Thường ta hay vội vàng đánh giá người khác ngay từ lần đầu tiên trông thấy, nhưng thật ra những đánh giá đó không phản ánh nhiều về người đối diện, mà trái lại nó phản ánh rõ cái tâm của ta đang là. Tâm an trời đất cũng an. Tâm an nhìn đâu cũng thấy niềm vui.
Osho cũng từng nói: “Khi biết quá nhiều về một người, bạn sẽ khó hiểu được anh ta. Khi bạn không biết gì về chính người đó, mọi thứ ít phức tạp hơn.”
Vậy nên đừng vội phán xét hay đánh giá người khác một cách chủ quan hay hời hợt. Ví như một bài hát, hợp thì mình nghe, không hợp thì mình chuyển bài khác. Bài nào mình nghe, mình hiểu, thì mình thấy nó hay. Còn bài nào mình nghe mà không hiểu thì mình thấy mình không hiểu, không hiểu là do mình chứ đâu đổ lỗi rằng do bài hát dở, bởi vẫn có nhiều người nghe, hiểu và họ thấy nó rất hay còn gì.
Ờ thì cứ cho là vậy đi. Nhưng mỗi người sẽ phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời chính mình, đều phải nhận lấy kết quả từ những hành động mình đã gieo. Đừng thắc mắc tại sao, đừng thấy đời bất công hay luôn đòi phải có luật nhân quả tức thì. Rồi thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất. Có vay có trả, có nợ có đền, có gieo có gặt. Đó là khác biệt, khác biệt mới chính là gia vị của cuộc sống này.
Hiểu rồi thì cũng dễ dàng chấp nhận cuộc sống hơn, vì đã biết cuộc đời mênh mông, luôn đa dạng phong phú, không ai biết trước được ngày mai sẽ ra sao, điều gì cũng có thể xảy ra. Vậy nên cũng chẳng cần phán xét đúng sai. Cứ an nhiên mỉm cười mỗi ngày. Mỗi ngày sống, mỗi ngày vui.
Khi không còn bận lòng phán xét, khi không còn cố gắng dán dãn đâu là đúng, đâu là sai cho con người, cho sự việc, cho mối quan hệ là lúc mở rộng trái tim để đón nhận, đón nhận mọi thứ như nó là. Cũng là lúc không còn dính mắc, và rồi cũng thấy tự do hơn.
Nhiều người còn thích biết mọi chuyện ở bên ngoài, biết hết mọi góc ngách nhà người khác, biết từ nhà ra đầu ngõ, biết từ đời thực đến đời sống onlline, chuyện gì cũng biết chỉ duy nhất là không biết chuyện của mình.
Bản thân giờ đây cũng không còn tham gia vào những cuộc nói chuyện phím mang nội dung chỉ trích hay phán xét một ai khác. Về mặt lâu dài nó không phải là một loại thức ăn tốt cho tâm thức của con người. Với tôi đây không phải là một thói quen dễ và tin chắc rằng hầu hết ai trong chúng ta cũng đều dễ bị cuốn vào những câu chuyện như thế, bởi khi nói xấu một ai đó ta dễ thấy bản thân hơn họ, ta có thể giải toả được cảm xúc nhưng lại không giải quyết được vấn đề.
Khẩu nghiệp bắt đầu từ ý nghiệp. Một khi đã nói những lời gây tổn thương, hận thù rồi nó sẽ loang đi và không thể nào mất dấu được. Mọi từ ngữ, mọi hành động, mọi ý nghĩ đều sẽ vĩnh viễn để lại dấu ấn trên thế gian này, đều được ghi lại mãi mãi. Những gợn sóng lăn tăn do chúng ta khởi phát rồi sẽ quay lại với chúng ta. Mọi lựa chọn của chúng ta đều cộng hưởng trong nhiều năm, đó là “karma hay nghiệp”. Vũ trụ luôn công bằng và không ngừng dạy cho con người những bài học quý giá. Vậy nên ta cũng không nên ngừng học, khi nào còn vấn đề, còn đau, còn phạm lỗi nghĩa là mình vẫn còn sống.
Nếu là ngày trước sẽ nhảy dựng lên để phán xét, để nêu lên ý kiến góc nhìn của chính mình. Còn bây giờ thì chỉ nhìn, thấy, biết nó vậy, rồi chọn im lặng, rồi lại buồn mênh mang.
Cả đời này chẳng phải đầy những câu hỏi hay sao? Có những câu hỏi có câu trả lời, cũng có những câu hỏi mãi mãi không bao giờ có được câu trả lời. Vậy nên cũng có mấy lúc, có những chuyện không còn muốn đi đến tận cùng, có những điều không còn muốn làm rõ. Cứ vờ đi, rồi lặng im.
Hiểu rằng những người giận mình chửi bới mình, bản thân họ cũng có những tổn thương, những khổ đau. Họ vì mình mà đánh mất năng lượng bình an và chánh niệm, sao không thương họ nhiều hơn, sao không dùng năng lượng yêu thương để xoa dịu cơn giận và vết thương nơi trái tim họ. Nghĩ được vậy thì cũng không còn giận ai nữa.
“Hãy cho mình một phút giây bình yên, để hiểu rằng, ta thật ngốc biết bao khi lúc nào cũng lo âu, sợ hãi. Hãy học cách im lặng, để nhận ra, ta đã nói quá nhiều. Hãy tử tế để biết rằng, những gì ta đánh giá người khác là quá hà khắc.” – Ngạn ngữ Trung Hoa Cổ
Một gốc cây cổ thụ đôi khi không chết vì mưa bão, mà lại chết vì những mối mọt mục rỗng bên trong. Ví như chúng ta cũng vậy, đôi khi sẽ không bị ảnh hưởng bởi những áp lực, vấn đề trong công việc, cuộc sống hằng ngày, mà lại buồn vì những lời nói những hành động nhỏ nhặt vô tình của những người xung quanh.
Như từng nghe câu: “Có 2 thứ trên đời này đừng nên nhìn rõ đó là mặt trời và mặt người. Bởi thứ gì càng trống và rỗng bên trong thì bên ngoài lại càng phải tô điểm để hòng cố gắng che đậy.”
Có những chuyện chúng ta phải mất thời gian thật lâu mới có thể nhìn thấu đáo được, không phải để thời gian vạch trần những con người giả tạo, không phải là để đời dạy họ những bài học, mà đôi khi chỉ là để mình trưởng thành hơn một chút, va vấp hơn một chút, có thể nhìn sự việc nhiều khía cạnh hơn một chút. bởi có khi bản thân phải đi sâu vào con đường của họ thì biết đâu mình cũng lạc như họ mà thôi. Và thời gian là để mình hiểu hơn, hiểu rồi mới có thương, mới không còn phán xét nữa.
Người khác không giống mình, nhưng chắc gì họ sai, họ lạc. Cái hợp với người này nhưng chưa chắc đã hợp với người kia. Mỗi người một cách sống, một góc nhìn riêng. Người ta có thể giống nhau ở cái tên nhưng còn lại mọi thứ thì đều sẽ là khác biệt, chẳng ai giống ai, mỗi người một vẻ. Gia cảnh khác, môi trường giáo dục khác, trải nghiệm khác vậy nên mỗi cá nhân đều là sự khác biệt. Vậy cớ gì vì những khác biệt, không giống nhau mà lại đem đặt lên bàn cân để đong đếm, để so sánh.
So sánh chi cho mệt, rồi đâm ra buồn bã khi thấy người khác hơn mình, hay có đôi lúc thấy hả hê khi thấy mình hơn ai đó. Đường người nào nấy đi, đèn nhà nào nấy sáng. Mỗi người đều có những giấc mơ khác nhau, điểm đến khác nhau, định nghĩa về hạnh phúc khác nhau, giá trị cốt lõi cũng chẳng giống nhau. Cũng vì vậy, hành trình của mỗi người hoàn toàn khác nhau.
Không có lựa chọn đúng chỉ có lựa chọn phù hợp mà thôi. Đừng cằm lấy bản đồ của người khác rồi đi dò đường của chính mình. Có chăng là ta học hỏi từ trải nghiệm của người khác để dành tham khảo thôi, chớ không ai bắt chước y khuôn kinh nghiệm và trải nghiệm của bất kỳ ai khác được.
Đức Phật cũng đã dạy rằng chúng ta chỉ nhìn ngắm và quan sát thôi, đừng dùng những quan điểm hay ý tưởng gì cả, cũng đừng cố gắng hay bắt buộc sự vật như thế như thế kia. Cốt lõi và mục đích cuối cùng của thiền cũng là nhìn ngắm như vậy, nhìn ngắm tâm trí, nhìn những suy nghĩ đến rồi đi, không tác động, không phán xét, không muốn thay đổi.
Có những người họ không chấp nhận sự khác biệt nơi người khác, bởi sự khác biệt nơi người khác làm họ tổn thương, như câu: “Người tổn thương thích làm tổn thương người khác”. Cây tốt sẽ không cho quả sâu. Hay ông bà ta cũng thường nói: “Suy bụng ta ra bụng người, lòng có đầy thì miệng mới nói ra”. Và khi họ thực sự không hạnh phúc, họ cũng không muốn người khác có được điều đó.
Sao không kết hôn? Sao không đẻ con? Sao không tìm công việc a, b, c mà làm? Sao không thế này? Sao không thế khác?….
Thật ra cho đến cuối cùng họ là những người đáng thương hơn đáng trách, ai lại đi trách những người đáng thương không hạnh phúc chứ.
Ai lớn lên cũng dựng vợ gả chồng, kết hôn sinh con cho giống đám đông cho giống xã hội, nhưng mấy ai một lần ngồi lại và tự hỏi mình rằng: bản thân có thật sự chịu trách nhiệm hay mang lại hạnh phúc cho nửa kia hay không? Rồi xa hơn nữa là những đứa con trong tương lai, mình sẽ nuôi nó như thế nào, dạy nó ra sao..v.v. Nghĩ nhiều quá thì lại càng hoang mang, càng rối, phải chăng vì lẽ đó mà những nước phát triển hiện nay như Nhật Bản, Hàn Quốc, giới trẻ đã lựa chọn cuộc sống độc thân và không còn hào hứng với việc kết hôn nữa.
Mỗi người một lựa chọn, một cách thích nghi với cuộc đời, có người hạnh phúc khi được một mình, có người an tâm khi người ở bên, có người vui vì người được kiếm tiền, có người hãnh diện vì có được quyền lực. Đừng phán xét ai cả.
Nếu không nói được những lời hay, thì tốt nhất là nên im lặng. Hạn chế bớt câu nói nào gây tổn thương, khổ đau người khác thì càng tốt. Học cách im lặng, không đánh giá, không phán xét, không can thiệp vào cuộc đời người khác, là bài học mà sẽ phải mất rất nhiều thời gian, có khi mất cả đời vẫn chưa học xong được.
Đừng vội vàng chê thơm hay thối.
Đừng vội vàng bảo đúng hay sai.
Cũng đừng vội chê khen tốt xấu.
Mà chỉ cần biết hợp hay không.
Đôi khi thấy không chỉ thấy, thấy không phản ánh đối tượng thấy, mà phản ánh cái tâm của người nhìn.
Khi tâm rộng như biển thì mới có thể chứa được nước muôn sông đổ về mà.
.
.
.
.
.