỏi: Mình đang kể câu chuyện nào về cuộc đời mình ?
Tôi có quyền chọn câu chuyện của mình, thay vì chọn một kịch bản với kết cục đã được định sẵn, tôi lựa chọn tự viết lại kết cục cho cuộc đời mình, mà không còn bị phụ thuộc bởi quá khứ. Có lẽ vẫn luôn thích những vở kịch với một kết thúc có hậu.
Trong bất kì một câu chuyện nào được kể sẽ có rất nhiều vai trò trong đó: có thể mình là nhân vật chính, mình có thể là anh hùng hoặc mình có thể là nhân vật phụ, mình có thể là nạn nhân, hay có khi sẽ là kẻ phản diện. Đôi lúc mình sẽ được chọn vai trò nhưng đôi lúc lại không. Điều này có nghĩa là, sẽ có lúc mình là nhân vật phụ, mình sẽ là người làm nền trong câu chuyện của một ai đó kể. Chỉ khi mình tự viết lại câu chuyện cuộc đời mình, đó là lúc mình hoàn toàn lựa chọn vai trò nhân vật chính, mình được là anh hùng trong câu chuyện của chính mình.
Tôi thường xuyên chủ động hoài niệm, đưa mình về những khoảng thời gian trong quá khứ, đó là lúc tôi bắt đầu sắp xếp và biến những kí ức mơ hồ thành những câu chuyện.
Nhiều lần nhìn thấy những người xung quanh mình phải sống trong sự dằn vặt bởi quá khứ tổn thương đem lại mà chưa có được cơ hội để chữa lành, rồi cũng đôi lần chứng kiến một vài người quen, một vài người bạn của mình đã qua đời, có những người tuổi đời vẫn còn rất trẻ, họ không còn cơ hội để có mặt trên cuộc đời này nữa. Từ đó tôi dành sự biết ơn nhiều hơn, biết ơn vì những người thân và chính mình vẫn đang còn hiện diện.
Sự hoài niệm giúp tôi thấy được những hành xử của mình trong quá khứ, sự hiện diện của mình ở hiện tại, và một niềm tin vào tương lai sẽ còn được tiếp nối.
.
.
.