Ngày bé làm nhiều cách, vâng lời để được làm một đứa trẻ ngoan, để có được tình yêu thương từ người lớn. Được dạy cách vâng lời cha mẹ, nghe lời thầy cô, học thật giỏi, yêu thương những người xung quanh, giúp đỡ bạn bè, mà không được dạy cách yêu mình, không được dạy lắng nghe trái tim, tiếng nói bên trong.
Vì bằng một cách hiểu nào đó, thì sống chỉ nghĩ cho mình, sống vì mình là một điều ích kỉ.
Chưa biết cách yêu mình, sống vì mình.
.
Lớn chút, loáng thoáng đã biết cách chăm sóc mình nhưng vẫn còn muốn đi cùng đám đông, để ý rất nhiều đến cái nhìn của những người xung quanh, muốn được giống người khác, muốn đem cái sở thích của người về làm của mình, muốn những điều người khác muốn, làm những điều người khác đang làm, ai sống sao thì mình sống y vậy.
Muốn được lẫn vào đám đông, và chưa dám sống thật với chính mình vì rất sợ đám đông bỏ lại, sợ phải đứng một mình, bởi một mình là phải đối diện với cô đơn, cô đơn là một điều vô cùng đáng sợ, thà lẫn vào đám đông, còn hơn đứng một mình mới là điều nghiệt ngã nhất.
Đã biết cách yêu mình nhưng vẫn chưa dám lựa chọn yêu mình, sống vì mình.
.
Hiện tại, đâu đó đã biết cách trân trọng và hài lòng với những gì mình có được.
Hiểu được chính mình, ở được với mình, thương được mình, biết cách truyền thông và kết nối bằng tình yêu thương, hiểu về cảm xúc, quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ vật lý và cả sức khoẻ tinh thần.
Không phê phán hay chỉ trích đám đông, chỉ là đã mạnh dạn bước lùi ra sau, chủ động tách mình ra, không muốn hoà vào đám đông nữa.
Học cách chấp nhận bản thân, kể cả những yếu kém của chính mình, chấp nhận những điều bất như ý, để rồi cũng dễ chấp nhận những vụng về và sai phạm ở người khác. Biết vui cho niềm vui của người khác, thấy một người mỉm cười, chính mình cũng cảm nhận được niềm vui từ nụ cười đó. Thấy một người vững vàng đi qua thăng trầm biến cố, biết dành tình yêu thương và sự ngưỡng mộ vì sức mạnh và nguồn nội lực ấy.
Thấy một người điềm tĩnh, bình an đi qua mỗi ngày, lòng cũng chợt hỏi, không biết họ đã thực tập những gì, trải qua những sự kiện cuộc đời ra sao. Ở họ có đủ từ bi nhưng không dễ dãi, họ có những ranh giới riêng và đồng thời cũng tôn trọng ranh giới của người khác. Họ không phán xét, không ràng buộc, không bắt người khác làm theo ý của mình, cũng không áp đặt hệ giá trị bản thân lên người khác. Họ tạo ra được một không gian an toàn vừa đủ để người đối diện có thể cảm nhận được. Họ chấp nhận mọi sự khác biệt nơi người khác, họ chấp nhận bản thân họ là một con người bình thường và hoàn toàn có quyền được phạm sai lầm. Họ là người hiểu rất rõ những điều mà người đối diện đang trải qua, vì chính họ đã từng như thế.
Mong muốn tìm về những điều bình dị, giản đơn, mà ngày trước từng vội vã rồi cũng bỏ qua.
Bắt đầu để ý hơn đến những thứ xung quanh, để ý cách mình sống và đi qua mỗi ngày, cách mình ăn, uống, ngủ, nghỉ, đi đứng, nói chuyện. Cách mình tương tác, kết nối với những người xung quanh. Cách một cảm xúc, suy nghĩ khởi lên bên trong mình.
Để ý đến con đường mỗi ngày vẫn đi qua, để ý người kế bên khi dừng xe chờ đèn đỏ, để ý con đường mỗi cuối tuần về quê, để ý sợi tóc bạc vừa mới mọc thêm của cha mẹ, để ý cái chân cha hôm nay đi chậm hơn ngày thường, để ý tay mẹ run nhiều hơn khi cầm vật nặng, để ý âm lượng cha nghe nhạc ngày càng lớn hơn, để ý trên mâm cơm hôm nay mẹ ăn ít hơn mọi ngày, để ý có những tối cha còn lục tìm viên thuốc ngủ để uống.
Để ý những câu chuyện hằng ngày của bạn bè bắt đầu có sự chiêm nghiệm nhiều hơn, thế nên câu chuyện buồn, sự trầm lắng cũng nhiều hơn những câu chuyện vui (tất nhiên vẫn có đôi lúc là những nụ cười rôm rả).
Để ý vì đã biết sống chậm lại. Chậm lại nên mắt cũng nhìn mọi thứ được rõ hơn, chứ không còn lướt nhanh như ngày trước.
(Mình) đã tìm thấy (mình).
(Mình) mà đã từng bị bỏ quên bởi những thăng trầm cuộc đời.
(Mình) mà đã từng bị che lắp bởi những so sánh, đố kị, tham lam, mong cầu, chiếm hữu.
(Mình) mà không còn bận tâm thế giới ngoài kia nói gì về mình.
Gần tuổi 30 đã chọn sống vì mình.
.
.
.
.
.
.