Ngày bé thì cứ cố gắng đi học, lớn lên chút cố gắng học cái nghề để có công việc. Trưởng thành, kết hôn, sinh con thì học làm phụ huynh, làm cha mẹ học cách nuôi dạy người khác. Lớn tuổi rồi thì học cách ăn uống, tập thể thao để chăm sóc sức khoẻ tuổi già.
Vậy đâu sẽ là thời điểm để mình dừng lại việc học, cái việc học để phát triển bản thân ấy?
Dừng lại khi nội tâm đã vững, dừng lại khi đã có được mọi thứ trong tay, hay có đôi khi việc dừng lại vì phải mất đi một vài thứ gì đó.
Dừng lại đôi chút và đặt cho mình những câu hỏi: Mình đang hoàn thiện bản thân vì điều gì, mình thay đổi bản thân là vì ai, mình phát triển bản thân để được gì? Phải có một lý do nào đó cho hành động của mình chứ? Phải có một động lực hay ý nghĩa nào đó đằng sau hành động của mình chứ?
Nếu như những mối quan hệ xung quanh cuộc sống mình vui vẻ bình an hạnh phúc thì có lẽ chúng ta sẽ không cần động lực hay hoàn thiện thêm điều gì nữa, bạn ha.
Vậy có phải từ khoá quan trọng ở đây là: xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với chính mình và với những người xung quanh không? Xây dựng mối quan hệ hạnh phúc và bền vững với tất cả những người mà chúng ta trân quý trong cuộc sống.
Bạn có đang có một mối quan hệ tốt đẹp với những xung quanh. Bạn có đang truyền thông kết nối và tương tác tốt với họ. Một mối quan hệ chất lượng là ở đó, mình được là chính mình, mình được quyền không hoàn hảo, mình được quyền sai, và mình biết là mình vẫn được chấp nhận và tôn trọng. Nhưng đa phần chúng ta lớn lên với sự méo mó về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi, từ truyền thông, giáo dục gia đình, nhà trường, liên tục tác động và ảnh hưởng đến chúng ta.
Con người từ sinh ra trên cuộc đời này chúng ta đã là những sinh vật cô đơn, cha mẹ chỉ là người sinh ra ta, nhưng thực tế việc đến với cuộc đời này ta phải đi một mình, nên vì sự cô đơn đó vốn đã là bản thể, nên hầu hết khi bắt đầu ý thức được cuộc sống ta đa phần đều có khát khao và nhu cầu được kết nối với người khác.
Trong suốt hành trình cuộc đời chúng ta phải đảm nhiệm và trải qua rất nhiều những vai trò khác nhau. Chúng ta sẽ là con của cha mẹ, là người yêu của ai đó, là vợ/chồng của ai đó, là cha/mẹ của đứa trẻ nào đó, là nhân viên của ai đó, là sếp của ai đó…Và với mỗi vai trò thì ta sẽ phải đối diện với những con người những tình huống khác nhau.
Với vai trò là con chúng ta sẽ đối diện với cha mẹ. Với vai trò là vợ thì chúng ta đối diện với chồng, hay là chồng thì sẽ đối diện với vợ, hay là đối diện với gia đình vợ, gia đình chồng. Với vai trò là phụ huynh thì chúng ta phải đối diện với con cái. Và nếu tất cả những tương tác, kết nối trong những mối quan hệ đó đều tốt đẹp thì sẽ là lúc mà chúng ta dừng việc muốn thay đổi và phát triển bản thân tiếp nữa.
Vậy thế nào là mối quan hệ tốt đẹp ?
Mỗi người sẽ có những cảm nhận và câu trả lời khác nhau. Nên có lẽ câu trả lời vừa vặn là: ”mối quan hệ vừa đủ tốt”. Tốt thật sự chứ không phải tốt trong mắt người khác.
Như với tôi thì có lẽ là mối quan hệ tốt với gia đình là khi mình có thể chia sẻ những tâm tư, tình cảm, niềm vui, nỗi buồn, những suy nghĩ, những tổn thương đang có với cha mẹ mà không sợ bị phán xét, không sợ bị tấn công hay chê trách. Bởi đa phần những tổn thương khổ đau đều đến từ những người mình yêu thương, đến từ việc mình và họ không có sự kết nối, thấu hiểu, để rồi từ đó hình thành những mâu thuẩn, những lời lẽ làm tổn thương nhau, rồi sự đứt gãy kết nối khoảng cách ngày càng lớn.
Rồi mối quan hệ tốt với con cái là khi cha mẹ có thể dành thời gian để ở bên cạnh quan tâm, chăm sóc, lắng nghe con mình, có khả năng chia sẻ những vấn đề một cách chân thật mà mình muốn con biết được. Tôn trọng, dành thời gian và không gian để chúng có thể tự do phát triển mà không bị áp đặt, phải chạy theo thành tích hay theo mong muốn của cha mẹ, thì đó có lẽ mối quan hệ tốt giữa cha mẹ và con cái.
Nếu trẻ lớn lên trong môi trường có cha mẹ thực hành về trí tuệ cảm xúc, như trẻ được quan tâm đến tình cảm, tâm trạng, cảm xúc, thì trẻ sẽ cảm thấy được khích lệ để thể hiện cảm xúc, và qua đó dần hiểu và diễn giải về cảm xúc của chúng tốt hơn. Nhưng hầu hết trong những gia đình, các bậc phụ huynh thường chỉ quan tâm và nuôi dưỡng cho sự phát triển về cơ thể vật lý như sức khoẻ, ăn uống, học hành, còn về đời sống tinh thần như cảm xúc, vui, buồn, hồi hộp, lo lắng, ước mơ, hy vọng, của đứa trẻ lại ít khi được quan tâm, tệ hơn là đôi khi chúng bị cha mẹ gạt bỏ đi những cảm xúc đó.
Ví như một đứa trẻ sẽ buồn vì một người bạn nghỉ chơi. Nếu cha mẹ là người có thực hành về trí tuệ cảm xúc, họ sẽ ngồi lại bên cạnh đứa trẻ, hỏi rằng, con đang cảm thấy như thế nào, con hoàn toàn có quyền buồn, con có thể buồn vì điều này, con có cần cha mẹ giúp đỡ gì không, và nếu như lát nữa con vẫn thấy chưa ổn thì cha/mẹ sẽ ngồi xuống, mình cùng nhau tìm cách hiểu và giải quyết cảm xúc này. Đó là cách cha/mẹ biểu đạt cho đứa trẻ thấy rằng chúng đang được quan tâm và lắng nghe, từ đó trẻ sẽ có được cảm giác làm chủ bản thân, bình an và tự tại.
Nhưng thực tế lại khác, chúng ta sẽ làm gì với đứa trẻ: thông thường sẽ gạt đi, có vậy cũng buồn, con trai mà dễ buồn như vậy là yếu đuối, là chẳng làm nên trò trống gì. Đó là lúc đứa trẻ hiểu rằng, cảm xúc của chúng không được tôn trọng và ghi nhận, để rồi những lần tới khi gặp phải những cảm xúc tương tự chúng sẽ đè nén và tiếp tục trốn tránh. Chúng sẽ không biết cách để thể hiện tình cảm và sau này gặp khó khăn để trình bày các trải nghiệm cảm xúc của mình, vụng về hơn trong tương tác với bạn bè.
Có lẽ điều đó cũng không còn quá lạ với thế giới người lớn mà chúng ta đang đối diện hằng ngày. Người lớn có thể lớn về thể xác, lớn về nhiều kinh nghiệm sống, nhưng để nói là trưởng thành thì thật sự vẫn chưa thể, bởi nếu là một người lớn trưởng thành sẽ rất ý thức những hành động, lời nói của mình, và không tạo ra sự tổn thương cho người khác.
Nhà tâm lý học người mỹ Ronald Rohner đã dành gần 5 thập kỷ để nghiên cứu lý thuyết về “sự chấp nhận và chối bỏ của cha mẹ. Khi đứa trẻ không nhận được sự thương và chấp nhận từ cha mẹ chúng sẽ bị phá huỷ cảm nhận về giá trị bản thân (self esteem).
Mỗi chúng ta được sinh ra đều sẽ có xu hướng nhìn nhận và đánh giá bản thân qua lăng kính của người quan trọng với mình. Ví dụ ở trẻ em thì sẽ là cha mẹ, với người trưởng thành có thể là chồng, vợ, ..và khi bị bỏ rơi chúng ta sẽ cho rằng mình không có giá trị, không đáng được yêu thương. Người bị chối bỏ không có khả năng điều hoà cảm xúc, dễ rơi vào buồn bã và tuyệt vọng. Họ thường có những góc nhìn tiêu cực dành cho tương lai, cho cuộc sống, bởi họ không tin bản thân có thể xây dựng được một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc, họ luôn lo lắng mình yếu kém và sẽ thất bại.
Tôi chỉ mong mỗi chúng ta hãy là những người lớn trưởng thành, đừng làm người khác tổn thương, đặc biệt là những đứa trẻ và nếu được hãy là một người bạn để lắng nghe những tâm sự, câu chuyện, ước mơ, dù có đôi khi đó là những câu chuyện không có nhiều giá trị, không ý nghĩa đối với hiện thực cuộc sống này.
Còn trong hôn nhân mối quan hệ với vợ/chồng thì sao, ta có thể dành thời gian để chia sẻ, lắng nghe, đồng hành, luôn bên cạnh đối phương và ngược lại hay không? Có tôn trọng lẫn nhau, có bí mật nào còn phải dấu giếm hay không, có còn tâm tư tình cảm cảm, góc khuất nào còn chưa nói với nhau nghe hay không? Mình có được là chính mình trong mối quan hệ đó không, hay phải đeo lên những mặt nạ mà bản thân không hề muốn để cố gắng duy trì sự kết nối đó, để hoàn thành được những vai trò trong cuộc sống.
Những điều nói trên có lẽ là một trong những điều chúng ta khó có được trong xã hội hiện nay.
Chúng ta không biết những hạt giống mà hôm nay mình gieo sẽ nảy mầm, cho quả ngọt hay rồi có thể sống được hay không?
Vậy nên nếu có cơ hội thì hãy cứ gieo những điều tốt đẹp và hãy tin rằng ở trên thế giới này đâu đó vẫn có một người luôn cần đến sự hỗ trợ và giúp đỡ từ mình, dù rằng sự giúp đỡ đó đôi khi không quá lớn lao.
Nhưng chúng ta cũng đâu cần điều gì quá lớn lao, chúng ta chỉ cần một trái tim ấm áp, quan tâm sẻ chia đến người khác.
.
.
.
.
.