Ta chọn ai để kết bạn. Và bản thân ta phải là người như thế nào, để người khác sẽ làm bạn với ta. Vậy nên kết giao là câu chuyện 2 chiều.
Ngày nay, người ta thường trao đổi tên tài khoản mạng xã hội thay vì số điện thoại. Việc theo dõi bạn bè, gia đình và đồng nghiệp trên mạng xã hội đã trở thành một cách giữ liên lạc phổ biến của thời đại công nghệ hiện nay.
Trên đời này có năm bảy loại bạn: bạn đồng nghiệp, bạn kết giao, bạn nhậu, bạn cấp ba, bạn đại học, bạn xã hội, bạn online…Và trong hàng tá mối quan hệ đó, chúng ta thân thiết được với mấy người?
Có những người bạn mà ta sẽ kết giao vì một mục đích cụ thể nào đó.
Bạn học chung lớp, bạn trong công việc làm ăn, bạn cộng tác thực hiện chung một dự án. Thông thường ta và họ đều có chung một mục tiêu, mục đích cụ thể, làm việc và gặp gỡ chung cùng một môi trường. Và khi mục đích không còn, hoặc mục đích cả 2 không giống nhau nữa, có thể ta sẽ ít còn gặp lại nhau.
Hay đôi khi có những người bạn chỉ gặp gỡ nhau một thời điểm nào đó.
Hàng xóm mới, những mối tình chớp nhoáng của tuổi trẻ, hay là người mà ta từng say nắng. Vì từng có thời điểm, họ đã là một phần không thể thiều trong cuộc sống của ta. Nhưng rồi ta có thể không còn gặp lại thường xuyên nữa. Cuộc sống tiếp diễn, mỗi người đều bận rộn cho cuộc sống của riêng mình, nên dần dà chúng ta lại tự khắc xa nhau.
Nhưng cũng có những mối quan hệ lại trở thành bạn cả đời.
Ta và họ gặp gỡ nhau vì một lý do nào đó, mục đích nào đó, một thời điểm nào đó, vào một dịp tình cờ nào đó. Nhưng khi thời gian qua đi, mục đích không còn, ta và họ vẫn tiếp tục làm bạn.
Khi mạng xã hội ngày càng phát triển, thì phạm vi bạn bè của con người cũng ngày càng được mở rộng hơn. Nhờ có những ứng dụng như facebook, instagram, tiktok.. từ những con người khắp nơi trên thế giới vốn chẳng liên hệ gì nhau mà vẫn có thể kết bạn. Bất kể khoảng cách địa lý, trình độ hay địa vị xã hội đều có thể kết nối cùng nhau.
Số lượng bạn bè có thể tăng nhưng liệu những mối quan hệ bạn bè thật sự chất lượng thì ta có được bao nhiêu người?
Có những mối quan hệ dùng tiền mới có thể mua được và tất nhiên những mối quan hệ đó cũng chỉ đến với ta khi có tiền. Khi tình bạn dựa trên những vật chất phù phiếm, thì nó chẳng khác nào là giao dịch. Mà đã là giao dịch thì ngày nào còn lợi ích thì ngày đó sẽ còn liên quan đến nhau.
Giống như câu: Tri kỷ tìm thì khó, chứ kết bạn xã giao thì chắc dễ hơn nhiều.
Có những mối quan hệ thỉnh thoảng gặp nhau, cafe trò chuyện, uống vài ly bia, ly rượu. Chia sẻ cho nhau những thông tin giá trị, cùng nhau trải qua những khoảng thời gian vui vẻ, đó cũng được gọi là bạn bè.
Còn mỗi khi ta có những nỗi niềm trăn trở, muốn được sẻ chia, được tâm sự nỗi lòng cùng họ, thì ta còn được mấy người. Liệu mấy ai có thể thấy được giây phút ta trở nên yếu đuối nhất và cần được lắng nghe nhất. Mấy ai có thể sẵn sàng ở bên cạnh ta để an ủi và bầu bạn cùng ta.
Một tình bạn mà cả hai đều thấu hiểu nhau, có thể sẻ chia cho nhau những tâm sự, nỗi lòng của bản thân, thì đó sẽ là tri kỷ. Với ta đôi khi chỉ cần một là đủ để thấy cuộc đời này đã quá ưu ái cho ta rồi.
Tri kỷ được ví như tấm gương, là người mà ta có thể nhìn thấy con người thực sự trong chính bản thân mình, con người thật sự ở sâu bên trong.
.
Khi còn là sinh viên, tôi cũng từng tham gia vào những hoạt động tình nguyện, mùa hè xanh. Tôi sử dụng phần ít ỏi tính cách hướng ngoại của mình để có thể trở người người năng động, sôi nổi. Thời điểm ấy, tôi cứ kết giao bạn bè, nhưng cũng chưa từng có suy nghĩ hay xác định xem mối quan hệ ấy sẽ xếp vào mối quan hệ bạn bè nào. Bạn là bạn thế thôi.
Giờ nhìn lại những mối quan hệ ngày ấy của tôi hầu hết đều là bạn vì một lý do. Bởi khi ấy tôi và họ đều có cùng một nhiệt huyết của tuổi trẻ. Rồi dần dà những người bạn ấy cũng chuyển sang thành bạn ở một thời điểm. Vì sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi và họ không còn liên lạc thường xuyên với nhau nữa.
Đến khi đi làm, tôi mới bắt đầu chập chững với những mối quan hệ gọi là đồng nghiệp. Nếu gọi nhau theo cái cách thông thường, thì đồng nghiệp vẫn được xem là bạn.
Đồng nghiệp của tôi cũng đa phần là những người tốt bụng. Họ có học thức, quan tâm nhiều đến nhau. Nhưng họ không còn là bạn bè theo cách tự nhiên nữa. Họ không còn ở cái độ tuổi vô ưu vô lo. Mối quan hệ bạn đồng nghiệp đòi hỏi nhiều hơn những quy tắc lịch sự, những điều nên và không nên nói về nhau, trong công việc, xã giao lẫn trong cuộc sống, nó đòi hỏi sự tôn trọng lẫn nhau rất nhiều.
Cuộc sống càng bận rộn, càng làm tôi thấy khó hiểu về tình bạn. Liệu đâu sẽ là mối quan hệ bền vững mà tôi cần xây dựng và phát triển cho bản thân mình.
.
Khi bước chân vào đời, rời xa cuộc sống và những mối quan hệ cũ, để mở rộng và làm quen được với nhiều mối quan hệ mới. Tôi bắt đầu ít tin tưởng hơn với những mối quan hệ bạn bè thời điểm.
Còn đối với những mối quan hệ “bạn vì mục đích cụ thể”, tôi cũng dần dần trở nên ít tương tác hơn. Tôi và họ chỉ còn tương tác với nhau qua những cái like hay thả tim trên facebook. Và tôi nghĩ rằng, ai trong chúng ta cũng sẽ đều như thế, bởi lẽ sẽ chằng ai có thể khăng khít với tất cả những mối quan hệ trong suốt một thời gian dài.
Vì vậy những gì tôi còn lại hiện nay là những mối quan hệ bạn cả đời.
Đôi khi những người bạn này ít khi xuất hiện nhưng tôi và họ vẫn luôn quan tâm và dõi theo nhau. Đôi khi lâu lâu xuất hiện dòng tin nhắn vỏn vẹn: “Nhớ mày, cà phê không?”
Là một người có tính cách hơi phần hướng nội, tôi sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể làm quen với một mối quan hệ mới. Vậy nên tôi lại trân trọng hơn đối với những mối quan hệ lâu dài và có chiều sâu.
Cũng có đôi lúc tôi tự hỏi: “Liệu cuộc sống của tôi có đơn điệu quá không?” Nhưng tôi nhận ra rằng, nếu bản thân biết chấp nhận những điều hiện tại, có thể cuộc sống sẽ cô đơn hơn, nhưng đổi lại tôi sẽ có được cuộc sống giản dị và chân thành hơn rất nhiều.
Nhưng cũng không thể phủ nhận giá trị từ những mối quan hệ bạn bè thời điểm ấy. Những người bạn này cũng vô cùng hữu ích. Bởi đôi khi sẽ có những công việc hoặc thời điểm mà tôi cần đến sự giúp đỡ của họ hoặc đôi khi mối quan hệ của tôi và họ để lại nhiều kỉ niệm đẹp mà có thể bạn cả đời sẽ không mang lại được.
. . .
Người ta cũng bảo, phụ nữ vốn tính cách nhạy cảm, chi tiết, dễ so sánh thiệt hơn. Nên chắc chả thân được với mấy người nói chi là đến tri kỷ.
Nhưng riêng tôi lại thấy khác, tôi vẫn có những đứa bạn gặp nhau thì tung hứng, mạnh đứa nào nấy giành nhau để nói, ấy vậy mà mỗi khi hay tin đứa nào gặp chuyện phiền lòng, thì cả đám lại lẳng lặng ở cạnh, nâng đỡ và giúp nhau hết lòng.
Tôi và họ chẳng hơn thua nhau rằng ai đẹp hơn hay xấu hơn, ai giàu hơn hay ai giỏi giang hơn. Bởi vì chúng tôi luôn nhận thức được rằng mỗi người đều có những thế mạnh riêng, giá trị riêng, niềm tin riêng, không ai phải so sánh hay tị nạnh ai cả.
Đã là cuộc đời dù muốn dù không thì cũng không thể tránh khỏi những lúc thị phi hay biến cố ập đến và lúc đó mới thực sự biết được ai là bạn, ai là bè.
Tôi vẫn hay nói rằng, đừng sợ những người nóng tính hay hung tợn, bởi ít ra cái dữ của họ đã lộ rõ ra bên ngoài, họ có bao nhiêu thì hiện rõ bấy nhiêu.
Cái đáng sợ là những người có vẻ ngoài tĩnh lặng, hay lấy 2 chữ “hiền nhân” làm gốc, ấy vậy mà bên trong nội tâm đang cuộn trào những con sóng dữ.
Cái đáng sợ là những người mở miệng là triết lý nhân sinh, là đã giác ngộ tỉnh thức, là lấy danh phúc đức đủ rộng đủ dầy, rồi xem đó như một bánh xe dự phòng, khi cần thì mang ra đối đãi, còn bên trong thì lại một lòng dạ cay độc, thâm hiểm, đầy rẫy cái ác ẩn sâu. Khi thấy người khác vui thì họ cay, còn lúc người khác buồn thì họ hả hê trong lòng và tìm cách đạp thêm vài cái để chìm hẳn.
Thỉnh thoảng đi ngang thấy họ share triết lý, dạy người ta phải sống và làm người thế nào. Tôi lại cười buồn và chỉ lặng lẽ đặt họ về vị trí cũ trong tim mình, là bè chứ chẳng còn là bạn.
Tự nói với chính mình thôi kệ, bình thản mà đón nhận, bình thản mà để cuộc đời tự cuốn nó đi, cuốn theo luôn cả những thất vọng và muộn phiền.
Vậy để có thể xây dựng được mối quan hệ chân thành và trở thành người có giá trị, đáng để người khác muốn làm bạn, thì có lẽ bản thân ta cần ngẫm lại và xem xét những giá trị, phẩm chất của chính mình trước thảy.
Trung thực
Bản thân ta có phải là người trung thực và chính trực hay chưa? Đây có lẽ điều đầu tiên ta cần phải xem xét. Bởi nếu ngay cả bản thân ta còn không trung thực, thì làm sao có thể đòi hỏi người khác trung thực với ta được.
Sống tích cực và biết nghĩ cho người khác
Ai trên đời cũng muốn gặp người có năng lượng tốt, tích cực, lạc quan, vui vẻ, bình an, hạnh phúc và yêu đời. Ta cũng vậy. Họ cũng vậy.
Đừng mang tư tưởng bản thân, cái tôi mình là trung tâm vũ trụ, rồi bắt người xung quanh phải phục vụ cho mình. Sống mà mặc kệ đời, mặc kệ người khác, thì có đôi phần là ích kỉ. Còn sống mà biết nghĩ trước nghĩ sau như thế quan hệ nó mới bền.
Tử tế
Có tâm giúp đỡ người khác, giúp đỡ từ cái tâm chứ không mong cầu báo đáp.
Cho nên cuộc sống này hãy cứ trao đi. Giúp đỡ người khác từ tận cái tâm mình, thật sự mong muốn điều tốt đẹp đến với người khác.
Mình là tấm gương soi rọi thế giới của bản thân. Mình chơi với loại người nào thì mình chính là loại người như vậy. Đừng trách móc hay đổ lỗi cho bất kì ai cả. Gió tầng nào thì gặp mây bay tầng đó. Đồng cực thì hút, dị cực thì đẩy mà.
Quán chiếu chính mình ắc rồi sẽ nhìn rõ được bản chất của thế gian. Thế gian này muôn màu, và con người cũng muôn mặt. Sống ở đời, nếu gặp được bạn tốt, thì hãy giữ lấy, bởi đó là phúc phần.
Trân trọng tất cả những người bạn xung quanh. Tất cả họ đều sẽ mang đến cho ta những trải nghiệm, những bài học đặc biệt, có thể theo cách này hoặc bằng nhiều cách khác. Tất cả họ đều sẽ đóng góp một phần quan trọng vào cuộc sống của ta.
Thế giới có 7 tỷ người, tại sao ta lại có thể gặp gỡ và làm bạn của nhau?
Tất cả chỉ là một chữ “duyên“.
. .
.
.
,