Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, mạng xã hội như hiện nay, con người không ngừng trao đổi và kết nối với nhau mỗi ngày. Và người hướng nội được xem là đang tách biệt với dòng đời.
Thuật ngữ hướng nội (introversion) được phổ biến đầu tiên bởi nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Jung vào năm 1921. Theo quan điểm của Jung, người hướng nội là những người lấy năng lượng bằng việc ở một mình. Mọi cảm xúc tích cực và tiêu cực đối với người hướng nội được phóng đại lên nhiều lần khi phải tiếp xúc với những yếu tố từ bên ngoài như: môi trường ồn ào, quá nhiều người lạ và đó là nguồn gốc sinh học của tính cách rụt rè, cẩn trọng, thích yên tĩnh đặc trưng.
Những trào lưu , trend dường như đều không hấp dẫn được họ. Họ không muốn làm trung tâm của sự chú ý, những ánh đèn hào quang dường như không dành cho họ.
Hướng nội luôn được gắn mắc là rụt rè nhút nhát. Nhưng ẩn sâu bên trong họ chỉ đơn giản là họ cần được bình yên trong thế giới riêng của họ. Họ cần một sự tĩnh lặng. Họ không muốn cuộc đời họ trở nên phức tạp và hỗn loạn thêm nữa.
Họ tự xây dựng cho bản thân nguồn sức mạnh nội tại, họ bình thản trong thế giới đầy sự phức tạp và ồn ào. Họ cơ bản là những người yêu thích cái đẹp và những điều giản dị. Không ồn ào, tấp nập, trong tâm hồn họ như áng mây nhẹ trôi giữa dòng đời. Họ cô đơn nhưng không hề cô độc.
……
Một người hướng nội thường được gắn với rất nhiều những khuyết điểm, rụt rè, nhút nhát, không dám thể hiện bản thân, dễ bị cô lập, thiếu quyết đoán, dễ suy nghĩ nhiều. Nhưng khi những người hướng nội có thể làm chủ được sự nhạy cảm và rụt rè của chính mình, thì họ lại là những cá nhân tuyệt vời.
Đừng xem hướng nội là khiếm khuyết, là một điểm yếu hay là một điều gì bất lợi.
Thay vào đó ta chỉ cần thay đổi góc nhìn, là có thể phát hiện ra rằng , hoá ra bấy lâu nay những điều mà ta cho là điểm yếu lại chính là những thế mạnh tiềm năng vô cùng giá trị.
Ta có thể không quá hoạt ngôn, không giỏi giao lưu như những người hướng ngoại. Nhưng đổi lại ta có được sự chú tâm, khả năng lắng nghe và kết nối sâu sắc hơn.
Bên trong ta chứa đựng một sự nhạy cảm và tâm hồn đầy tổn thương, chính vì thế mà ta có thể dễ dàng thấu hiểu được người khác. Bởi ta cũng đã từng trải qua những đau đớn giống như họ.
Và cũng với một sự nhạy cảm từ bên trong ta sỡ hữu một tâm hồn bay bổng, phóng khoáng, ta yêu thích và đề cao sự tự do. Một đoạn văn hay cũng làm cho ta xúc động tận tâm hồn. Một khúc nhạc buồn cũng khiến ta trở nên trầm lắng.
Sự nhạy cảm là thứ khiến người hướng nội có vẻ mỏng manh, yếu đuối hơn người người khác. Nhưng khi ta học được cách làm chủ cảm xúc của mình, thì nhạy cảm chính là nền tảng của lòng cảm thông, và khả năng thấu hiểu đặc biệt của người hướng nội. Khả năng này giúp người hướng nội có khả năng kết nối sâu hơn với người khác.
Người hướng nội ít bị ảnh hưởng bởi đam mê tiền bạc, danh vọng…họ dễ dàng nhìn thấy bản chất của vấn đề, cũng như những nguy cơ dài hạn. Vì vậy chỉ cần người hướng nội có niềm tin vào một tầm nhìn nào đó, họ sẽ có sự kiên định và dũng cảm hơn bất kì ai khác trong việc đấu tranh để biến tầm nhìn đó trở thành sự thực.
…
Bởi mới nói, mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt, không ai là toàn vẹn, không ai quá hoàn hảo, cũng chẳng ai yếu kém. Chúng ta đều sở hữu cho riêng mình những điểm mạnh- yếu, tốt- xấu khác nhau. Sự khác biệt duy nhất là nằm ở điểm nhìn.
Khi chúng ta cứ so sánh những thứ không cùng hệ quy chiếu, có nghĩa là luôn đối chiếu bản thân với một khuôn khổ hoàn hảo nào đó, thì chúng ta sẽ mãi mãi yếu kém mà thôi. Thậm chí trong mỗi hoàn cảnh, mỗi môi trường khác nhau, những phẩm chất được cần đến cũng có nhiều khác biệt.
“Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn.”
Albert Einstein
Một con cá leo cây thì cả đời sẽ là kẻ vô dụng. Nhưng nếu ta đặt nó vào đúng môi trường để có thể phát huy thì nó sẽ là một con cá tài giỏi.
Trong từng nhóm ngành nghề cũng vậy. Cũng sẽ đòi hỏi từng nhóm chuyên môn kỹ năng khác nhau. Giống như một người làm nghiên cứu thì cần nhiều kỹ năng về chuyên môn. Còn nếu một người làm kinh doanh họ sẽ cần có được sự linh hoạt và nhạy bén khi xử lý vấn đề. Nhưng nếu hoán đổi vị trí cho nhau, họ sẽ đều là những con cá vô dụng vì không có được môi trường để phát huy thế mạnh. Họ sẽ chỉ có thể toả sáng khi trở về đúng với vai trò của mình mà thôi.
Bên trong mỗi chúng ta, đều có những thế mạnh riêng, không ai có thể thay thế được. Và nó sẽ chỉ thật sự là điểm mạnh khi ta chịu nhìn nhận và đặt nó trong đúng môi trường, đúng hoàn cảnh mà thôi.
Chúng ta những người hướng nội, cần dừng hoài nghi về bản thân mình. Chấp nhận sống với tính cách của mình và dần dần cải thiện. Tìm kiếm những giá trị mà bản thân tin tưởng. Những điều mà bản thân cảm thấy có ý nghĩa. Xây dựng niềm tin vào nó, và nó sẽ là động lực để người hướng nội có động lực mạnh mẽ làm mọi điều khác.
Thể hiện bản thân nhiều hơn: đây là việc mà người hướng nội ngại làm. Nhưng chỉ bằng cách mạnh dạn thể hiện tiếng nói, người hướng nội mới có thể có được môi trường mà mình mong muốn. Đặc biệt là qua việc viết, hoặc mạng xã hội, hai công cụ truyền đạt mà người hướng nội có thế mạnh sử dụng.
Thế gian này phần lớn hình thành từ những điều mà ai đó bỏ rơi. Không tồn tại thứ gì vốn là sở hữu của một ai ngay từ đầu. Con người ai cũng mù quáng ham muốn một thứ mà ai đó vô tình đánh rơi hoặc bỏ lại, nhưng nếu chỉ nhặt lên thì thứ đó sẽ không thực sự trở thành của riêng mình.
Ta sống, khao khát, bắt chước, rồi học hỏi, đồng thời biến đó thành vật của riêng mình, nhưng hầu như ta không hề biết rằng bản thân mình đã đánh rơi thứ gì trước mặt một người nào đấy. Đôi khi những điều mà ta luôn cho là điểm yếu, là khiếm khuyết thì trong mắt người khác nó lại giá trị đến nhường nào.
Vậy nên: Hướng nội không phải là cái tội ! Nếu sinh ra là hướng nội, hãy xem đó như một món quà mà tạo hoá đã ban tặng cho ta. Đừng vì những góc nhìn phiến diện, những quy ước chung của xã hội mà vội vàng quy chụp hướng nội là một bất lợi bạn nhé !