Hôm trước gặp nhau, đứa em hỏi:
“Chị, có khi nào chị sai lầm hay thất bại không?”
Tôi chỉ mỉm cười và nói rằng, cuộc đời này chẳng ai là hoàn hảo tuyệt đối cả, vậy nên đời này cũng chẳng trọn vẹn bao giờ.
Một trong những thất bại đau đớn nhất mà tôi từng gặp phải trong thời đôi mươi là suýt bị đuổi việc.
Ngày đầu tiên sau khi chuyển đổi công việc, tôi vào làm mà thấy cái gì cũng mới, cũng bỡ ngỡ. Bởi một phần tính chất công việc ở nơi cũ và nơi mới hoàn toàn khác nhau. Làm chậm, và mất rất nhiều thời gian để làm quen với môi trường mới.
Sau tháng đầu thử việc, chị sếp kêu lên, bảo: “Em không đáp ứng được yêu cầu công việc, chị thấy em thích nghi rất chậm, làm việc kém hiệu quả. Về giao tiếp thì không có gì, em rất dễ chịu và hòa đồng với đồng nghiệp. Nhưng chị cho em thêm một tháng nữa để chứng minh năng lực.”
Tôi ngỡ ngàng, chỉ biết nói: “Dạ cảm ơn chị đã cho em thêm cơ hội”.
Buổi tối hôm đó, tôi về đến nhà và khóc như mưa. Khóc vì câu nói ấy nó cứ luôn vang trong đầu. Tự nghi ngờ năng lực bản thân, tự thấy mình thất bại, vô dụng, kém cỏi, thấy mình không giỏi và được việc như người khác.
Sau này nhìn lại, mới thấy hồi đó mình ngây thơ ra sao. Và vì ngây thơ, nên cái gọi là thất bại hay vấp ngã thời điểm ấy là cực kỳ cần thiết cho bản thân tôi, đó là cách để tôi có thể trưởng thành hơn.
Thời điểm đó tôi chỉ vội vàng tin theo lời người khác đánh giá mà không chịu nhìn nhận thêm những yếu tố xung quanh. Tôi không nhận ra được sự khác nhau về tính chất công việc. Công việc cũ của tôi thiên về tư vấn, giới thiệu sản phẩm dịch vụ, còn công việc mới lại thiên về những hạch toán, thu chi làm việc liên quan trực tiếp đến dòng tiền.
Môi trường thay đổi là chuyện hiển nhiên, nhưng kỹ năng, nghiệp vụ, quy trình là điều mà bản thân tôi hoàn toàn có thể học được. Và nếu muốn được thành thạo như những đồng nghiệp lâu năm khác, tôi cần có thời gian để học hỏi và rèn luyện.
Nhưng cũng nhờ chị sếp cũ, những đồng nghiệp rất nghiêm khắc, kỹ tính nên thời gian ở đó tôi cũng học được nhiều thứ. Nhờ đó mà sau này tôi học được tính cẩn thận, rất chú trọng tới các chi tiết nhỏ.
Quay trở lại, sau trận khóc lóc đã đời đó, tôi ngay lập tức xốc lại tinh thần. Tôi nghĩ mình phải làm tốt hơn nữa, để chứng minh rằng bản thân có thể làm được. Tôi quyết tâm siêng năng hơn và học hỏi nhiều hơn. Tự đặt ra mục tiêu cho bản thân sẽ cố gắng làm hết sức mình có thể, nếu đến lúc đó vẫn không được, thì sẽ cân nhắc nghỉ việc, nhưng trước khi nghỉ, phải nỗ lực hết sức mình.
Giờ nhìn lai, những giây phút tưởng là thất bại đau đớn, lại chính là những khoảnh khắc mà tôi có được cơ hội để học hỏi và tiến bộ, giúp tôi trưởng thành và phát triển lên một phiên bản ngày càng hoàn thiện hơn.
Nhớ về thời tuổi trẻ ngày nào, tôi lại thấy buồn cười. Ngày xưa cứ hay phân chia rạch ròi ra cái này đúng, cái kia sai, cái này tốt thì cái kia nhất định phải xấu. Luôn nhìn sự việc với lối tư duy nhị nguyên, trắng đen rõ ràng.
Và bản thân cũng đã phải mệt mỏi và cố gắng ra sao để mong lựa chọn đâu là điều đúng nhất, tốt nhất, để sẽ không phải hối hận về sau này.
Nhưng bây giờ lại khác, tôi thấy rằng không nhất thiết phải như thế.
Trong quyển sách Sự an ủi của triết học của Alain de Botton, từng nêu rằng “Chính bằng việc tìm ra cái không phải là chân lý, mà ta đến gần hơn với chân lý”.
Nên việc biết cái gì sai cũng có thể đưa ta tới một bước gần hơn với cái đúng hơn. Mỗi bước đi đều đáng giá. Nghĩ lại, bỗng dưng mình thấy cuộc sống rất kỳ diệu. Nó sẽ dẫn dắt ta theo những cách không ngờ đến.
Mỗi thất bại, mỗi trải nghiệm, biến cố hay thay đổi nào đó trong cuộc sống sẽ bằng một cách nào đó giúp ta bước một bước tiến gần hơn tới điều mà ta hằng mong muốn. Miễn sao ta trân trọng mỗi sự kiện trong đời như một cơ hội để học hỏi.
Có thể trong lúc bế tắt tuyệt vọng, ta không ngừng than trách đổ lỗi, và vang lên những câu hỏi tại sao, tại sao lại là tôi, tại sao cuộc đời lại đối xử với tôi như vậy. Có thể ta sẽ có cảm giác thương hại bản thân, hoặc luôn mang theo tâm lý nạn nhân cho rằng bản thân là một kẻ thất bại. Nhưng rồi 5 năm, 10 năm sau nhìn lại, mỗi trở ngại, thử thách, trải nghiệm đều sẽ có những ý nghĩa riêng của nó.
Thái độ phù hợp mới chính là điều hữu ích nhất thời điểm đó.
Tin vào những viên gạch mình đã tích lũy trong quá khứ, tin vào những nền móng mình đã xây nên, và tin vào một tương lai mới, tốt đẹp và vững bền hơn.
Chỉ cần bản thân giữ niềm tin để liên tục học hỏi, biến nghịch cảnh thành trải nghiệm để học hỏi, thì chắc chắn tương lai sẽ có lối ra.
.
“Nếu cho chọn lại em sẽ không thay đổi…..nhưng sẽ làm chậm lại một chút – với phiên bản trưởng thành hơn một chút, chín chắn hơn một chút”.
Đây là câu tôi muốn nói với sếp cũ của mình ngày trước, sau sự kiện 2 năm quyết định bỏ việc và rời đi. Khi ấy tôi thấy không hợp, đã học đủ rồi, đã khổ đủ rồi, thiệt thòi đủ rồi, bất công cũng đủ rồi, thì thôi, chào chị em đi.
Rất nhanh sau quyết định gửi đi lá đơn, tôi nghỉ việc.
Khoảng thời gian sau đó tôi cũng có dừng lại để chiêm nghiệm, nghỉ ngơi, để tìm và hiểu xem bản thân đang thật sự mong muốn điều gì.
Rồi cuộc sống tiếp diễn. Tôi cũng xin vào làm một công ty mới. Sau này khi đi làm va chạm và tiếp xúc nhiều hơn, nhìn thấy nhiều bạn trẻ đến và đi sao vội vã quá. Lúc ấy mới thật sự soi xét lại cách hành xử của bản thân năm xưa.
Tôi vừa buồn vừa giận chuyện người trẻ bỏ việc quá nhanh. Khi chỉ mới gặp một chút khó khăn giai đoạn đầu, cứ thế đứng dậy bước đi, phủi tay quên hết sạch, như chưa từng được ai chỉ dạy, chưa từng được rèn giũa ở nơi này.
Nhưng giận hơn, là giận chính mình. Vì hồi còn trẻ mình cũng y như vậy, nói đi là đi, nói nghỉ là nghỉ thôi. Lúc ấy tôi thấy mình sai.
Nếu có thể quay trở lại, tôi vẫn không hối hận vì quyết định của mình, tôi vẫn sẽ rời đi, nhưng chỉ là tôi sẽ làm chậm lại 1 chút, ở yên đấy 1 chút để thể hiện sự trân trọng, cái ân tình với người đã chỉ cho mình mọi việc.
Rồi sẽ đi.
Bời đường còn dài, đâu việc gì phải vội?
.
.
.
.