Sáng nay có cuộc hẹn cafe với một người bạn đã lâu rồi không gặp. Tôi đến sớm hơn giờ hẹn 10 phút. Tự nhiên lại có chút bồn chồn, lo lắng, hết nghĩ cái này rồi đến cái khác.
Vẫn có thói quen mang theo quyển sách bên mình để nếu có thời gian trống sẽ đọc.
Còn 10 phút đây ? Quá ngắn ngủi để có thể làm hay hoàn thành được điều gì ý nghĩa.
10 phút. Nếu có trong tay nhiều thời gian hơn, tôi hẳn sẽ đọc.
Tôi thở dài. Biết làm gì với mẩu thời gian còn lại trong tay quá ngắn để có thể làm điều gì nhưng lại quá dài để gạt đi trong chớp mắt. Tôi biết, 10 phút cỏn con thì chẳng hoàn thành được điều gì, nhưng đem cộng dồn thì lại là câu chuyện khác.
10 phút để tập thể dục thì chẳng đem lại sự thay đổi gì rõ rệt, nhưng 10 phút của mỗi ngày chắc chắn sẽ đem lại sự khác biệt.
10 phút đối diện nhau sẽ chẳng nói được gì nhiều, nhưng 10 phút mỗi ngày rồi sẽ trở thành thói quen để tạo nên những câu chuyện thú vị.
Ví như tôi, 10 phút mỗi ngày dành cho việc thiền, và trong 6 tháng nay tự nhận thấy bản thân đã có nhiều sự thay đổi.
6 tháng nào phải một hạt bụi. 6 tháng đủ tạo nên một cuộc tình hay một cuộc hôn nhân ngắn ngủi.
Thực tế mỗi ngày trôi qua chúng ta đều mất rất nhiều thời gian để chờ đợi. Đợi một ấm nước sôi, đợi một nồi canh chín, đợi một người bạn, đợi một file pdf tải về, đợi load một trang web, đợi một tách cafe phin nhỏ giọt, đợi một tin nhắn, đợi một người thương, đợi cho cơ thể chìm vào giấc ngủ…
“Cuộc sống chuyển động hơi bị tốc lực. Nếu không dừng lại và lâu lâu ngó quanh một lần, chưa chừng bạn sẽ bỏ lỡ nó”. Seneca
Tốc độ là thế mạnh của thời đại công nghệ hiện nay. Tất cả mọi thứ đều chú trọng đến tốc độ , mọi thứ phải nhanh nhất, mạnh nhất, hiệu quả nhất có thể. Những thiết bị cũng phải nói lên được tốc độ: ấm đun siêu tốc, nồi áp suất nấu siêu tốc, tàu lượn siêu tốc, tàu điện ngầm siêu tốc, đường cao tốc, v,,v. Tốc độ sinh ra sự thiếu kiên nhẫn. Khả năng chờ đợi của chúng ta ngày càng giảm theo tỉ lệ nghịch với vận tốc cuộc sống.
Sao kết nối Internet lại chậm như vậy ? Sao cái video này load chậm như vậy ? Sao món ăn của tôi làm lâu đến vậy ?
Một câu nói của vị triết gia chợt hiện lên trong đầu: “Thiếu kiên nhẫn tức là nổi lòng tham với tương lai. Còn kiên nhẫn là nhìn thời giờ với một con mắt hào phóng.”
Tôi chợt khựng lại.
Yên vị tại chỗ ngồi bên cạnh khung cửa sổ, đưa mắt nhìn ra bên ngoài không gian xung quanh có rất nhiều cây cối, có một người đang dắt chú chó đi dạo, có cặp đôi đang chụp hình cho nhau, có mấy bạn nhân viên đang bận rộn phục vụ món nước.
Tôi cứ để mắt mình phóng ra bên ngoài, và tôi chờ đợi.
Mọi thứ xung quanh tôi đều không ngừng chuyển động, cứ mỗi giây trôi qua đưa tôi gần hơn một sự chú tâm, hồi tưởng và suy ngẫm rất nhiều về thời gian và sự chờ đợi. Chỉ có sự chờ đợi. Và thế là tôi đợi, với một thái độ tự nguyện và kiên nhẫn trên cả tưởng tượng của mình, bởi lẽ sự chờ đợi tự nó đã là một món quà tuyệt vời.
Tôi rèn luyện và học cách vận dụng tất cả các giác quan của mình, nhưng đặc biệt là khứu giác. Tôi cảm nhận mùi cà phê bên trong quán, một chút thoang thoảng mùi trầm từ cái bàn pha chế bằng gỗ. Tôi đặc biệt thích thú và cảm thấy dễ chịu với những mùi hương. Ví như tôi thích mùi hoa sứ thoang thoảng vào buổi đêm khi chạy trên con đường Trương Định. Tôi thích mùi hoa sữa gần chân cầu Quang Trung. Tôi thích mùi hoa bưởi sau vườn nhà. Tôi thích mùi khói mỗi buổi chiều mẹ đun ấm nước trên bếp củi. Thích mùi nước xả vải đọng lại trên bộ đồ ngủ mỗi đêm. Dường như tôi có một sự thích thú với hương thơm, hay nói vui miễn cái gì thơm là thích.
Như khi trải qua một cơn mưa buổi sáng, tôi mới nhận ra thời điểm tốt nhất để hòa mình vào suy nghĩ của mình. Sự kết hợp giữa ánh ban mai và mùi hương từ đất ẩm, từ cây cỏ, từ không khí của cơn mưa khiến tôi cảm thấy như vừa mới tỉnh giấc.
Khứu giác chính là giác quan ăn sâu bám rễ nhất ở con người chúng ta. Trẻ sơ sinh ngay từ 6 tuần tuổi đã đã bị cuốn hút mạnh mẽ bởi mùi hương của mẹ.
Mùi hương khiến kí ức trỗi dậy theo một cách rất khác với những giác quan còn lại. Tôi không cần định nghĩa hay gọi tên cái cảm giác đó, tôi chỉ cần đắm chìm trong nó. Đó là một cảm giác bạn không thể luôn nói thành lời, nhưng nó vẫn có giá trị cho một điều gì đó.
Đắm chìm nhưng không có nghĩa là sẽ đánh mất mình, hay buộc mình phải trở nên đồng nhất, mà ở đó vẫn còn chút tự do riêng tư chỉ riêng mình mới có được. Như triết lý Phật từng dạy “là hoà nhưng không đồng”, là giống như sen trong hồ luôn toả hương thơm như nhau nhưng lại có đoá cao đoá thấp, là để bước vào đời mà vẫn thảnh thơi, bước vào đời mà lòng vẫn thanh thản.
Tôi thường bắt đầu ngày mới bằng một thời gian chánh niệm, thông qua việc thiền ít nhất 15 đến 30 phút, trong đó tôi ngồi và chú tâm vào hiện tại phút này, vào cuộc sống như nó vốn vậy, giây này tiếp giây khác, để mặc cho suy nghĩ đến rồi đi, hết suy nghĩ này lại đến suy nghĩ khác, điều chỉnh cảm xúc của mình kể cả những cảm xúc đau đớn và không mấy dễ chịu. Kể cả nếu không thể điều chỉnh được thì ít ra cũng để kiểm xem chúng từ đâu ra, chúng dẫn tôi đến đâu, chúng có xoay tôi khỏi nơi tôi muốn đi, khỏi các giá trị, khỏi mục tiêu của tôi không ?
Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay các nước Phương Tây thực hành thiền rất nhiều, những ứng dụng về thực hành thiền liên tục phát triển. Bởi với những xã hội càng phát triển thì những hoạt động giải trí sẽ càng nhiều, đó là yếu tố gây nên sự căng thẳng, trạng thái bất an, mệt mỏi cho tâm trí.
Rồi ngày của tôi tiếp diễn và đều đặn, tôi dành ít thời gian trong ngày của mình để viết bài cho blog và fan page để nhắc mình rằng điều mình đang làm không phải một nghĩa vụ, mà là một chọn lựa. Những ngày tôi ở nhà để viết, tôi viết về những gì mình đã học được, cái tôi nghe được, với niềm tin có lẽ sẽ giúp ích được cho một ai đó hay chí ít là giúp cho chính mình trước thảy. Chính là để sống đẹp, sống có ích, với thế giới chung quanh.
Khi tôi ở bên ai đó, tôi sẽ cố hết sức mình thực sự chú tâm đến họ. Luôn nhắc nhở chính mình, mình đang ở với họ, hoàn toàn, trọn vẹn, tuyệt đối.
Tôi bắt đầu có thời gian tìm hiểu kĩ hơn về những tâm tư, suy nghĩ của cha và mẹ. Rồi được mẹ kể về chuyện tình yêu về những ngày cha và mẹ mới gặp nhau, chuyện tuổi trẻ, những trăn trở mà mẹ cha từng có. Điều mà ngày thường tôi ít hỏi và ít quan tâm đến nên có lẽ vì thế mà cha mẹ cũng chẳng có động lực để chia sẻ.
Đó là món quà tôi muốn dành cho cha mẹ. Món quà của sự hiện diện là món quà không thể cằm nắm được, đó là món quà mà khi trao tặng chính mình lại cảm thấy được nhận nhiều hơn. Có lẽ trong cuộc sống hiện đại và hối hả này, nơi mà mỗi người đều có cho cho mình những mối quan tâm riêng để theo đuổi, thì món quà này là đắt nhất và có phần hiếm hoi nhất.
.
Luôn thích những điều tự nhiên và bình dị.
Thích vì chỉ thích, không do ai ép buộc.
Cũng vì thích nên nhớ.
Và sẽ nhớ cả đời.
.
.
.
.
.