Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
những thăng trầm

Không có những thăng trầm lẽ nhiên chưa lớn được.

Posted on 15/01/202514/01/2025 by admin

Một người bạn lâu ngày gặp lại, sau một hồi trò chuyện, bạn nói với tôi rằng:

Dạo này đang học về điều gì mà bạn thấy ở tôi có điều gì đó rất khác, khác ở suy nghĩ, cách nói chuyện, cử chỉ, dường như đều chậm lại, nhưng cái sự chậm đó nó có năng lượng rất lớn, một cảm giác dễ chịu khó mà diễn tả được.

Thật sự để thay đổi với những thứ vốn được xem là thói quen là một điều vô cùng khó, khó lắm bạn ạ.

Tôi đã từng nhanh, nhanh lắm, sống nhanh, ăn nhanh, nói chuyện nhanh, chạy xe nhanh và cũng đã tự hào với cái sự nhanh ấy. Cái sự nhanh đó nó đến từ nỗi sợ, sợ không theo kịp người khác, sợ lạc hậu, sợ bị bỏ lại phía sau, vậy nên nó làm cho tôi phải tiếp tục nhanh. Đâu có lý do gì đâu mà phải dừng lại.

Không những ăn nhanh, mà vừa ăn vừa làm thêm đủ thứ việc, khi giải trí, khi xem video, khi trả lời tin nhắn, để tiết kiệm thời gian, để cho nó xong.

Tôi chạy xe cũng khá nhanh, phần vì có những hôm đi làm muộn nên phải chạy nhanh để kịp giờ chấm công, dù thấy cũng hơi nhanh nhưng bởi đã quen nên cũng không thấy có vấn đề gì.

Còn tôi ở hiện tại thì sao, đúng là đã có sự chậm lại trong hầu hết mọi khía cạnh. Rồi có cơ duyên để tìm đến thiền, nhờ vậy mà bản thân cũng có cơ hội để chậm lại nhiều hơn.

Với nhịp sống vội vã bây giờ việc chậm lại với cá nhân tôi thấy vẫn đem lại nhiều giá trị lắm.

Chậm lại giúp tôi có thể nghe được nhiều hơn và nghe sâu hơn.

Chậm lại để biến một người từng nóng tính, muốn đi nhanh đi vội, luôn cảm thấy bản thân làm gì cũng không đủ, dường như luôn có thứ gì đó khác, hoàn hảo hơn mà mình nên làm, muốn thắng thua phải được phân định rõ ràng, muốn luật nhân quả, công bằng phải thực thi cho bằng được…để trở thành một người tĩnh lặng hơn, chậm lại, lắng nghe trước đã.

Đây vốn là kỹ năng chẳng hề dễ với tôi vào những năm 20 tuổi, bởi nó đòi hỏi sự quan sát những cảm xúc bên trong rất nhiều, vì nếu không sẽ dễ dàng cướp lời người khác, muốn nói, muốn chia sẻ, muốn giải thích, muốn cho lời khuyên, muốn mình có giá trị, muốn thể hiện mình là người có hiểu biết, biết tuốt tất cả.

Tôi của trước đây khi nghe một ai đó nói điều gì hay làm điều gì trái với góc nhìn, suy nghĩ, quan điểm của mình, sẽ lập tức muốn phản bác, điều chỉnh, muốn sửa đổi người khác, lúc ấy không nhận ra là cái tôi mình quá lớn. Cái tôi mình nó muốn cho lời khuyên, muốn giúp đỡ thay đổi người khác, để người khác sống tốt hơn, nếu không họ sẽ khổ, còn mình nếu thấy khổ mà không giúp, thấy sai mà không sửa thì xã hội này sẽ loạn lên hết. Nhưng thật ra chẳng có cái gì loạn hết, duy chỉ có tâm trí của chính mình là đang hỗn loạn trong những cơn cảm xúc mà thôi.

Chậm lại, lắng nghe kĩ, để làm rõ quan điểm, điều mà đối phương muốn truyền đạt. Chậm lại để buông vài thứ, lùi lại, để mình có được nhiều hơn, để được lắng nghe trọn vẹn một câu chuyện, đôi khi đối phương chỉ cần một người để lắng nghe, họ cần được nói, được bày tỏ, nói ra, nói xong rồi thì lòng cũng nhẹ.

Chậm lại trong suy nghĩ và cảm xúc.

Không vội vàng tin vào cảm xúc, bởi khi cảm xúc đến mình vội tin vào, chính mình bị cuốn vào cơn cảm xúc mạnh đó trước, nó làm mình mệt, mình khổ, và nếu tiếp tục tin mình có thể biến những cảm xúc ấy thành những lời nói mà sau này có thể hối hận, hay tệ hơn biến thành những hành động gây tổn thương cho người khác.

Giống như cơn giận chẳng hạn, nó là những cảm xúc mạnh, emotion to move, cảm xúc là dữ liệu, cảm xúc tới để khiến làm hành động nào đó. Cơn giận chẳng muốn điều gì, ngoài việc nó muốn mình phải đổ lên đầu một khác.

Thật ra cảm xúc không sai, nhưng cảm xúc đi sau những cảm xúc đầu tiên mới có vấn đề, mà mình thì lại không nhận diện và nói lên được cảm xúc đầu tiên đó. Mình không quen với việc đó và nghĩ rằng có thể người kia sẽ không đón nhận được, để rồi đa phần mình sử dụng những cảm xúc thứ cấp như tấn công, giận dữ, nói những lời làm tổn thương nhau.

Nhìn lại mình chắc rằng cũng đã làm tổn thương nhiều người, nhưng vẫn còn may mắn là giờ đã nhận ra được, nên đã không cho những vết thương đó sâu thêm.

Nhiều thay đổi xảy ra, giờ này nhìn lại vẫn thấy đó là điều may mắn. Biết ơn vì mình vẫn còn sống, nên vẫn còn cơ hội và mong muốn được sửa đổi, muốn vết thương ấy sẽ có thể lành lại, dẫu còn sẹo nhưng ít ra cũng đã có thể tha thứ cho nhau.

.

Ngay khi đã có chút nhận diện và hiểu hơn về cảm xúc rồi, nhưng thú thật cũng có đôi lúc bản thân thật sự vẫn không thể tránh khỏi sự tổn thương.

Nỗi đau buộc mình phải đối diện, điều chỉnh, thay đổi và sống khác đi. Và kể cả khi đã đối diện, chấp nhận vẫn không tránh khỏi những cảm giác sợ hãi, sợ bản thân không đủ mạnh mẽ để đi tiếp, sợ bản thân không đủ niềm tin, sợ bản thân yếu đuối và suy sụp trước khi hiểu ra bài học mà nỗi đau đem đến. Và rồi cả cái sự mệt mỏi vì phải tự vực dậy chính mình.

Ai cũng có những bóng đêm đang mang, mà nếu chỉ nhìn bề ngoài thì sẽ không thấy được. Vậy nên từ rất lâu rồi, chính tôi đã không còn ganh đua hay so sánh bản thân mình với bất kì ai khác nữa. Bởi mỗi người đều có một sứ mệnh, một con đường riêng, miễn là đừng ai bỏ cuộc.

Hiểu mình, biết điều mình muốn, điều mình cần, điều mình nên chọn. Chọn tránh xa những thị phi tiêu cực, chọn tránh xa những mối quan hệ mình thấy không hợp không vui, chọn cách quay về bên trong học cách thấu hiểu nội tâm nhiều hơn.

Chỉ khi tách biệt thế giới nội tâm với thế giới bên ngoài, đó là lúc mình mới biết mình là ai. Khi nội tâm có thể đón nhận những nỗi đau, khi nhìn những thử thách kia bằng sự mạnh mẽ, từ đó có được sự dũng cảm đối diện thay vì chọn vai trò là nạn nhân.

Chọn cách yêu mình từ việc tập thể dục, ăn uống, ngủ nghỉ.

Chọn gửi những niệm lành, sự biết ơn cho người khác vào mỗi đêm trước khi chìm vào giấc ngủ, dẫu cho đối phương có biết hay không.

Khi một con người thật sự ở một đoạn trũng sâu của cuộc đời, hay sự tuyệt vọng cùng cực để rồi khi họ bước qua được, khi họ đã học được cách bao dung, thì hành trình đó sẽ là nền tảng vô cùng vững chãi cho những yêu thương trong tương lai, đó mới thật sự là một con người đáng để mình trân quý.

Một cuộc đời ý nghĩa, một cuộc đời đáng sống sẽ bao gồm cả những nốt thăng và nốt trầm. Chào đón những khúc quanh, ngã rẽ cuộc đời. Chào đón những hạnh phúc lâng lâng kể cả những đớn đau hay hạnh phúc.

Cảm ơn hành trình đã đi qua, để mình gặp được chính mình ngay lúc này.

Tự do bay, sống được là chính mình.

.

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Bài Viết Mới Nhất

  • Một đêm đen
  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (325)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (40)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.