Một kỹ năng rằng hết sức cần thiết trong một thế giới hiện đại ồn ào và bát nháo. Đó là kỹ năng lắng nghe.
Mỗi ngày chúng ta lắng nghe sự ồn ào của nhịp sống, lắng nghe những người xung quanh trò chuyện, lắng nghe giai điệu một bài hát, chúng ta đang lắng nghe mỗi ngày, nhưng đây không phải là kỹ năng lắng nghe mà tôi muốn nói đến. Có một sự khác biệt giữa “nghe” và “lắng nghe”, mà tôi và bạn sẽ cùng làm rõ ở đây.
Sẽ ra sao mỗi khi chúng ta muốn chia sẻ một điều gì đó với người đối diện, nhưng lại không nhận được sự đồng cảm và quan tâm. Việc ấy tạo ra trong ta những nổi thất vọng.
Vậy nguyên nhân là do đâu, là do chúng ta chưa biết cách truyền đạt để cho đối phương có thể hiểu rõ hơn về vấn đề, hay nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều người không biết cách lắng nghe thật sự.
Trong hầu hết những cuộc giao tiếp, nhiều người có thói quen nghe không phải để hiểu mà chủ yếu là nghe chỉ để phản hồi. Để đứng ở góc độ cá nhân, rồi mặc định, gán ghép góc nhìn chủ quan vào sự việc đó, mà chẳng hề suy nghĩ và thấu hiểu về những điều người đối diện thật sự muốn truyền đạt.
Thói quen này có là do đâu?
Có phải do việc ta có quá nhiều mối bận tâm, quá chú trọng và tập trung vào cái tôi của bản thân, không biết đặt mình vào vị trí của người khác, để rồi không biết cách để lắng nghe thật sự. Dù rằng thỉnh thoảng ta cũng làm bộ như lắng nghe.
“Lắng nghe là sự hiện diện không lời trước người khác. Lắng nghe, có mặt, chú tâm, mọi ý thức đều hướng về đối phương. Đó là một thái độ phức tạp mà lúc đó ta vừa cho vừa nhận.”
Chúng ta cần học cách tôn trọng lời nói người khác trước hết thông qua việc không phán xét, không áp đặt định kiến cá nhân lên người khác. Mà việc này thì lại rất khó, bởi hầu hết tất cả chúng ta đã quen với việc dễ dàng đánh giá người khác một cách chủ quan và cảm tính. Ta dễ đưa ra những quan điểm vội vàng như tôi đồng ý, tôi không đồng ý, tôi thấy chuyện đó là đúng, hay chuyện đó thật là ngu ngốc..v.v.
Ta mặc định tự gán ghép rằng người khác là xấu xa, là độc đoán, là yếu đuối, ích kỷ. Ta tự dựng nên một bức tường thành kiến rồi mặc định người khác là như thế này, như thế khác. Ta tạo ra một chiếc hộp tự nhốt chính mình vào và rồi chẳng còn không gian để dành cho sự lắng nghe và thấu hiểu chính con người của đối phương.
Và chỉ khi ta dừng lại tất cả mọi đánh giá chủ quan, đó là lúc ta có thể nghe tốt hơn.
Vậy nên điều quan trọng nhất trong việc kết giao một mối quan hệ đó là hãy ngừng việc vội vàng phán xét người khác. Cũng đừng vội vàng đánh giá, mà hãy chấp nhận rằng mình chưa thật sự hiểu họ, và vì thế cần phải sẵn sàng lắng nghe nhiều hơn.
Vậy nên hãy bỏ qua những định kiến, quay về với hiện tại. Dành thời gian để quan sát rõ tâm trí mình. Cho phép mình lắng lại, để tiếp nhận, để thấu hiểu, để cảm thông, và quan trọng hơn hết cũng đừng vội vàng kết luận bất cứ một điều gì khi mà chỉ dựa vào một vài những dữ kiện ban đầu.
Là một người nhạy cảm và có tính cách đôi phần hướng nội, vậy nên dù không nổ lực nhưng tôi vẫn luôn thích lắng nghe người khác hơn là nói. Và dần theo thời gian tôi đã có thể cải thiện được khả năng lắng nghe của mình, nhất là nhờ việc thực hành thiền đã dạy cho tôi có mặt ở ngay giây phút hiện tại, không phán xét, không áp đặt, hoàn toàn thả lỏng, dành sự tập trung trọn vẹn cho cuộc hội thoại. Từ đó tôi dễ dàng thấu hiểu và cởi mở hơn với người khác rất nhiều.
Ngoài ra dưới đây cũng là một trong số những cách để rèn luyện khả năng lắng nghe ngoài việc thực hành thiền có mặt trong giây phút hiện tại.
ĐẶT MÌNH VÀO VỊ TRÍ NGƯỜI KHÁC
Có một câu nói rất hay:
“Hãy thử đi trong đôi giày của tôi trong một ngày” hoặc “Giá như bạn đã đi trong đôi giày của tôi”
Ở đây muốn nhắc đến việc ta có bao giờ thử hoán đổi, có bao giờ thử đặt mình vào trong hoàn cảnh của người khác để có thể hiểu và cảm thông bằng một trái tim sâu sắc và từ bi hơn không.
Trong đạo Phật hay nhắc đến việc hoán đổi bản thân với những người khác không chỉ riêng là việc đặt chính bạn vào vị trí của người khác, mà nó bao hàm cả việc chúng ta phải có lòng từ bi và sự cảm thông để có thể hiểu một cách sâu sắc với người đối diện.
LẮNG NGHE TRONG TỈNH THỨC
Sự lắng nghe chủ động như vậy được Thiền sư Thích Nhất Hạnh gọi là lắng nghe trong tỉnh thức.
Truyền thông bằng tất cả tình thương. Tạo ra một không gian thoải mái, an toàn để mỗi người sẽ dần cởi bỏ lớp phòng vệ của mình, để có thể truyền thông và giao tiếp với nhau một cách trọn vẹn nhất.
Chúng ta nghe không phải vì có người đang nói, chúng ta nghe vì ta biết họ đang cần được lắng nghe. Để có thể lắng nghe được như vậy thực chất không phải quá khó. Nhưng chỉ vì chẳng ai dạy nên chúng ta không ý thức được tầm quan trọng của việc lắng nghe sâu.
Im lặng và lắng nghe cũng cần phải học, thế mới thấy nghệ thuật sống mới tuyệt diệu làm sao.
Có lần tôi trò chuyện với một người bạn qua điện thoại. Tôi thấy ngạc nhiên vì đầu dây bên kia cứ im lặng, hồi lâu tôi cứ tưởng là đường dây bị mất tín hiệu. Tôi vội hỏi: “Bạn còn ở đó không?” và bạn ấy luôn đáp lại tôi rằng: ”Có, mình vẫn ở đây và nghe bạn”. Mỗi lần như vậy tôi lại phát hiện ra rằng, hoá ra việc lắng nghe lại có một tính chất hiện diện khác, hoá ra việc im lặng lại mang đến một sự lắng nghe trọn vẹn bằng tất cả tình thương bao la như thế.
Chúng ta hay có thói quen mỗi khi muốn cầu nguyện một điều gì đó, sẽ là một chuỗi dài lê thê những điều xin xỏ, chúng lấp đầy hết những khoảng không bên trong ta.
Giờ đây tôi hiểu được rằng, cầu nguyện đó là việc hoàn toàn chìm trong im lặng và lắng nghe, sẵn sàng có mặt trong mỗi giây phút hiện tại, bằng lòng với mọi điều xảy đến, cái gì đến sẽ đến, cái gì qua thì sẽ cho qua, không chối bỏ mà cũng chẳng cưỡng cầu.
Tôi nhận ra được một điều rằng, cách tốt nhất để có thể giúp đỡ và đi cùng một người mà họ cần được chia sẻ và lắng nghe đó là: chỉ cần có mặt, im lặng, dành trọn vẹn giây phút hiện tại, hoàn toàn sẵn lòng lắng nghe bằng tất cả tình yêu thương, không xâm lấn, không áp đặt, không phán xét.
Tục ngữ có câu: “Ta có hai tai và một cái miệng, có nghĩa là ta cần lắng nghe gấp đôi nói”.
Luôn nhớ rằng lắng nghe là cho đi. Không chỉ cho đi câu trả lời mà còn cho đi sự có mặt, sự hiện diện ở ngay giây phút hiện tại.
Giống như Osho từng nói về ngôn ngữ của sự tĩnh lặng:
“Có những khoảnh khắc các con sẽ cảm thấy ngôn ngữ trở nên bất lực – trong tình yêu sâu sắc, trong giận dữ cùng cực, trong thù hận, trong nguyện cầu. Có những khoảnh khắc ngôn ngữ thật sự trở nên bất lực và con cần phải làm điều gì đó”. (Trích từ sách “Thân mật – Cội nguồn hạnh phúc.”)
Nghệ thuật giao tiếp đẹp nhất trên thế gian này đó là ngôn ngữ của sự tĩnh lặng, những cử chỉ nhìn vào mắt nhau, nắm tay hay chỉ là một cái ôm xuất phát từ sâu thẳm tình yêu bên trong mỗi người sẽ thay thế được hết mọi điều ta muốn nói. Osho gọi đó là sự giao tiếp đầy thiêng liêng, chứa đựng sự trong sáng, thuần khiết.
Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội, chúng ta lại không ngừng kết nối và kết nối mỗi ngày, để rồi con người chúng ta dường như đã bỏ qua vẻ đẹp của sự tĩnh lặng.
Khi thế giới quá đỗi ồn ào thì cũng là lúc chúng ta nên tập thiền định và đi sâu vào bên trong, nhìn nhận và đối diện với chính mình. Khi ta có thể thưởng thức được sự tĩnh lặng bằng cả trái tim, đó cũng là lúc ta có được nguồn năng lượng để yêu thương chính mình và cả những người xung quanh ta.
(Trích từ: “Một cuốn sách về trò chuyện bằng an“)
. . .