Không có gì ngẫu nhiên, tất cả đều có nguyên nhân, cả cô đơn cũng vậy.
Điều gì làm mình buồn? Do thời tiết, do cảnh buồn, nên người cũng chẳng thể vui. Do ảnh hưởng tâm trạng của ngày hôm trước, hay do trải nghiệm sự thất vọng từ những tình huống trước đó. Đó là những điều có thể làm cho mình buồn, những cảm xúc của mình luôn luôn có lý do.
Hầu hết những hành vi hằng ngày của chúng ta đều là tổ hợp của cảm xúc và suy nghĩ. Vậy nên thường xuyên quan sát để làm rõ được điều đó, giúp mình không bị cuốn theo cảm xúc để rồi có những hành động có thể sau này sẽ hối hận.
Trước đây từng nghĩ rằng, cô đơn là vì mình không tương tác, không kết nối được với người khác,(chỉ là về mặt thể xác kết nối con người với nhau). Nhưng hoá ra cô đơn không liên quan đến việc mình nói chuyện được với bao nhiêu người, bởi vì ngay cả những lúc xung quanh mình đang có rất nhiều người nhưng mình vẫn cảm thấy cô đơn. Hoá ra cô đơn không phải là do sự vắng mặt của những người xung quanh, mà đó là cảm giác mình không chia sẻ được điều gì với bất kì ai khác.
Cảm xúc tôi vẫn thường thấy đó là sự cô đơn mặc dù gia đình rất yêu thương, tuổi thơ cũng không phải trải qua quá nhiều biến cố, nhưng vẫn cảm thấy cô đơn, không có sự kết nối, khiến cho mình luôn cảm thấy có những khoảng trống nhất định.
Internet, mạng xã hội ra đời hứa hẹn đem đến cho con người sự kết nối nhiều nhất, bất kì không gian, thời gian, bất cứ khi nào mình đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội, sẽ lập tức thấy danh sách hằng trăm, hàng ngàn bạn bè đang online, hiện diện khắp nơi trên thế giới, nhưng sao mình vẫn không hài lòng với sự kết nối từ không gian ảo đó.
Nhiều người mong muốn tìm kiếm sự kết nối từ không gian online, dẫn đến việc nghiện. Họ có thể dành cả ngày chỉ để lướt newsfeed, xem thế giới đang diễn ra điều gì. Họ cho rằng mạng xã hội, bằng cách làm phân tâm, sẽ giúp họ thoát khỏi tình trạng cô đơn. Họ cô đơn lạc lõng trong thế giới thực và mong muốn cái thế giới ảo đó hứa hẹn mang đến cho họ những gì họ cần. Nhưng càng lướt lại càng cảm thấy chán nản và bất an.
Thế giới ảo đem lại cho họ cảm giác được thuộc về, trong không gian ảo họ có thể trở thành bất cứ phiên bản nào họ muốn mà không sợ người khác đánh giá hay phán xét, họ cảm thấy có quyền kiểm soát cuộc sống của bản thân hơn so với thế giới thực. Internet ra đời trong một thế giới mà tất cả chúng ta đang dần mất cảm giác kết nối với nhau.
Mạng Internet cung cấp những giải pháp thay thế cho những gì chúng ta đã mất. Bạn bè trên Facebook thay cho hàng xóm, trò chơi điện tử thay cho những công việc có ý nghĩa, cập nhật trạng thái trên mạng xã hội thay cho thể hiện trạng thái thật sự trong đời sống thực tế.
Diễn viên Marc Maron từng viết: “Mọi cập nhật trạng thái chỉ với một mục đích duy nhất: có ai đó làm ơn thừa nhận tôi không?”
Chúng ta là những sinh vật xã hội. Kiểu kết nối chúng ta cần là kết nối chân thật, mặt đối mặt, nơi chúng ta có thể nhìn, chạm, ngửi và nghe thấy nhau. Chúng ta muốn kết nối với nhau theo cách an toàn và đầy quan tâm, và một màn hình trung gian thì sẽ không đem tới những kết nối chân thực được.
Nhà sinh vật học E.O.Wilson từng nói: “Con người phải thuộc về một bộ lạc, giống như con ong sẽ bối rối khi mất tổ, con người cũng sẽ bối rối khi mất kết nối với những người xung quanh, bối rối vì nỗi cô đơn của chính mình”.
Tâm trí mình như một bầu trời rộng lớn bao la, và hôm nay đám mây của sự cô đơn kéo đến rồi che kín bầu trời. Mình biết rằng đây chỉ là cảm xúc, nó đến rồi cũng sẽ đi, mình chỉ cần dành thời gian quan sát sự cô đơn này. Tại sao hôm nay mình lại có cảm giác cô đơn này? Nó từ đâu đến? Trước giờ mình vẫn quen với việc một mình rồi mà. Mình cũng hay đọc sách một mình. Cafe một mình. Chạy xe lang thang một mình, nhưng lại không có cảm xúc như lúc này.
Nhưng không sao mình ngồi với nó một chút vậy.
Dạo này có điều gì khiến cho mình cảm thấy cô đơn? Do thấy bạn bè xung quanh mình hầu hết đã kết hôn, do gặp nhiều người hỏi có người yêu chưa, khi nào lấy chồng. Hay sự cô đơn đến từ nhận thức của mình: hình như mình vừa đi ngang công viên và thấy nhiều cặp tình nhân đang đi dạo, hình như mình vừa thấy một cặp cô dâu chú rể đang chụp ảnh cưới nữa. Công viên này là nơi ngày trước mình cũng thường lui tới, nên hôm nay một chút cảm xúc bên trong mình trỗi dậy nên mình thấy cô đơn.
Hay có khi sự cô đơn vốn đã ở sâu trong tiềm thức: con đường cũ, bài nhạc cũ, bộ phim cũ trước đây xem cùng nhau, nó đi vào tiềm thức, để hôm nay khi những yếu tố bên ngoài dần tác động, nơi chốn mình thấy, âm thanh mình nghe, mùi hương mình ngửi, những người mình tiếp xúc, trang phục họ mặc đều gợi lại tiềm thức của mình và cô đơn cũng vì thế mà xuất hiện.
À hay hôm nay mình thấy trời âm u, trong quá khứ mình đã từng kết thúc một mối quan hệ khi trời âm u như thế này. Vậy nên cảm xúc của mình đã gắn liền với thời tiết âm u ấy.
Khi nhắc về mối quan hệ trong quá khứ, thú thật phải thừa nhận khoảng thời gian đầu bản thân chưa vượt qua được, khiến tôi chỉ nghĩ về những điều đã cũ. Chỉ cần vô tình nghe lại bài hát cũ thì lập tức cảm xúc lại tuôn trào, từng kí ức cũ cứ liên tục ùa về. Từng có lúc hoang mang vì không biết làm gì với những cảm xúc đó để rồi mình lại tự trách mình, chuyện cũ đã qua rồi, họ chắc gì đã còn nhớ, chỉ có mình là cứ mãi ở lại trong quá khứ, kẹt lại với những cảm xúc này.
Suy cho cùng cô đơn cũng chỉ là một trong những cảm xúc mà thôi. Và đã là con người thì không ai là không cô đơn cả. Cô đơn như một thông điệp, như tiếng chuông cấp thiết, báo động cuộc sống của mình về mặt tinh thần đang có vấn đề. Vì nếu không có sự cảnh báo nhắc nhở này chắc bản thân sẽ chưa dừng lại lối sống đó, mình cần phải thay đổi, mình phải sống khác đi, phải tìm một giải pháp, một con đường mới, bởi nếu không mình sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc đời này.
Và rồi tôi phải bắt đầu lại với những bước đi đầu tiên trên hành trình chữa lành và tìm lại chính mình, từng bước một để có thể quay lại cuộc sống bình thường.
Hiểu được bản chất của cảm xúc
Mỗi ngày chúng ta tương tác với cuộc sống thông qua 5 giác quan, tâm trí nhận diện những tín hiệu và rồi tạo ra cảm xúc hay nói cách khác cảm xúc là những chất hoá sinh được tạo ra từ não bộ. Chúng ta đối diện với cảm xúc mỗi ngày nhưng ít khi hiểu được chúng, hay những thông điệp mà cảm xúc mang đến, nên phần lớn thời gian chúng ta bị cảm xúc chi phối.
Hiểu rằng tất cả những thứ diễn ra trong cuộc sống dù là bên ngoài hay bên trong đều là những sự kiện tác động đến phần cảm xúc, cảm xúc chỉ là kết quả cuối cùng. Khi có một sự việc nào đó xảy ra, mình gắn niềm tin, giá trị sống, hành vi của mình vào hoạt động bên ngoài đó, từ đó nảy sinh những cảm xúc. Và nếu mình không biết điều chỉnh thì cảm xúc sẽ ngày càng tăng lên và bùng nổ.
Bắt đầu thiền để chậm lại và bình tĩnh hơn
Dành thời gian dừng lại và quan sát, rồi nó sẽ qua. Không có cảm xúc nào là ở lại mãi mãi cả, cảm xúc ở lại là do chính mình giữ nó lại mà thôi.
Khi càng kết nối được với mình, niềm vui tự thân của mình lớn vô cùng, mình có thể làm những hoạt động mà không quan tâm là mọi người đánh giá ra sao, miễn thấy vui với chuyện đó.
Một trong những điều khiến chúng ta khó kết nối được với chính mình là thấy mình luôn phải làm một cái gì đó. “Human doing” mình làm việc, giải trí, mình muốn làm thật nhiều thứ để có “Having”, mà mình quên mất việc “Being” sự hiện diện với mình. Being, chỉ ở đó thôi, do not thing.
Cuộc sống bây giờ làm chúng ta không yên được, luôn luôn cần một cái gì đó để kích thích giác quan của mình. Ví dụ như xem phim, nghe nhạc, ăn uống, luôn bị kích thích, khiến mình không có thời gian tĩnh lặng.
Rồi bản thân cũng dần dần thay đổi môi trường sống để không bị những nguồn thông tin bên ngoài ảnh hưởng đến mình quá nhiều nữa, hạn chế sử dụng mạng xã hội, ít xem tin tức hay những chương trình quảng cáo. Thay vào đó, tôi bắt đầu dành nhiều thời gian cho những kết nối sâu sắc hơn với bạn bè, gia đình, cùng những điều có ý nghĩa lớn lao hơn bản thân tôi, những điều mà tôi biết nó thật sự quan trọng với mình.
Hành trình thay đổi này nó không phải diễn ra theo một đường thẳng. Tôi vẫn có những ngày cảm thấy bị tuột dốc, một vài cảm xúc khó khăn đôi khi vẫn đến với tôi, bởi vì tôi đang sống trong một xã hội quá nhanh, có quá nhiều tương tác, vậy nên ít nhiều bị ảnh hưởng là điều hiển nhiên. Nhưng ít ra mỗi khi cơn cảm xúc đó đến tôi nhận diện được nó, ở lại với nó, kiên nhẫn đợi cho nó qua đi, mà không còn bị nó chi phối hay kiểm soát nữa.
Dành thời gian cho việc theo đuổi những giá trị bên trong
Tất cả chúng ta kể từ khi được sinh ra thứ đầu tiên mà chúng ta cảm nhận được có lẽ đó là sự gắn kết và tình yêu thương mà cha mẹ dành cho mình. Mình học cách để thuộc về gia đình, để có giá trị và được cha mẹ yêu thương. Lớn lên thì học cách để thuộc về đám đông, thuộc về tập thể, luôn khát khao, mong muốn có được sự chấp nhận từ những người xung quanh.
Khi có được những giá trị từ bên trong, đó là lúc bản thân có được sự tự do. Giờ đây không còn chạy theo những tiêu chuẩn bên ngoài do đám đông hay xã hội tạo ra, vì tất cả những giá trị này là do con người tạo ra, chính vì thế mà sẽ có những sự méo mó. Còn giá trị bên trong là những giá trị do mình tự định nghĩa.
Bắt đầu từ việc mình chấp nhận mình như mình vốn dĩ là, mà không còn phải gồng lên hay cố tỏ ra những hình ảnh khác, hay tự lừa dối mình bằng cách đánh lạc hướng của tư duy tích cực hay tự kỉ ám thị. Mình chỉ việc thừa nhận để bỏ đi những xiềng xích mà xã hội đã tạo ra mà thôi.
Ví như tôi có giá trị về yêu thương và gia đình, tôi sẽ quan tâm đến gia đình vì muốn điều đó, không ai bắt phải làm thế, không cần ai nói hay nhắc nhở, nếu không có giá trị đó thì sẽ làm vì sự ép buộc, lúc đó chỉ còn là bổn phận.
Quay về quá khứ để chữa lành
Bởi tổn thương ngày xưa giờ đây đã qua rồi, nhưng nếu ngày nào còn chưa xử lí nó thì đồng nghĩa ngày đó tổn thương vẫn gắn với những cảm xúc và những cảm xúc đó vẫn nằm lại bên trong cơ thể mình. Và chỉ cần một sự kiện được kích hoạt thì cơ thể sẽ báo động và nhớ lại những tổn thương cũ. Thời gian không chữa lành vết thương mà mình phải là người chủ động chữa lành nó.
Giờ đây khi nhắc đến những sự kiện đó bản thân nhận thấy không còn có những cảm xúc mạnh, có thể bình tĩnh đối diện mà không chạy trốn. Đó là lúc tôi biết mình đã vượt qua được những tổn thương.
Tập sống trong hiện tại
Lẽ tự nhiên mình sẽ thấy tổn thương, mất mát, đau khổ khi những điều mình từng trân trọng đột nhiên bị mất đi, vậy nên sự cô đơn, nỗi buồn đó là điều cần thiết. Mình thương tiếc bởi vì mình đã từng yêu thương nó, bởi vì đó từng là những điều quan trọng với mình, và nếu ai đó yêu cầu mình phải chấm dứt sự đau khổ đó thật nhanh thì họ đã không cho phép mình ở lại với cảm xúc, đó là hành động vô cùng tàn nhẫn.
Thay vì xem nó như một cảm xúc tồi tệ, tôi tự nói với chính mình: mình cần có sự tỉnh táo trong cảm xúc khó khăn này, cần thấy rằng nó mang tới cho mình một ý nghĩa nào đó (mặc dù cảm giác thật chẳng dễ chịu chút nào).
.
Nhưng tôi thực sự không dám kết thúc bài viết này bằng câu nói: tôi làm được và bạn cũng sẽ làm được. Bởi vì đây chỉ là những trải nghiệm của riêng cá nhân tôi mà thôi, không có nghĩa là nó sẽ đúng cho tất cả. Việc tôi làm được đôi khi đến từ một chút may mắn nào đó mà tôi có được. Nhưng tôi chỉ muốn nới với bạn rằng, điều đầu tiên bạn cần làm là dừng lại, lắng nghe bên trong mình, lắng nghe cơ thể để nhận diện những cảm xúc, xem nó muốn nói với mình điều gì. Mỗi cảm xúc đều là những thông điệp.
Chỉ khi dừng lại mới lắng nghe được những thông điệp, lắng nghe nỗi đau của mình, tìm về sâu nội tâm bên trong, nhìn thấy được những nguyên nhân gốc rễ thực sự của nó, thì mới có thể tìm kiếm những giải pháp phù hợp, để có thể vượt qua.
Vẫn luôn hy vọng sẽ không có sự cô đơn, nỗi đau hay tổn thương nào ở lại quá lâu. Nhưng nếu có chỉ mong nó ở lại 1 giây phút ngắn ngủi thôi, bấy nhiêu đó là đủ, bởi không có cảm xúc hay nỗi đau nào ở lại mãi mãi. Đó có thể là một chút tổn thương, một chút khó chịu, nhưng mình cần những nỗi đau đó, mình cần thông điệp đó.
Nhưng nếu trong giây phút chịu đựng nổi đau đó, hãy luôn tự nói với chính mình rằng: sau cơn đau này mình sẽ lớn.
.
.
.
.