Con người là một sinh vật cô đơn.
Chúng ta luôn có nhiều người xung quanh, nhưng những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của chúng ta đều phải do chúng ta tự cảm nhận, tự gánh vác, tự vượt qua. Chúng ta đều cô đơn cả, dù có ai bên cạnh hay không. Vậy nên những phút yếu đuối, khoảnh khắc chợt thấy cô đơn, chạnh lòng, bệnh tật, thất bại, chán nản, căng thẳng, mâu thuẫn với gia đình, với bạn bè, mệt mỏi trong những áp lực của cuộc sống và khao khát có một ai đó đặc biệt để làm tri kỷ, để tâm tình, để được bộc lộ bản thân, để được yếu đuối… là một khao khát hoàn toàn chính đáng.
Đây là những tiêu chí phổ biến mà ai đó phải có được thì mới cảm thấy cuộc sống có giá trị.
Tuy nhiên nếu để ý kỹ thì ta sẽ thấy ràng điểm chung của hầu hết những tiêu chí trên là đều có liên quan đến một ai đó. Vì nếu như không có một ai đó, hoặc một nhóm người nào đó, thì sẽ không có những tiêu chuẩn như thế này. Và lúc này có thể chúng ta sẽ bối rối vì không biết phải sống như thế nào khi mà tất cả những tiêu chuẩn bên ngoài đã không còn.
Hầu hết những tiêu chí này đều đến từ nhu cầu được công nhận, được chấp nhận, được đánh giá, được thuộc về.
Con người chúng ta là những sinh vật của xã hội và những mối quan hệ xung quanh của chúng ta sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến việc chúng ta tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của chính mình.
Khi có được những mối quan hệ chất lượng sẽ đem lại cho ta những lợi ích tích cực, lúc này ta cảm thấy được sống là chính mình, được thuộc về, được nâng đỡ, được giúp đỡ, ta được tạo ra giá trị và lúc này sẽ cảm thấy cuộc sống tràn đầy ý nghĩa, cuộc sống còn quá nhiều điều để khám phá, thế giới này vô cùng an toàn, đầy cảm hứng.
Một mối quan hệ lành mạnh là ở đó ta có được sự an tâm, có sự đóng góp vào niềm vui của nhau, kể cả khi mình vẫn đang yên ổn và vui vẻ, có động lực và sự cổ vũ để đặt niềm tin vào cuộc sống riêng mỗi người. Lý do chúng ta ở lại trong một mối quan hệ nên là vì: dù chúng ta vẫn an lạc khi ở một mình, mối quan hệ này lại khiến chúng ta hạnh phúc hơn thế.
Ngược lại với khi có những mối quan hệ bạo hành, nhiều sự tấn công, bản thân phải sống trong rất nhiều những khuôn khổ khác nhau, phải chịu đựng nhiều áp lực về cảm xúc, thể chất lẫn tinh thần, thì có lẽ là lúc ta cảm thấy cuộc sống này không còn ý nghĩa. Để rồi có người lại lựa chọn sự cực đoan, vì đối với họ cuộc sống này có quá nhiều điều cực đoan, họ không còn thấy được ý nghĩa từ cuộc sống này nữa.
Như triết gia hiện sinh người Pháp Jean Paul Sartre từng nói: Hell is other people – Địa ngục chính là người khác.
Nhưng nhà tâm lý học Lisa Feldman Barrett lại nói: “Điều tốt nhất cho hệ thống thần kinh của chúng ta, cho cảm giác an toàn của chúng ta chính là người khác, nhưng người khác cũng có thể là điều tệ nhất cho cuộc sống của chúng ta”.
Tạo ra kết nối và duy trì mối quan hệ với người khác là cách hiệu quả giúp con người tạo ra một cuộc sống có ý nghĩa, rồi những người có ít mối quan hệ, cô đơn hoặc bị tẩy chay thì sẽ cảm thấy cuộc sống ít có ý nghĩa hơn so với những người còn lại.
Những mối quan hệ làm cho con người cảm thấy thuộc về mối quan hệ đó, thuộc về không gian tổ chức đó, thì cũng sẽ tạo ra nhiều ý nghĩa hơn so với những mối quan hệ xã giao, những mối quan hệ thông thường.
Điều này có nghĩa là mỗi người chúng ta có quyền lựa chọn những mối quan hệ xung quanh mình và nên chọn những mối quan hệ tạo ra sự an toàn, cho ta cảm giác thuộc về một cách lành mạnh.
Vậy nên mỗi người chúng ta nên dành thời gian nhìn lại để đánh giá những mối quan hệ của mình cũng như chất lượng của từng mối quan hệ.
Có 4 trụ cột mà chúng ta cần xem xét:
- Số lượng: chúng ta có bao nhiêu mối quan hệ chất lượng xung quanh mình.
- Sự tiếp xúc: chúng ta có dành nhiều thời gian cho những mối quan hệ chất lượng đó hay không.
- Sức mạnh: những mối quan hệ thân thiết gần gũi có mang lại cho chúng ta cảm giác được thuộc về hay không
- Mật độ: đó là sự gắn kết của những mối quan hệ trong vòng tròn mối quan hệ của chúng ta, ta có thường hay tổ chức các buổi họp mặt để giới thiệu những người bạn đó với nhau hay không?
Thử liệt kê 7 mối quan hệ quan trọng nhất đối với mình: Bạn thân, bạn đang có bao nhiêu người bạn; Tình yêu, bạn đang có ở trong một mối quan hệ yêu đương nào không; Đồng nghiệp; Các thành viên trong gia đình; Hàng xóm; Những người bạn cùng sở thích; Những người có những tiêu chí khác mà bạn thấy phù hợp và muốn kết nối.
Về mặt số lượng: bạn có đủ những mối quan hệ chất lượng không, nếu có thì vì sao có, nếu không thì vì sao không, kết quả từ việc có được những mối quan hệ đó là gì? Làm thế nào để tăng hoặc giảm số lượng những mối quan hệ đó.
Tần suất tương tác: Ai là người mà bạn thường tương tác nhiều nhất trong những người mà bạn vừa mới liệt kê. Tại sao bạn lại tương tác với người đó nhiều, ai là người mà bạn muốn tương tác với họ nhiều hơn, lý do là gì?
Ai là người mang lại cho bạn nhiều sức mạnh, tức là người mang lại cho bạn sự ấm áp, cảm giác được hỗ trợ, được quan tâm, được thuộc về.
Vậy đâu là điều mà bạn có thể làm để cải thiện những mối quan hệ với những người mà bạn quan tâm và cuối cùng là sự kết nối của những người trong vòng tròn mối quan hệ của các bạn. Biết chúng ta đang có gì thì mới có thể điều chỉnh mối khi chúng ta cảm thấy mình thiếu.
Mọi thứ xoay quanh ta, đều có sự kết nối.
Không có gì là may mắn hay ngẫu nhiên trong vũ trụ này, mọi thứ đều liên kết với nhau, giữa không gian và thời gian, giữa con người với vạn vật, giữa đất – nước, nỗi sợ kết nối với bình tâm, hy vọng kết nối với tuyệt vọng,…và không một ai trong chúng ta bị gạt ra ngoài, tất cả đều là thành viên của vũ trụ.
Nhiều khi lạc lối, lại thấy mình có chút cô độc. Nhưng bản thân vẫn có niềm tin vào sự kết nối. Chợt nhận ra rằng mọi khoảnh khắc đều là sợi dây liên kết, và chúng ta không thể bị bỏ lại một mình.
Nhưng sự kết nối mà tôi muốn nhắc đến ở đây là sự kết nối từ bên trong chính mình, chứ không chỉ là kết nối hữu hình. Ví như điện thoại, máy tính bảng, đó là những kết nối hữu hình sẽ làm xa dần những kết nối vô hình là những mối quan hệ tốt lành quanh ta. Bởi qua một màn hình chúng ta nhìn thấy cả thế giới. Nhưng để thực sự chạm vào thế giới đó thì cần ngưng nhìn màn hình và bước ra ngoài.
Bất cứ khi nào thấy buồn, tôi sẽ chọn dừng lại, để lắng nghe âm thanh, để cảm nhận mùi hương xung quanh mình. Sự nhạy cảm với cảm xúc của chính mình, sự thấu hiểu với cảm xúc của người khác, chỉ thực sự có được thông qua việc ta có thể chịu bỏ điện thoại xuống, ngồi lại cạnh bên và bắt đầu bằng việc lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau.
Chẳng sao cả khi những ngày này, lại quay tìm về sự kết nối với chính mình, ngắt kết nối màn hình để tái kết nối với thế giới bên trong. Kết nối mình và hiện tại.
Và có lẽ âm nhạc cũng là một trong những nơi lưu giữ và cho phép nội tâm mình được ẩn náu, là nơi an toàn mà trái tim được cất tiếng. Khi giai điệu cất lên, khoảng trống nhường chỗ cho kết nối, trăn trở nhường chỗ cho thấu hiểu. Và cứ thế, thấy mình lại có thêm được sự kiên nhẫn và bền bỉ, nuôi dưỡng sự sáng tạo và giảm đi phần nào những lo âu căng thẳng.
“Sự hài lòng bên trong tạo ra sự bình yên bên ngoài”.
Nhìn thấy mặt trời mọc và lặn mỗi ngày, hít một hơi thật sâu, thấy sự hài lòng lấp đầy tâm hồn hơn bao giờ hết. Khi ấy, không lo lắng về những gì sắp đến hay những gì đã qua, sự hiện diện của chính mình giây phút này đây là điều quan trọng nhất.
Đó là khoảnh khắc của bình yên thật sự.
Để thấy cuộc đời này còn đẹp lắm.