Ngày bước chân vào đại học, cha và mẹ tiễn con lên những chuyến xe buýt mỗi cuối tuần, cũng là bắt đầu hành trình trưởng thành của một người con khi không có gia đình bên cạnh.
Trong những cuộc điện thoại mẹ đã luôn hỏi con hôm nay có chuyện gì vui không, kể cho mẹ nghe, vì mẹ luôn muốn biết con gái sống thế nào, học hành ra sao, có ai làm con buồn không, sống tự lập có dễ dàng không, có cần cha mẹ giúp gì không?
Và con chỉ chọn những câu chuyện vui để kể, vì con không muốn mẹ phải lo lắng cho con.
Cha mẹ thì luôn muốn biết về thế giới của con, trong khi càng lớn con thấy mình lại dần ít chia sẻ hay kể những câu chuyện của mình với gia đình nữa. Khác xa với ngày bé thì con cứ tíu tít kể mẹ nghe đủ mọi chuyện ở trường, không sót một câu chuyện nào.
Hành trình đi qua tuổi thơ, nhớ lại những kí ức vui, những kí ức buồn, cũng có những kí ức mà còn từng muốn quên, từng ước rằng giá như nó đừng có mặt trong cuộc đời con. Có những kí ức đến giờ phút này khi nhớ lại, cảm xúc nó để lại cho con vẫn còn quá lớn. Từng có lúc con sợ hãi, tìm cách né tránh và không muốn đối diện.
Con cũng đi tới giai đoạn trưởng thành, khoảnh khắc con đi tìm chính mình, mong muốn được khẳng định bản thân, khoảnh khắc chính con phải tự đưa ra lựa chọn, rồi những lần cũng lạc lối trong những lựa chọn đó.
Con vốn là một đứa cũng khá lì, từ trước đến giờ cũng đã có nhiều chuyện con làm trái ý gia đình. Và một trong những mâu thuẩn lớn nhất có lẽ bắt đầu từ việc con quyết định kinh doanh cùng vài người bạn, đó là lúc con nhận được sự phản đối kịch liệt từ cha. Nhiều lần con ấm ức, ngồi khóc rưng rức, tự nghĩ lựa chọn của mình vốn đã được chuẩn bị kỹ càng, và cách sống của mình đâu có ảnh hưởng tới quyền sống của ai đâu, mà sao cha cứ một mực phản đối.
Về những lựa chọn cuộc đời thì đến giờ con vẫn thấy mình không có gì hối tiếc. Con chỉ hối tiếc là ngày đó nhiều lúc cái tôi lớn quá, hành xử cũng có phần trẻ con quá không quan tâm đến cảm nhận của cha mẹ.
Khi biết tin con nghỉ công việc đầu tiên, cha từng nói: “Đừng có mà đứng núi này trông núi nọ, bao nhiêu người muốn như thế mà không được kìa”.
Khoảnh khắc đó con buồn, không phải vì con nuối tiếc công việc cũ, mà con buồn vì người thân của con không chịu hiểu cho con, rằng con chán cái công việc đó ra sao, con mệt mỏi với cái công việc đó như thế nào (vấn đề với con thời điểm đó nó lớn đến nhường nào, 1 phần vì hồi ấy con trẻ quá, trải nghiệm ít quá, còn cái tôi thì lại lớn quá, 1 chút ấm ức, 1 chút mâu thuẩn, đã nhảy nhổm lên làm trời làm đất, luôn cho rằng vấn đề của mình là lớn nhất).
Giây phút đó con thấy mình trống rỗng và cô đơn biết bao, người khác không hiểu con, con vẫn ổn, con sẵn sàng bỏ qua mọi đánh giá, vẫn đủ sức để kiên cường chống chọi. Nhưng cha mẹ là người con yêu thương nhất cũng không hiểu và không ủng hộ con, đó là khoảnh khắc con thấy cả thế giới trước mắt mình như sụp đổ, đó là một trong những lần con khóc nhiều nhất trên hành trình trưởng thành của mình.
Rồi con cũng dần lớn hơn một chút, va chạm nhiều hơn, trong công việc vẫn luôn có những vấn đề, nhưng dần dần con chẳng còn dám chia sẻ và nói sự thật với gia đình nữa. Con nói dối là mình vẫn ổn, công việc vẫn bình thường.
“Một nửa mẩu bánh mì vẫn là bánh mì.
Nhưng một nửa của sự thật, thì không còn là sự thật.”
Con gần như luôn chọn nói một nửa sự thật với cha mẹ, một nửa sự thật đối với tất cả những gì liên quan đến con. Phần vì con sợ mình sẽ không được ủng hộ, phần cũng vì con sợ cha mẹ phải lo lắng, phải mang gánh nặng về con. Con chọn một nửa sự thật. Con muốn gia đình chỉ thấy con vui cười, nhiều bạn, công việc thuận lợi, cuộc sống vui vẻ hạnh phúc mỗi ngày. Chứ con chẳng muốn gia đình biết con cũng có nhiều vấn đề, nhiều suy nghĩ, nhiều lần hoang mang, vô định mà chẳng biết hỏi ai, nhiều lần buồn, cũng nhiều lần khóc.
Càng ngày, càng lớn, càng đi nhiều, cũng càng học được nhiều hơn, mới thấm thía rằng, cuộc sống này chưa bao giờ là dễ dàng cả, cuộc sống của người lớn quả thật rất mệt mỏi và có quá nhiều thứ áp lực.
Là một người chưa lập gia đình, chưa kết hôn, chưa sinh con mà đôi khi con còn cảm thấy cuộc sống sao mà khó khăn quá. Huống hồ các bậc cha mẹ còn phải lo bao nhiêu là thứ: chi tiêu hằng ngày, phí sinh hoạt hằng tháng, rồi nào là tiền học, tiền điện, tiền nước, bao nhiêu là thứ cần phải mua sắm, chi tiêu, chưa kể đến trách nhiệm cho gia đình nội ngoại hai bên các thứ. Vừa lo kiếm tiền trang trải cuộc sống, vừa lo việc cơ quan, giao tiếp xã hội, bao nhiêu là công việc không tên bù đầu bù cổ.
Và cũng có một sự thật là khi còn trẻ nhiều người trong chúng ta chỉ quan tâm đến cảm xúc của chính mình, coi mình là trung tâm của vũ trụ, mà không hề quan tâm tới cảm nhận của những người yêu thương mình. Chỉ chú trọng vào cảm xúc của bản thân, luôn đòi hỏi và mong muốn người khác phải hiểu mình, mà bản thân thì chưa bao giờ chịu ngồi lại để lắng nghe những cảm nhận và suy nghĩ của người khác. Trách cha mẹ không hiểu mình, chứ mình mấy khi chịu để ý rằng cha mẹ có lẽ cũng sẽ đang trách tại sao mình không chịu hiểu cho họ.
Rồi con cũng bắt đầu bước vào quá trình hòa giải với cha mẹ, con học được cách thay đổi góc nhìn của bản thân. Biết đặt mình vào vị trí, vào hoàn cảnh của cha mẹ để thấu hiểu. Hiểu được những nỗi lo toan nhọc nhằn của cuộc đời. Hiểu rằng cuộc sống vốn nhiều trách nhiệm và khó khăn, nên có những lúc cha mẹ không có cách nào mà chu toàn được tất cả.
Con học cách giao tiếp và truyền thông bằng tình thương, từ từ giúp cho cha mẹ hiểu rằng, con không còn là một đứa trẻ nữa, rằng con đã phần nào trưởng thành hơn nhiều, có thể tự lo được cho bản thân mình mà không cần cha mẹ can thiệp.
Nếu sau này khi con có con, cũng sẽ làm mẹ, thì con chỉ muốn thay đổi 1 điều nữa là con sẽ cho con của con được tự do lựa chọn. Và dành sự lắng nghe cho nó, muốn ở cạnh nó, làm điểm tựa cho nó, bất cứ khi nào nó muốn chia sẻ với con điều gì đó. Con muốn trở thành nguồn yêu thương hỗ trợ cho bước đường đời của chúng. Bởi con biết nếu khoảnh khắc con áp đặt nó, không lắng nghe, gạt bỏ những cảm xúc của nó, thì có lẽ sau này con sẽ chẳng còn hiểu được chúng nữa, bởi chúng sẽ đóng chặt cảm xúc và trái tim lại rồi.
Con xin lỗi vì đã lớn tiếng, xin lỗi vì đã nóng nảy, xin lỗi vì thái độ của mình, cũng xin lỗi vì đã im lặng.
Nhưng con không giận không trách, vì con biết rằng hơn tất cả cha mẹ cũng chỉ vì yêu thương và lo lắng cho con mà thôi. Và nếu được làm lại con sẽ thay đổi cách con đối xử với gia đình, để cha mẹ bớt tổn thương vì cách hành xử của con hơn.
Có lẽ mỗi người chúng ta sẽ có rất nhiều cuộc đời, rất nhiều kiếp sống khác nhau. Và với con kiếp sống này con nghĩ rằng mình đã đi được gần một nửa chặng đường. Con luôn biết ơn những nhân duyên để con được là con của cha mẹ.
Con đã có một hành trình trưởng thành, mà với con nó không dễ dàng lắm, có thất bại, có vấp ngã, có làm cha mẹ buồn, và cũng có những thành công, những tiến bộ. Nhưng sau tất cả, con thấy vô cùng tự hào và dành sự biết cho hành trình mình đã đi qua.
Và cũng tự hào vì được là con của cha mẹ.
Ngày chủ nhật bình yên, tắt điện thoại, dành trọn thời gian cho gia đình.
…
Bạn ơi, hãy nhớ rằng, có khi cha mẹ cũng đang cực kỳ bối rối với mình. Có thể họ cũng đang có nhiều tổn thương mà không nhận ra để rồi cũng trở nên bối rối không biết làm sao để giúp đỡ và kết nối với con cái. Bởi đâu ai dạy họ phải làm như thế nào, họ cũng xuất phát từ việc muốn làm người cha người mẹ tốt nhất mà thôi, muốn làm mọi thứ tốt đẹp nhất cho con cái của mình.
Chúng ta, luôn muốn vươn ra ngoài, đi xa hơn, khám phá nhiều thứ hơn, nên cái thế giới trong mắt những người trẻ như chúng ta luôn bao la và rộng mở, chúng ta luôn thấy rằng mình còn cả một hành trình dài để khám phá và phát triển.
Còn cha mẹ chỉ có già đi theo năm tháng, họ chỉ nhớ về những kỉ niệm cũ mà thôi.
.
.
.
.