Một buổi sáng thức dậy, như bao nhiêu buổi sáng khác trong đời, nhận ra đầu óc mình trống rỗng.
Một buổi sáng thức dậy, nhận ra cả đêm qua mình vẫn chưa chợp mắt, một đêm trắng mình đã thức. Những đêm trắng như thế nhiều suy nghĩ, nhiều trăn trở, nhiều mệt nhoài, làm mình không yên được.
Một buổi sáng thức dậy, rồi lại vật vã nằm trở lại giường, đầu đau kinh khủng, tự nói với chính mình: mình không ổn rồi. Nhận ra cái việc thức dậy bình thường như mọi ngày là không thể nào xảy ra được.
Lúc đó cũng chợt giật mình nghĩ, giả sử ngày hôm nay mình không còn thức dậy nữa, mình đã có sự chuẩn bị gì cho những người ở lại hay chưa? Mình đã làm được những điều gì rồi? Mình còn điều gì rất muốn làm nhưng vẫn chưa làm được hay không? Mình có tiếc nuối điều gì không?
Thế là nhắm mắt dùng suy nghĩ để rà soát lại những sự việc đêm qua làm mình không thể chợp mắt được: mình đã lo lắng về điều gì, mình đang gặp khó khăn nào trong công việc, mình có đang gặp vấn đề nào trong chuyện tình cảm hay không, có điều gì mà khiến bản thân phải suy nghĩ, mình có đang giận hờn ai, có đang buồn vì một câu nói vu vơ hay cái chuyện ất ơ nào không…tất cả, tất cả… nhưng không có gì ngoài một sự trống rỗng.
Một đêm trắng để trong đầu hằng trăm câu hỏi, là ai, điều gì đã làm ảnh hưởng đến mình, hằng trăm sự dằn vặt, tự trách, hoài nghi dành cho mình và cho người.
Một đêm trắng này là tín hiệu mà cơ thể gửi đến, nó muốn nhắc mình rằng dừng lại lối sống hiện tại, nó muốn mình không ngủ, nó muốn mình thức, nó muốn mình lắng nghe từng bộ phân trên cơ thể lẫn bên trong tâm trí, để biết mọi thứ đã và đang diễn ra như thế nào.
Từ sau cột mốc ấy, tự hứa với mình sẽ quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe bản thân.
Không tự nhiên mà mỗi ngày (ít nhất 4 ngày/tuần) trong suốt nhiều năm gần đây mình đều đi tập yoga mỗi chiều. Cuối tuần nếu về quê, không đến nhà cô giáo được, thì vẫn sẽ tự tập tại nhà.
Tìm đến ăn chay (cũng không ăn chay trường hay theo một tôn giáo nào cả), mỗi ngày vẫn ưu tiên ăn nhiều rau, uống thêm nước ép, ăn nhiều trái cây. Tinh bột thì ăn thêm khoai lang, khoai mì có khi là bữa chính hay là bữa sáng. Ăn chiều thường là lúc 5 giờ, vì sẽ ăn trước khi tập yoga một tiếng. Buổi tối sẽ ăn ít lại, hoặc sẽ ăn sữa chua hoặc có khi sẽ không ăn. Và trong những bữa tiệc, nếu trên bàn chỉ toàn đồ mặn, mình cũng không ngại ăn, nhưng sẽ chỉ ăn một ít, không muốn bản thân quá cứng nhắc trong vấn đề phán xét ăn chay hay ăn mặn.
Cái việc ăn ít lại, thấy người cũng nhẹ và thoải mái hơn, nhưng vẫn có đủ năng lượng để tỉnh táo làm việc và sinh hoạt hằng ngày.
Vài năm gần đây, bản thân cũng ít bị bệnh vặt hơn, lâu lâu hôm nào đi mưa về thì sẽ hơi sổ mũi, cảm nhẹ, nhưng thường sẽ không uống thuốc. Đợt nào nhẹ thì ăn nhiều trái cây, uống thêm viên C, đợt nào 2-3 hôm chưa khỏi sẽ tìm mua tinh dầu để xông, hay qua nhà cô giáo yoga để cô nấu cho than thuốc xông người. Và kinh nghiệm của bản thân là sau mỗi lần xông người xong, về phòng lau khô người, ngủ một giấc sáng dậy thấy người nhẹ hẳn.
Mỗi đêm trước khi ngủ vẫn có thói quen thiền tâm từ, mong cho tôi (người) hạnh phúc, mong cho tôi (người) bình an, nhưng có lẽ bản thân khi nhẩm đến câu này vẫn có nhiều cảm xúc nhất. Mong bình an, cái thứ bình an từ bên trong, bình an để đi qua những bộn bề của cuộc sống này.
Đâu đó vẫn còn giữ cho riêng mình một niềm mong ước, trong hành trình kiếp sống này, trong cùng trời cuối đất hay bất cứ nơi đâu cũng được, chỉ đơn giản một niềm vui mỗi sớm mai nhận ra mình còn được thức dậy, mình còn khoẻ mạnh, biết rằng những người thương của mình cũng khoẻ mạnh và còn trong tầm mắt, uống ly cafe hôm nay thấy còn thơm, ăn cái bánh ngọt thấy còn ngon và muốn ăn tiếp.
Có lẽ một trong những bài học đầu tiên trong hành trình thay đổi là mình học về lòng biết ơn.
Rồi bật lên những lời cảm ơn.
Cảm ơn vì mình đã thức giấc và nhìn thấy một ngày mới.
Cảm ơn trái tim vẫn còn những nhịp đập.
Cảm ơn vì mọi thứ vẫn còn rất ổn.
Cảm ơn vì những người thương xung quanh còn khoẻ mạnh.
.
.
.
.
.
.