Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
Hành trình đọc sách và những chiêm nghiệm

Hành trình đọc sách và những chiêm nghiệm

Posted on 21/09/202320/10/2023 by admin

Ngày nay, mạng xã hội càng phát triển thì con người lại càng có xu hướng bất an nhiều hơn. Bởi có quá nhiều thông tin được cập nhật liên tục mỗi giây mỗi phút, từ khắp nơi trên thế giới và trên rất nhiều những nền tảng khác nhau.

Và những con người hiện đại ngày nay đều đang bận rộn để lướt mạng xã hội, đọc tin tức, đọc chuyện phiếm và nắm bắt xu hướng, drama, trào lưu, trending….v.v. Và nếu không biết cách sàng lọc thông tin một cách hợp lý (tin rác, thông tin tiêu cực, không đúng sự thật), tất yếu chúng ta sẽ trở nên bất an, tâm hồn và tinh thần ngày càng nhạy cảm và sợ sệt.

Khi lượng thông tin quá nhiều, và để bắt kịp thời đại, không muốn trở nên lạc hậu, không muốn bị bỏ lại, chúng ta dần hình thành nên thói quen “Đọc lướt”, vì thế số lượng đọc có thể ngày càng tăng nhưng chất lượng đọc thì không còn được đảm bảo nữa.

Trong thời đại ngày nay, liệu còn có bao nhiêu người thực sự sẵn sàng dành thời gian và công sức để đọc một cuốn sách?

Có những người tìm đến sách để tăng thêm hiểu biết, có thêm kiến thức, nên sẽ chọn những cuốn sách có chiều sâu và triết lý cao.

Cũng có những người tìm đến sách để tìm kiếm sự tĩnh lặng, thanh thản trong tâm hồn. Họ thích những nhịp điệu chậm rãi từ những trang sách, nó mang lại cho họ sự nhẫn nại và sẵn sàng bước vào hành trình chinh phục và thưởng thức hương vị của nó.

Người đọc sách hay không đọc sách, người đọc ít sách hay đọc nhiều sách rồi thì cũng vẫn sẽ sống một cuộc đời bình thường giống như bao người khác. Vậy nên mỗi người là một thế giới sắc màu khác nhau. Không cần phải bó hẹp trong bất kì một giới hạn nào.

Hành trình tôi tìm đến sách cũng mang lại cho tôi nhiều kiến thức, bài học, triết lý và cả những chiêm nghiệm tôi rút ra được trong quá trình đọc sách của mình.

01.

Không phải lúc nào sách cũng đúng

Trước đây khi còn chưa có thói quen đọc nhiều sách, tôi dễ dàng tin và thần tượng với những tác giả mà tôi biết được, từ đó tôi cũng dễ hình thành niềm tin rằng sách luôn luôn đúng. Sách là chân lý.

Nhớ lại ngày xưa, khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã từng đặt ra rất nhiều câu hỏi cho thầy cô, và với một góc nhìn chưa đủ chiều sâu, chưa có sự tư duy đúng đắn. Để rồi tôi cho rằng thầy cô là đại diện cho quyển bách khoa toàn thư, nên họ luôn luôn đúng.

Nhưng từ khi đọc sách nhiều hơn, rèn luyện tư duy đa chiều, tôi thấy rằng sách giáo khoa cũng là sách thôi. Vậy nên đừng quá dễ dàng đặt niềm tin tuyệt đối vào những quyển sách nữa.

Sách được viết từ một cá nhân hay một nhóm người nào đó. Mà mỗi tác giả sẽ có những thế giới quan, góc nhìn, trải nghiệm cá nhân riêng biệt. Thêm vào đó, không phải tác giả nào cũng có sự sâu sắc trong cuộc sống hay những góc nhìn đáng để ta nghe theo, thậm chí là có thể họ viết rất giỏi nhưng thực tế thì lại không làm được.

Vậy nên đọc sách là tốt, nhưng cũng cần có một tư duy đúng đắn và phù hợp trong việc chọn lọc sách để đọc.

02.

Một người đọc sách sẽ có tất cả những điểm mạnh và yếu như bao người khác

Bản thân tôi thường được gán là người nhiều chữ, nhưng nhiều chữ thì tôi cũng cần phải trải nghiệm, cũng phải tiếp tục tiến về phía trước, hay thậm chí có đôi khi tôi cũng cần phải dừng lại và quan sát để có sự nhận diện xem sự chuyển động của bản thân của lúc trước so với bây giờ là như thế nào, thông qua quá trình đọc và chiêm nghiệm của mình.

Đọc sách với tôi chỉ là một trong rất nhiều sở thích khác nhau. Cần làm rõ, đọc sách chỉ đơn thuần là sở thích và bước đầu tiên trong quá trình hình thành sự sâu sắc ở mỗi người.

Nên từ khi có thói quen đọc sách, tôi thường được gắn với những người trầm tính, hướng nội, yên tĩnh, yêu văn chương, thơ ca, tâm hồn lãng mạn bay bổng. Nhưng điều này không đồng nghĩa là tôi hoàn toàn không gặp khó khăn hay bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống.

Ví dụ như đọc sách giúp tôi học cách để kiểm soát và cân bằng cảm xúc của chính mình, nhưng thực tế thì lúc nào cũng khắc nghiệt và không lường hết được, nên vẫn có đôi khi tôi cũng phải trăn trở và gặp nhiều khó khăn. Và luôn tự nhắc nhở bản thân phải liên tục rèn luyện mỗi ngày.

03.

Nên đọc thể loại fiction hay non-fiction?

Fiction: Hư cấu

Sách fiction mang lại cho tôi nhiều cơ hội để trải nghiệm, mở ra những góc nhìn khác nhau về thế giới thông qua các nhân vật được tác giả xây dựng.

Thông thường sách fiction được viết theo quan điểm cá nhân. Những bài học được lồng ghép vào những câu chuyện, lát cắt từ đời sống chân thực, thông qua những nhân vật để truyền tải đến đọc giả một thông điệp giá trị và ý nghĩa nào đó. Thông qua từng câu chuyện, diễn biến tâm lý từng nhân vật, mang lại cho tôi nhiều cảm xúc và sự đồng cảm sâu sắc.

Khi đắm mình vào những nhân vật, hiểu được những khó khăn, những suy nghĩ, nỗi niềm của họ. Đôi khi là những ước mơ, đam mê chưa có cơ hội được thành hình, hy vọng rồi lại thất vọng, có cả sự phẫn nộ, căm phẫn. Tôi thấy trái tim mình thổn thức, như thể trải qua đầy đủ những khung bậc cảm xúc của nhân vật. Từ đó có được sự đồng cảm, thấu hiểu, tình yêu thương từ những nhịp đập của trái tim.

Hiểu rằng những khoảnh khắc của sự yêu thương đôi khi đến từ những điểu bình dị giản đơn nhất trong cuộc sống. Sống biết đủ là hạnh phúc mỗi ngày, chỉ lấy những gì mình cần và biết cho đi những gì còn lại.

Nếu muốn cảm nhận cái đẹp, thiên nhiên, con người, muốn đồng cảm với tất cả mọi tôn giáo, màu da, giới tính, thì fiction sẽ giúp ta cảm nhận và tương tác với thế giới một cách gián tiếp nhưng nhẹ nhàng hướng đến tâm hồn bên trong của mỗi người.

Non-Fiction: Phi hư cấu

Còn non-fiction giúp ta tiếp cận với cuộc sống một cách trực tiếp, rõ ràng, cụ thể, đo đếm được. Vậy nên nó mang lại cho tôi những thông tin chi tiết và khối lượng kiến thức sâu về một lĩnh vực cụ thể nào đó mà tôi muốn tìm hiểu.

Non-fiction sẽ được viết dưới dạng những số liệu thống kê, chi tiết và cụ thể, dựa trên những lập luận dẫn chứng cụ thể. Thường được viết bởi các nhà khoa học, triết gia, nên đôi khi kiến thức sẽ có phần hơi khô khan, khó tiếp thu. Nên một số người sẽ không cảm thấy thoải mái khi đọc thể loại này.

Vậy nên đọc thể loại fiction hay non-fiction?

Những khi cảm thấy áp lực, tâm trạng có nhiều lo lắng, tôi sẽ chọn một quyển sách lãng mạn, đôi khi sẽ là một quyển tiểu thuyết nhẹ nhàng, đọc để hiểu rõ bản thân hơn, có được sự dũng cảm để sống vì chính mình, không quá quan tâm tới những đánh giá từ những người xung quanh.

Rồi khi tôi cần học thêm hay nghiên cứu thêm về một vấn đề nào đó, tôi sẽ chọn đọc sách non-fiction để hiểu rõ hơn về những hành động suy nghĩ của mình, tại sao mình lại làm điều này, một phần vô thức trong tôi đã được điều khiển và hành động ra sao.

Nếu chỉ đọc sách non-fiction sẽ cho tôi nhiều lợi ích, kiến thức về khoa học được chứng minh từ nhiều nghiên cứu khác nhau. Nhưng nó lại không tạo được cảm xúc và nguồn cảm hứng để bắt tay vào hành động. Ngược lại một cuốn sách fiction đem lại cho tôi động lực để thực hiện hóa việc đó.

Mỗi thể loại để có giá trị riêng, phục vụ cho những nhu cầu khác nhau trong từng thời điểm cụ thể. Vậy nên, tuỳ vào thời điểm, nhu cầu, trải nghiệm sống, tôi sẽ có những lựa chọn sách hoàn toàn khác nhau.

Thế giới sách rất bao la, nó đủ để khơi gợi lại sự tò mò, cho ta những trải nghiệm và hiểu biết mới. Và fiction hay non-fiction chỉ đơn giản là những cách tiếp nhận cuộc sống khác nhau. Không có ai đúng ai sai mà đó sự hợp lý và xu hướng mỗi người theo đuổi mà thôi.

04.

Có được những chiêm nghiệm sâu sắc

Đôi khi đã đọc qua nhiều quyển sách, của nhiều tác giả khác nhau, nhưng sao ta lại chỉ thích một vài tác giả nào đó. Thấy câu văn tác giả viết ra sao hay quá, sao đúng ý mình quá, sao gãi đúng chỗ cần quá.

Có khi trước đây đã đọc qua đọc lại nhiều lần, không thấy hiểu, dĩ nhiên là cũng chẳng thấy hay. Nhưng nay bỗng dưng đọc lại, thấy cả cuộc đời mình như thay đổi, như ngộ ra được nhiều điều. Thấy bản thân chợt bừng tỉnh, như thấy được ánh bình minh sau một đêm dài đằng đẵng, thấy nó sâu sắc và triết lý làm sao. Đâu phải sách đem lại điều gì mới mẻ (tại vì trước đây mình đã từng đọc qua rồi).

Vậy tại vì đâu?

Là tại vì chính mình đã có sẵn nó trong tiềm thức rồi, sự hiểu biết đã có sẵn nơi lòng ta.

Như câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nếu nói theo khoa học thì gọi là hiện tượng cộng hưởng, về tần số các nguồn năng lượng, là việc hội tụ hay tan rã theo sự thích ứng giữa các tần số năng lượng phát ra từ mọi cá thể.

Nói theo tâm linh thì gọi là đủ duyên. Khi tâm ta đủ sự bình an và vững chải thì những nhân duyên tương ứng sẽ tự động kết nối và tạo ra những nhân duyên lành.

Là vì mình với tác giả có chỗ tương đồng với nhau, nên mới nghe hợp lời tác giả nói. Chẳng qua là trước đây, ta chưa có cơ hội, hoặc chưa đủ trải nghiệm, để có thể hiểu và đồng cảm được. Nay khi mọi thứ đủ duyên, nên nó hiển hiện ra bên ngoài.

Giống như hoa cần đủ ngày, đủ tháng, đủ dinh dưỡng, đủ sức sống thì khi đến thời điểm thích hợp, gặp thời tiết thuận lợi sẽ đơm bông khoe sắc.

Như câu: “Nhân duyên đầy đủ thì sự vật biểu hiện”. Ta cần biết rằng mọi việc đến với cuộc đời ta thì cần phải hội tụ đầy đủ hàng triệu nhân duyên, nếu chỉ thiếu một nhân duyên thì việc đó cũng sẽ không xảy ra được. Mọi thứ đều do nhân duyên mà phát sinh, không có gì có thể tự nó sinh ra và mất đi. Câu nói ấy tôi đã được nghe rất nhiều lần, nhưng vẫn thấy không hiểu. Nhưng lần này có điểu gì đó đang hiển hiện ngày càng rõ ràng và sáng tỏ hơn trong tôi.

Khi có đủ sự chiêm nghiệm và quán sát chính mình, tôi hiểu rõ hơn về cảm xúc, sự bất mãn, những điều bất như ý đến từ cuộc sống không hoàn hảo.

Tôi thích đọc sách giấy hơn là sách điện tử, vì tôi thích cái cảm giác cầm sách giấy trên tay, nó đem đến cho tôi một chút nét truyền thống nào đó và cả sự chân thực. Việc đọc nhiều và thường xuyên giúp tôi thành thạo hơn kỹ năng đọc, nhanh chóng cải thiện khả năng lý giải và năng lực tư duy của mình.

Ngày xưa, tôi thấy bản thân khá hời hợt, không có khả năng quan sát tốt, nhưng giờ đây tôi rèn luyện được cho mình sự nhạy bén và quan sát môi trường xung quanh. Tôi bắt đầu quan sát mọi thứ, liên kết, phân tích những người và sự việc xung quanh tôi.

Đọc sách nhiều giúp tôi cải thiện khả năng viết của bản thân. Không phải ai sinh ra cũng là mang sẵn một tài năng viết, chỉ cần đặt bút xuống là tuôn ra được muôn vàn những lời hay ý đẹp. Mà chúng ta cần trải ra quá trình rèn luyện chăm chỉ tích luỹ kiến thức, trao dồi kỹ năng và tư duy viết thì mới mong có ngày tiến bộ được. Và sách chính là nguồn input mà tôi cập nhật mỗi ngày.

05.

Làm sao để giữ lại những gì mình đã đọc ở sách?

Nhiều người hay bảo, họ cũng đọc sách mỗi ngày, nhưng khi đọc xong rồi thì kiến thức chẳng còn đọng lại bao nhiêu.

Nhưng cá nhân tôi cho rằng, trước hết đừng quá đặt nặng vấn đề phải nhớ hết được tất cả kiến thức trong sách, mà chỉ cần xác định rõ mục đích cơ bản của việc đọc là giúp mình thấu hiểu thế giới, hiểu rõ chính mình là được.

Giống như thân cây liên tục được tưới nước mỗi ngày, có thể ta sẽ không nhận ra được giá trị của nước có đem lại dinh dưỡng cho cây nhiều hay không, nhưng điều ta thấy rõ nhất chính là thân cây đang được gột rửa và sáng bóng mỗi ngày.

Cũng như ta vẫn ăn và tiêu thụ thức ăn hằng ngày, mà giờ nếu hỏi 1 tháng trước mình đã ăn những gì, chắc chắn sẽ khó mà nhớ hết được. Nhưng ta biết một điều là những thứ thức ăn đó đã trở thành dinh dưỡng ngấm vào xương, vào thịt, vào từng thớ cơ, thành một phần cơ thể của ta. Đọc sách cũng như chuyện ăn mỗi ngày, ăn là cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, còn đọc sách là cung cấp dưỡng chất cho tinh thần.

Giờ đây mỗi khi có bạn bè đến thăm nhà tôi, đều sẽ thấy luôn có một giá sách đặt trên kệ góc tường, nó dường như đã trở thành một vật trang trí trong nhà, và tất nhiên tôi đã đọc gần hết số sách trên những giá sách đó.

Năm tháng trôi qua bản thân tôi cũng đã đọc rất nhiều sách như thế và tôi cũng đâu thể nhớ được hết toàn bộ những gì mình đã đọc.

Nhưng tôi biết một điều rằng, những kiến thức ấy không mất đi, mà chúng chỉ ở lại trong tiềm thức của tôi mà thôi. Chính những thứ vô hình này sẽ giữ cho tâm trí tôi có đủ sự sáng suốt để nhìn nhận về cuộc sống và thế gian này, đã để lại dấu ấn hình thành nên tính cách, trong lời ăn tiếng nói, trong tâm tưởng, trong đời sống và trong câu chữ của tôi.

Như sông vẫn không ngừng chảy mỗi ngày, sẽ cuốn đi những gì nó mang theo. Nhưng những thứ còn sót lại sẽ là lớp khoáng sản, trầm tích sẽ lắng sâu xuống mảnh đất mà nó đã đi qua.

Như nhà văn Tam Mao cũng từng viết: “Người đọc nhiều sách thì tự dưng ngoại hình cũng sẽ thay đổi. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng những cuốn sách đã đọc ấy giống như nước chảy mây trôi. Nhưng hóa ra nó vẫn luôn ẩn giấu ở trong mình.”

Như SI Hayakawa từng nói: “Không phải chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống; nếu chúng ta có thể đọc, chúng ta có thể sống bao nhiêu cuộc đời nữa và bao nhiêu loại cuộc sống mà chúng ta muốn.”

Cũng như câu sống gần gũi với các bậc tri thức thì cũng như đi trong sương, tuy áo không ướt nhưng cũng có nhuần thấm.

Hãy dành cho bản thân một chút thời gian để tĩnh tâm đọc sách.

Hãy bước chân vào hành trình khám phá một quyển sách nào đó.

Và chỉ khi ta thực sự trải nghiệm thì nó mới trở thành kinh nghiệm và cuộc đời của ta.

Nó sẽ nuôi dưỡng và thay đổi con người ta từng chút một.

. . .

,

,

,

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.