Dừng tranh cãi, hiểu chính mình, tìm được sự tĩnh lặng cho bản thân, đó cũng là lúc tôi dừng tham gia vào những cuộc tranh luận, tranh cãi ngoài đời lẫn trên mạng xã hội.
Bởi đã biết rằng, dù thắng hay thua, những cuộc tranh luận đó cũng chẳng mang lại lợi ích gì, chỉ làm tốn thời gian và đôi khi chỉ mang lại thêm những nguồn năng lượng tiêu cực. Thay vì vậy, tôi muốn dành thời gian đó làm việc có ích hơn.
Mỗi người lớn lên với môi trường sống khác nhau, truyền thống giáo dục gia đình, môi trường sống khác nhau nên tư duy, quan điểm, nhân sinh quan cũng chẳng giống nhau. Ai cũng đều cho rằng bản thân mình mới là người đúng nhất. Nên tranh cãi là một việc làm vô ích. Và cố gắng để làm thay đổi quan điểm của một ai đó bằng tranh cãi cũng là vô ích. Trong một cuộc tranh luận dù thắng hay thua thì cả 2 bên đều là người thất bại trong giao tiếp rồi.
Chỉ có trải nghiệm, một người mới trưởng thành và thay đổi tư duy, từ đó tự bản thân mỗi người sẽ hiểu được những thứ cao hơn.
…
Ngừng so sánh bản thân với người khác, ngừng so sánh gia đình mình với gia đình người, vì trong đời này không ai giống ai, không gia đình nào giống gia đình nào, thế nên ta không cần phải so sánh, vì so sánh chỉ khiến tâm ta sinh mặc cảm hoặc đua đòi theo, kết quả là sẽ mệt mỏi thêm mà thôi.
Không để ý chuyện xấu của người khác, vì người ấy không phải là ta, khi nghĩ đến điều xấu của người khác, thì điều xấu trong tâm ta sẽ có cơ hội được khởi lên làm cho tâm ta vẫn đục, làm cho nét mặc ta mất đi vẻ đẹp của sự thánh thiện tươi vui.
Thực tập lắng nghe tâm trí, hơi thở của chính mình, biết cách lắng nghe và thấu hiểu người khác, đối xử với người khác như cách ta muốn họ đối xử với ta. Bởi ở đời không có ai xấu và tốt một cách quá đáng, mọi sự xấu tốt trên đời đều sẽ tự thay đổi khi có cơ duyên, rèn được suy nghĩ này bản thân không rơi vào cạm bẫy của sự hy vọng hoặc thất vọng thái quá nữa.
…
Vui với thành công của người khác là lúc tôi bỏ qua được sự đố kỵ. Cảm thông được với suy nghĩ của người khác là lúc tôi mở rộng thế giới quan, buông bỏ những định kiến và phán xét của chính mình. Cảm thông với những người từng làm tôi tổn thương là lúc buông bỏ thù hận và chọn sự tha thứ.
Chọn bỏ qua, chọn tha thứ, chọn bước tiếp và chọn mở rộng lòng mình. Tất cả đều là giúp cho chính mình trước thảy.
Cái tâm của mình thoải mái hơn, cuộc sống của mình cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Có thể đặt mình vào vị trí của người khác, thử nhìn thế giới qua lăng kính của họ, và nhận ra rằng đằng sau tất cả những ấn tượng bên ngoài, họ cũng có những câu chuyện, những thiếu sót, những đau khổ, những khát vọng, những tổn thương..Rằng biết đâu họ cũng đang trải qua một ngày tồi tệ, đang có nỗi đau nào đó bị kìm nén, hoặc chỉ đơn giản là có những trải nghiệm và quan điểm khác mình…Giả sử nếu như mình ở vị trí của họ, đối diện với những vấn đề của họ, trải qua cuộc đời họ sống… thì biết đâu mình cũng giống như họ thì sao.
Suy nghĩ như vậy, tự nhiên bản thân có thể bỏ qua, và không còn giữ lại trong lòng thứ gì tiêu cực nữa, cũng còn giận được ai.
Nhiều người luôn muốn hoàn hảo hơn, vì nghĩ rằng sự hoàn hảo sẽ đem lại hạnh phúc, nhưng sự thật là ta vẫn có thể hạnh phúc dù không hoàn hảo. Bởi hạnh phúc là cảm nhận hoàn toàn chủ quan, cách ta cảm nhận về cuộc sống, sự thanh thản bình yên trong tâm hồn chứ không nhất thiết phải liên quan đến tiền bạc hay vật chất.
Để sống hạnh phúc cần buông bỏ bớt những ham muốn bản thân, và chấp nhận sự bất toàn tất yếu của con người. Mỗi ngày thực tập nghĩ về những gì tốt đẹp, để nuôi dưỡng ý chí và nghị lực, tạo điều kiện cho những hạt giống lành trong tâm của mình biểu hiện ngay trong những hành động hằng ngày.
Không khởi tâm sân hận đối với những chuyện bất như ý. Không khởi tâm tham lam đối với những gì không phải của mình. Sống hết lòng và chân thật mặc đời còn nhiều dối trá. Sống tỉnh táo không đua đòi, mặc người đời vẫn say mê bon chen. Mỗi ngày thực tập mỉm cười với trẻ thơ và những bông hoa. Khi những chuyện vui buồn hiện về trong tâm trí, thực tập mỉm cười với tất cả. Ngừng nghe ngừng nói những chuyện vô ích.
Cố gắng làm những gì mình cho là đúng nhất để có được tâm thế thoải mái khi làm và tránh tâm hối hận về sau.
.
.
.