Rất nhiều những biến động của cuộc đời, nhiều điều bất như ý mà mình không thể đoán biết được, liệu ngày mai có được giống như những gì mình kỳ vọng?
Sự vô định xuất hiện ở mọi nơi, vô định thường xuất hiện khi mình ở trong những giai đoạn khủng hoảng lớn của cuộc đời như: khủng hoảng tuổi 20, khủng khoảng tuổi 30, khủng hoảng danh tính, khủng hoảng giá trị hay những giai đoạn hoang mang vô định vì phải tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân để có thể gắn bó, tìm kiếm một người để yêu, hay khi phải đứng trước những ngã rẽ cuộc đời, đối diện với những quyết định, luôn cảm thấy lo lắng về tương lai, nghi ngờ chính mình, nghi ngờ những lựa chọn, nghi ngờ những giá trị mà mình có thể mang lại cho những người xung quanh….rồi một vài cảm giác xấu hổ, bối rối khi thấy bản thân luôn rơi vào trạng thái vô định.
Đa phần chúng ta lớn lên với tư duy rằng mình phải luôn ổn định. Đi học, đi làm, có công việc tạo thu nhập, mua nhà, mua xe, có tài sản, rồi lấy chồng, sinh con, nuôi dạy chúng….đó mới là một cuộc sống ổn định mà tất cả chúng ta nên hướng tới. Tiêu chuẩn này vô tình tạo ra cho chúng ta sự bám chấp về tính ổn định, tức là bất cứ khi nào khi thấy bản thân không giống với tiêu chuẩn đó thì mình có gì đó chưa ổn và phải nhanh nhanh để tìm cách ổn định.
Đức Phật đã từng nói: đời là vô thường, nghĩa là ngày hôm nay ổn định nhưng ngày mai có thể vô định. Cuộc sống vì vậy là sự đan xen giữa ổn định và vô định, nếu chỉ chăm chăm tập trung vào ổn định là chúng ta đã bỏ qua một phần vô cùng thú vị của vô định, để có thể trải nghiệm cuộc sống với nhiều góc độ khác nhau.
Trước đây khi chưa có sự rèn luyện và thấu hiểu tốt về cảm xúc của bản thân, mỗi khi đối diện với trạng thái vô định, tôi thường tìm cách lờ nó đi như xem phim, lướt mxh, hay đi ra ngoài ăn uống, mua sắm chỉ để cảm thấy được dễ chịu, được thoải mái trong ngắn hạn, để lờ đi sự khó chịu mà trạng thái vô định đang tạo ra.
Nhưng từ khi bắt đầu nhìn sâu hơn, tôi nhận ra rằng vô định bắt đầu từ sự lo lắng, lo rằng mọi thứ quá mơ hồ và mình không thể kiểm soát, không biết nên làm gì tiếp theo, liệu những khó khăn nào sẽ đến với mình, mình phải đối diện ra sao đây…Thật ra vô định cũng giống như bất kì trạng thái cảm xúc nào mình từng có, tức là nó tới rồi cũng sẽ đi, với điều kiện là mình biết chấp nhận và cho phép nó hiện diện trong cuộc sống của mình.
Khi nhận ra được những điều này bản thân dần thoải mái hơn. Làm sao có ai sống một cuộc đời mà đảm bảo được sự ổn định 100%, không ai có thể mãi ổn định được. Giờ đây mỗi khi nhận thấy bản thân bắt đầu có sự vô định, tôi thường ngồi yên, cho phép mình không cần làm gì cả, chỉ để cảm nhận và đón nhận cơn lo lắng của mình và dần dần tôi có được sự bình tĩnh để đón nhận cảm xúc vô định này.
Dần dần tôi rèn cho mình một tư duy mở, không còn xem sự ổn định là một tiêu chuẩn chung để hướng đến, mà xem sự ổn định chỉ là một trạng thái mà mỗi chúng ta đều sẽ phải có trong cuộc sống này, mà trạng thái thì lúc có lúc không, lúc có đầy đủ điều kiện thì nó sẽ biểu hiện, còn khi khuyết đi một vài yếu tố thì nó sẽ mất đi.
Cuộc đời vốn vô thường, mỗi ngày đều có cách vận hành của riêng nó. Việc của mình là giữ mình, kiểm soát tốt chính mình, kiểm soát những thứ nằm trong khả năng của mình, còn lại học cách buông tay. Chấp nhận sẽ có mất mát, sẽ có tổn thương đến từ người khác, sẽ có những người, những sự việc, những điều hoàn toàn trái với kỳ vọng của mình, thậm chí sẽ có những điều kì lạ vượt xa tư duy tầm hiểu biết của mình nữa, vậy nên rèn luyện cho mình tư duy mở để giữ tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi thứ.
Học cách chấp nhận và buông bỏ. Nhận ra đâu là điều mình cần kiểm soát, đâu là điều mình cần buông bỏ. Thời tiết, những yếu tố xã hội bên ngoài, bệnh tật hay sự ra đi của người thân là những điều mà tôi không thể kiểm soát được. Càng cố gắng kiểm soát những điều này thì bản thân sẽ lại càng mệt mỏi hơn.
Chúng ta luôn có xu hướng tìm kiếm sự an toàn, ổn định và chắc chắn, vậy nên sự buông bỏ là một bài học không dễ dàng chút nào.
Trong tôn giáo, buông bỏ là hành động giải thoát dẫn đến giác ngộ, đó là hành động của sự dũng cảm, nhưng với phần lớn chúng ta buông bỏ chính là sự chạy trốn, cứu cánh cuối cùng khi đã quá bế tắc, ta không chủ động buông mà là ta buộc phải buông.
Lý do phổ biến nhất khi một người nào đó tìm đến tâm linh, tôn giáo là vì những khổ đau họ đang mang như: mất đi người thân yêu, mất đi công việc đã nhiều năm cố gắng, mất đi toàn bộ tài sản đã nhiều năm gầy dựng, mất đi quyền lực, mất đi tình yêu….những chuyện mà họ nghĩ sẽ chẳng bao giờ đến với họ, mọi thứ vững chắc như thế làm sao thoáng cái mất hết đi được, ấy vậy mà…. đùng cái họ phải đối diện, khiến họ hoang mang, chới với không chấp nhận được. Điều họ có thể làm lúc này là tìm đến một nơi mà cho họ câu trả lời và lựa chọn thường là chùa chiềng, thiền viện, phật pháp như cứu cánh cuối cùng cho nỗi đau mất mát quá lớn ấy.
Hơn 2500 năm trước, khi Đức Phật ở tuổi 29 cũng đã lựa chọn buông bỏ. Ngài buông của cải, vật chất, địa vị, gia đình, trách nhiệm. Ngài không buông vì ngài khổ, ngài buông vì thấy những người xung quanh mình đều khổ. Ngài nhận ra rằng đời là bể khổ, phàm đã là con người thì chắc chắn sẽ khổ. Vậy nên trong 6 năm ròng ngài đi tìm kiếm câu trả lời để giúp cho con người bớt khổ đó là thông qua sự buông bỏ. Buông với Đức Phật đó là sự dũng cảm, buông để có được những điều lớn lao hơn với bản thân, buông để tìm kiếm chân lý giúp con người bớt khổ.
Chúng ta đã quen với những giá trị về sự ổn định, cuộc sống chỉ thực sự hạnh phúc và có ý nghĩa khi có một công việc ổn định, kiếm được nhiều tiền, có nhiều tài sản, quyền lực, có nhiều sự ảnh hưởng.
Buông bỏ thì hoàn toàn đi ngược lại với khái niệm mà xã hội và cộng đồng tạo nên. Buông bỏ là không còn để bất kì giá trị nào do xã hội tạo ra trói buộc hay giam giữ mình lại. Buông bỏ là không còn chạy theo cuộc đua mà đám đông tạo nên. Buông bỏ là bóc tách toàn bộ lớp vỏ bọc mà mình đã gán lên trong suốt quá trình lớn lên. Mỗi lần buông bỏ cần rất nhiều sự cam đảm để đối diện với những kháng cự từ bên trong lẫn bên ngoài mình. Mỗi khi thấy mệt, là lúc bóc thêm một lớp mới của củ hành, có lẽ nước mắt sẽ rơi, nhưng năng lực thì sẽ trưởng thành hơn rất nhiều. Tất cả đều cần thiết cho quá trình chuyển hoá của mình.
Buông bỏ là hành động dũng cảm, đòi hỏi sự quyết tâm và can đảm chứ không là hành động của sự bỏ cuộc và từ bỏ.
Tôi đã từng chấp nhận bỏ công việc vì thấy giá trị sống của mình không được bảo vệ và nuôi dưỡng trong môi trường đó. Tôi đã từng chấp nhận buông bỏ và chấm dứt một mối quan hệ tình cảm vì đối phương không tôn trọng giá trị an toàn của tôi và nếu tiếp tục tôi biết mình sẽ mệt mỏi vì những giá trị của mình sẽ liên tục bị xâm phạm. Dù trước đó đã nhiều lần tôi nổ lực chia sẻ và truyền thông về điều đó, đã từng từ chối cách hành xử của đối phương, đã hơn một lần tìm cách để giải quyết vấn đề.
Tại sao mình lại cần sự ổn định, tại sao mình luôn sợ hãi trước những thứ vô định?
Giả sử nếu cuộc sống này ai ai cũng đều vô định thì có lẽ sự vô định chính là điều hoàn toàn bình thường và hiển nhiên. Nhưng vì sống trong xã hội này chúng ta đã quá quen với việc tìm kiếm sự ổn định, nên ai chưa có nghề nghiệp, công việc, thì sẽ được cho là vô định. Sống với những tiêu chuẩn giống như một đường line, khi mình chạm vào được, mình thấy mình được thuộc về.
Nhưng đúng hơn mình chỉ vô định trong việc chọn nghề nghiệp, chứ không phải là mình vô định trong suốt phần đời còn lại. Sự suy ngẫm đã cho tôi có được những góc nhìn mới.
Vậy nên buông bỏ cần nhiều sự can đảm và thấu hiểu giá trị sống nếu không thì đó chỉ là sự chạy trốn. Hành động chạy trốn chỉ là chạy theo cảm xúc chứ chưa kết nối với giá trị sống bên dưới để mình hiểu được tại sao mình cần buông.
Có lẽ mình chỉ buông bỏ nếu như thấy nó quá nặng, tuy nhiên trong cuộc sống này có nhiều gánh nặng vô hình và có khi mình đã gánh nó quá lâu nên cũng chẳng còn thấy nặng. Vậy nên tập buông sớm hơn chứ không để đến khi nó trở nên quá nặng, lúc đó khi muốn buông cũng đã trễ và buông được thì mình cũng đã quá mệt rồi.
.
.
.
.