Nếu bạn gặp tôi, một người trẻ của 10 năm về trước, và hỏi rằng ước mơ bản thân sau này là gì, có lẽ đó sẽ là: có được một công việc ổn định, kiếm được tiền nuôi sống được bản thân và gia đình.
Và cũng trong quãng đời đó, chưa ai nói với tôi hạnh phúc sẽ là gì, bình an là gì, sống như thế nào, sống ra sao, chọn con đường nào để mỗi ngày bước đi trên đó đều cảm thấy bình an thì mới là một ngày đáng sống.
Tôi chỉ được dạy, bằng mọi giá phải học thật giỏi, có được tấm bằng đại học, xin được công việc tốt, có mức lương cao, để sống cuộc sống thật ổn định, đó mới là đích đến, là thành tựu của cuộc đời này. Để người khác nhìn vào ngưỡng mộ cái sự thành công của tôi, đó là lúc tôi sẽ nói với chính mình rằng mình cũng đang hạnh phúc.
Chưa từng có ai nói với tôi hạnh phúc là biết yêu thương chính mình trước thảy, dành thời gian lắng nghe bản thân, được làm công việc yêu thích, chia sẻ những hiểu biết về cuộc sống với những người xung quanh.
Nhưng ở ngã rẽ đầu tiên vào đời, tôi mới nhận ra bản thân không hợp và không có bất cứ niềm vui nào với tấm bằng chuyên ngành cử nhân kinh tế, với việc mỗi ngày lặp lại cuộc sống nhàm chán sáng tối đều đặn, và luôn phải đối mặt với những con số.
Với công việc cũ mỗi ngày lặp đi lặp lại, có mặt đúng giờ, làm những công việc quen thuộc, cứ như thế năm này sang năm khác. Nhưng bên trong tôi liên tục có những suy nghĩ: Bản thân mình có thể phát triển tiếp được không? Mình có học thêm điều gì mới nữa không? Mình có tạo ra giá trị hay sự thay đổi cho người khác không? Giá trị của mình là gì, bởi bất cứ ai cũng có thể có mặt đúng giờ và làm được những công việc mình đang làm mà?
Sự đơn điệu nhàm chán khi liên tục cảm thấy bản thân đang làm những điều mà mình không muốn làm, nó không chạm đến được bất cứ phần nào trong con người của tôi. Tôi cần cái gì đó để lấp đầy khoảng trống, nhưng khoảng trống đó là gì thì lại không biết và không thể định nghĩa được.
Rồi lại có những lúc một giọng nói khác lại vang lên: ngoài kia còn những người phải vất vả hơn mình rất nhiều kìa, bao nhiêu người mong muốn muốn có được công việc như mình còn không được: mức lương đủ sống, công việc không quá nhiều áp lực, được ở gần gia đình, rồi bản thân lại cảm thấy tội lỗi mỗi khi muốn từ bỏ.
Nhưng lại không thể chịu đựng được mỗi khi nghĩ tới viễn cảnh cuộc sống của mình sẽ như thế này trong suốt 30 năm nữa cho đến khi về hưu.
Hay chính mình cũng đang bị kẹt lại trong niềm tin rằng: nếu mình có công việc mà bao nhiêu người mơ ước, mình có thu nhập, mình có chức vụ, thì khi người khác nhìn vào họ ngưỡng mộ sự thành công của mình, rồi chính mình tự thuyết phục rằng là mình đang hạnh phúc. Đôi khi việc xây dựng chủ nghĩa hoàn hảo không phải vì chính bản thân mình mà là vì mình muốn được thuộc về, muốn bản thân luôn có giá trị và được người khác công nhận.
Có lẽ với một người bình thường khác, việc mỗi sáng thức dậy với họ có lẽ là việc đón chào một ngày mới, còn với tôi mỗi sáng thức dậy điều tôi đối điện đầu tiên đó là mình không muốn đi làm, nhưng đó lại là điều mình bắt buộc phải làm.
Sự non nớt trong những ngày đầu đi làm, không được ai dạy cách để là chính mình trong môi trường đó, và nếu được dạy thì đó là những cách, những kỹ năng giúp tôi tồn tại hay tìm mọi cách để thích nghi. Môi trường đó tôi phải gồng lên, phải chuyên nghiệp, không được thể hiện cảm xúc, không được buồn, đây là nơi chỉ để thể hiện sự chuyên nghiệp mà không hề biết rằng đó chỉ là những cảm xúc, nếu mình chấp nhận thì nó đến rồi sẽ đi thôi. Và khi sống với nhiều lớp vỏ bọc, nhiều lớp mặt nạ thì cơ thể phải tốn rất nhiều năng lượng, đó cũng là một trong những nguyên nhân gây nên sự xáo trộn trong tâm trí tôi.
Cứ như vậy cái cảm xúc đó trở đi trở lại làm tôi trăn trở, day dứt không yên.
Thấy cuộc sống này thật khó đoán, trống rỗng, mất kết nối với người khác và với bản thân, không còn có động lực mục đích rõ ràng để tiến về phía trước, thân và tâm đều bị ảnh hưởng tiêu cực.
Kết thúc ngày làm việc là một cơ thể mệt mỏi, khi trở về phòng, không còn muốn kết nối với bạn bè, điều duy nhất bản thân muốn làm là được ở một mình, lướt điện thoại trong vô thức đến khi mắt mỏi nhừ rồi chìm vào giấc ngủ, sáng ngày hôm sau lại tiếp tục cái guồng quay đó.
Với công việc trước đây có lẽ tôi làm với giá trị là sự công nhận, mong muốn có được sự công nhận từ gia đình, vẫn muốn làm cho cha mẹ yên tâm mà chưa có sự can đảm lựa chọn giá trị sống đúng với con người mình. Vậy nên thời điểm đó bên trong tôi luôn có sự mâu thuẩn giữa mong muốn bên trong với những điều đang làm bên ngoài. Ví như những lúc mệt mỏi vì công việc, tôi thường hỏi tại sao mình lại làm điều này, mình sẽ làm trong bao lâu, mình cố gắng cho đến khi nào, mình không thấy được tương lai của mình. Ngày qua ngày, càng thấy bản thân mất dần năng lượng, tôi không tái tạo được năng lượng đó và nó làm tôi kiệt sức.
Rồi một vài vấn đề xảy đến, một vài sự thay đổi từ bên ngoài và cả bên trong buộc tôi phải dừng lại đối diện với chính mình, để rồi khi những áp lực lên đến đỉnh điểm, tôi bỏ lại tất cả mọi thứ và ra đi.
Những ngày tháng đó tôi tìm đến viết và nhận ra cái việc viết ra ấy lại giúp được cho tinh thần mình rất nhiều. Đó là lúc những giá trị sống bên trong tôi dần dần được khơi lại.
Khi không có gì trong tay nhưng vẫn muốn đi con đường mình đã chọn, chỉ còn cách tự mình đặt quyết tâm tự học, tự đọc sách, tự viết lại những câu chuyện của chính mình (không phải vì muốn giỏi hơn ai khác hay để đạt được cột mốc thành công nào mà chỉ để thấy sự tiến bộ của mình hơn ngày hôm qua).
Sai và sửa, rồi sai lại sửa… cứ thế, từng ngày, từng chút một.
Khi càng học, càng làm, càng có được sự tự tin trong công việc và với sự lựa chọn của bản thân, tôi lại đem đến giá trị cho người khác.
Khi gặp khó khăn tôi tự nói với chính mình rằng: Có thể hiện tại này đây không xảy ra đúng như mình mong muốn, nhưng mình biết đây sẽ là cơ hội để mình tập trung phát triển bản thân, kết nối giá trị sống của mình, mình đang có nguồn lực, mình không bị chi phối hay cản trở gì nhiều. Nếu mình không có giá trị về sự học hỏi, mình sẽ không dám thử và học, bởi mình không chắc việc đó sẽ mang lại điều gì.
Có những điều tôi học, tôi biết là trước mắt có thể chưa dùng đến, nhưng chỉ biết đây là thời điểm tôi có đủ nguồn lực, không gian, thời gian, tài chính, sức khoẻ để học. Khi hiểu được giá trị của mình, tôi có được sự thoải mái. Ví như công việc trước đây đem lại thu nhập cao cho tôi, còn bây giờ thì không, nhưng tôi thấy vẫn không sao, vì biết bản thân đang cần điều gì. Tôi rõ với con đường của mình mà không còn bị lung lay.
Không còn sợ sự cạnh tranh, không còn sợ bị bỏ lại hay thấy bạn bè xung quanh giỏi hơn mình. Tôi chỉ so sánh và cạnh tranh với chính mình, là ngày hôm nay mình đã làm được những hoạt động nào để kết nối, bảo vệ hay phát triển được giá trị sống của mình hay không. Khi đó không sợ bị thụt lại, mà có thể bình an mỗi ngày. Tôi được sống với những giá trị của bản thân và biết luôn có những người phù hợp sẽ tới và ở lại với mình.
Rồi những bài viết đầu tiên đã được đăng trên blog và được chia sẻ trong cộng đồng. Không ai bắt tôi phải viết và cũng không ai nói tôi là nên viết như thế nào. Nhưng khi mình có nhiều điều muốn nói, mình nhận ra mình có câu chuyện và muốn kể, mình có những người lắng nghe, họ dõi theo đọc những chia sẻ của mình, vậy nên mình vẫn còn tiếp tục viết.
Và mỗi ngày trong suốt những năm tháng ấy tôi liên tục nhìn lại từng trải nghiệm, từng chặng hành trình mình đã đi qua, sự chiêm nghiệm của một người đang lớn, đang trên hành trình trưởng thành, bóc tách từng suy nghĩ bên trong đầu, để viết ra những câu chữ ấy.
Cũng nhiều lần phải dừng lại vì đối diện với vài cảm xúc khó khăn, có khi là một vài nỗi sợ, sợ sự đánh giá phán xét của người khác, hay có khi là nỗi sợ của chính mình, sợ bản thân bị lặp lại, sợ không thoát khỏi các bài viết được cộng đồng đón nhận trước đó, sợ mình không còn điều gì để kể, sợ câu chuyện mình chẳng có gì thú vị, sợ cái việc mình làm rồi có giúp ích được cho mình hay sẽ đưa mình đến đâu. Nhưng sau những cảm xúc khó khăn đó, thật may là tôi vẫn đi tiếp.
Chưa bao giờ tôi nghĩ bản thân sẽ trở thành người viết, cho đến khi nhận được những tin nhắn cảm ơn từ bạn đọc, đó là động lực để tôi đi tiếp hành trình với con chữ này.
Rồi bài viết thứ 2, thứ 3, cứ đều đặn tiếp nối…
Cứ thế, giữa một nhịp sống nhanh và hiện đại, giữa một thế giới công nghệ với nền tảng video nội dung ngắn lên ngôi, với đầy đủ những âm thanh, hình ảnh, màu sắc sống động, kích thích đầy đủ giác quan… tôi vẫn chọn tiếp tục với con chữ, với trang viết, với vai trò là một người kể chuyện, với tất cả trải nghiệm và vốn sống mà mình có.
Thật ra chính tôi vẫn có rất nhiều những giá trị sống, chỉ là tôi biết giá trị sống nào phù hợp với mình và dành sự tập trung vào giá trị đó để thể hiện con người mình mà thôi. Bản thân tôi vẫn có những giá trị khác như: sự an toàn, giá trị về kinh tế hay sự ổn định. Tôi vẫn muốn có công việc đem lại thu nhập, vật chất, bởi vì tôi vẫn là một cá thể, vẫn đang sống trong thế giới vật chất, vẫn có những nhu cầu thực tế ăn uống, ngủ, nghỉ.
Tôi vẫn có giá trị về sự công nhận, điều này hoàn toàn ổn, bởi vì tôi vẫn là một social animal, cần có ai đó say yes với mình, cần ai đó nói là tôi giỏi, tôi có giá trị, lúc đó mới cảm thấy được thuộc về. Bởi nếu không tôi đã không viết blog, không viết bài facebook, mà chỉ cần âm thầm viết cho riêng mình thôi. Chỉ là giá trị sống này tôi không bám vào quá nhiều thôi. Vì hiểu rằng nếu bản thân quá chú trọng vào sự công nhận, tôi sẽ luôn phải chạy ra bên ngoài để tìm kiếm một ai đó công nhận mình, cho mình có được giá trị. Nhưng nếu tôi có thể tập trung vào những giá trị cốt lõi từ bên trong như sự bình an thì đó là lúc tôi sẽ không cần bất kì ai công nhận, vì giá trị sống đó đến từ bên trong, đi đâu cũng có được giá trị bình an nếu tôi biết dành thời gian cho chính mình.
Tôi dành sự ưu tiên cho những giá trị quan trọng nhất bởi biết đó những giá trị cho mình có được sự phát triển lâu dài. Khi những lựa chọn của bản thân dựa trên sự thấu hiểu về giá trị sống, đó là lúc tôi cũng dần bớt đi những hối tiếc, bởi biết rằng thời điểm đó tôi đã làm tốt nhất rồi. Khi nhìn về những lựa chọn trong quá khứ, tôi không còn hối tiếc hay giá như, tôi xem đó như dữ liệu cho những quyết định và biết rằng sẽ không có cái gọi là điều kiện lý tưởng.
Hầu hết những lựa chọn trước đây của tôi thường đến từ điều tôi thích, tôi muốn, những dữ liệu tôi có trong thời điểm đó. Có thể lựa chọn hiện tại của tôi đã khác, không hẳn do đã lựa chọn tốt hơn mà đến từ việc tôi đã hiểu hơn về dữ liệu và hiểu hơn về chính mình.
Giờ đây tôi đã biết rõ đâu là khía cạnh mà mình cần tập trung, không còn dễ dàng đồng ý với yêu cầu của người khác. Khi đã hiểu được những điều gì mình cần dành thời gian và sự tập trung, những quyết định đó tác động đến cuộc sống của tôi rất nhiều, vì khi chọn 1 điều đồng nghĩa với việc phải bỏ đi 1 điều khác, khi có sự tập trung vào 1 lựa chọn mình sẽ có thời gian cho nó, có được sự ưu tiên và chú tâm, đó là lúc mình đang bảo vệ giá trị sống của mình thông qua những lần say no.
Có thể trong quá khứ tôi từng ưu tiên giá trị về sự công nhận, thuộc về đám đông. Nhưng giờ đây tôi lại ưu tiên cho những buổi gặp mặt kết nối với nhóm nhỏ, những kết nối sâu sắc và mang lại nhiều giá trị, những buổi gặp mặt xã giao vẫn nhiều cảm xúc, vẫn tạo ra nhiều giá trị, chỉ là tôi không còn ưu tiên nữa mà thôi.
Hiểu rõ được giá trị sống của mình, thì mặc dù môi trường xung quanh vẫn thế, những người xung quanh vẫn không có nhiều sự thay đổi, mỗi ngày vẫn có những vấn đề áp lực khác nhau nhưng tôi lại thấy mình sống vui hơn, ý nghĩa hơn.
Giờ đây cũng không thấy quá khó khăn trong những lựa chọn của mình nữa, không còn phải cân đo đong đếm quá nhiều bởi đã biết được đâu là điều mình cần. Đó là việc được sống với giá trị sống của mình, là việc mình muốn đối xử với người khác và muốn được người khác đối xử lại. Tôi muốn viết những điều, những bài học từ trải nghiệm của mình, nhưng chính những phản hồi của bạn đọc lại làm cho tôi cảm thấy vui và có ý nghĩa. Niềm vui này rất khác với môi trường làm việc trước đây tôi từng có. Tôi càng có động lực để vượt qua được những tình huống khó khăn, làm vì bản thân muốn làm, làm vì thấy mình được sống.
Khi được sống đúng với giá trị của mình đó là lúc tôi cũng bắt đầu tôn trọng giá trị sống của người khác, vì tôi biết điều đó quan trọng với họ và mình cần phải tôn trọng chuyện đó. Đặc biệt là trong mối quan hệ yêu đương, giá trị của đối phương có thể khác mình và mình hoàn toàn tôn trọng điều đó, bởi trong tình yêu sự khác biệt là điều hiển nhiên.
Cuộc sống này có quá nhiều biến động, quá nhiều sự chi phối từ bên ngoài và cả bên trong chính mình nữa, nhưng vẫn tự hào vì bản thân vẫn đang từng ngày nuôi dưỡng giá trị sống của mình. Mặc dù những điều tôi làm không quá lớn lao hay đem lại giá trị gì quá to lớn, nhưng chỉ cần biết mỗi ngày trôi qua mình đã sống với tình yêu thương, biết chia sẻ và sống hài hoà được với người khác, bấy nhiêu đó là đủ.
Giá trị sống là mỗi ngày, mình không phải chờ 1 năm, 2 năm hay 5 năm nữa thì mình mới bắt đầu sống với nó, cuộc sống của mình có giá trị ngay lúc này và mỗi ngày mình vẫn được sống với giá trị đó, được làm những hoạt động đó, thì với mình đó là 1 ngày ý nghĩa.
Một cuộc đời sẽ có rất nhiều lựa chọn, và nhiều con đường để đi. Ngay từ khi bắt đầu và kể cả trong tương lai tôi cũng không biết được liệu con đường mình đi sẽ ra sao, chỉ biết là mỗi ngày tôi vẫn đi, vẫn còn thấy được niềm vui, và vẫn còn muốn đi.
Và trong chính việc viết, chia sẻ, kết nối… tôi lại tự thấy được mình rõ hơn.
Thấy mình trưởng thành hơn chính mình của ngày hôm qua. Nhìn thấy được con người mình thông qua những câu chuyện, và khi cảm xúc của mình được phơi bày trên trang giấy không phải với ai khác mà là với chính mình trước thảy.
Học được được cách để giao tiếp với chính mình. Nó cho tôi các kỹ năng để sau đó có thể giao tiếp với người khác. Và học được cách để chấp nhận chính mình để rồi chấp nhận cả những người xung quanh.
Sống sâu hơn, trải nghiệm được nhiều hơn những cung bậc cảm xúc, sự nhẹ lòng đó giúp cho tôi tự do. Nhận ra rằng vẫn có những người hiểu mình, thương mình, chấp nhận mình, và xã hội ngoài kia không lạnh lẽo hay đáng sợ như mình đã thấy.
Để rồi được trải nghiệm, được ngắm nhìn, được chiêm nghiệm, được cảm và viết ra…
Và cũng tự tin là mình đang làm tốt công việc viết lách ấy.
.
.
.
.