Mình là ai? – Who am i?
Có lẽ khi được hỏi câu hỏi này thì cách trả lời thông thường nhất, nhanh chóng nhất và đơn giản nhất sẽ là một cái tên. Tôi tên là A, B, C nào đó. Gọi là tên nhưng thực chất đó đều là những âm thanh được tạo ra, sau đó chúng ta hiểu nghĩa qua những âm thanh đó, tên đó đại diện cho con người đó.
Tuy nhiên nếu đi sâu vào 1 xíu câu hỏi who am i? thì sẽ có vô số những cách trả lời khác nhau.
Dựa trên danh tính được định sẵn như: mình là con của ba mình, mình là con của mẹ mình, là cháu của ông bà, cháu của chú bác nào đó.
Lớn lên một chút đi học thì mình là học sinh lớp a, b, hay mình là học sinh lớp chọn, mình là học sinh tỉnh lẻ..
Hoặc thuộc phạm vi quốc gia: như mình là người Việt Nam, mình là người Châu Á…
Hay thông qua những đặc tính sinh học, mình là người cao, người ốm, người thấp, người gầy, mình là người hấp thụ tốt, mình là người tiêu hoá tốt, mình là người dễ ngủ, mình là người khó ngủ, mình là người vận động nhiều, mình là người vận động ít, mình là người ít bệnh vặt, mình là người sức đề kháng tốt…
Nếu thông qua tính cách như mình là người hướng nội, mình là người hướng ngoại, mình là người ngại giao tiếp, mình là người ít nói…
Thông qua những vai trò: mình là cha, mình là mẹ của ai đó, mình là thầy, mình là cô, mình là sếp, mình là nhân viên, mình là bác sĩ, kĩ sư, kiến trúc sư, những vai trò mà chúng ta thường xuyên nắm giữ.
Còn thông qua sở thích thì sao: mình là người thích thể thao, mình là người thích chạy bộ, mình là người thích đạp xe, mình là người thích âm nhạc, mình là người thích nhảy múa, thích vẽ, thích đọc sách, thích xem phim, mình là người ăn chậm, mình là người ăn chay..
Mình cũng có thể là trí nhớ của mình, mình là người nhớ dai, mình là người mau quên…
Đây hầu hết là những đặc điểm đã có sẵn trong chúng ta hay đôi khi do ta tự gán vào cho chính mình. Có những người sẽ chấp nhận và hài lòng với những đặc điểm đó, có những người thì lại không.
Đôi khi chúng ta vô thức đồng hoá những dữ kiện bên ngoài đó với chính mình, ví như nói rằng mình là người thích chạy bộ, vậy khi không còn được chạy bộ nữa thì sao, có lẽ là lúc mình không còn là chính mình, để rồi mình lạc lối, không còn biết mình là ai.
Những trải nghiệm trong quá khứ, những giá trị, kiến thức, những lập luận, cách tư duy, giúp định hình nên giá trị chính mình ngày hôm nay, vậy nên khi nhắc đến ý nghĩa cuộc sống chúng ta cũng sẽ nói về quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai nữa.
Cho đến cuối cùng mình là ai, who am i, chắc chắn mình sẽ là sự tổng hoà của rất nhiều yếu tố sinh học, nghề nghiệp, vai trò, sở thích, thói quen và điều này có nghĩa là bản thân mỗi chúng ta sẽ liên tục thay đổi, sẽ không có một giới hạn nào cố định trong tình huống này. Vì với những kiến thức mới, những trải nghiệm mới, sở thích mới thì chúng ta lại có những định nghĩa mới về mình.
Mình cũng có nghĩa là những hệ giá trị, những điểm mạnh, điểm yếu, những niềm tin cốt lõi, hệ tư tưởng giá trị đi theo mình suốt một khoảng thời gian dài từ bé đến khi trưởng thành.
Chúng ta được dạy phải cư xử đúng chuẩn mực để người khác không đánh giá, để người thân không cảm thấy phiền lòng, nhưng không được dạy cách để hiểu và trân trọng chính mình. Chúng ta biết, hiểu và thấy mỗi một con đường duy nhất. Rằng ta phải yêu một ai đó, kết hôn với một ai đó thì đời ta mới có ý nghĩa, mới trọn vẹn. Ta không thấy ý nghĩa với sự tồn tại của mình. Ta liên tục gán lên mình nhiều nhãn dán khác nhau, để rồi khi nhìn lại mới nhận ra rằng bấy lâu nay ta có nhiều nhãn dán đến vậy.
Ta tưởng rằng phần lớn những khó khăn, mệt mỏi hằng ngày mà ta phải đối diện là do người xung quanh, là do áp lực cuộc sống mà không nhận ra rằng ta đã và đang mời gọi những khó khăn ấy tới với cuộc sống của mình. Và đau khổ vẫn mỗi ngày tiếp diễn.
Sau những năm tháng gồng mình, trốn mình, ta dần xa lạ với chính mình. Ta cần một ai đó để nghe mình, để hiểu mình, để thương mình. Vậy mà, ta chưa từng dừng lại để hỏi ”Mình có hiểu mình không?”
Và đôi khi hỏi xong, chúng ta cũng lại bị cuốn vào những vòng xoáy khác nhau, để rồi quên luôn cả câu hỏi. Thật là trớ trêu.
…
Đó là câu trả lời mình là ai, khi có người khác hỏi.
Vậy khi không còn người khác, không còn những yếu tố bên ngoài, thì mình là gì với chính mình?
Vì để tìm thấy được ý nghĩa của mình với cuộc sống ngoài kia thì trước hết mình cũng nên biết mình có ý nghĩa gì với mình trước đã.
Mình có thật sự thông suốt và thấu hiểu về chính mình hay chưa?
Đây có lẽ là 1 câu hỏi dễ nhưng cũng sẽ là 1 câu hỏi khó.
.
.
.