Có bao giờ ta tự hỏi chính mình những câu hỏi:
Liệu khi cuộc sống không còn những mâu thuẩn trong gia đình, không còn những bất đồng với người thân, không còn những đứt gãy trong mối quan hệ, cuộc sống hạnh phúc đủ đầy không còn những khó khăn, không còn những vấn đề, không còn bệnh tật, không còn khổ đau, khi tất cả những điều kiện hạnh phúc được thoả mãn, khi mọi khát khao mong muốn đều có thể đạt được, thì lúc đó cuộc sống mình mới hạnh phúc chăng ?
Đây chính là tư duy hạnh phúc có điều kiện, có hạnh phúc đấy nhưng đó sẽ là hạnh phúc của một ảo tưởng. Bởi lúc đó con người sẽ trở thành nô lệ, trở nên trống rỗng, không còn động lực phấn đấu, mất đi mục đích sống trong cuộc đời này. Và một điều giản đơn là bất cứ điều gì có được dễ dàng, thì hiển nhiên con người ta sẽ không trân trọng.
Câu trả lời có lẽ là có và không, như tư duy nhị nguyên vậy, luôn tồn tại song song 2 mặt của vấn đề. Bởi bản chất hạnh phúc không phải là thiếu vắng khổ đau, hạnh phúc và khổ đau như 2 mặt đồng xu luôn tồn tại cùng nhau.
Tư duy nhị nguyên là tư duy 2 mặt, trắng đen, tốt xấu, đúng sai, luôn nhìn cuộc đời, nhìn sự việc chỉ với 2 mặt, có cái này sẽ không có cái kia, chọn cực này hoặc cực kia.
Còn tư duy đa chiều (tư duy tam nguyên) là nguồn năng lượng ở giữa để dung hoà cả 2 cực, Đức Phật gọi đó là con đường trung Đạo. Con đường có sự hài hoà, hiểu rằng trong âm có dương, trong dương có âm, dương nhiều quá sẽ thành âm, âm nhiều quá sẽ thành dương. Đạo tức là cái luật quân bình của vũ trụ, không cho ta có quyền làm một cái gì thái quá.
Phải quấy, đúng sai, tốt xấu, lành dữ, đó là những cặp mâu thuẩn luôn luôn nằm trong một sự vật, không có vật nào hay không có việc nào là thuần tốt hay thuần xấu, cũng như không có vật nào là thuần âm hay thuần dương, không có việc nào là toàn thiện hay toàn ác. Vượt qua được tư duy nhị nguyên là lúc mình cũng bỏ qua được những thiện ác thị phi.
Quên thị phi thì tâm mới thuận đạo. Đây là một con đường khó, bản thân mình cũng đã mất rất nhiều thời gian và rèn luyện mỗi ngày, từng bước, từng bước một.
Phật từng nói: “Nếu có kẻ chặt ta một cánh tay còn một kẻ khác ướp hương và săn sóc cánh tay ấy của ta, đối với họ, ta vẫn xem đồng nhau cả, không ai là bạn, không ai là thù”.
Như tính vô lượng xả của Bồ Tát, nếu ai tôn quý họ không vui, ai khinh thường cũng không buồn, được không vui, mất không tiếc, không quý bậc hiền, không khinh kẻ ngu dốt, bạn thân cũng như kẻ thù, không phân biệt người thiện kẻ ác, tâm hồn vẫn luôn giữ trung lập.
Lão Tử từng nói: “Trong phúc, hoạ thường mọc sẵn, trong hoạ, phúc thường núp sẵn.
Đây là tư duy không dễ để thực hành và rèn luyện, bởi chúng ta lớn lên với thế giới được xây dựng dựa trên tư duy nhị nguyên này, nó đã ăn sâu vào mỗi người chúng ta ngay từ khi còn nhỏ.
Giống như bản chất của con người, tìm sướng tránh khổ, tìm kiếm hạnh phúc và né tránh khổ đau. Cả cuộc đời lao đi tìm kiếm hạnh phúc xa vời nào đó, đến khi nghĩ rằng bản thân đã nắm được hạnh phúc trong tay mới nhận ra đó chỉ là những cảm xúc được thoả mãn trong ngắn hạn, không phải là hạnh phúc chân thật, và rồi lại tiếp tục lao đi tìm kiếm.
Sướng khổ thật ra nằm ở ý niệm, sở dĩ cho là sướng vì thấy mình hơn một ai đó, mình đang có được những thứ mà người khác đang khao khát nhưng chưa có được, họ ganh tị, họ thèm muốn những thứ mình có, nên mình thấy mình sướng. Còn khổ là vì mình cảm thấy đang thua kém một ai đó, họ có được những thứ mà mình không có.
Mình sướng vì nhìn thấy có người khổ hơn mình. Mình khổ vì nhìn thấy có người sướng hơn mình, tất cả đều do lòng tham và cái tư duy so sánh mà ra. Khi thấy mình hơn người khác, mình thấy mình an toàn, vượt trội, và giá trị của mình dường như cũng cao hơn người khác. Ngược lại thì khi thấy mình thua một ai đó, cảm thấy mình yếu kém, buồn bã, lo lắng, bất an, tự trách mình hay có khi đổ lỗi cho số phận cuộc đời.
Cái sự so sánh này nó luôn làm cho chúng ta bất ổn, chúng ta không yên được, và sẽ không bao giờ thấy mình đủ, bởi hôm nay mình có thể hơn một ai đó, nhưng rồi chắc chắn cũng sẽ luôn có một ai đó hơn mình, núi cao sẽ có núi cao hơn.
Chúng ta thường muốn những thứ của người khác hơn là trân trọng những gì mình đang có. Thay vì tập trung vào cuộc đời mình, thay vì tập trung vào lựa chọn của mình, thì mình luôn luôn nhìn sang một ai đó để cảm thấy hơn và không muốn thua họ và đó sẽ là cuộc đua không hồi kết.
Ai cũng tranh thủ tích góp, sở hữu càng nhiều vật chất càng tốt, bởi nó dễ đảm bảo được một cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc, nhưng thật kỳ lạ là dù cho có sở hữu bao nhiêu vật chất đi chăng nữa, con người ta vẫn luôn cảm thấy thiếu thốn.
“Con đường chân đạo sẽ không có gì khó khăn nếu lòng ta đừng thiên về bên nào cả: thiện hay ác, phải hay quấy, sinh hay tử, phúc hay hoạ, tốt hay xấu. Dù chỉ thiên có một hào ly thôi cũng đủ làm cho trời đất chia phân” – Đạo Tín
Đôi khi hạnh phúc cần đặt cạnh những điều bất như ý, những vất vả, những khổ đau, thì mình mới chịu dừng lại để học lấy bài học đó. Còn những lúc vui, những khi yên ã, mình lại ít dành sự chú tâm để thấy và trân trọng bài học cuộc đời.
Còn lựa chọn, còn thấy mình đúng người sai, còn thấy yêu ghét, còn thấy khác biệt là còn kẹt lại trong tư duy nhị nguyên, là vẫn chưa đi trên con đường trung đạo mà Phật đã dạy. Quá trọng vật chất và khinh miệt tinh thần, hay quá trọng tinh thần mà không trân trọng cơ thể đều là không đúng, đó cũng là cái lầm đầu tiên của Đức Phật khi đi tìm Đạo.
Ngày trước thấy mình vẫn giao tiếp thoải mái với người khác mà không thấy có vấn đề gì, nhưng bây giờ thì lại thấy có quá nhiều sự khác biệt. Thật ra những người xung quanh mình họ không thay đổi, người thay đổi là mình. Bởi khi nhìn thấy những lỗi sai của người khác, người cảm thấy mâu thuẩn đầu tiên chính là mình, người ta vẫn vậy chỉ có mình là khác.
Đó không có nghĩa rằng là mình tốt hơn họ, chỉ có nghĩa là mình thấy khác đi thôi. Đây là lúc nhắc nhở mình cần học cách chấp nhận, học cách tôn trọng người khác, nếu muốn họ thay đổi mình cần cho họ không gian và cần thêm một chút thời gian, bản thân mình cũng cần thêm một chút kiên nhẫn để người khác tự thay đổi.
Hiểu rằng khác biệt là điều hiển nhiên, mỗi người lớn lên với những câu chuyện, những hoàn cảnh, với những gia đình, những môi trường giáo dục khác nhau, thì họ sẽ mang theo những câu chuyện, mang theo những hiểu biết khác nhau. Luôn nhắc mình rằng là trải nghiệm khác biệt chứ không phải con người khác biệt.
Nên điều mình cần tập trung vào sự khác biệt, ý tưởng khác biệt, tập trung vào vấn đề, thay vì tập trung vào những thiếu sót và khác biệt ở người khác.
Khi càng đọc nhiều, hiểu nhiều, bản thân lại càng bớt đi những phán xét và chê bai về cuộc sống của người khác, càng dễ chấp nhận hơn và thông cảm hơn với những người xung quanh.
Mong muốn được thay đổi cũng để trở thành một người an toàn mang đến cảm giác an toàn cho người khác, trở thành điểm tựa tin cậy cho những người xung quanh. Niềm tin được lan toả bằng những giá trị chân thật, mình được là chính mình mà không cần phải giống bất kì một ai khác.
Trước đây cũng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ có đủ kiến thức để giúp đỡ hay hướng dẫn một ai đó, chỉ biết rằng khi làm điều đó tự thấy mình có sự thay đổi và tốt hơn mỗi ngày, rồi cứ hành động điều chỉnh mỗi ngày, rồi dần dần trở thành trải nghiệm của riêng mình, và chia sẻ với người khác. Đó là lúc mình cảm thấy bản thân có giá trị.
Chúng ta thường khó chịu với những điều và những người không cùng quan điểm, khó chịu với sự khác biệt về tôn giáo, màu da, sắc tộc, công việc, giới tính. Khác biệt tạo nên cảm xúc. Vậy nên bước đầu tiên là nhận diện và học cách điều chỉnh cảm xúc của mình, cảm xúc được điều chỉnh xong rồi thì mình cũng sẽ dễ chấp nhận hơn, thu hẹp được khoảng cách của sự khác biệt.
Học cách điều chỉnh cảm xúc, thông qua thực tập chánh niệm với những suy nghĩ và cảm xúc khó khăn. Liên tục mở rộng hiểu biết của bản thân về thế giới bên trong, hiểu biết về sự đa dạng của thế giới bên ngoài.
Và rồi,
Sáng nay, mặt trời mọc, mình thức dậy, mình còn hơi thở, mình còn sống, mình còn những người thân yêu, hạnh phúc hiển nhiên thế mà bấy lâu nay mình không nhận ra được.
À thì ra hạnh phúc cũng dễ tìm, không khó như mình vẫn nghĩ, không phải là thứ phải chật vật hay quá xa xôi mà khó tìm kiếm được.
Chỉ cần dừng lại và nhận diện mà thôi.
.
.
.
.