Ngày bé trong những lần về quê nội, có mấy buổi đêm, nội hay gom một đống lá khô để đốt trước nhà, nội bảo là un lá khô như thế giúp đuổi muỗi và xua được côn trùng.
Rồi cứ thế ngồi xem người lớn đốt từng đống lá, có khi ngồi ngủ ngay trong lòng bà, cái hương thơm bạch đàn vẫn thoang thoảng trong gió cùng cái sự ấm áp và yên bình.
Ngày ấy, chỉ biết là người ta trồng bạch đàn để lấy gỗ làm nhà, làm cột, sau này lớn chút mới biết trong lá cây, đặc biệt trong cây bạch đàn có chứa tinh dầu dùng để chữa bệnh, và tốt cho sức khoẻ tinh thần. Đó là lý do mà cứ mỗi lần có dịp về quê, trên đường ngang qua những cánh đồng, nghe được mùi khói từ lá bạch đàn, lại cảm nhận được sự quen thuộc và dễ chịu.
Tôi không phải nhà nghiên cứu hay nhà thực vật học để có thể nói thao thao về đặc điểm hay giá trị của từng loài mang lại cho thiên nhiên và con người, tôi chỉ biết tự nhiên luôn có quy luật và cách tự vận hành của chính nó.
Cũng biết với lối sống hiện đại ngày nay, con người đã khai thác và tàn phá tự nhiên như thế nào, và cũng thật kì diệu bằng một cách nào đó tự nhiên cũng có cách tự chữa lành cho chính nó. Nhưng nói thế không có nghĩa là ủng hộ việc con người tiếp tục tàn phá thiên nhiên, những mảng xanh này, rồi cứ lấy lý do là tự nhiên sẽ tự chữa lành.
Tự thấy chính mình không đủ sức ảnh hưởng, hô hào, hay kêu gọi tất cả mọi người đừng tàn phá môi trường và tự nhiên nữa, chỉ có thể tự bản thân ý thức làm những điều mình có thể.
Ngày bé được dạy và kể cả bây giờ khi đi ngoài đường vẫn thấy nhan nhãn những khẩu hiệu, như hãy bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Nhưng thật ra trái đất, thiên nhiên, vũ trụ này đâu cần con người bảo vệ, điều con người cần là sự tôn trọng và giữ gìn tự nhiên.
Mỗi người một ý thức, những điều nhỏ bé cộng lại là góp phần giữ gìn được thiên nhiên rồi. Mỗi cá nhân làm tốt sẽ tạo nên một tổng thể lớn mạnh, mỗi điều nhỏ bé gom góp lại sẽ tạo nên những điều lớn lao vĩ đại.
Một cánh rừng luôn được tạo thành từ những mầm cây. Cũng như một mầm cây không thể tự tạo nên một cánh rừng, mà nó đòi hỏi sự đồng lòng chung tay góp sức.
Tôi cũng đã từng trải nghiệm cảm giác đi xuyên qua những cánh rừng. Và lần nào cũng vậy, khi ở giữa rừng, mỗi một lần hít thở như được gom trọn sự mát lành tinh khiết vào người, mặc dù là buổi trưa nắng gắt, người thì ướt đẫm mồ hôi, nhưng vẫn cảm nhận cái sự mát lạnh và dễ chịu dưới những tán rừng.
Thi thoảng trong những ngày mệt nhoài, tôi đã ngủ mơ và thấy được quay về là đứa trẻ ngày ấy, được ngồi trước đống lửa đốt bằng lá bạch đàn, cái mùi khói từ lá cây bạch đàn mang theo hương thơm kì lạ, nó đã ăn sâu vào ký ức một đứa trẻ, để giờ đây cứ mỗi khi nghe mùi tinh dầu từ lá bạch đàn, thì ký ức đó lại trở nên sống động trong tôi.
Không ngẫu nhiên mà mỗi khi mệt mỏi vì những vấn đề, những mối quan hệ, những hành xử trong cuộc sống, lại muốn tìm về những điều quen thuộc, bởi nó cho tôi cảm giác bình yên, thân quen, để tôi có nơi tìm về, nương tựa, được ôm ấp, được xoa dịu, được chữa lành, làm điểm tựa để có thể vững vàng bước tiếp.
.
.
.
.
.