Ai trong chúng ta cũng đều có những mục tiêu quan trọng trong cuộc đời mình. Nhưng rồi dù bản thân ta có cố gắng đến mấy. Nổ lực đến mấy thì kết quả vẫn không như ta mong đợi. Ta vẫn khó tập trung và gắn bó với chúng đến cùng. Bởi mục tiêu là thứ mà bản thân ta không thể nào có thể dự đoán và kiểm soát được. Nên đôi khi ta cảm thấy bế tắc. Thất vọng trước những khó khăn, thử thách và rồi đến cuối cùng ta phải từ bỏ mục tiêu của đời mình.
Và ngay cả chính bản thân tôi cũng đã từng nhiều lần thất bại. Tôi đã tự hỏi bản thân mình rất rất nhiều lần rằng: “Tại sao tôi không đạt được mục tiêu của chính mình?” Điều gì đã khiến tôi gặp phải thất bại đối với những mục tiêu đặt ra.
Và sau đây là những lỗi sai mà tôi đã gặp phải và cách để tôi có thể đạt được những điều như tôi mong đợi.
1. QUÁ TẬP TRUNG VÀO SỰ HOÀN HẢO
Khi ta muốn giảm cân. Ta luôn muốn tìm cách giảm cân nhanh nhất. Lịch trình tập luyện hiệu quả nhất. Hoặc tìm huấn luyện viên giỏi nhất. Ta luôn mong muốn tìm kiếm những điều hoàn hảo nhất cho cuộc sống của mình.
Đôi khi vì ta quá mãi mê tìm kiếm những thứ tốt nhất. Mà ta lại quên mất việc phải bắt tay vào hành động. Điều đó dẫn đến những thất bại. Vì vậy điều quan trọng nhất là cần tập trung vào từng bước nhỏ, thói quen mỗi ngày chứ không phải là mục tiêu.
====
Thời gian đầu khi bắt đầu thành lập blog. Tôi luôn mong muốn có thể tìm kiếm những ý tưởng hay nhất. Mong muốn có thể tạo ra được nội dung giá trị và thật sự hữu ích. Thế rồi mãi cho đến tận 2 tháng sau. Blog của tôi vẫn chưa có được một bài viết nào. Và tôi nhận ra rằng, nếu cứ mãi mong chờ những điều hoàn hảo nhất mà không chịu bắt tay vào hành động, thì ta sẽ vẫn mãi chỉ ở vạch xuất phát mà thôi.
Tôi bắt đầu cố gắng rèn luyện thói quen viết mỗi ngày. Và đặt niềm tin vào những bài viết của mình sẽ tốt hơn sau mỗi lần viết. Chính vì thế mà tôi bắt đầu học được nhiều bài học từ những sai lầm trong quá trình mình viết. Tôi tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn để có thể tiến bộ hơn mỗi ngày.
Vì thế đừng bắt buộc bản thân phải tìm kiếm những điều hoàn hảo nhất. Mà thay vào đó là hãy bắt tay vào thực hiện từng bước nhỏ. Tạo thói quen lặp lại mỗi ngày.
Khi nghĩ về mục tiêu của mình. Đừng chỉ tập trung vào kết quả. Tập trung vào những thói quen, từng hành động lặp lại mỗi ngày. Tập trung vào những từng chiến thắng nhỏ trước khi phần thưởng xuất hiện.
Nếu bạn mong muốn đạt được bất cứ một điều gì. Bạn phải yêu thích và cam kết với quá trình thực hiện nó. Thay vì chỉ ngồi yên và mơ mộng về một kết quả hoàn hảo. Yêu thích quá trình bạn làm việc và rồi hãy để phần thưởng tự tìm đến.
2. CHỈ LÀM VIỆC DỰA TRÊN ĐỘNG LỰC
Khi được hỏi về cách làm sao để có thể đạt được mục tiêu? Câu trả lời đầu tiên được nêu lên là : “Tôi cần phải có động lực”. Ta sẽ có thể làm việc chăm chỉ khi ta cảm thấy có động lực.
Nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Động lực không phải là chìa khoá để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Động lực chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và sẽ không thể dẫn đến được một hành động nhất quán. Phần lớn chúng ta khi mới bắt đầu đặt ra một mục tiêu mới nào, đó là lúc chúng ta cảm thấy rằng bản thân đang có động lực nhiều nhất. Và vô cùng phấn khởi khi nghĩ tới ngày mà mình sẽ đạt được kết quả.
Nhưng chỉ được vài ngày, ta nhận ra bản thân không còn nhiều động lực như ban đầu nữa. Ta cảm thấy chán nản khi phải tiếp tục làm những công việc quen thuộc mỗi ngày. Ta dần mất đi niềm tin vì những điều ta làm không mang lại kết quả rõ ràng.
Kể cả bản thân tôi cùng đã từng như thế: Tôi biết rằng nếu tôi chăm chỉ tập thể dục. Nghiêm túc thực hiện chế độ ăn lành mạnh. Thì tôi sẽ giảm cân thành công và có được body như tôi mong ước. Tôi biết rằng nếu tôi chăm chỉ rèn luyện kĩ năng viết mỗi ngày. Thì tôi sẽ trở thành một người viết giỏi. Nó đơn giản và rõ ràng đến thế. Nhưng tại sao tôi lại không thể làm được?.
Tất cả chúng ta đều có những mục tiêu mà mình muốn đạt được. Những ước mơ mà chúng ta muốn thực hiện. Và rồi cho dù là bạn đang mong muốn bất cứ điều gì mà chỉ dựa vào cảm hứng nhất thời hay nghĩ rằng động lực bản thân sẽ đủ lớn để làm được. Thì bạn sẽ mãi chẳng bao giờ có được kết quả như mong đợi.
====
Tôi đã thấy điều này trong kinh nghiệm của chính mình. Bản thân tôi cũng đã từng như thế. Có những ngày tôi chỉ muốn thu lu ở nhà, không muốn nhắc chân ra khỏi nhà nửa bước. Có những ngày cơ thể tôi nặng nề đến nỗi chỉ cần tưởng tượng đến lịch tập yoga buổi chiều là một nổi ám ảnh đối với tôi. Hay có những ngày tâm trạng nặng nề. Đầu óc tôi trống rỗng. Không muốn đụng đến một chữ đừng nói là viết bài.
Và rồi tôi nhận ra rằng: Nếu chỉ dựa vào động lực và cảm hứng sáng tạo tự bản thân tôi. Thì tôi sẽ không thể nào đạt được mục tiêu như mình mong muốn được. Bởi động lực và sáng tạo là điều chỉ xảy ra thỉnh thoảng và không thể kiểm soát được. Tôi bắt bản thân cam kết phải tuân thủ theo lịch trình làm việc đều đặn. Kể cả khi tôi cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc và xem nó như một thói quen phải thực hiện đều đặn mỗi ngày. Chính thói quen đó đã mang lại cho tôi những giá trị vô cùng to lớn.
Điểm khác biệt duy nhất là những người thành công họ biết điều gì là quan trọng đối với họ. Và làm việc theo kế hoạch đã cam kết. Còn những người thất bại đều bị chi phối bởi những yếu tố bên ngoài. Hãy bắt đầu hành động kể cả khi bạn muốn dừng lại, không muốn làm việc nữa. Hãy làm việc kể cả khi mọi thứ không dễ dàng.
3. KỲ VỌNG QUÁ LỚN VÀ BẮT MỌI THỨ PHẢI THAY ĐỔI NGAY LẬP TỨC
Khi nhìn nhận lại những thói quen ta đang có ở hiện tại. Dù tốt hay xấu, thì những thói quen đó không phải chỉ xuất hiện một ngày hay một bữa, mà chúng phải được hình thành bởi những hành động nhỏ và lặp lại thường xuyên. Vậy thì việc ta mong muốn có thể tạo được thói quen mới chỉ trong vài ngày là điều không thể nào có thể xảy ra được.
Vì thế để có thể bắt đầu xây dựng một thói quen mới. Ta hãy chia nhỏ hành động đó ra để có thể dễ dàng thực hiện.
Ví dụ: Bạn muốn đặt mục tiêu sẽ plank 10 phút mỗi ngày. Thì hãy bắt đầu với những cái dễ dàng nhất là 1 phút mỗi ngày. Bạn muốn đặt mục tiêu đọc 30 cuốn sách trong năm. Hãy bắt đầu từ thói quen đọc hai trang mỗi ngày. Khi bạn đã tạo được thói quen đọc sách mỗi ngày rồi, thì bạn có thể nâng lên 20 trang mỗi ngày và dần dần tiến tới mục tiêu 30 cuốn sách trong năm.
4. TÌM KIẾM KẾT QUẢ MÀ KHÔNG TẬP TRUNG VÀO QUÁ TRÌNH
Hầu như khi nhắc đến mục tiêu ta đều chỉ tập trung vào kết quả nhất định.
- Tôi muốn giảm bao nhiêu cân?
- Tôi muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền?
- Tôi muốn đọc được bao nhiêu cuốn sách?
Ta cố gắng thay đổi và tạo nên thói quen mới nhưng lại chưa bao giờ vạch ra từng bước cụ thể (khi nào, ở đâu, như thế nào) để có thể rèn luyện được thói quen đó. Ta phó mặc cho cơ hội và hy vong rằng bản thân sẽ có đủ động lực để hoàn thành nó.
Nhưng sự thật rằng, hầu hết những mục tiêu mới đều không thể mang lại được kết quả mới. Chỉ có một thói quen tốt. Một lối sống tốt, mới có thể đem lại kết quả như mong đợi. Mà đã là lối sống thì không thể tạo ra được chỉ trong 1-2 ngày. Nó đòi hỏi cả một quá trình.
Vì vậy việc ta cần làm là xây dựng những thói quen, lối sống mới, chứ không phải là tập trung vào kết quả. Lập kế hoạch cụ thể từng thời điểm. Cho thói quen của bạn một thời gian và không gian. Chỉ cần đến thời điểm ta sẽ tự khắc thực hiện theo kế hoạch đó. Thay vì phải suy nghĩ xem hôm nay ta sẽ làm công việc gì. Hay hôm nay ta sẽ tập thể dục vào sáng hay tối? Điều này có thể giúp bạn tránh được tình huống bản thân dễ rơi vào trạng thái lười biếng và trì hoãn. Việc ta cần làm là đi theo đúng kế hoạch đã lập ra.
5. ẢNH HƯỞNG BỞI MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH
Bạn sẽ không thể nào giảm cân được, nếu xung quanh bạn toàn là những thức ăn nhiều calo. Bạn không thể nào giữ được sự tích cực, nếu xung quanh toàn là những người tiêu cực. Vì vậy cách tốt nhất là hãy xây dựng thói quen gắn với môi trường có thể hỗ trợ hoặc tạo điều kiện để bạn có thể thực hiện được thói quen đó.
Ví dụ: Bạn có thói quen check điện thoại mỗi khi có thông báo tin nhắn đến. Điều này dẫn đến việc bạn khó tập trung tuyệt đối vào công việc. Vậy giải pháp là hãy để điện thoại ra xa nơi bạn làm việc. Trong quá trình làm việc trên máy tính, tắt hết những tab giải trí, thông báo email, để không bị phân tâm khi làm việc.
Hoặc giả sử khi bạn muốn bắt đầu xây dựng thói quen viết nhật ký 15 phút vào mỗi buổi tối. Một môi trường ồn ào với những người thân trong gia đình bạn, hoặc tiếng la hét của trẻ con, hay tiếng ồn từ ti vi sẽ làm bạn không thể tập trung và khó có thể thực hiện được thói quen. Nên giải pháp tốt nhất là bạn cần một môi trường, không gian yên tĩnh như phòng sách, hoặc phòng làm việc của bạn để có thể tập trung tốt nhất.

Thói quen chính là những quyết định, những hành động mà bạn thực hiện lặp đi lặp lại hằng ngày. Chính những thói quen là một trong những yếu tố làm nên cuộc sống hiện tại của mỗi chúng ta.
Hình dáng, ngoại hình bạn ra sao? Cuộc sống bạn hạnh phúc như thế nào? Bạn thành công ra sao? Đều là kết quả từ những thói quen của bạn.
Những gì bạn nghĩ. Những gì bạn làm. Những gì bạn lặp đi lặp lại. Cuối cùng sẽ hình thành nên con người bạn. Vậy nên hãy học cách để chuyển đổi những thói quen của mình để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.